Sóc Trăng tạo mặt bằng sạch đón nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp

Thời gian qua, Sóc Trăng đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp.

Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập 06 cụm công nghiệp, trong đó có 02 cụm công nghiệp giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (CCN Xây Đá B, Cụm Công nghiệp Xây Đá B mới), 03 cụm công nghiệp giao Ban Quản lý cụm công nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư (CCN Ngã Năm, CCN An Lạc Thôn 1, CCN An Lạc Thôn 2) và 01 CCN chưa có nhà đầu tư (CCN Vĩnh Châu).

Thời gian qua, Sóc Trăng đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp; chú trọng công tác quản lý. Đồng thời, thực hiện những giải pháp đồng bộ về vốn, đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách... với những hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư yên tâm đến với địa phương đầu tư…

Trong tổng số cụm công nghiệp đã được thành lập, có 02 cụm công nghiệp đã có dự án thứ cấp (CCN Ngã Năm, CCN An Lạc Thôn 1), 01 CCN đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật (CCN Xây Đá B), 01 CCN đang làm thủ tục chuyển đổi đất lúa và thực hiện giải phóng mặt bằng (CCN Xây Đá B mới), số cụm công nghiệp còn lại đang thực hiện kêu gọi đầu tư. Năm 2022, Sở Công Thương Sóc Trăng phối hợp với các Sở ngành và địa phương, xét chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và đề xuất thành lập cụm công nghiệp Xây Đá B mới. 

Trong năm 2022, Sở Công Thương phối hợp với các địa phương xây dựng Phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, có 19 CCN với diện tích 1.021,83 ha. Giai đoạn 2021- 2025, Sóc Trăng có 12 cụm công nghiệp với diện tích 670,89 ha, giai đoạn 2026-2030 phát triển 7 cụm công nghiệp với diện tích 350,94 ha.

Ngày 13/3/2023, Sở Công Thương Sóc Trăng đã có báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 29/6/2021của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Sóc Trăng về định hướng phát triển khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2030. Theo đó, hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải thiện hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển công nghiệp nói chung, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế nói riêng gắn với tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hợp tác phát triển. Năm 2022, tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, qua đó, có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến khảo sát, đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thực hiện dự án thứ cấp tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ, đã lập hồ sơ đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp An Lạc Thôn 2; Công ty Cổ phần BTN Hiệp Phát và Công ty TNHH TMDV Ngọc Mười Hưng Thịnh quan tâm thực hiện dự án thứ cấp trong cụm công nghiệp Ngã Năm; Công ty Cổ phần BCG LAND, Công ty Cổ phần Long Đức Group và Liên doanh Nhà đầu tư T&T Group JSC – Futa Group quan tâm xin thực hiện làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Long Đức 1 và cụm công nghiệp Long Đức 2.

soctrang
Cải thiện hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển công nghiệp nói chung, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Sóc Trăng

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, UBND các huyện, thị trong thực hiện xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư qua tâm khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư và đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Hơn nữa, việc thành lập cụm công nghiệp sẽ tạo được quỹ đất sạch cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong khu vực nội thị, khu đông dân cư; thuận tiện trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đôi thị, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương.

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về CCN từng bước được hoàn thiện, các văn bản quản lý nhà nước tại địa phương được ban hành và triển khai kịp thời, thống nhất đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan chấp hành đúng các chủ trương, quy định của nhà nước về phát triển CCN. Phương án phát triển cụm công nghiệp đã được xây dựng tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, hạn chế; mô hình chủ đầu tư là Ban Quản lý cụm công nghiệp cấp huyện chưa được thực hiện hiệu quả do ngân sách các địa phương hạn hẹp, thiếu biên chế và kinh phí hoạt động.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương còn khó khăn, vướng mắc; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp kéo dài. Nguồn vốn ngân sách chi cho đầu tư phát triển cụm công nghiệp còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại một số cụm công nghiệp được quy hoạch thiếu đồng bộ, chi phí GPMB cao, kết cấu nền đất yếu.

Từ đó, suất đầu tư trên một ha đất công nghiệp cao, khó thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, có sự chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư về việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đầu tư, phát triển công nghiệp nhanh, hiệu quả, bền vững từ lợi thế có sẵn của địa phương để làm động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, theo kịp đà phát triển chung của quốc gia và trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đông Sơn