Tăng cường vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

THS. VĂN THỊ BÍCH (Khoa Quản trị - Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng)

TÓM TẮT:

Các trường đại học là một trong những thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, nghiên cứu về vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp và làm thế nào các trường đại học thúc đẩy quá trình khởi nghiệp của sinh viên ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa được hệ thống hóa. Tại Việt Nam, vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp và những mối liên hệ của trường đại học với các chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp chưa thật sự được chú trọng. Bài báo phân tích và tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Từ khoá: hệ sinh thái, khởi nghiệp, đại học, đổi mới sáng tạo.

1. Đặt vấn đề

Theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”. Trong Báo cáo Khởi nghiệp 2012, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã chỉ ra rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với việc “tìm cách tạo ra giá trị, thông qua việc tạo hoặc mở rộng hoạt động kinh tế, bằng cách xác định và khám phá sản phẩm, quy trình hoặc thị trường mới”. Đề án đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tiếp đó, vào ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665). Theo Đề án 1665, khởi nghiệp có nghĩa là các cá nhân bắt đầu sự nghiệp của mình để tạo ra các giá trị cho bản thân, cộng đồng, xã hội và các doanh nghiệp. Như vậy, việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của các nhà trường là các hoạt động giúp sinh viên có động lực học tập, tư duy sáng tạo, khả năng tự đổi mới và thay đổi tâm thế của chính mình.

Khởi nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của quốc gia. Khởi nghiệp không chỉ tác động vào sự phát triển của nền kinh tế mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động (Haltiwanger, 2012; Acs & Audretsch, 2010). Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ. Các trường đại học mạnh chính là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cùng với khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trong ba đột phá chiến lược. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học công nghệ. Trường đại học là một thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo Schumpeter & Backhaus (2003), khởi nghiệp là hoạt động tạo ra sự kết hợp mới của giới thiệu một hàng hóa mới hoặc một chất lượng mới của hàng hóa, giới thiệu một phương pháp sản xuất mới, mở ra một thị trường mới đạt được một nguồn cung cấp nguyên liệu hoặc thành phần mới, sắp xếp lại ngành nghề.

Đổi mới sáng tạo (Innovation and Creativity): Theo định nghĩa của OECD, là "thực hiện một sản phẩm mới hay một sự cải tiến đáng kể (đối với một loại hàng hóa hay dịch vụ cụ thể), một quy trình, phương pháp marketing mới, hay một phương pháp tổ chức mới trong thực tiễn kinh doanh, tổ chức nơi làm việc, hay các mối quan hệ đối ngoại".

Tùy thuộc vào bản chất và loại hình doanh nghiệp mà khởi nghiệp được phân thành nhiều loại khác nhau (Manimala, 1996). Tuy nhiên có 2 loại chính đó là khởi nghiệp thông thường (khởi nghiệp truyền thống) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo Aulet và Murray (2012), khởi nghiệp truyền thống hay còn gọi là khởi sự kinh doanh là mô hình khởi nghiệp có mức độ tăng trưởng thấp đến trung bình, thị trường chủ yếu là ở địa phương, kinh doanh dựa trên những ý tưởng truyền thống và ít có lợi thế cạnh tranh. Ngược lại với mô hình khởi nghiệp truyền thống là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hệ sinh thái khởi nghiệp được hiểu là "tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (đã tồn tại hoặc tiềm năng), các tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng), các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công) và tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp, tinh thần bán hàng và tham vọng kinh doanh) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương". Sức mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp tùy thuộc vào sự gắn kết chặt chẽ của các thành phần bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2019).

2.2. Đặc điểm của hệ sinh thái khởi nghiệp 

Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hệ sinh thái khởi nghiệp được định nghĩa: “Là một tập hợp các tác nhân kinh doanh tiềm năng và hiện tại liên kết với nhau, các tổ chức kinh doanh như các công ty, các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần - angels, các ngân hàng, các định chế trường đại học, các cơ quan thuộc khu vực nhà nước, các thực thể tài chính) và các quá trình kinh doanh như tỷ lệ thành lập doanh nghiệp, số các công ty tăng trưởng cao, mức độ “khởi nghiệp bom tấn”, số các doanh nhân khởi nghiệp liên tục (serial entrepreneur), mức độ tâm lý bán tháo (sellout mentality) trong công ty và mức độ tham vọng kinh doanh, tất cả hợp nhất chính thức và không chính thức để kết nối, dàn xếp và chi phối các hoạt động trong môi trường doanh nghiệp địa phương”.

