Nhiều tỉnh thành hàng hóa ổn định
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, trong ngày 15/7, thị trường hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam tương đối ổn định. Một số nơi vẫn còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa, nhưng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, tình trạng này đã được kiểm soát.
Báo cáo nhanh của lực lượng QLTT cho biết, trong ngày 15/7, việc cung ứng hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh rất căng thẳng, do trước đó, có tin đồn “TP sẽ bị phong tỏa từ ngày 15/5”. Do vậy, trong ngày 14/7, người dân đổ xô đi mua hàng hóa tại các siêu thị, nhiều nơi xảy ra hiện tượng thiếu hàng và cũng không ít người dân, chờ đến tối nhưng vẫn không thể vào siêu thị.
Bên ngoài, một số hộ dân bán các loại rau, củ, quả, trứng với giá cao hơn siêu thị từ 30%-50%, lực lượng chức năng nghi ngờ “không loại trừ nguồn hàng này mua từ siêu thị”.
Còn tại TP. Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nguy cơ thiếu hàng tại siêu thị là rất lớn. Nhiều siêu thị có khả năng không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân do việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành gặp khó khăn.
Tại tỉnh Đồng Nai, đến sáng ngày 15/7, sức mua của người dân đã dần ổn định hơn so với những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Trên thị trường hiện tại không có tình trạng gom hàng đầu cơ. Theo thống kê sơ bộ của lực lượng QLTT, lượng khách mua sắm tại siêu thị ngày hôm nay (15/7) đã giảm so với các ngày trước. Nhóm hàng rau củ, quả, thịt cá vẫn trong tình trạng nhu cầu cao, sức tiêu thụ rất nhanh.
Đối với các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay… sức mua có tăng nhẹ so với bình thường, nguồn cung dồi dào, giá cả không thay đổi.
Các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì ăn liền, rau xanh…. Nguồn cung dồi dào, giá cả có tăng nhẹ so với trước đó.
Tại tỉnh Bình Dương, tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá, .. các loại thực phẩm thiết yếu khác tại chợ truyền thống ngày 14/7 giá cả một số mặt hàng đã giảm từ 10% đến 40% so với ngày 1/7/2021, sức mua và bán cũng giảm khoảng 50% do tiểu thương tại các chợ truyền thống và người tiêu dùng phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, các chợ truyền thống bị phong tỏa, tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 35 %.
Tình hình cung ứng và giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà phòng, khẩu trang tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích giá cả ổn định, hàng hóa không khan hiếm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Sức mua hàng hóa của người tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện áp dụng kinh doanh qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, đặt hàng online, app đặt hàng qua Grap tăng khoảng 70%.
Tại tỉnh An Giang, chiều ngày 14/7, sau khi có thông báo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại 02 thành phố và 07 huyện, người dân đổ xô đến các chợ truyền thống mau các loại rau, củ, quả, thịt cá, trứng, giá các mặt hàng rau tăng rất cao, trên 3-4 lần.
Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, việc người dân đến chợ mua hàng tăng cao diễn ra trong khoảng 02 tiếng (từ 16 giờ - 18 giờ), việc nâng giá xảy ra ở các quầy bán “hàng bông” (rau, củ) nhỏ lẻ, không có việc mua gom hàng, găm hàng, nâng giá làm bất ổn thị trường.
Sau 18 giờ ngày 14/7, các chợ hoạt động mua bán trở lại bình thường, giá hàng tăng nhẹ khoảng 55-10%.
Tại tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 15/7/2021, ngày thứ 2 thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, sức mua tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trở lại bình thường, một số nơi vắng khách, hàng hóa được cung ứng đủ, giá cả ổn định.
Tại các tỉnh khác, do lo ngại tình hình dịch Covid-19 nên người dân cũng tăng mua các loại thực phẩm thiết yếu, nhìn chung thị trường vần đảm bảo cung ứng, giá các loại rau, củ, quả, trứng tăng 10%-50%.
Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá
Theo Tổng cục QLTT, trong những ngày qua, ở TP. Hồ Chí Minh có hiện tượng mua số lượng nhiều hàng thực phẩm, nhiều nhất là trứng gà, vịt từ siêu thị đưa ra ngoài bán lại. Trước tình hình này, QLTT sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, găm hàng, đầu cơ.
Bên cạnh đó, lực lượng này kêu gọi người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; doanh nghiệp không tăng giá hàng hóa vô lý. Lực lượng QLTT sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, găm hàng, đầu cơ...
Cũng theo thông tin từ lực lượng QLTT, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, lực lượng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá. Cụ thể, từ ngày 8/7 đến nay, Cục QLTT Đồng Nai đã kiểm tra, xử phạt 12 vụ, số tiền là 9 triệu đồng về hành vi không thực hiện niêm yết giá bán.
Tương tự, tại Cục QLTT Tiền Giang, từ ngày 1/6/2021 đến nay Cục kiểm tra đột xuất 41 vụ, thu phạt 33.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm thiết yếu, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, găng tay y tế và nước rửa tay sát khuẩn không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Ngoài nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, các Cục QLTT còn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chống dịch