Trình tự thủ tục tố tụng của cơ quan tài phán hiến pháp

THS. LÊ PHƯƠNG HOA - THS. NGUYỄN THỊ HƯNG (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT:

Tố tụng tài phán hiến pháp là loại trình tự, thủ tục đặc biệt, mà đối tượng xét xử của cơ quan tài phán hiến pháp phải là những quyền liên quan đến Hiến pháp, là thẩm quyền tối cao mà không một thiết chế nào khác có thẩm quyền đặc biệt này. Tố tụng tài phán hiến pháp nhằm xem xét, giải quyết các tranh chấp mang tính Hiến pháp do pháp luật quy định.

Từ khóa: tài phán hiến pháp, thủ tục tố tụng, tố tụng tài phán hiến pháp, Hiến pháp.

1. Các nguyên tắc của tố tụng tài phán hiến pháp

1.1. Nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp

Nguyên tắc độc lập của cơ quan tài phán hiến pháp được thể hiện ở 2 khía cạnh: đó là độc lập về vị trí, hoạt động và độc lập của thẩm phán trong việc xem xét các vụ việc Hiến pháp. Các cơ quan tài phán hiến pháp phải độc lập so với các thiết chế hiến định khác vì nó được trao thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các cơ quan tối cao của Nhà nước. Đặc biệt, nó phải độc lập trong các hoạt động chính trị, không bị chính trị chi phối mặc dù nó cần đến sự tác động của quyền lực chính trị để đảm bảo hiệu quả của các quyết định. Thẩm phán phải độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và độc lập về quyền lực chính trị. Vị trí độc lập của thẩm phán phải gắn liền với pháp luật và chỉ tuân theo pháp luật.

1.2. Nguyên tắc phiên tòa công khai

Tính công khai trong tài phán Hiến pháp được thể hiện ở chứng cứ chứng minh và thể hiện trong hoạt động tổ chức phiên tòa. Cơ quan tài phán hiến pháp phải thông báo cho các bên và những người có liên quan được biết về thời gian, địa điểm tiến hành xem xét đơn kiện trong khoảng thời gian nhất định. Nếu quá thời hạn này mà các bên vẫn không có hồi âm, hoặc không có ý định hợp tác, thì phiên tòa vẫn được mở như đã thông báo. Các quyết định của cơ quan tài phán hiến pháp phải được đăng công báo và công bố cho công chúng được biết.

1.3. Nguyên tắc thảo luận tập thể và quyết định theo đa số

Các thẩm phán sẽ tiến hành thảo luận để ra quyết định sau khi đã nghe các bên trình bày quan điểm của mình và trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra. Toàn bộ Hội đồng xét xử sẽ tiến hành thảo luận và sẽ biểu quyết theo nguyên tắc nhất trí, đồng thuận để ra quyết định. Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận thì quyết định đó được gửi lên Hội đồng toàn thể, bao gồm toàn bộ thẩm phán để biểu quyết bỏ phiếu. Phán quyết chỉ được đưa ra khi có quá nửa tổng số thẩm phán có mặt tán thành. 

1.4. Các thẩm phán đều bình đẳng với nhau

Các thẩm phán của cơ quan tài phán hiến pháp bình đẳng với nhau về địa vị pháp lý cũng như việc ra các phán quyết. Mỗi thẩm phán đều được thể hiện ý chí, quan điểm của mình đối với từng vụ việc cụ thể. Các ý kiến thiểu số của các thẩm phán cũng được ghi nhận bằng văn bản, nghĩa là các thẩm phán có quan điểm không thống nhất với quyết định có quyền ghi bằng văn bản và giải thích rõ lý do, đồng thời văn bản này được đính kèm với các quyết định khác của cơ quan tài phán hiến pháp.

1.5. Phán quyết cuối cùng, không thể bị xem xét lại

Các quyết định của cơ quan tài phán hiến pháp là phán quyết cuối cùng, không thể bị xem xét lại bởi bất kỳ một cơ quan nào. Bởi lẽ, đây là cơ quan tối cao trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến Hiến pháp. Không thể đặt ra trường hợp nếu cơ quan tài phán hiến pháp ra phán quyết sai, bởi lẽ khi đã xây dựng nên thiết chế tài phán này, người ta đã tin tưởng vào các phán quyết, đó là niềm tin của dân chúng vào sự công minh của cơ quan tài phán hiến pháp. Khi ra phán quyết thì phải có hiệu lực ngay từ thời điểm được tuyên bố và buộc các bên phải thi hành. Chỉ có cơ quan tài phán hiến pháp mới có quyền xem xét lại chính phán quyết của mình.

2. Trình tự và thủ tục tài phán hiến pháp

Trình tự và thủ tục tài phán hiến pháp là một trong những đặc trưng cơ bản của các cơ quan tài phán hiến pháp. Mỗi một mô hình tài phán khác nhau sẽ có những thẩm quyền khác nhau, tương ứng với đó là các trình tự thủ tục tài phán hiến pháp khác nhau. Phần dưới đây sẽ phân tích cụ thể các quy tắc chung của các thủ tục đó trong mối liên hệ so với với ba mô hình tài phán hiến pháp điển hình là Toà án Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, Tòa án tối cao Hoa Kỳ và Hội đồng Hiến pháp của Pháp. Trong 3 mô hình này, các quy định về thủ tục của Hội đồng Hiến pháp có một số nét khác biệt so với 2 mô hình còn lại, bởi lẽ Hội đồng Hiến pháp có chức năng và thẩm quyền hẹp hơn so với Tòa án Hiến pháp và Tòa án tối cao, bên cạnh đó, chức năng chủ yếu của nó là tư vấn và trọng tài, thực chất không phải là cơ quan xét xử, nó không có thẩm phán. Tuy nhiên, quá trình ra quyết định, phán quyết của Hội đồng Hiến pháp cũng có một số điểm chung với 2 mô hình còn lại. Do đó, trong phần này, tác giả tập trung nghiên cứu về trình tự thủ tục của Tòa án Hiến pháp và Tòa án tối cao và một số liên hệ với Hội đồng Hiến pháp.

