Tránh bẫy thu nhập trung bình, công nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Trong suốt lịch sử phát triển của các nền kinh tế, công nghiệp chế biến chế tạo đã chứng minh được tầm quan trọng của mình trong quá trình công nghiệp hoá và phát triển kinh tế. Sự thành công của nước phát triển trong quá trình công nghiệp hoá là bằng chứng cho thấy công nghiệp chế biến chế tạo là con đường phát triển, tránh được bẫy thu nhập trung bình, là chìa khoá để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia được cấu thành từ các hoạt động kinh tế khác nhau, thường được chia thành 3 khu vực kinh tế chính là nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng, và dịch vụ. Nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng là hai khu vực tạo ra của cải, vật chất hữu hình, và khu vực dịch vụ tạo ra các sản phẩm vô hình. Các sản phẩm vô hình và hữu hình có mối liên hệ mật thiết với nhau theo toàn chuỗi giá trị, và tất cả đều mang lại giá trị cho nền kinh tế. Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động mà một sản phẩm phải đi qua tuần tự các hoạt động đó để chuyển hoá từ một ý tưởng thành một sản phẩm cụ thể, và tại mỗi hoạt động sản phẩm đó đi qua, giá trị của sản phẩm được tăng thêm.

Hình 1. Chuỗi giá trị - đường cong mặt cười

công nghiệp chế biến chế tạo
Nguồn: Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)

Chuỗi giá trị thường bắt đầu từ hoạt động nghiên cứu phát triển, đến thiết kế sản phẩm, sản xuất, marketing, phân phối và dịch vụ sau bán hàng. Ngày nay, nhờ hội nhập kinh tế và toàn cầu hoá, chuỗi giá trị vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ của một nước để trở thành chuỗi giá trị toàn cầu, các công đoạn sản xuất thâm dụng lao động, mang lại giá trị gia tăng thấp được dịch chuyển sang các nước đang phát triển để tận dụng lợi thế về chi phí nhân công và lợi thế so sánh của các nước này. Mặc dù được dịch chuyển ra nước ngoài, nhưng hoạt động sản xuất của các chuỗi này vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào những doanh nghiệp đầu chuỗi, chủ sở hữu của các sản phẩm dịch vụ tạo ra từ các hoạt động nghiên cứu phát triển, hệ thống phân phối, thương hiệu sản phẩm…

Hoạt động sản xuất cung cấp một nền tảng quan trọng cho việc học hỏi và phát triển kỹ năng, đổi mới sáng tạo, gắn liền với hoạt động nghiên cứu phát triển. Các nước công nghiệp phát triển cũng chính là nơi sản sinh ra những ý tưởng và phát minh mới, những ngành công nghiệp quan trọng đối với tương lai kinh tế của đất nước, bao gồm các vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ nano và các thiết bị cơ khí chính xác. Sự ra đời của các công nghệ mang tính đột phá cũng đều xuất phát từ các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, là nền tảng của các cuộc cách mạng công nghiệp. Thế giới ngày nay đã trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi cuộc cách mạng đều được khởi xướng từ sự thay đổi có tính đột phá về công nghệ sản xuất. Nếu như các phát minh liên quan đến cơ khí chế tạo là nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và hai, thì những phát minh về điện tử, cơ điện tử là nền tảng cho cuộc cách mạng thứ ba và tư gần đây. Các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp đầu chuỗi trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo là những người đi đầu trong việc tạo ra các công nghệ này, và các tập đoàn này đa phần thuộc về các nước có ngành công nghiệp phát triển.

Khu vực công nghiệp bao gồm 4 ngành chính là khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện-khí, và cấp thoát nước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp. Ở các nước công nghiệp, dù là nước đã phát triển từ lâu hay mới nổi, trong suốt 20 năm qua, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn luôn đóng góp khoảng 20% trong GDP. Năm 2019, khu vực sản xuất chế biến chế tạo của Trung Quốc chiếm 27,1% GDP, Hàn Quốc 25,3%, Thái Lan 25,3%, Malaysia 21,5%, Nhật Bản 20,7%, Singapore 19,8%, và Đức 19,4%, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 16,5%. Cũng cần lưu ý là các cơ sở sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo của các nước phát triển đã được dịch chuyển ra nước ngoài nhờ toàn cầu hoá và phân công lao động quốc tế thông qua dòng vốn đầu tư nước ngoài, do vậy trên thực tế năng lực công nghiệp chế biến chế tạo các quốc gia này có thể còn lớn hơn nhiều.

