Triển khai các dự án, chương trình cấp quốc gia phát triển giao dịch điện tử

Triển khai thực hiện các kế hoạch, dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia để triển khai chính sách phát triển giao dịch điện tử.

Ngày 13/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1198/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử.

giao dịch điện tử
Rà soát, tổ chức đánh giá việc thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án cấp quốc gia đang triển khai có liên quan đến thúc đẩy giao dịch điện tử.

Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 22/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai Luật Giao dịch điện tử, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Cần bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong việc tổ chức triển khai Luật Giao dịch điện tử.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ phải tích cực, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả; các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo Luật Giao dịch điện tử được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì hướng dẫn các nội dung mới của Luật Giao dịch điện tử là căn cứ để rà soát; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý nhà nước được phân công và gửi kết quả về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trong tháng 5/2024.

Thời gian hoàn thành rà soát: tháng 8/2024.

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Giao dịch điện tử

Theo Kế hoạch, sẽ xây dựng các văn bản theo Quyết định số 857/QĐ- TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5, liên quan đến Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia. Thời hạn trình: tháng 5/2024.

Hằng năm, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ rà soát các quy định pháp luật có liên quan để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao dịch điện tử

Theo Kế hoạch, sẽ đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung văn bản Luật Giao dịch điện tử và văn bản quy định chi tiết trên Cổng/Trang Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật và các hình thức phù hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng.

Xác định nội dung, hình thức phổ biến pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; biên soạn, đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu phổ biến và phối hợp với Bộ Tư pháp (Cục Phổ biến giáo dục pháp luật) để cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia http://pbgdpl.gov.vn.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao dịch điện tử bằng các hình thức cụ thể; phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông và mạng lưới truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật về giao dịch điện tử.

Ngoài ra, theo Kế hoạch, sẽ triển khai thực hiện các kế hoạch, dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia để triển khai chính sách phát triển giao dịch điện tử quy định tại Điều 4 Luật Giao dịch điện tử. Cụ thể, rà soát, tổ chức đánh giá việc thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án cấp quốc gia đang triển khai có liên quan đến thúc đẩy giao dịch điện tử; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp mới (nếu cần thiết) để phù hợp với quy định của Luật.

Một số điểm quan trọng của Luật Giao dịch điện tử

Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 gồm 7 chương và 54 điều, được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 22/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Phạm vi điều chỉnh của Luật được điều chỉnh, mở rộng, thay đổi những điểm chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử hiện nay.

Luật Giao dịch điện tử 2023 không đưa ra loại trừ đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính như Luật Giao dịch điện tử năm 2005, do việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.

Luật Giao dịch điện tử 2023 bổ sung quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy; bổ sung quy định giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.

Luật bổ sung quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động.

Luật cũng bổ sung các quy định cụ thể về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước, như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước…để bảo đảm các hoạt động của cơ quan nhà nước được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm công tác: quản trị nội bộ, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công, giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Đồng bộ các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu với quy định của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018.

Bổ sung quy định về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… Việc quản lý, phát triển hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là không thể thiếu, vì đây là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế số; là trung gian giao dịch giữa người dùng cuối và người dùng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn và rất lớn nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Thanh Hà