Tại Tọa đàm “Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25/11, các khách mời đại diện cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam và nước ngoài cùng đại diện doanh nghiệp xuất khẩu đã trao đổi về những kinh nghiệm tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) cũng như những vấn đề đặt ra nhằm gia tăng hàng hóa thương hiệu Việt Nam tại thị trường EU.
Nâng tầm nhận thức trong phát triển thương hiệu Việt tại thị trường EU
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, EU là thị trường xúc tiến xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường EU mà còn có điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp ở đa dạng các thị trường khác trên thế giới.
"Chính vì vậy, trong thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã ưu tiên rất nhiều hoạt động trọng tâm với thị trường EU giúp doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU. Đơn cử, một số những hoạt động mà Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung làm rất tích cực trong thời gian vừa qua như tổ chức hàng loạt các phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường EU giúp các doanh nghiệp nhận biết được nhu cầu, xu hướng thị trường, các quy định, chính sách cập nhật của thị trường EU để có thể điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường EU và có những chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm phù hợp với thị trường này", bà Thủy cho biết.
Bên cạnh các phiên tư vấn về thị trường, Cục Xúc tiến thương mại cũng ưu tiên thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng tầm nhận thức cho doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU thông qua hàng loạt các chương trình, hội nghị, hội thảo, đào tạo và tập huấn.
Phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ Việt Nam tại khu vực EU xây dựng và phát triển các showroom trưng bày hàng hóa cho doanh nghiệp tại trụ sở của các thương vụ Việt Nam tại EU để giới thiệu, quảng bá tới các đối tác tại EU.
EVFTA - "Vốn liếng" quan trọng để sản phẩm, thương hiệu Việt Nam tiếp cận thị trường EU
Là một trong những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cho biết, trong mạng lưới thị trường rộng khắp trên 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm trên 100 triệu USD, EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần.
Theo ông Tuấn, sau khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm của Hapro xuất khẩu được hưởng lợi thế ưu đãi hơn về thuế. Đáng chú ý, tiếng vang của Hiệp định EVFTA làm cho khách hàng quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn, nhất là ở những sản phẩm lâu nay phải cạnh tranh về giá và chất lượng với một số nước nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia thực sự có lợi thế hơn và khách hàng cũng quan tâm hơn nhiều.
Từ góc độ đại diện cơ quan thương mại Việt Nam tại Pháp, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cũng khẳng định: Ngoài lợi ích về mặt thuế quan rất rõ ràng thì lợi ích lớn là EVFTA đã tạo ra được một tiếng vang khiến những nhà nhập khẩu, các đối tác quốc tế tại EU nói chung, thị trường Pháp nói riêng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.
"Việt Nam là nhà cung cấp thứ 24 cho Pháp và dự kiến trong năm 2022 này Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỷ euro, trong bối cảnh Covid mặc dù đã giảm bớt vẫn cho thấy sự phục hồi rất nhanh chóng. Nếu theo đúng kịch bản hiện nay tới cuối năm 2022 Việt Nam sẽ vào Top 20 nhà cung cấp hàng hóa cho Pháp. Có nhiều yếu tố tuy nhiên yếu tố EVFTA là một vốn rất quan trọng", ông Sơn cho biết.
Thay đổi tư duy kinh doanh và phát triển sản phẩm, thương hiệu phù hợp nhu cầu thị trường
Cho rằng xây dựng thương hiệu tại thị trường EU là việc không dễ dàng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy khuyến nghị: Doanh nghiệp cần phải có những bước đi hết sức bài bản, những chiến lược khôn ngoan thì mới có thể đưa được những thương hiệu riêng của doanh nghiệp vào thị trường.
Theo bà Thủy, EU là một thị trường có những đòi hỏi quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao đối với các sản phẩm. Để phát triển được thương hiệu tại thị trường này, điểm hết sức quan trọng đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng, đó là nghiên cứu thật kỹ về thị trường của EU, xem thị trường đó có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao để sản xuất được những sản phẩm mà thị trường EU cần chứ không phải bán những cái sản phẩm mà chúng ta có.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy kinh doanh với thị trường EU, đó là phải thấu hiểu văn hóa của thị trường EU, thấu hiểu các tập quán kinh doanh của khối thị trường này và cần phải thay đổi cả tư duy bán hàng phù hợp với người tiêu dùng châu Âu chứ không phải là bán hàng cho đại bộ phận khách hàng quốc tế nói chung.
