Tập đoàn Sao Mai (ASM) sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại 1 công ty thành lập từ năm 2000

Tập đoàn Sao Mai (mã cổ phiếu ASM) vừa cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại công ty con - Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Tài chính (Astar). Công ty Astar được thành lập vào năm 2000 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng.
Tập đoàn Sao Mai
Tập đoàn Sao Mai hiện hoạt động đa ngành với các mảng kinh doanh cốt lõi gồm: chế biến xuất khẩu cá tra, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cá, năng lượng tái tạo, và kinh doanh bất động sản.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã cổ phiếu ASM - sàn HoSE) vừa thông qua phương án chuyển nhượng 100% vốn (tương ứng 866.000 cổ phần) tại Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Tài chính (Astar).

Tập đoàn Sao Mai cho biết, giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn hơn 10.000 đồng/cổ phiếu và đối tượng nhận chuyển nhượng sẽ là các đối tác, gồm tổ chức hoặc cá nhân có hoặc không liên quan tới Tập đoàn Sao Mai, có năng lực tài chính và có văn hoá phù hợp với công ty Astar. Thương vụ này dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 12/2023.

Được biết, Astar được thành lập vào năm 2000, có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, và hoạt động chính trong lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật. Tính đến cuối tháng 9/2023, Tập đoàn Sao Mai đang sở hữu 53,83% tỷ lệ lợi ích và sở hữu 91,95% tỷ lệ biểu quyết tại Astar, đồng thời ghi nhận công ty này là công ty con.

Tập đoàn Sao Mai hiện hoạt động đa ngành với 12 công ty thành viên, trong đó có Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (mã cổ phiếu IDI) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu Việt Nam.

Nguồn thu của Tập đoàn Sao Mai chủ yếu đến từ các mảng: kinh doanh thức ăn cá (chiếm 40% tổng doanh thu); xuất khẩu cá tra (chiếm 27%); kinh doanh thương mại (chiếm 24%); kinh doanh điện mặt trời, bất động sản và xây dựng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 9.180 tỷ đồng và lãi ròng 258 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và giảm 71% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các mảng kinh doanh chủ chốt của doanh nghiệp này đều suy giảm.

Trong đó, doanh thu xuất khẩu cá giảm 23%, còn 2.260 tỷ đồng; doanh thu thương mại giảm 16%, còn 2.168 tỷ đồng; doanh thu kinh doanh thức ăn cá giảm 6%, còn 3.927 tỷ đồng; và doanh thu bất động sản giảm 71%, còn 79 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu ASM Tập đoàn Sao Mai
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu ASM của Tập đoàn Sao Mai kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Xuất khẩu cá tra dần phục hồi từ quý 4 nhưng nguồn cung cá nguyên liệu sẽ thiếu hụt" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đáng chú ý, mảng điện mặt trời của Tập đoàn Sao Mai đã ghi nhận tăng trưởng ấn tượng 28% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 582 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Tập đoàn Sao Mai mới hoàn thành 47% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ban lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai cho biết sẽ không mở rộng mảng xuất khẩu cá tra đông lạnh trong năm nay, chỉ giao dịch chủ yếu với các khách hàng truyền thống và tập trung phát triển sản xuất theo hướng chuyên môn hoá nhằm tạo chuỗi sản xuất khép kín có giá trị kinh tế cao giữa các đơn vị thành viên trong tập đoàn.

Trong khi đó, đối với mảng năng lượng tái tạo, Tập đoàn Sao Mai đánh giá đây là lĩnh vực có tiềm năng cao và sẽ xác định điện mặt trời, điện gió là lĩnh vực chủ chốt sẽ tập trung nghiên cứu và đầu tư trong những năm tới đây.

Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 14/12, cổ phiếu ASM có giá tham chiếu tại mức 10.050 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang