Tác động của nợ nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

NGUYỄN HỮU CUNG (Khoa Các Khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội) - TRẦN THỊ HOA (Khoa Quản lý kinh doanh - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết sử dụng bộ dữ liệu chuỗi thời gian thứ cấp trong giai đoạn 1995-2019 để xác định tác động của nợ nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ ODA đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam bằng việc sử dụng một cách tiếp cận tuyến tính. Bộ dữ liệu được thu thập từ Ngân hàng Thế giới (the World Bank) và các cơ quan có liên quan. Kết quả thực nghiệm cho thấy, ảnh hưởng của nợ nước ngoài, FDI, ODA đối tăng trưởng kinh tế là có một dấu hiệu dương và có ý nghĩa. Từ kết quả nghiên cứu này, bài viết đề xuất một số hàm ý chính sách để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn nợ nước ngoài, FDI và ODA, nhằm tạo ra sự tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Từ khóa: GDP, nợ nước ngoài, FDI, ODA.

1. Đặt vấn đề

Tăng trưởng kinh tế có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời cho biết quy mô nền kinh tế giữa năm hiện tại và năm trước, hoặc giai đoạn hiện tại và giai đoạn trước. Một nghiên cứu của Chirwa và Odhiambo (2016) cho rằng, tăng trưởng kinh tế cao và bền vững được coi là chủ đề trọng tâm và là thành tựu của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nước đang phát triển. Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa tổng sản phẩm quốc nội và đầu tư trực tiếp nước ngoài, Cung (2019) khẳng định rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cho biết quy mô nền kinh tế trong tương lai.

Dưới tác động của đổi mới kinh tế từ năm 1986 đến nay, một thành tựu nổi bật đó là đã đưa nền kinh tế Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng (TT) cao nhất thế giới. Theo lý thuyết tăng trưởng kinh tế và thực tế ở các nước, có 4 yếu tố chính gồm nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ là động lực duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam có 2 động lực chính là lực lượng lao động trẻ và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Mặc dù 2 động lực này đã tạo ra nhiều thành tựu cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động già hóa. Đây được coi là những dấu hiệu cho thấy sự lạc hậu của mô hình TT này. Sự lỗi thời của mô hình TT ngày càng trở nên rõ ràng kể từ khi xuất hiện cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008 và đại dịch Covid-19. Đến nay, việc chuyển đổi mô hình TT đang được từng bước triển khai trên thực tế theo hướng kết hợp hiệu quả giữa phát triển chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng TT và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh, chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững. Mục đích của bài báo này là tập trung phân tích tác động của nợ nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2015-2019 và những thay đổi trong tình hình mới của đại dịch Covid-19, các gợi ý chính sách sẽ được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn nước ngoài, trong đó có nợ nước ngoài.

2. Tổng quan tài liệu

 Một kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, dòng vốn chảy vào bao gồm nợ nước ngoài ròng và hỗ trợ phát triển chính thức ròng có tác động tiêu cực đáng kể về tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển, trong khi mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng với kiều hối ròng và tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu tích cực, có ý nghĩa trong dài hạn (Rehman và Ahmad, 2016). Abouelfarag và Abed (2019) phân tích mối quan hệ giữa dòng vốn nước ngoài và tăng trưởng kinh tế ở Ai Cập, kết quả cho thấy nợ nước ngoài và tăng trưởng kinh tế có ảnh hưởng không đáng kể, trong khi mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế có tác động tích cực yếu. Moheyuddin (2006) đã xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính bội với 2 biến độc lập (FDI, ODA) và một biến phụ thuộc (GDP) ở Pakistan trong giai đoạn 1975-2004, kết quả cho thấy nguồn vốn nước ngoài đã góp phần làm thay đổi các lĩnh vực khác theo hướng tích cực như cơ cấu kinh tế, lĩnh vực công nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách, hỗ trợ khắc phục thâm hụt ngân sách và thâm hụt BOP,... Caner và cộng sự (2010) xác định mức tới hạn, khi tỷ lệ nợ công bình quân trên GDP tăng lên làm giảm mức TT bình quân hàng năm của các nước phát triển và đang phát triển trong giai đoạn 1980-2008. Erum và cộng sự (2016) đã sử dụng dữ liệu tổng hợp trong giai đoạn 1990-2014 của Hiệp hội Các nước hợp tác khu vực Nam Á, kết quả cho thấy FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Mowlaei (2018) đã nghiên cứu dữ liệu của 26 quốc gia hàng đầu châu Phi về mối quan hệ giữa dòng vốn nước ngoài và tăng trưởng kinh tế, kết quả thực nghiệm cho thấy FDI, kiều hối cá nhân và ODA có tác động tích cực và đáng kể đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, ngắn hạn.

Dựa vào kết quả tổng quan các tài liệu cho thấy, mối quan hệ giữa nợ nước ngoài, ODA và tăng trưởng kinh tế có thể là một dấu hiệu dương và có ý nghĩa, không hoặc ít ảnh hưởng, hoặc là một dấu hiệu tiêu cực phụ thuộc vào từng điều kiện bối cảnh của mỗi quốc gia. Trong khi đó, các nghiên cứu đều cho thấy mối quan hệ giữa FDI đối với tăng trưởng kinh tế là một dấu hiệu dương và có ý nghĩa.

3. Dữ liệu và mô hình nghiên cứu

Dựa trên dữ liệu thu thập được từ 1 biến phụ thuộc và 3 biến độc lập, nghiên cứu này chỉ xem xét ảnh hưởng của các nhân tố đại diện cho dòng vốn nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Mô hình thực nghiệm được sử dụng để xác định ảnh hưởng của vốn vay nước ngoài, FDI, ODA đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Trong phạm vi của bài viết này, một mô hình tuyến tính được tác giả sử dụng để thực hiện phân tích hồi quy và tương quan. Để đạt được mục đích của nghiên cứu, tác giả sử dụng bộ dữ liệu chuỗi thời gian thứ cấp từ năm 1995 đến năm 2019 được thu thập từ Ngân hàng Thế giới. Dữ liệu của bài báo được trình bày, phân tích và giải thích bằng cách sử dụng thống kê mô tả và thống kê suy luận như hồi quy và tương quan. Kết quả hồi quy cho thấy đã xảy ra hiện tượng tự tương quan bậc nhất và khắc phục bằng cách sử dụng mô hình sai phân tổng quát, còn lại không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào để kết luận đối với sự không phù hợp của mô hình.

Dưới đây là biểu đồ thể hiện mối quan hệ giữa nợ nước ngoài, FDI, ODA và tăng trưởng kinh tế.

Hình 1: Mối quan hệ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc

tăng trưởng kinh tế

Bảng 1. Giải nghĩa các biến trong mô hình

tăng trưởng kinh tế

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Thống kê mô tả

Bảng 2. Kết quả thống kê mô tả

tăng trưởng kinh tế

Dữ liệu đầu ra trong Bảng 2 cho thấy, GDP bình quân thực tế đạt 104,4993 tỷ USD, GDP thực tế tối đa và tối thiểu lần lượt là 261,9210 tỷ USD và 20,73600 tỷ USD, tăng khoảng 12,63 lần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân/năm đạt khoảng 6,76% giai đoạn 1995-2019. Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đổi mới kinh tế và sự thay đổi này đã trở thành động lực to lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và cải thiện các vấn đề xã hội, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 1986-2019 khoảng 6,6%. Tuy nhiên, nếu so sánh trước và sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, có một sự khác biệt nhỏ, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 6,16% trong giai đoạn 1986-1994 và 6,76% cho giai đoạn 1995-2019. Số liệu này chứng minh đây là kết quả của quá trình cải cách kinh tế tích cực của Việt Nam, với mong muốn trở thành nền kinh tế thị trường phát triển và kỳ vọng trở thành đối tác chiến lược với tất cả các nước trên thế giới.