Một điểm quan trọng để quyết định doanh nghiệp có thể thành công trong việc phát triển thương hiệu tại thị trường EU hay không, đó là phải phát triển được sản phẩm phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường EU. Sản phẩm cần phải có những giấy chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn của EU, chứng minh được những tiêu chuẩn như môi trường, xã hội, phát triển bền vững theo yêu cầu của thị trường EU, có bao bì nhãn mác thiết kế một cách chuyên nghiệp, tinh tế, phù hợp với những quy định về yêu cầu nhãn mác, bao bì của thị trường và hợp nhãn với người tiêu dùng của EU.
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho rằng, đến nay Việt Nam cùng với Singapore là hai nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á kí được Hiệp định thương mại tự do với EU. Đấy là lợi thế hiếm có mà doanh nghiệp, sản phẩm cũng như các thương hiệu của Việt Nam có thể tận dụng để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất nhập khẩu với thị trường Châu Âu.
Tuy rằng lợi thế có rất nhiều nhưng để tận dụng được lợi thế đó, doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu về văn hóa, các hành vi người tiêu dùng của Đức hay châu Âu nói chung.
"Ví dụ với Đức hay các quốc gia châu Âu khác, gạo không phải thực phẩm họ ăn hằng ngày. Tôi đã từng sang châu Âu, sang Đức và thấy các siêu thị tại đây bán những gói gạo Việt Nam nhưng là gói 10kg, 20kg, thậm chí 50kg. Nếu như muốn cho người tiêu dùng thử sản phẩm gạo của mình thì nên sử dụng những gói nhỏ khoảng 2kg, 5k để họ dễ dàng trong việc quyết định mua sản phẩm", bà Trang chia sẻ.
Mặt khác, để định vị được thương hiệu tại những thị trường khó tính nhưng khi đã khẳng định được uy tín sẽ rất trung thành như Đức hay EU nói chung, theo bà Trang, bên cạnh chiến lược phát triển thị trường bài bản và đảm bảo chất lượng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chứng chỉ... các doanh nghiệp phải tiếp cận được các kênh phân phối phù hợp với từng sản phẩm và đang dần có sự thay đổi trong bối cảnh mới hiện nay.
"Không thể đi bằng phương tiện thô sơ trên đường cao tốc"
Chia sẻ câu chuyện hỗ trợ đưa thương hiệu gạo của Lộc Trời vào thị trường Pháp, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng nếu các doanh nghiệp sẵn sàng thì không cần phải mất nhiều thời gian để có thể xác định được nên tiếp cận, nên làm việc với doanh nghiệp nào...
Theo ông Sơn, với bối cảnh thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng thương mại quốc tế và phương thức xúc tiến thương mại hiện nay, cơ hội đã đến với các doanh nghiệp Việt Nam tuy nhiên doanh nghiệp cần có sự sẵn sàng khi muốn xây dựng thương hiệu tại thị trường EU, trước hết bắt buộc và tất yếu phải đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải thông qua những chuyên gia tư vấn, những đơn vị tư vấn xuất khẩu, tức là các doanh nghiệp phải đầu tư để tìm hiểu cách thâm nhập vào thị trường, cần có sự hiện diện đại diện tại đây để trực tiếp kết nối, xúc tiến các cơ hội giao thương.
Mặt khác, xây dựng thương hiệu cũng phải đi theo ngành hàng cụ thể, trước mắt là những ngành có thế mạnh của Việt Nam hiện nay có thể khai thác được như các mặt hàng nông sản: hạt điều, hạt tiêu, gạo, cà phê…
"Nhà nước, các cơ quan chức năng, Chính phủ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp rất tốt khi xây dựng một con đường cao tốc đến với Liên minh Châu Âu, nhưng ở khía cạnh khác thì ta phải nhìn nhận rằng chúng ta không thể đi bằng một phương tiện thô sơ trên đường cao tốc được mà chúng ta cũng phải có phương tiện đảm bảo tốc độ đi trên đường cao tốc đó", ông Lê Anh Tuấn nêu quan điểm.
Do đó, bên cạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài như Đại sứ quán, Thương vụ..., ông Sơn cho rằng doanh nghiệp phải chịu đầu đầu tư thì mới có thể xâm nhập được thị trường.