Theo phân tích của Cục Công nghiệp, xét về mức độ đóng góp vào GDP của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ 2010 đến nay cho thấy cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển đổi tích cực theo hướng công nghiệp hoá, với sự giảm dần của nông nghiệp và tăng dần của công nghiệp và dịch vụ. Bốn ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế gồm chế biến chế tạo, nông nghiệp, bán buôn bán lẻ, và khoáng sản. Các ngành còn lại đều có mức đóng góp dưới 5%. Như vậy có thể thấy công nghiệp chế biến chế tạo đã đóng vai trò động lực cho phát triển của nền kinh tế trong thời gian vừa qua.

Công nghiệp chế biến chế tạo cũng là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định. Hầu hết các công việc trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào sản xuất. Trước đây, nhờ phục hồi các ngành công nghiệp chế biến chế tạo mà nước Mỹ trong những năm 1920, 1930 có thể cung cấp hàng chục triệu việc làm mới, vượt qua cuộc Đại suy thoái và nhanh chóng trở thành cường quốc thế giới. Năm 2019, tại Trung Quốc, 28,2% việc làm được tạo ra từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tại Đức là 26,8%, Nhật 24,3%, Hàn Quốc 24,8%, Malaysia 27,2%, Thái Lan 23,4%, và Việt Nam là 25,8%. Gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của các ngành sản xuất, chế biến chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, chính phủ Hoa Kỳ đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để đưa hoạt động sản xuất quay trở lại đất nước.

Xét về góc độ tạo việc làm của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ 2010 đến nay cho thấy thay đổi về cơ cấu kinh tế đã dẫn đến những thay đổi về cơ cấu lao động, với sự giảm sút đáng kể của lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, từ 49,5% năm 2010 xuống còn 37,7% năm 2018, và sự gia tăng của lao động làm việc trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã cho thấy vai trò chủ đạo của mình trong việc hấp thụ lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp, với tỉ trọng lao động tăng từ 13,5% lên 17,9%, tiếp theo là ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ với tỉ trọng lao động tăng từ 11,3% lên 13,5% trong cùng giai đoạn. Các ngành còn lại đều có tỉ trọng lao động chưa đến 10%. Như vậy, hơn 60% lao động cả nước đang làm việc ở 3 ngành kinh tế chính là nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, và dịch vụ bán buôn, bán lẻ. Với xu hướng giảm dần lao động trong ngành nông nghiệp, trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ bán buôn bán lẻ sẽ phải tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với dân số ở độ tuổi lao động chiếm trên 50% tổng dân số, đây vừa là nguồn lực cho phát triển, đồng thời cũng là áp lực tạo việc làm đối với nền kinh tế. Công nghiệp chế biến chế tạo là ngành tạo việc làm chủ yếu cho nền kinh tế, nhưng trong nội ngành chế biến chế tạo, vai trò của mỗi ngành cấp 2 cũng khác nhau. May mặc, da giày, và chế biến thực phẩm vẫn là các ngành tạo việc làm chính cho nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng về lao động bình quân giai đoạn 2014-2017 đạt 6%. Điện tử thời gian gần đây nổi lên như một ngành thâm dụng lao động, tạo việc làm chủ yếu, với tốc độ tăng trưởng việc làm trong cùng giai đoạn đạt 21%. Các ngành khác, như cao su-nhựa, cơ khí, ô tô cũng có xu hướng tăng nhu cầu lao động, phù hợp với sự dịch chuyển cơ cấu công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8%.

Để tận dụng cơ hội trong thời kỳ dân số vàng một cách hiệu quả, ngoài việc tạo ra nhiều việc làm đáp ứng nhu cầu của người lao động, cũng cần chú ý đến chất lượng việc làm, tức là những việc làm tạo ra năng suất và thu nhập cao, bởi đây mới là yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước từ nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao. Nếu chỉ tập trung vào tăng trưởng về lượng, phát triển các ngành thâm dụng lao động để giải quyết việc làm mà không chú trọng đến chất lượng việc làm, chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành công nghiệp chế biến chế tạo từ các ngành thâm dụng lao động, năng suất thấp sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, có năng suất cao hơn, thì khi hết thời kỳ dân số vàng, nguồn lao động trở nên khan hiếm, dân số già hoá, đất nước phải đối mặt với nguy cơ “chưa giàu đã già” và mắc bẫy thu nhập trung bình.

