Thế giới đối mặt nguy cơ lặp lại khủng hoảng năng lượng thập niên 70

Nhiều nhà phân tích cảnh báo thế giới có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng mới có quy mô tương đương hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng dầu những năm 1970.

Thiếu hụt nguồn cung nhiều loại năng lượng cùng lúc

Giám đốc IEA Fatih Birol
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế ông Fatih Birol cảnh báo thế giới đang đối mặt với việc thiếu hụt nhiều loại năng lượng cùng lúc khiến cuộc khủng hoảng năng lượng lần này có thể nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng dầu những năm 1970 (Ảnh: AFP)

Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra trong bối cảnh ngành khai thác năng lượng hoá thạch toàn cầu đã nhiều năm không được đầu tư đúng mức đang khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trở nên tồi tệ hơn, kéo theo đó là giá dầu thô, than đá, khí tự nhiên… tăng vọt. Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ông Fatih Birol cảnh báo “Cuộc khủng hoảng năng lượng lần này lớn hơn nhiều so với thập niên 70 và 80. Và có lẽ nó cũng sẽ kéo dài hơn nữa".

Đồng quan điểm như trên, ông Joe McMonigle - Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF), khẳng định “Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng và tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần thức tỉnh. Đây là một cơn bão".

Theo dữ liệu của chuyên trang tài chính tổng hợp Trading Economics (Hoa Kỳ), tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 55% và tăng hơn 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá khí tự nhiên hiện nay tại Bắc Mỹ cũng ghi nhận mức tăng 148,5% so với hồi đầu năm và tăng 197% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá than đá tại cảng Newcastle (Australia) cũng tăng 140% so với hồi đầu năm và tăng tới 237% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, không như những cuộc khủng hoảng trước đây vốn chỉ giới hạn ở một loại năng lượng, cuộc khủng hoảng lần này diễn ra khi “chúng ta thiếu cả dầu, khí đốt và điện cùng một lúc” – Giám đốc IEA ông Fatih Birol nhấn mạnh.

Theo các nhà phân tích, nền kinh tế toàn cầu đến thời điểm hiện tại vẫn chống chịu được với việc giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, “cơn bão giá” năng lượng sẽ lớn hơn trong thời gian tới khi Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua việc giảm nhập khẩu tới 90% lượng dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga vào cuối năm nay. Trước đó, EU đã thông qua việc cấm nhập khẩu than đá từ Nga kể từ tháng 8 tới đây.

Khi xung đột quân sự Nga – Ukraine mới nổ ra, phương Tây tránh giáng đòn trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng của Nga, do vai trò quan trọng của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Nhưng khi cuộc xung đột ngày càng khó sớm chấm dứt, phương Tây đã dần cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga để gây sức ép lên các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Nga cũng trả đũa bằng cách hạn chế, thậm chí ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều quốc gia EU.

EU hiện buộc phải cường tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế Nga trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường vốn đã hạn hẹp. Nhiều dự báo cho rằng mùa Đông sắp tới sẽ trở nên rất “khắc nghiệt” với châu Âu do thiếu hụt các nguồn năng lượng từ Nga. Nga hiện là quốc gia cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU, chiếm 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu và 25% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của EU.

Giá năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng và nhu cầu của người tiêu dùng, đe doạ sự phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19, thổi bùng lạm phát, gây bất ổn xã hội và kéo tụt nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Khủng hoảng năng lượng quy mô toàn cầu

Không chỉ thiếu hụt nguồn cung các loại năng lượng thô, ông Fatih Birol cũng cảnh báo thế giới, đặc biệt là khu vực châu Âu, sẽ sớm đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng và dầu diesel.

Dữ liệu của IEA cho thấy công suất lọc dầu trên toàn cầu trong năm 2021 đã lần đầu tiên giảm xuống sau 30 năm, giảm 730.000 thùng/ngày. Trong tháng 4 vừa qua, công suất lọc hoá dầu toàn cầu chỉ đạt 78 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 82,1 triệu thùng/ngày trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. 

Bên cạnh việc giá nhiên liệu tăng vọt, Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đối mặt với tình trạng mất ổn định của hệ thống điện do tình trạng nắng nóng lan rộng. Trong tuần này, giá khí đốt tại Hoa Kỳ đã chạm mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây khi nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng mạnh. Dự báo giá khí đốt tại Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục tăng khi nước này bước vào mùa cao điểm nắng nóng.