Đặc điểm nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp là “giàu thông tin". Trong môi trường như vậy, các cá nhân có thể truy cập và tiếp cận các thông tin về nhu cầu của người mua mới, về các công nghệ mới, về các khả năng vận hành hoặc giao dịch, về tính khả dụng của máy móc, về các dịch vụ marketing,… Sự sẵn có nguồn lực tài chính là một đặc điểm quan trọng khác của hệ sinh thái khởi nghiệp. Điều đặc biệt quan trọng là số lượng cần thiết các nhà đầu tư khởi sự và vốn mồi để cung cấp tài chính và sự hỗ trợ khác. Các nhà đầu tư thiên thần, các nhà khởi nghiệp hiện thời và các nhà quản lý cấp cao đều đóng một vai trò quan trọng.

Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ (gồm: VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế là một trong "tam giác" khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Hiện nay, cả nước có gần 80 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học/cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài, hơn 200 khu làm việc chung, khoảng 20 địa phương đã và đang xây dựng đề án hình thành trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

2.3. Các yếu tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp (Xem Hình)

2.4. Thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp và vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam

Ngay sau khi Đề án số 1665 được ban hành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT, ngày 30/3/2018 về kế hoạch triển khai Đề án và Công văn số 1832/BGDĐT-GDCTHSSV hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ngày 18/6/2018, tại Phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đưa vấn đề khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy cụ thể, thực tế hơn và coi đó là một nội dung đào tạo quan trọng”.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu tính trên đầu người, số các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác như Trung Quốc (2.300 công ty khởi nghiệp), Ấn Độ (7.500 công ty khởi nghiệp) và Indonesia (2.100 công ty). Trong 2 năm 2016 - 2017, tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp chiếm đa số về mặt số lượng các doanh nghiệp xin đăng ký mới (chiếm 90% tổng số các doanh nghiệp xin đăng ký mới). Tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tăng trưởng nhanh gấp nhiều lần so với doanh nghiệp lớn. 

Nguồn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tập đoàn lớn, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh và nhà đầu tư cá nhân (hay còn gọi là “nhà đầu tư thiên thần”). Các tổ chức, cá nhân này đến từ cả trong nước và quốc tế. Nhìn chung, việc huy động vốn, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang ngày càng diễn ra sôi động ở Việt Nam. 

Mặc dù đại dịch Covid-19 còn nhiều biến động phức tạp, tuy nhiên vốn đầu tư mạo hiểm cho các start-up Việt Nam vẫn đạt được mức cao kỷ lục trong năm 2021. Tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Ngoài ra, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020. Trong năm 2021, 5 lĩnh vực startup hàng đầu thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nhất tại Việt Nam bao gồm: fintech (công nghệ tài chính) (26,6%), thương mại điện tử (20,3%), edtech (công nghệ giáo dục) (17,2%), healthtech (công nghệ y tế) (7,8%) và phần mềm dịch vụ (6,3%).

Về các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, là tổ chức đào tạo, huấn luyện, phát triển mô hình kinh doanh, gọi vốn đầu tư cho các doanh nghiệp sáng tạo giai đoạn đầu và có thể tham gia đầu tư với các khoản đầu tư nhỏ từ một vài chục ngàn USD. Một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh tiêu biểu tại Việt Nam đó là: Vietnam Silicon Valley Accelerator; Expara Vietnam Accelerator; Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA).

Mặc dù thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam có nhiều cải thiện giúp cho tỷ lệ người tham gia khởi sự kinh doanh tăng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều chỉ số mà nước ta còn kém xa so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế và các nước trong khu vực, đó là: sự lo sợ thất bại trong kinh doanh, khả năng kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và yếu tố đổi mới sáng tạo trong kinh doanh,... Thực tế, hoạt động khởi nghiệp không phải dành cho mọi sinh viên đại học. Theo thống kê, chỉ có khoảng 2-3% sinh viên có mong muốn khởi nghiệp.

Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp thể hiện ở những nhiệm vụ chính sau:

Một là, đào tạo và phát triển nhân tài, tức là tạo ra một nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là đào tạo nên các doanh nhân khởi nghiệp, các nhà quản lý doanh nghiệp và các chuyên gia có chuyên môn trong kinh doanh/doanh nghiệp. Theo một số nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, việc kinh doanh và quản trị kinh doanh là hoàn toàn có thể đào tạo được, không nhất thiết dựa vào yếu tố gen di truyền hay tố chất, bản năng vốn có của sinh viên. Trên thế giới có rất nhiều đại học nổi tiếng về đào tạo doanh nhân, cái nôi sản sinh của những doanh nhân, tỷ phú thành đạt như Đại học Harvard của Mỹ, Đại học Cambridge của Anh, hay Đại học Quản lý Singapore (SMU). Đại học là nơi cung cấp những kiến thức nền tảng một cách khoa học và chính thức đầu tiên cho sinh viên về kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Từ đó, các em sẽ tự hình thành và phát triển thêm những kỹ năng và kiến thức mới về doanh nghiệp và doanh nhân để khởi nghiệp thành công, trở thành những doanh nhân thành đạt trong tương lai.

Hai là, cung cấp điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho các doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp. Trước khi tiến hành thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ để kinh doanh trên thị trường, các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn phải tiến hành những bước thử nghiệm để đánh giá sản phẩm, làm các sản phẩm mẫu. Chính các trường đại học, với những phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất của mình là nơi lý tưởng để tiến hành những hoạt động đó, với trình độ chuyên môn cao và chi phí hợp lý.

Ba là, cung cấp công nghệ (được bảo hộ và không được bảo hộ) - nguồn lực quan trọng cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh. Các trường đại học là môi trường và là cái nôi sản sinh ra những công trình nghiên cứu khoa học, sáng chế... Đó là những sản phẩm trí tuệ có ý nghĩa rất lớn để hình thành nên những ý tưởng kinh doanh và khởi nghiệp cho doanh nhân. Chính vì vậy, nhà trường cần phát huy vai trò của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp, kết hợp với doanh nghiệp lớn, các startup để cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững và hiệu quả.

Tại Việt Nam, sự kết nối chưa chặt chẽ giữa nhà trường và các doanh nghiệp, chỉ có số ít vừa tham gia giảng dạy vừa kinh doanh hoặc tư vấn khởi nghiệp, giảng viên chưa được tham gia nhiều các lớp tập huấn về khởi nghiệp. Phần đông giảng viên chỉ tập trung giảng dạy và ít tiếp xúc với các doanh nghiệp, vì vậy còn thiếu nhiều kinh nghiệm thực tế, rất khó đưa ra những định hướng tốt cho sinh viên về vấn đề thực tiễn cần giải quyết trong kinh doanh.

3. Kết luận và kiến nghị

Thông qua nghiên cứu này, tác giả đã xác định được trường đại học chính là một trong những thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì vậy, để phát huy tốt vai trò của mình trong hệ sinh thái, các trường đại học cần không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, cần có những sự kết nối chặt chẽ, hiệu quả với các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính và các tổ chức hỗ trợ, đồng thời cũng cần phải có cơ chế phù hợp để khai thác tối đa nguồn lực chất xám của cả giảng viên và sinh viên nhằm cho ra đời những sản phẩm đổi mới sáng tạo phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự quan tâm của toàn xã hội dành cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chắc chắn các trường đại học sẽ có những bước phát triển thích hợp để đóng vai trò là yếu tố nền tảng quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả có một số đề xuất để đẩy mạnh vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như sau:
Một là, để trường đại học có thể phát huy được vai trò trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học phải thực hiện đúng chức năng là: Đào tạo và phát triển nhân tài, nguồn nhân lực bao gồm cả doanh nhân khởi nghiệp, các nhà quản lý và các nhà chuyên môn. Bên cạnh đó, giảng viên chính là người truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, giới thiệu những tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu và những mô hình kinh doanh thành công, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong sinh viên.
Hai là, trường đại học cần phải cập nhật chương trình giảng dạy để đưa nội dung kiến thức khởi nghiệp thành môn học chính thức trong chương trình đào tạo. Một số môn học cần được nhà trường áp dụng đưa vào chương trình giảng dạy, ví dụ như: Khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và ứng dụng, Kỹ năng khởi nghiệp, các buổi tập huấn hay các lớp đào tạo về chuyên đề liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp như lớp chuyên đề về thuế, mô hình canvas,…

