Sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện sự tiếp cận tích cực hơn và những lợi ích FTA này đem lại cũng rõ rệt hơn, trong đó Hiệp định này được đánh giá có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất theo thời gian có hiệu lực so với các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia.
Tỷ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi khá tích cực
Trao đổi tại Tọa đàm "Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9/12, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi trong khuôn khổ EVFTA trong hai năm đầu thực hiện EVFTA là là 18,7 tỷ USD. Mức độ các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp trong khuôn khổ EVFTA đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU.
"Đây là một con số được nhìn nhận khá tích cực, cho thấy EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng", bà Hiền cho biết.
Bà Hiền cũng lưu ý, con số 20% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang EU được cấp C/O mẫu EUR.1 không có nghĩa là 80% kim ngạch còn lại đang phải chịu thuế cao và cũng không nói hết lên việc kim ngạch hàng hóa của chúng ta đang được hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường EU.
Bởi hàng hóa xuất khẩu đi EU thời gian qua có nhiều lựa chọn ưu đãi. Có những dòng thuế thực hiện theo cam kết của WTO đã bằng 0%, không cần phải có Giấy chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu đi EU có thể có một lựa chọn khác là hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ thuế quan phổ cập GSP của EU dành cho các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam; thứ ba là doanh nghiệp còn có thể tự chứng nhận xuất xứ cho những lô hàng có kim ngạch trị giá từ 6000 euro trở xuống theo quy định của EVFTA.
Trong điều kiện đó, tỷ lệ cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu đi EU cũng có sự khác nhau ở từng thị trường, từng mặt hàng cụ thể. Hàng xuất khẩu đi EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của Châu Âu, ví dụ như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp... Còn đối với những mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản...
Ở góc độ thực tiễn doanh nghiệp xuất khẩu, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhìn nhận Hiệp định EVFTA góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày. Trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU của ngành da giày chỉ chiếm vào khoảng 22 - 23% và sau khi hiệp định có hiệu lực thì tỷ trọng này đã nâng lên là 26%.
Đặc biệt, theo bà Xuân, trong hai năm vừa qua khi ngành da giày chịu tác động của đại dịch Covid nên hầu như xuất khẩu vào các thị trường đều có sự suy giảm, tuy nhiên nhờ Hiệp định EVFTA ngành da giày vẫn duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU và năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng lớn nhất thì thị trường EU vẫn có sự tăng trưởng. Nhờ thế kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 vẫn đạt kế hoạch đề ra và trong thời gian 9 tháng năm 2022, tăng trưởng của thị trường EU khá tốt với mức độ 15% và hầu như xuất khẩu vào các thị trường trong khối đều tăng trưởng ở mức 15 - 20%.
Cần đầu tư cho công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Chia sẻ về những điểm khác biệt trong quy định thực hiện quy tắc xuất xứ theo EVFTA so với những quy định ưu đãi thuế quan khác, bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho rằng, bên cạnh thuận lợi mang lại là giảm thiểu thủ tục hành chính, các ưu đãi về thuế thì để tận dụng quy tắc xuất xứ theo EVFTA cũng có những quy định riêng về thủ tục mang tính vừa linh hoạt, vừa khác biệt so với các hiệp định khác mà doanh nghiệp cần lưu ý nắm bắt và thực hiện đúng.
Theo bà Bình, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA đã được quy định ở Nghị định thư số 1 về Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính giữa Việt Nam và EU, trong đó có những điểm rất cụ thể, khác biệt nổi trội và doanh nghiệp cần nắm chắc như quy định về cộng gộp, cho phép cộng gộp chéo hay quy định liên quan đến hạn mức linh hoạt...
Làm rõ một số điểm linh hoạt hơn trong quy tắc xuất xứ của EVFTA, bà Bình dẫn chứng một số quy định liên quan đến lĩnh vực thủ tục hải quan. Đơn cử, EVFTA có quy định về nguyên tắc lãnh thổ, theo đó về nguyên tắc hàng hóa trong quá trình vận chuyển có thể quá cảnh qua một nước không thành viên, tuy nhiên cần đáp ứng hàng hóa không bị một số hoạt động can thiệp trong quá trình vận chuyển. EVFTA cũng cho phép hàng hóa được chia nhỏ hoặc là hàng hóa được thực hiện một số hoạt động như là dán nhãn niêm phong...