Đồng thời, Vịnh Mexico, nơi cung cấp 5% tổng sản lượng khí đốt và 15% tổng sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ, cũng sẽ bước vào mùa mưa bão. Sự xuất hiện của các cơn bão biển sẽ khiến các mỏ khai thác phải ngưng hoạt động, khiến tình trạng thiếu hụt năng lượng trở nên trầm trọng hơn.

Giá xăng tại Hoa Kỳ tăng cao kỷ lục
 Tình trạng giá xăng tăng cao kỷ lục trong khi mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu đang đến khiến nhiều người tiêu dùng tại Hoa Kỳ phải tích trữ nhiên liệu (Ảnh: CNN) 

Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức phụ trách lĩnh vực điện tại Hoa Kỳ cảnh báo tình trạng thiếu điện, thậm chí mất điện diện rộng có thể xảy ra trong mùa hè này. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong những tháng tới đây. Cả hai nền kinh tế này đã có nhiều động thái thu mua than trên thị trường quốc tế bất chấp việc giá than đá thế giới đang ở mức cao kỷ lục 400 USD/tấn. Các quốc gia châu Á cũng đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ châu Âu để  có được các nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) dài hạn.

Ngay cả tại Australia vốn có nguồn năng lượng dồi dào đến từ than đá, khí gas, các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, giá bán buôn điện trong quý 1/2022 đã tăng 141% so với cùng kỳ năm trước. Giá khí đốt vào cuối tháng 5/2022 tại Australia cũng tăng 400% so với hồi đầu năm bất chấp việc Australia là quốc gia xuất khẩu khí lớn thứ 5 thế giới.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định nguồn cơn của cơn bão giá năng lượng hiện nay không phải hoàn toàn do cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nó là hậu quả của nhiều năm ngành dầu khí trên toàn cầu không được đầu tư đúng mức. Đầu tư vào lĩnh vực này chỉ đạt 341 tỷ USD năm 2021, giảm 23% so với mức 525 tỷ USD trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, và chưa bằng nửa mức đỉnh năm 2014 là 700 tỷ USD, theo IEF.

Sự sụt giảm đầu tư bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các nhà đầu tư và chính phủ theo đuổi phát triển năng lượng sạch và việc giá dầu thô nhiều năm ở mức thấp. Nhiều chuyên gia lo ngại các nhà hoạch định chính sách đang xử lý sai với khủng hoảng khí hậu, tập trung quá nhiều vào giảm cung mà không quan tâm đến giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. Nếu chỉ tập trung vào một phương diện, việc này không chỉ kéo giá tăng mà còn gây ra bất ổn xã hội.

"Chúng ta phải rất cẩn thận, không để người dân hiểu rằng giá nhiên liệu tăng là do chuyển dịch năng lượng", Tổng thư ký IEF ông Joe McMonigle cảnh báo. Ông thúc giục các chính phủ gửi tín hiệu đến nhà đầu tư rằng họ vẫn có thể rót tiền vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng chuyển dịch năng lượng cũng là "điều cần thiết".

Dù vậy, kể cả khi nhà đầu tư chấp nhận rót vốn, nguồn cung sẽ phải mất thời gian đáng kể mới tăng lên được. Không ai có thể nói chính xác cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ diễn biến như thế nào. Và liệu có bất ngờ nào đó xảy ra để hạ nhiệt thiếu cung hay không.

Ví dụ, Nga - Ukraine có thể đạt bước đột phá về ngoại giao và chấm dứt xung đột. Các lệnh trừng phạt áp lên Nga theo đó cũng bị gỡ bỏ. Hoặc các nước đạt thỏa thuận hạt nhân Iran, kinh tế Trung Quốc giảm tốc sâu hơn dự kiến hay OPEC tăng tốc sản xuất dầu hơn nữa, Giám đốc IEA ông Fatih Birol Birol cho biết.

Hồi tháng 3, IEA cũng giục các chính phủ cân nhắc hành động mạnh tay để giảm nhu cầu nhiên liệu, như hạn chế tốc độ trên đường cao tốc hay khuyến khích làm việc từ xa. Trong trường hợp tệ nhất, khủng hoảng kinh tế cũng có thể khiến nhu cầu sử dụng năng lượng lao dốc.

Duy Quang