Ba là, trường đại học cần xây dựng một mạng lưới liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để có thể tìm được các nguồn hỗ trợ, đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, đồng thời cũng là đối tác chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ từ trong vườn ươm vào thực tế sản xuất; Tư vấn, hỗ trợ và kết nối các dự án khởi nghiệp của người học với các doanh nghiệp.
Bốn là, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp tại cơ sở (cấp trường), trong đó các giảng viên cũng chính là các mentor, từ đó giúp lựa chọn các dự án có tính khả thi, hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, cho ra đời các sản phẩm dịch vụ có tính đổi mới sáng tạo từ đó có thể phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng và cho xã hội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  2. Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
  3. Bill Aulet (2016). Kinh điển về khởi nghiệp (Entrepreneurship Disciplines). NXB Lao động.
  4. Chính phủ (2017). Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".
  1. Bùi Anh Tuấn, Lê Thị Thu Hà (2020). Thúc đẩy vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, truy cập tại https://vjol.info.vn/index.php/khcn/article/view/48212
  2. Trilok Kumar Jain (2019). Understanding the right ecosystem for startups. SSRN Electronic Journal Follow Journal, DOI: 10.2139/ssrn.3350526.
  3. Dariia Podolian (2020). Rationale and implementation of startups in universities. Problems of Systemic Approach in the Economy, 3(77), DOI: 10.32782/2520-2200/2020-3-2.
  4. Lê Thị Mai Liên và Phạm Thị Thu Hồng (2018). Kinh nghiệm quốc tế về chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia “Chính sách thuế, tài chính đặc thù cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia”.
  5. Nguyễn Đặng Minh Tuấn (2017). Trường Đại học - Trung tâm của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Truy cập tại: https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Truong-dai-hoc---Trung-tam-cua-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao--10422.
  6. Nguyễn Hữu Thái Hòa (2017). Để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Truy cập tại: http://kientrucvietnam.org.vn/de-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-khoi-nghiep/.
  7. Nguyễn Trần Minh Trí (2019). Kinh nghiệm tạo lập quốc gia khởi nghiệp ở một số nước. Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập. Truy cập tại: http://doanhnghiephoinhap.vn/kinh-nghiem-tao-lap-quoc-gia-khoi-nghiep-o-mot-so-nuoc.html.
  8. VCCI (2016). Báo cáo chỉ số khởi nghiệp năm 2015. Hà Nội.
  9. VCCI (2017). Bức tranh chung về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Hà Nội.
  10. Vũ Quốc Dũng (2018). Kinh nghiệm một số nước về chính sách tài chính cho khởi nghiệp và một số khuyến nghị cho Việt Nam.
  11. Maw, N., Alsbury, A., Craig-Cooper, M., & Lord Lane of, H. (1994). Maw on Corporate Governance. Aldershot: Dartmouth.
  12. Hoàng Thị Bảo Thoa (2022). Tăng cường vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Truy cập tại: https://ueb.vnu.edu.vn/Nghien-Cuu/UEB/Tang-cuong-vai-tro-cua-truong-dai-hoc-trong-he-sinh-thai-khoi-nghiep-Viet-Nam/1698/1715/0/31916

Strengthening the role of universities in the innovative start-up ecosystem

Master. Van Thi Bich

Faculty of Administration and International Economics, Lac Hong University

ABSTRACT:

Universities are some of the key players in the national innovative star-tup ecosystem. However, there are not many researches on the role of universities in the start-up ecosystem and how universities promote the entrepreneurship of their students in Vietnam. In Vietnam, the role of university in the start-up ecosystem and the university’s relationship with other parties in the start-up ecosystem have not received sufficient attention. This paper proposes some solutions to further enhance the role of universities in the start-up ecosystem in Vietnam.

Keywords: ecosystem, start-up, university, innovation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]