Sẽ tăng cường chế tài phạt hành vi lẩn tránh và gian lận xuất xứ

Theo Bộ Công Thương, đây chỉ là một trong hàng loạt những giải pháp cần sớm thực hiện để đối phó với vấn đề lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào nhiều FTA như CPTPP hay EVFTA.

Phát biểu tại buổi họp triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ ngày 9/7/2019, Bộ trưởng  Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt với sự tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA), hàng loạt nhóm sản phẩm ngành hàng xuất khẩu sang các thị trường quan trọng đều đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất mạnh, duy trì ở mức 2 con số qua nhiều năm như dệt may, điện tử, thủy sản,…

Năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng dần được cải thiện mạnh mẽ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ về “nguy cơ kép” rất lớn về lẩn tránh phòng vệ thương mại để lợi dụng những ưu đãi về xuất xứ từ các FTA.

Tuy nhiên, bên cạnh thu hút đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng một thị trường trung chuyển như Việt Nam cũng phải đối diện với “nguy cơ kép” rất lớn về lẩn tránh phòng vệ thương mại để lợi dụng những ưu đãi về xuất xứ từ các FTA.

Trước yêu cầu cấp thiết tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng kế hoạch và thực hiện triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, theo Quyết định số 824/QĐ-TTg. Dự kiến, kế hoạch hành động của Bộ Công Thương sẽ được Cục Phòng vệ thương mại trình lên Bộ trưởng trước ngày 15/7 tới đây.

Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, theo Quyết định số 824/QĐ-TTg, nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các FTA đã ký kết.

Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi, báo cáo để tích cực đề xuất, triển khai nhiều giải pháp ứng phó với vấn đề lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã có công văn số 588/BCT-KH ngày 3/7/2019 báo cóa Thủ tướng Chính phủ về đánh giá tác động và đề xuất biện pháp ứng phó, điều hành cụ thể trước diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trước đó, ngay sau khi Mỹ áp thuế ở mức 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị tăng cường kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, gồm 8 nhóm sản phẩm là: gỗ, hàng dệt may, da giày và túi xách, máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện, điện gia dụng và linh kiện, điện thoại và linh kiện, nhôm và các sản phẩm nhôm, sắt thép và các sản phẩm sắt thép, xe đạp và linh kiện xe đạp, nhựa và sản phẩm nhựa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời xuất khẩu sang EU; nhôm, gỗ dán, thép cuộn cán nguội, thép chống ăn mòn, gạch men... Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra các trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, Bộ Công Thương đã có các kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lý và phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ, EU trong tất cả các vụ việc điều tra.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng chia sẻ về giải pháp cảnh báo sớm và ứng phó với lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong thời gian qua 

Tuy nhiên, ông Lê Triệu Dũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã nỗ lực trong hoạt động cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát, thẩm tra song tới nay nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vẫn đang gia tăng.

Hành vi lẩn tránh khá phổ biến và đa dạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, ví dụ như thay vì chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cách hợp pháp thì các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể hầu như không sản xuất tại Việt Nam để gian lận xuất xứ, hưởng lợi thuế quan.

Trong khi đó, khi xuất khẩu ra các thị trường khác như Mỹ và EU, cơ chế tự chứng nhận của doanh nghiệp có sự khác biệt nên dù hàng hóa Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nhưng vẫn bị kết luận là lẩn tránh.

“Với các hành vi bất hợp pháp thì thủ đoạn của các doanh nghiệp cũng rất tinh vi, trong nhiều trường hợp chỉ thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ngắn (vài giao dịch) rồi giải thể công ty, cung cấp hồ sơ, tài liệu giả mạo để xin C/O, thậm chí làm và sử dụng C/O giả”, ông Lê Triệu Dũng thông tin, đồng thời cho rằng việc thẩm tra, xác minh hành vi gian lận cũng phức tạp khi mà doanh nghiệp còn lợi dụng các chính sách liên quan tới tạm nhập tái xuất, chuyển tải, quá cảnh.

“Hạn chế trong quy định pháp luật của ta là chế tài phạt còn nhẹ, như Nghị định 185/2013 quy định cơ chế xử phạt hành chính quá nhẹ, làm giả C/O bị phạt tối đa 40 triệu đồng, sử dụng C/O giả bị phạt tối đa chỉ 50 triệu đồng”.

Bộ Công Thương họp triển khai Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ
Bộ Công Thương họp triển khai Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định Bộ Công Thương sẽ tích cực, chủ động triển khai kế hoạch hành động để đối phó với vấn đề đặt ra trong quản lý gian lận xuất xứ, lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Trong đó, tập trung tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài trong 3 nhóm biện pháp chính là cảnh báo sớm, đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóahoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng nâng cao khả năng phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi song song với sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý về chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ cũng như hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ liên quan trong việc ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần nâng cao khả năng phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong phòng vệ thương mại

“Cần phải ngăn chặn, xử lý nghiêm minh thông qua việc tăng cường chế tài đối với các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, cho biết sẽ khẩn trương tiến hành rà soát lại cơ chế, hệ thống cấp C/O để có kiến nghị, nghiên cứu đề xuất nâng mức phạt với các hành vi gian lận xuất xứ và rà soát, kiến nghị việc tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất, đặc biệt với nhóm hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý Cục Phòng vệ thương mại và các đơn bị thuộc Bộ Công Thương, bên cạnh các nhiệm vụ dài hạn, cần phải thực hiện ngay một số biện pháp trước mắt, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong nhiệm vụ chung, đồng thời đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền đóng vai trò then chốt, xuyến suốt để nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập và phòng vệ thương mại của Việt Nam, đồng thời cần sớm thành lập Tổ thường trực thực hiện Đề án hoặc giao Cục Phòng vệ thương mại làm đầu mối thực hiện kế hoạch cũng như Tổ công tác liên ngành phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá do Bộ Công Thương chủ trì.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh lo ngại về tình trạng hàng hóa dán mác Made in Vietnam tràn lan dù không có xuất xứ Việt Nam

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, gần đây, lợi dụng xu hướng ưa chuộng hàng Việt Nam của người dân, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã đưa vào tiêu thụ trong thị trường nội địa nhiều sản phẩm gian lận dán nhãn xuất xứ “Made in Vietnam” thuộc các mặt hàng như thực phẩm, rau củ quả, dệt may, hàng gia dụng, thiết bị xây dựng,…

Những trường hợp như khoai tây Trung Quốc được gắn mác khoai tây Đà Lạt hay quần áo tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) gắn mác các thương hiệu nước ngoài được sản xuất tại Việt Nam là những ví dụ rõ ràng nhất về thực trạng này hiện nay.

“Đây là hành vi gian lận mới, sử dụng phương thức ngày càng tinh vi luồn lách hệ thống pháp luật chúng ta. Nhằm trốn thuế, hàng hóa được gắn mác Made in Vietnam tràn lan trên thị trường dù không phải hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, ông Trần Hữu Linh cho biết, đồng thời nhận định sự khó kiểm soát của thương mại điện tử và việc tận dụng luồng xanh trong nhập khẩu giúp hàng hóa dễ dàng len vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Do vậy, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất cần tăng cường cơ chế thông tin giữa các Bộ, ngành hiệu quả hơn nữa, đồng thời truyền thông mạnh mẽ và phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng trong công tác hậu kiểm, bên cạnh đó cần có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ, truy xuất nguồn gốc.

Đại diện Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ

Ông Nguyễn Hồng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ cho rằng cần có chế tài mạnh hơn để giảm thiểu vi phạm về phòng vệ thương mại và xuất xứ hàng hóa

Theo ông Nguyễn Hồng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Châu Ấu - Châu Mỹ, đối với vấn đề phòng vệ thương mại hiện nay pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định cụ thể, nhưng chưa đủ mạnh về chế tài trong khi đây là một trong những biện pháp giảm thiểu đáng kể các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Hồng Dương cũng cho rằng, hiện nay một số nhóm hàng Việt Nam đang có mức tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường lớn. Do đó cần phối hợp để theo dõi và quan tâm chặt chẽ đến vấn đề xuất xứ ở những mặt hàng này xem có dấu hiệu của hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại hay không để kịp thời thực hiện cơ chế cảnh báo sớm.

Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi Lê Hoàng Oanh
Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi Lê Hoàng Oanh cho rằng cần tập trung phổ biến chính sách về phòng vệ thương mại đến các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu

Chia sẻ với ý kiến trên, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả cho vấn đề này là tập trung phổ biến chính sách với các địa phương, doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang một số thị trường mà Việt Nam hay gặp các vấn đề về phòng vệ thương mại cũng như một số thị trường mà hàng hóa Việt có khả năng bị gian lận xuất xứ, từ đó có sự cẩn trọng và cân nhắc khi tìm kiếm đối tác xuất khẩu.

Đồng thời, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi cũng sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về các thị trường nước ngoài để kịp thời phát hiện và cảnh báo những nguy cơ về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết đang xây dựng đề án hướng dẫn các nhà cung ứng nội địa quy trình, quy định sản xuất và phân phối hàng hóa

Trong khi đó, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khuyến nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là về các FTA đang có sự tham gia của Việt Nam, để từ đó, giúp bảo vệ thị trường nội địa và phát triển hoạt động thương mại.

Theo ông Trần Duy Đông, trong đề án mới Vụ Thị trường trong nước xây dựng sẽ có giải pháp để hình thành các nhà phân phối lớn, đồng thời hướng dẫn các nhà cung ứng Việt Nam sản xuất và đưa hàng vào hệ thống phân phối đúng theo quy trình, quy định nhằm hạn chế tối đa hành vi gian lận thương mại.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh chia sẻ thông tin về thương mại, xuất nhập khẩu cần dựa trên nền tảng công nghệ

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cho rằng đối với các FTA hiện nay, bên cạnh hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp, các cơ quan  chức năng cũng cần có nhận thức mạnh mẽ hơn về kiểm soát vấn đề lẩn tránh, gian lận phòng vệ thương mại. Trong đó, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh đẩy mạnh chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành và Hiệp hội, doanh nghiệp cần dựa trên nền tảng công nghệ, hướng đến hoàn thiện cơ chế giám sát về xuất xứ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường nhân lực để việc triển khai Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ có hiệu quả thiết thực.

“Cần thành lập tổ giám sát xuất nhập khẩu để giám sát việc xuất khẩu và tổ giám sát cấp C/O, qua đó chia sẻ các vấn đề về gian lận, tương tự như vậy cũng cần có tổ giám sát hoạt động đầu tư," đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Thy Thảo