Kết thúc quý 3/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (mã cổ phiếu PC1 - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.220 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng đạt hơn 100 tỷ đồng, cao gấp 23 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng chủ yếu nhờ biên lãi gộp trong kỳ đã được cải thiện mạnh lên 24,1% so với mức 13,2% của cùng kỳ năm trước.
Sự cải thiện này chủ yếu nhờ sự đóng góp từ mảng sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh; đồng thời có sự góp mặt của hai mảng mới là bất động sản khu công nghiệp và khai khoáng - xuất khẩu quặng vốn có biên lợi nhuận gộp cao.
Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần và lãi ròng của Tập đoàn PC1 lần lượt đạt 5.198 tỷ đồng và 159 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,3% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do mảng xây lắp điện và mảng năng lượng suy giảm đáng kể.
Theo đánh giá mới đây của nhiều tổ chức tài chính, mặc dù gặp khó khăn trong năm nay nhưng triển vọng kinh doanh của Tập đoàn PC1 tiếp tục ở mức tích cực, mảng xây lắp điện, mảng năng lượng, và mảng sản xuất công nghiệp của tập đoàn này sẽ trực tiếp hưởng lợi lớn từ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).
Quy hoạch Điện VIII tạo đòn bẩy cho mảng năng lượng tái tạo
Đối với mảng năng lượng, Quy hoạch Điện VIII tiếp tục định hướng đẩy mạnh phát triển các loại hình nguồn điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới, định hướng tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm khoảng 30 - 39,2% vào năm 2030 và lên đến 67,5 - 71,5% vào năm 2050. Đặc biệt, sẽ không phát triển thêm nguồn điện than sau năm 2030.
Đây sẽ là cơ sở để Tập đoàn PC1 tiếp tục mở rộng công suất năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2025 với tổng công suất có thể lên đến 350 MW. Tập đoàn PC1 đang có kế hoạch đầu tư mở rộng công suất thuỷ điện lên đến 250 MW vào năm 2025.
Đối với Dự án thủy điện Bảo lạc A (30 MW), Tập đoàn PC1 đang thực hiện giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Dự án này được kỳ vọng sẽ khởi công vào cuối năm nay và bắt đầu đi vào vận hành vào năm 2025.
Đối với dự án thủy điện Thượng Hà (13 MW), dự án đang trong giai đoạn khảo sát và dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024.
Hiện nay, Tập đoàn PC1 đang vận hành 7 nhà máy thủy điện có tổng công suất 170 MW, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Từ tháng 10/2021, tập đoàn này vận hành thương mại cụm nhà máy điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên tại Quảng Trị có tổng công suất 144 MW, với tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng; các nhà máy này đều đủ điều kiện được bán điện giá FIT.
Mảng năng lượng từ năm 2021 trở về trước thường đóng góp khoảng 9%-11% cơ cấu doanh thu hàng năm, nhưng năm 2022 có thêm mảng điện gió nên đóng góp 20,5% cơ cấu doanh thu và đóng góp 20,1% cơ cấu doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn PC1. Biên lợi nhuận gộp mảng này thường cao (trên 48%) nên đóng góp tới 60,3% tổng lợi nhuận gộp trong năm 2022 và 45,6% tổng lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn PC1.
Kỳ vọng hưởng lợi lớn từ loạt dự án truyền tải điện quy mô tỷ USD
Đối với mảng xây lắp điện và mảng sản xuất công nghiệp, Quy hoạch Điện VIII không chỉ thúc đẩy phát triển các dự án nguồn điện mà còn chú trọng đẩy mạnh phát triển động bộ các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa ở các khu vực dư thừa công suất và tăng khả năng truyền tải liên miền.
Theo Quy hoạch Điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm); và trong giai đoạn 2030 - 2050 là khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD (trung bình 1,7 - 1,9 tỷ USD/năm), sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.
Với hơn 60 năm kinh nghiệm, Tập đoàn PC1 hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xây lắp điện với năng lực đã được chứng minh qua nhiều dự án truyền tải điện quốc gia, đặc biệt là các dự án tổng thầu EPC, PC tới cấp điện áp 500 KV và các dự án có tính đặc thù cao (trạm Gis, dự án cấp điện ra đảo, dự án cáp ngầm...).
Đáng chú ý, trong sản xuất công nghiệp lĩnh vực điện, Tập đoàn PC1 là đơn vị duy nhất và có quy mô lớn nhất Việt Nam về thiết kế, chế tạo cột thép đơn thân 110 KV, 220 KV - 1, 2, 4 mạch và cột thép liên kết thanh đến 750kV, với dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu cả nước, có tổng công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm.
Do đó hoạt động kinh doanh của Tập đoàn PC1 được nhận định sẽ hưởng lợi lớn từ loạt dự án truyền tải điện tới đây.
Một trong số các dự án truyền tải liên miền lớn thuộc Quy hoạch Điện VIII đang được các cơ quan ban ngành gấp rút triển khai là Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài có chiều dài 514 km, được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng.
Vào ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường dây 500kV Nam Định - Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư khoảng 3.086 tỷ đồng và chấp thuận cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là nhà đầu tư cho dự án này. Đây là một trong 4 dự án thành phần thuộc Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài.
Các tổ chức tài chính đánh giá đây là tín hiệu tích cực cho thấy quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy tổng thể dự án sớm đi vào vận hành đúng tiến độ. Với các lợi thế kỹ thuật, Tập đoàn PC1 kỳ vọng sẽ tham gia các gói thầu xây lắp và cung cấp cột thép cho dự án trên.
Mảng xây lắp điện của Tập đoàn PC1 có biên lợi nhuận gộp hàng năm dao động từ 7-11%, và đạt 11,6% trong 9 tháng đầu năm 2023. Qua đó, đóng góp khoảng 32% cơ cấu lợi nhuận gộp các năm trước và hơn 15% cơ cấu lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2023.
Đối với mảng sản xuất công nghiệp, biên lợi nhuận gộp hàng năm dao động quanh mức 7-14%; và đóng góp 3,4% cơ cấu lợi nhuận gộp năm 2022 và 6,4% cơ cấu lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 8/11, thị giá cổ phiếu PC1 đạt 28.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 42% so với hồi đầu năm nay.