Như vậy, mục tiêu tạo việc làm nếu chỉ dựa vào cơ cấu việc làm trong ngành chế biến chế tạo thì sẽ không thực sự hiệu quả, bởi các ngành thâm dụng lao động như dệt may và giày dép tạo nhiều việc làm nhất nhưng lại có năng suất lao động thấp nhất. Điều này phản ánh đúng thực trạng của ngành dệt may, da giày Việt Nam phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp nước ngoài, các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao đều do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ, doanh nghiệp trong nước chỉ làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài, thực hiện công đoạn sản xuất tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Một số ngành công nghiệp mới nổi, như điện tử, hoá chất, máy móc thiết bị, ô tô vừa tăng quy mô về lao động nhưng vẫn giữ được tăng trưởng năng suất ổn định, cho thấy ngành chế biến chế tạo Việt Nam đang có sự thay đổi cơ cấu theo chiều hướng tốt hơn, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. 

Công nghiệp chế biến chế tạo và mục tiêu trở thành nước công nghiệp hoá

Cục Công nghiệp phân tích, với đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo như hiện nay, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ có thể gia nhập nhóm các nước công nghiệp mới nổi theo tiêu chí phân loại của UNIDO. UNIDO coi giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo (MVA) bình quân đầu người là một chỉ số chính, phản ánh trình độ phát triển của sản xuất công nghiệp trong mối quan hệ với quy mô dân số của một quốc gia. Khái niệm này đã được sử dụng thống nhất liên tục trong chuỗi Báo cáo Phát triển Công nghiệp xuất bản hàng năm của UNIDO. Đúc kết từ quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, UNIDO chỉ ra rằng tỷ lệ MVA trong GDP sẽ không tăng lên nữa khi đạt đến một ngưỡng nhất định, là khi quốc gia đó đã đạt tới công nghiệp hoá ở mức cao nhất. GDP bình quân đầu người lúc này được ước tính khoảng 13.000 Đô la quốc tế (PPP 2010) và MVA duy trì ở tỷ lệ khoảng 20%. Trong thống kê của UNIDO, một nền kinh tế được coi là đã công nghiệp hoá nếu MVA bình quân đầu người sau điều chỉnh vượt mức 2.500 Đô la quốc tế (PPP2010).

Một quốc gia được xếp hạng là “nền kinh tế công nghiệp mới nổi” nếu quốc gia đó đã có những thành tựu đáng kể về công nghiệp hoá và có MVA bình quân đầu người sau điều chỉnh nằm trong khoảng từ 1.000 đến 2.500 Đô la quốc tế, hoặc GDP bình quân đầu người (PPP) từ khoảng 10.000 đến 20.000 Đô la quốc tế. Một tiêu chí nữa đã được định nghĩa để bổ sung vào danh sách một số nền kinh tế đóng góp lớn cho sản xuất công nghiệp toàn cầu. Về tuyệt đối, các quốc gia này có đầy đủ các tiêu chí trên của một nền kinh tế công nghiệp mới nổi, nhưng về tương đối, do quy mô dân số lớn nên chưa đạt được mức MVA bình quân đầu người như các quốc gia khác. Vì vậy, danh sách này có bao gồm cả các công xưởng lớn của thế giới (đóng góp 0,5% hoặc nhiều hơn MVA toàn cầu) như Ấn Độ và Trung Quốc. Bảng phân loại quốc gia dựa trên trình độ công nghiệp hoá bao gồm 4 nhóm chính, với các ngưỡng thống kê và tiêu chí cụ thể như sau.

Việt Nam hiện nay đang được xếp vào nhóm các nền kinh tế đang phát triển, với MVA bình quân đầu người sau điều chỉnh sắp đạt đến ngưỡng 1.000 Đô la quốc tế. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng MVA cao, trên 8% như thời gian vừa qua, dự kiến trong vòng 5-7 năm tới, Việt Nam sẽ đạt tiêu chí để gia nhập nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi theo tiêu chí phân loại của UNIDO.

Từ những số liệu và phân tích trên, Cục Công nghiệp nhận định rằng, công nghiệp chế biến, chế tạo có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong thời gian tới, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hoá lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, song song với đó là phát triển hiệu quả các ngành dịch vụ phân phối và dịch vụ cho các nhà sản xuất để tạo động lực kép thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển công nghiệp chế biến chế tạo chính là tạo thị trường cho các ngành dịch vụ phát triển;  do vậy, nguồn lực xã hội nên tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước (bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ trên toàn chuỗi), có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước lớn mạnh cũng là tạo nền tảng vững chắc và phát triển thị trường cho các ngành dịch vụ, và ngược lại, phát triển hiệu quả các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất chính là góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động của ngành chế biến, chế tạo.

Thục Hồng Địa