Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, mặc dù có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định trong thời gian dài nhưng hiện tại Singapore cũng như nhiều quốc gia khác đang phải chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng từ sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, ngân sách dành cho chi tiêu chăm sóc sức khỏe người dân, đối phó với biến đổi khí hậu, chi phí vận tải và các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác ngày càng tăng.
Thuế dịch vụ hàng hóa (GST) là nguồn thu chính và bền vững để phục vụ cho các dịch vụ công, hỗ trợ xã hội nói trên. Từ năm 2022, Bộ Tài chính Singapore đã thông báo lộ trình tăng thuế GST sau 15 năm giữ mức thuế này không đổi ở mức 7% (kể từ năm 2007). Theo đó, thuế GST của Singapore đã tăng từ 7% lên 8% vào ngày 01/01/2023 và sẽ tiếp tục tăng lên thành 9% vào ngày 01/01/2024.
Mới đây, Cơ quan quản lý doanh thu nội địa của Singapore cũng đã ban hành Hướng dẫn cho các doanh nghiệp chịu thuế dịch vụ hàng hóa (GST) năm 2024 và có thông báo về việc tăng thuế GST của Singapore lên 9% bắt đầu từ ngày 01/01/2024.
Theo các chuyên gia, việc Singapore tăng thuế GST lên 9% có thể sẽ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực trong kinh doanh và thị trường Singapore.
Thứ nhất là khả năng suy giảm trong chi tiêu tiêu dùng. Thuế dịch vụ hàng hóa (GST) tăng sẽ dẫn đến giá chung của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường cũng tăng lên, gây tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các hàng hóa xa xỉ. Có thể dự đoán về việc người dân sẽ cân nhắc chi tiêu ít đi hoặc tìm kiếm những sản phẩm có giá thành phải chăng và chất lượng vừa phải hơn.
Thứ hai, dự báo lạm phát tăng. Tuy nhiên, theo tính toán của Chính phủ Singapore thì lạm phát sẽ được kiểm soát với lộ trình tăng thuế GST theo giai đoạn như hiện nay.
Thứ ba, gia tăng áp lực chi phí lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore. Việc tăng thuế dịch vụ hàng hóa (GST) sẽ tác động sâu hơn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này đang phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng về lực lượng lao động, logistic và năng lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh khi họ buộc phải tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ của mình hoăc tìm kiếm nguồn cung, đối tác khác để có mức giá đầu vào thấp hơn, đảm bảo công việc kinh doanh.
Trước tình hình chi phí cho sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt gia tăng, có thể dự đoán xu hướng tiêu dùng của đại đa số người dân Singapore trong thời gian tới sẽ thắt chặt hơn và các doanh nghiệp nước này, về lâu dài, sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các nhà cung cấp hàng hóa với mức giá phải chăng hơn. Việt Nam sẽ là một trong số những nhà cung cấp mà doanh nghiệp Singapore rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn hợp tác dài hạn.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến nghị các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, trưng bày, tăng sự hiện diện các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Singapore. Đồng thời, tạo điều kiện tổ chức các đoàn giao thương, làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư công nghiệp và dịch vụ, qua đó góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Singapore.