Sáng ngày 30/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”.
Chuyển dịch xanh - xu thế tất yếu nhưng song hành nhiều khó khăn, thách thức
Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải đảm bảo không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Trên cơ sở đó, mục tiêu về phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc xây dựng, nhằm kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường.
Đây là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách.
Tuy nhiên, thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc đảm bảo tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển.
"Trong khi các số liệu vĩ mô chỉ ra bức tranh tươi sáng của tương lai xanh, thì một số nhóm cộng đồng có nguy cơ đối mặt với tác động tiêu cực của quá trình chuyển dịch và trở thành những đối tượng bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng nhận định.
Quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số. Quá trình này dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực, từ đó đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động – một vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.
Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển dịch xanh, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển dịch, khi khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp…
Đối với các địa phương, sự khác biệt về đặc điểm tự nhiên cố hữu, dân số, xã hội dẫn tới sự chênh lệch trong phát triển kinh tế, trình độ lao động, khả năng chuyển dịch trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi chúng ta cần chủ động giải quyết nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển này.
Chuyển đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực giúp nâng cao hiệu quả, tính bao trùm và bền vững
Tham luận tại Diễn đàn, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng: Những thay đổi mang tính cách mạng và chuyển đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực giúp nâng cao hiệu quả, hiệu suất, tính bao trùm, chất lượng cuộc sống, tính bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế...
Trong khi đó, GS.TS. Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh việc đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng yếu thế trong tăng trưởng xanh. Theo đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào, thì việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập, phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội nói riêng và an sinh xã hội nói chung là một trong những yêu cầu cải cách quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bao trùm ở Việt Nam trong những thập kỷ tới đây...
Trong khuôn khổ Diễn đàn còn diễn ra phiên thảo luận với sự tham gia trao đổi của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế xoay quanh những vấn đề đang được quan tâm liên quan tới phát triển bền vững và chuyển dịch xanh như: Thúc đẩy tăng trưởng xanh trên toàn cầu và kinh nghiệp áp dụng ở Việt Nam; tăng trưởng xanh bao trùm từ góc nhìn địa phương; chuyển dịch xanh đối với khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa...