Sở Công Thương Tiền Giang: Hoạt động công nghiệp và thương mại đạt nhiều kết quả tích cực

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành Công Thương Tiền Giang đã triển khai thực hiện vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới đều đạt được những kết quả rất tích cực.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương, Ông Đăng Văn Tuấn – Q. Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết: Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành Công Thương Tiền Giang đã triển khai thực hiện các kế hoạch vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới đều đạt được những kết quả rất tích cực.

Ông Đăng Văn Tuấn – Q. Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang
Ông Đăng Văn Tuấn – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang

Hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 diễn ra ổn định và có xu hướng tăng hơn so cùng kỳ, lượng hàng hóa dồi dào, các đơn vị kinh doanh chủ động dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng là 56.024 tỷ đồng, đạt 78,9% kế hoạch, tăng 25,6% so cùng kỳ. Trong đó thương nghiệp 47.240 tỷ đồng, tăng 24,6%; lưu trú, ăn uống 3.773 tỷ đồng, tăng 30,1%; du lịch lữ hành 32 tỷ đồng, tăng 4,5 lần; dịch vụ tiêu dùng khác 4.979 tỷ đồng, tăng 31,1% so cùng kỳ.

Hoạt động xúc tiến thương mại trong 9 tháng đầu năm 2022 được ngành Công thương triển khai rộng rãi theo các kế hoạch. Hoàn thành tổ chức 04 Điểm bán hàng Việt Nam năm 2022 từ ngân sách tỉnh (65 triệu đồng): Cửa hàng Bách hóa Tân Mỹ Chánh tại Cụm Công nghiệp Tân Mỹ Chánh, phường 9, thành phố Mỹ Tho; Cửa hàng Bách hóa Chợ Cũ tại đường Học Lạc, phường 8, thành phố Mỹ Tho; Trung tâm Bách hóa Dưỡng Điềm tại xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành; Cửa hàng Bách hóa Út Hường tại Ấp Lợi Nhơn, xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2022 ước 2.947,4 triệu USD, đạt 88% kế hoạch, tăng 27,3% so cùng kỳ, Hàng hóa của tỉnh đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Đáng chú ý là số lượng DN thành lập mới cho thấy môi trường đầu tư của Tiền Giang không ngừng cởi mở và đang phát huy hiệu quả. Trong 9 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh có khoảng 695 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 5.078 tỷ đồng, tăng gần 4% so với kế hoạch phát triển DN năm 2022. Có hơn 700 hộ kinh doanh thành lập mới, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đã xây dựng các kế hoạch hỗ trợ DN, người lao động như: Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cũng như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất...

Những kết quả đạt được phản ánh những nỗ lực của Sở Công Thương Tiền Giang trong triển khai các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN như: Tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các DN trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; Tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm, lắng nghe các ý kiến nhằm động viên, khuyến khích DN; tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ tiếp xúc với các DN trong Khu công nghiệp Long Giang; Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An; tổ chức Hội nghị giới thiệu danh mục đầu tư năm 2022. Đến đầu tháng 9 năm 2022, Tiền Giang đã thu hút thêm được 10 dự án đầu tư mới vào các khu – cụm công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 834 tỷ đồng, tăng gấp 4,68 lần so với cùng kỳ năm trước.

Giới thiệu sản phẩm tại hội nghị xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang
Giới thiệu sản phẩm tại hội nghị xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang

Theo Ông Đăng Văn Tuấn, ngành Công Thương Tiền Giang đang nỗ lực đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển nông sản chủ lực, thu hút phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh./.

Văn Thắng