"Thủ tướng "quyết chiến", Chính phủ "quyết chiến" đưa cơ khí Việt Nam phát triển!"

Đây là câu trả lời mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trước toàn Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam sáng 24/9 do Bộ Công Thương tổ chức, cho biết sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hội nghị sẽ có một sản phẩm là Nghị quyết của Chính phủ về phát triển ngành cơ khí Việt Nam, thỏa mãn mong mỏi của các doanh nghiệp, những người làm trong ngành công nghiệp nền tảng, trụ cột, xương sống của nền kinh tế. 

“Thủ tướng “quyết chiến”, Chính phủ “quyết chiến” đưa ngành cơ khí Việt Nam phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trả lời vấn đề mà ông Nguyễn Thế Hà - đại diện Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ nêu ra trước đó về quyết tâm thúc đẩy cơ khí Việt Nam đi lên của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam của Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam của Chính phủ

Theo Thủ tướng, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương đi vào từng ngành công nghiệp cụ thể, cơ khí chế tạo đã có được những bước tiến nhất định, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp sản xuất cơ khí ngày càng đa dạng về loại hình và quy mô, tăng trưởng bám sát theo nhu cầu thị trường.

Các doanh nghiệp cơ khí có thế mạnh của Việt Nam trong sản xuất lắp ráp ô tô, thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị điện, thiết bị y tế,… đã từng bước đổi mới nâng cao năng lực tư vấn, chế tạo thiết bị, từng bước tham gia chuỗi cung ứng quốc gia và toàn cầu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, bên cạnh những thành công ấy, ngành cơ khí Việt Nam vẫn tồn tại một số mặt bất cập khi “đuối” về mẫu mã, công nghệ, tổ chức thị trường. Việc bỏ lỡ nhiều thời cơ phát triển khiến cơ khí trong nước năng lực thấp, giá sản phẩm cao, đặc biệt chính sách hỗ trợ phát triển chậm, chưa đổi mới.

Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu doanh nghiệp dẫn dắt, nhân lực thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng.

Thủ tướng cho rằng, cần đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng đảm bảo tạo mọi điều kiện về chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm.

“Trước hết chúng ta phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, cơ khí Việt Nam để gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, cần xác định thị trường rõ nét hơn, phân khúc thị trường trong nước và ngoài nước từ đó xây dựng chính sách “đi tắt đón đầu” để phát huy lợi thế “người đi sau” của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Toàn cảnh Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam sáng 24/9 do Bộ Công Thương tổ chức
Toàn cảnh Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam sáng 24/9 do Bộ Công Thương tổ chức

Ghi nhận các ý kiến nêu về các bất cập thiếu vốn, thiếu thị trường, lãi suất cao chưa tạo điều kiện cho cơ khí phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa.

Tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp, thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp cơ khí.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước, đồng thời nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho doanh nghiệp trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cơ khí có tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp  cơ khí trong nước.

Triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

Cần xây dựng và phát triển hệ thống quản lý, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ thuật nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề trong lĩnh vực cơ khí. Thủ tướng lưu ý, hiện nay chúng ta đang thiếu nhân lực ngành cơ khí rất trầm trọng. Xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh có ý nghĩa quyết định.

“Đội ngũ doanh nghiệp ấy sẽ có bản lĩnh, khát vọng của người Việt Nam trên thương trường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ Công Thương thăm quan gian hàng của các doanh nghiệp cơ khí tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ Công Thương thăm quan gian hàng của các doanh nghiệp cơ khí tại Hội nghị

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu nhằm khuyến khích phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước. Đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vượt trội nhằm thu hút các dự án FDI trong ngành cơ khí bảo đảm định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị. Khẩn trương ban hành hướng dẫn và chế tài cụ thể thực hiện chủ trương sử dụng vật tư hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu.

Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm. Đề xuất chính sách không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành cơ khí phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

“Việt Nam chúng ta cần xây dựng một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong ngành cơ khí đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp cơ khí nói riêng và doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo nói chung”, Thủ tướng bày tỏ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân cơ khí có khát vọng vươn tới những tầm cao, tận dụng tốt các thời cơ, điều kiện, chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học công nghệ.

Thy Thảo