Bà Bình lưu ý, tương ứng với các điểm linh hoạt như vậy sẽ có một số khó khăn nhất định, ví dụ để có thể tận dụng được ưu đãi theo quy tắc xuất xứ EVFTA có một số quy định về chứng từ. Trong trường hợp hàng hóa quá cảnh qua nước không thành viên thì chứng từ cần cung cấp để chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy tắc vận tải trực tiếp...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi muốn sử dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang EU cần nghiên cứu, nắm chắc những quy định về thủ tục như: hàng hóa nhập khẩu có thuộc trường hợp, đối tượng cần phải nộp chứng từ chữ cho hải quan hay không; Hàng hóa xuất khẩu không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ hải quan, tuy nhiên cần xin C/O ưu đãi theo quy định được cấp bởi cơ quan thẩm quyền hoặc tự chứng nhận xuất xứ; thông tin về xuất xứ hàng hóa mặc dù không phải nộp chứng từ cho hải quan nhưng là thông tin bắt buộc khai báo trên tờ khai xuất khẩu...
"Các cam kết Hiệp định đều được luật hóa, cụ thể hóa tại các văn bản pháp quy, có thể do mới thực hiện triển khai, doanh nghiệp chưa tiếp cận được hết nên nhiều khi không đáp ứng được các quy định. Quá trình giai đoạn đầu thực hiện hiệp định, chúng tôi có nhận được những phản ánh từ doanh nghiệp cũng như hải quan địa phương về những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải", bà Bình thông tin.
Đặc biệt, bà Bình lưu ý, có những quy định khác nhau giữa hàng hóa nhập khẩu từ EU vào Việt Nam và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi EU. "Trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu muốn áp dụng C/O ưu đãi thì có nhận được C/O được cấp bởi cơ quan thẩm quyền Châu Âu cũng không phải chứng từ hợp lệ. Bởi vì Châu Âu đã thông báo chỉ áp dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ, hoàn toàn ngược lại với hàng xuất khẩu. Đó là sự khác biệt doanh nghiệp cần phải nắm chắc để biết rằng chứng từ nào phù hợp với loại hàng hóa nào, vì đối với xuất khẩu khác và nhập khẩu là quy định khác nhau".
Chia sẻ với ý kiến này, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, việc tận dụng các ưu đãi của EVFTA không có nhiều khó khăn với những doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu thành công vào EU, tuy nhiên với những doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia xuất khẩu vào thị trường EU thì cần nắm bắt các quy định, thủ tục để thực hiện đúng, tận dụng được những ưu đãi của Hiệp định.
Một thông tin đáng chú ý là kể từ ngày 01/01/2023, cơ chế GSP đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ hết hiệu lực. Khi đó, cơ chế chứng nhận xuất xứ đối với hàng đi EU sẽ thực hiện theo quy định và cơ chế chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA.
Khuyến nghị với doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho rằng, không chỉ các thủ tục chứng nhận xuất xứ mà các doanh nghiệp cần lưu ý đến câu chuyện hậu kiểm, xác minh xuất xứ. "Hàng hóa có giấy chứng nhận xuất xứ hay có những chứng từ tự chứng nhận xuất xứ không phải tại thời điểm nộp các chứng từ đó cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu đã là xong việc mà sau đó còn câu chuyện liên quan đến kiểm tra sau thông quan của bên hải quan nước nhập khẩu, còn có câu chuyện liên quan đến hậu kiểm", bà Hiền lưu ý.
Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống lưu trữ chứng từ, hồ sơ cẩn thận để đề phòng trường hợp sau này nếu có yêu cầu xác minh xuất xứ, nếu như có hậu kiểm thì chúng ta hoàn toàn có đầy đủ khả năng chứng minh xuất xứ cho những lô hàng mà mình đã xuất khẩu có thể từ trước đấy một năm, hai năm và những ưu đãi thuế quan sẽ vẫn được áp dụng theo khuôn khổ EVFTA đối với những lô hàng bị yêu cầu xác minh xuất xứ như vậy.
Hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt để tận dụng ưu đãi và tránh những rủi ro
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, để gia tăng tận dụng những ưu đãi trong EVFTA, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện mở rộng phát triển vùng nguyên liệu với những công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường đáp ứng được các tiêu chí của EU. Có chính sách thu hút nguồn lực công nghệ cao từ EU, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực về thiết kế nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời trang bị những kiến thức, nâng cao năng lực để mở rộng dư địa thị trường và cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có sự chủ động tận dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi và những ưu đãi khác của Hiệp định EVFTA. Riêng với ngành da giày, giải pháp sắp tới cần phải thu hút thêm đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu da thuộc tại Việt Nam để nâng tỷ trọng sản xuất giày, đặc biệt giày da để xuất khẩu vào thị trường EU, qua đó sẽ tận dụng được cơ hội này tốt hơn nữa.
Ở khía cạnh thủ tục hải quan, bà Đặng Thị Hải Bình cho biết, ngay khi Hiệp định có hiệu lực triển khai, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có những Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA, phân công cụ thể với việc thực hiện các cam kết liên quan đến hải quan thì cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn và tháo gỡ cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp gặp phải vướng mắc để giảm thiểu rủi ro.
Khuyến nghị các doanh nghiệp trong trường hợp có vướng mắc về thực hiện các chính sách cần có kiến nghị ngay để các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ, bà Bình cũng thông tin, hiện nay nhiều văn bản mới đang được hoàn thiện để sớm ban hành như văn bản sửa Nghị định số 59; văn bản sửa Thông tư số 38, 39/2018 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan thuộc hải quan.
"Tất cả những văn bản mới đều được xây dựng trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp cũng như các ý kiến đóng góp của các đơn vị quản lý liên quan nhằm đưa ra những quy định thuận lợi nhất cân bằng giữa mục tiêu quản lý và mục tiêu liên quan đến tạo thuận lợi thương mại", bà Bình cho biết.
Riêng về Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định EVFTA, Bộ Tài chính cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị ban hành Thông tư thay thế một số thông tư về xuất xứ hàng hóa, trong đó dự thảo đã lấy ý kiến rộng rãi có rất nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi và rất cụ thể trong đó có sự khác biệt giữa Hiệp định EVFTA với các hiệp định khác mà doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện theo hướng dẫn trong Thông tư mới sắp được ban hành tới đây.
Để có thể gia tăng được tỷ lệ về xuất xứ đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi EU, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, hiện nay Cục Xuất nhập khẩu đang thực hiện các biện pháp đồng bộ và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này, trong đó những chế tài xử phạt cũng rất được chú trọng.
Thứ hai, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan như Tổng cục Hải quan, các Hiệp hội ngành hàng để tiếp tục triển khai những cuộc tập huấn, đào tạo kịp thời, vừa giải đáp vừa hướng dẫn doanh nghiệp để làm sao đáp ứng được đúng những quy định khắt khe của EU.
Thứ ba, chủ động phối hợp với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu trong trường hợp nếu có đề nghị xác minh xuất xứ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chứng minh hàng hóa có xuất xứ trong trường hợp đúng là hàng hóa đó đáp ứng theo quy định của EVFTA. Trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng xuất xứ sẽ cùng với phía EU tìm hiểu và có những biện pháp kịp thời nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Thứ tư, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham vấn và đề xuất đưa ra được quy tắc xuất xứ phù hợp với thực tế của doanh nghiệp cũng như quy trình sản xuất hiện nay tại Việt Nam.
Một trong những giải pháp, hành động hỗ trợ hiện đang rất được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó tiếp nhận và xử lý các vướng mắc cũng như giải đáp và tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu đi EU liên quan đến xuất xứ hàng hóa.