4.2. Phân tích tương quan và hồi quy

Bảng 3. Ma trận tương quan giữa GDP và các biến độc lập

tăng trưởng kinh tế

Kết quả tương quan trong Bảng 3 cho thấy có một dấu hiệu tích cực và đáng kể giữa GDP thực tế và nợ nước ngoài, FDI, ODA. Các kết quả tương quan này chứng minh một thực tế rằng các chính sách thu hút và tăng cường dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đã và đang có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1995-2019. Hơn nữa, những năm gần đây, trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, Việt Nam vẫn rất coi trọng dòng vốn nước ngoài thông qua các chính sách về đất đai, cải cách hành chính, thuế, tín dụng và lãi suất,...

Bảng 4. Kết quả phân tích hồi quy cho GDP và các biến giải thích

tăng trưởng kinh tế

Kết quả hồi quy trong Bảng 4 cho thấy mô hình nhất quán và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 1% (Prob (F-Statistics) = 0,000000). Dấu hiệu β1, β2, β3 cho thấy ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê của nợ nước ngoài, FDI, ODA đến tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, R2 = 0.984869 cho thấy mức giải thích của các yếu tố quyết định đến GDP thực tế theo R2 bằng 98,48%. Điều này có nghĩa là khoảng 98,48% sự thay đổi trong GDP thực tế được giải thích bởi mô hình này thông qua các biến giải thích như nợ nước ngoài, FDI, ODA. Giá trị d của kiểm định Durbin-Watson bằng 0.671320, điều này kết luận rằng mô hình có hiện tượng tự tương quan. Để khắc phục hiện tượng tự tương quan, bài viết sử dụng phương trình sai phân tổng quát và kết quả hồi quy được thể hiện trong Bảng 5.

Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy phương trình sai phân tổng quát

tăng trưởng kinh tế

Bằng chứng thực nghiệm trong Bảng 4 và Bảng 5 cho thấy, mối quan hệ giữa nợ nước ngoài, FDI, ODA và tăng trưởng kinh tế là một dấu hiệu tích cực và có ý nghĩa thống kê, nghĩa là việc vay nợ nước ngoài, các chính sách thu hút dòng vốn FDI và nhận viện trợ nước ngoài đã phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Kết quả phát hiện về mối quan hệ giữa nợ nước ngoài và tăng trưởng kinh tế không phù hợp với kết quả nghiên cứu của đa số các tài liệu đã tổng quan ở trên, chỉ duy nhất phù hợp với nghiên cứu của Abouelfarag và Abed (2019). Bằng chứng thực nghiệm phát hiện tác động của FDI đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam phù hợp với nghiên cứu của Abouelfarag và Abed (2019), Moheyuddin (2006), Erum và cộng sự (2016), Mowlaei (2018). Tương tự, bằng chứng cho thấy có một tác động tích cực của ODA đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Mowlaei (2018) và không phù hợp với nghiên cứu của Rehman và Ahmad (2016). Qua đây khẳng định, các chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong việc vay nợ nước ngoài, thu hút FDI và nhận viện trợ chính thức đã, đang có tác động tích cực đối với nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Và theo nhận định của tác giả, với những gì Việt Nam đang thực hiện, nguồn vốn nước ngoài vẫn được thu hút hiệu quả cho giai đoạn áp dụng mô hình tăng trưởng mới.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của nợ nước ngoài, FDI, ODA đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam có mối quan hệ nhân quả thuận chiều. Dựa trên những phát hiện của bài báo này, tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách như sau.

Thứ nhất, để sử dụng các khoản vay nợ nước ngoài hiệu quả và tránh rủi ro vỡ nợ cần có những giải pháp thông qua các chính sách hiệu quả, hành động tích cực, sự minh bạch. Quản lý nợ nước ngoài hiệu quả nhất là sử dụng các khoản nợ đúng mục đích, tạo ra giá trị gia tăng, tránh thất thoát nguồn vốn vay, cụ thể hóa trách nhiệm chủ thể sử dụng nguồn vốn vay. Để tránh rủi ro vỡ nợ, cần phải đảm bảo nguyên tắc vay và trả nợ theo đúng thời hạn, cân đối tỷ lệ an toàn giữa nguồn vốn trong nước và nguồn vốn vay nước ngoài, căn cứ vào mức độ đóng góp vào nền kinh tế để cân đối tỷ trọng vay nợ nước ngoài giữa khu vực tư và công.

Thứ hai, bên cạnh việc ban hành các chính sách ưu đãi trong thu hút FDI, Việt Nam cần chuẩn bị tốt các nguồn lực đối ứng cả trực tiếp và gián tiếp như chất lượng nguồn nhân lực thông qua đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt chất lượng đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, chất lượng sức khỏe thể chất và tâm lý thông qua nâng cao năng lực hệ thống y tế quốc gia, quy hoạch rõ ràng, minh bạch về việc sử dụng đất cho các mục đích khác nhau, phát triển cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư công như một nguồn vốn mở để thu hút đầu tư tư nhân, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, loại bỏ nhanh hơn các chi phí không chính thức và các chi phí khác.

Thứ ba, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút viện trợ và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong giai đoạn tới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: sử dụng viện trợ nước ngoài theo cam kết, nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ và vốn vay ưu đãi nước ngoài, tăng vốn đối ứng, nhất là đối ứng vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án đầu tư xây dựng, tăng cường minh bạch trong quản lý và sử dụng, tăng cường hợp tác công tư (PPP) trong thu hút đầu tư và sử dụng viện trợ, vay ưu đãi, nâng cao kiểm soát và đánh giá việc sử dụng viện trợ, vốn vay ưu đãi nước ngoài, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong việc thu hút viện trợ và vốn vay nước ngoài, dần chuyển đổi các khoản viện trợ và vốn vay ưu đãi trước đây sang vốn vay có mức độ ưu đãi kém hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chirwa, T. G., and Odhiambo, N. M. (2016). Sources of Economic Growth in Zambia: An Empirical Investigation. Working Paper, 5.
  2. Cung, N.H. (2019). Gross domestic product and foreign direct investment: Empirical evidence from Vietnam. European Scientific Journal, 15(31), 38-51.
  3. Rehman, S.U., and Ahmad, H.K. (2016). The Impact of foreign capital inflows on economic growth: Pooled mean group analysis for developing countries. Pakistan Economic and Social Review, 54(2) (Winter 2016), 191-203.
  4. Abouelfarag, H.A., and Abed, M.S. (2019). The impact of foreign capital inflows on economic growth and employment in Egypt. Journal of Economic and Administrative Sciences, 36(3), 258-276.
  5. Moheyuddin, G. (2006). Impact of foreign capital inflows (FCI) on economic growth in Pakistan [1975-2004]. MPRA Paper No. 1233, posted 25 Apr 2007 UTC.
  6. Caner, M., T. Grennes and F. Koehler-Geib. (2010). Finding the Tipping PointWhen Sovereign Debt Turns Bad. The World Bank, Policy Research Working Papers, no. 5391.
  7. Erum, N., Hussain, S., and Yousaf, A. (2016). Foreign Direct Investment and Economic Growth in SAARC Countries. The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 3(4), 57-66.
  8. Mowlaei, M. (2018). The Impact of Foreign Capital Inflows on Economic Growth on Selected African Countries. African Journal of Economic and Management Studies, 9(4), 523-536.

IMPACT OF FOREIGN DEBT

ON VIETAM’S ECONOMIC GROWTH

• NGUYEN HUU CUNG1

• TRAN THI HOA2

1School of Interdisciplinary studies, Vietnam National University - Hanoi

2Faculty of Business Administration, Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

With the linear approach, this study uses a secondary time series data set over the period from 1995 to 2019 to determine the impact of foreign debt, foreign direct investment (FDI) and official development assistance (ODA) on the economic growth of Vietnam. The study’s data set is collected from the World Bank and related agencies. The study’s experimental results show that foreign debt, FDI and ODA has a positive and significant correlation on Vietnam’s economic development. Based on the study’s results, some policy implications are made to help Vietnam improve the efficiency of of attracting foreign debt, FDI and ODA flows in order to gain positive impacts on the country’s economic growth in the coming time.

Keywords: GDP, foreign debt, FDI, ODA.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2022]