2.1. Chủ thể có quyền khởi kiện

Chủ thể có quyền đệ đơn yêu cầu lên cơ quan tài phán hiến pháp để xem xét các vấn đề hiến pháp những chủ thể có quyền khởi kiện. Tùy từng loại hình tranh chấp cụ thể mà chủ thể đó có thể là cá nhân, tổ chức, các cơ quan hiến định hoặc các thẩm phán, tòa án thường,…

Đối với các khiếu nại hiến pháp liên quan đến quyền cơ bản của công dân, nếu như Tòa án hiến pháp và Tòa án tối cao cho phép công dân trực tiếp khiếu kiện lên Tòa án hiến pháp thì Hội đồng Hiến pháp lại không cho phép công dân được trực tiếp khiếu kiện liên quan đến khiếu nại về quyền cơ bản bị vi phạm.

Đối với các vụ việc liên quan đến tranh chấp về thẩm quyền, Tòa án hiến pháp quy định các chủ thể liên quan đến tranh chấp đó như chính quyền bang, chính quyền liên bang, hoặc tòa án bang, liên bang có đơn yêu cầu Tòa án hiến pháp xem xét giải quyết. Cũng có thể người có quyền khiếu kiện là người đứng đầu các bang hoặc liên bang trong các vụ tranh chấp đó. Đặc biệt trong các tranh chấp giữa các cơ quan hiến định thì chủ thể phải là những người đứng đầu các cơ quan đó.

Các vụ việc liên quan đến việc xem xét tính hợp hiến của các đạo luật thì có các quy định khác nhau về chủ thể có quyền yêu cầu ở từng mô hình. Chẳng hạn như trong Toà án hiến pháp, khi xem xét tính tương thích của pháp luật liên bang với luật của bang thì Quốc hội hoặc Hội đồng liên bang có quyền yêu cầu xem xét tính hợp hiến. Khác với Tòa án Hiến pháp, tòa án tối cao lại có cách quy định khác. Do đặc trưng của tòa án tối cao nên các vụ án do tòa án tối cao giải quyết đều được lấy lên từ các tòa án cấp dưới theo thủ tục phúc thẩm. Trong quá trình giải quyết vụ án cụ thể, các thẩm phán có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật mà họ áp dụng. Nếu nhận thấy nó vi hiến thì không áp dụng đạo luật đó và gửi lên Tòa án tối cao giải quyết. Như vậy, chủ thể có quyền yêu cầu có thể là các bên có liên quan trong đơn kiện hoặc chính là Tòa án cấp dưới đang tham gia giải quyết vụ án đó. Bên cạnh đó, Hội đồng Hiến pháp cũng quy định cụ thể các chủ thể có thẩm quyền yêu cầu giám sát hiến pháp thuộc về các quan chức cao cấp của Nhà nước như Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện và các nghị sỹ của Quốc hội.

2.2. Thủ tục lựa chọn các vụ việc của các cơ quan tài phán hiến pháp

Hiện nay, các cơ quan tài phán hiến pháp nhận được các yêu cầu giải quyết các vụ việc hiến pháp ngày càng tăng. Đặc biệt, các khiếu kiện hiến pháp ngày càng tăng thể hiện tính phổ biến của Tòa án hiến pháp và Tòa án tối cao kể từ sau thế chiến thứ II và tăng đột biến vào những năm 90.

Với số lượng các khiếu kiện hiến pháp ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng thẩm phán tại 2 tòa án này không có gì thay đổi trong suốt một thời gian dài. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải trong việc giải quyết đơn kiện. Chính vì vậy, hai tòa này đã phải quy định những thủ tục lựa chọn vụ việc để thụ lý và điều kiện nộp đơn rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể. Điều kiện về nộp đơn kiện có thể là các chi phí tài chính, hạn chế về hiểu biết pháp luật của người nộp đơn. Điều kiện lựa chọn vụ việc thụ lý là đơn kiện phải liên quan đến các quyền tự nhiên, chính sách pháp luật hoặc giải thích hiến pháp.

Chẳng hạn như ở Tòa án tối cao Hoa Kỳ, để một khiếu kiện hiến pháp được đưa ra trước tòa yêu cầu phải thuê một luật sư hoặc một người đại diện pháp lý hợp pháp, tuy nhiên luật sư đó phải rất đặc biệt. Họ phải là thành viên của Hội đồng thẩm phán của Tòa án tối cao (Supreme Court Bar) và quan trọng hơn họ có thể làm thư ký tại Tòa án tối cao. Khác với Hoa Kỳ, Tòa án hiến pháp của Đức không yêu cầu công dân phải thuê một luật sư cho mình khi nộp đơn khiếu nại hiến pháp vì cho rằng nó là tòa án của nhân dân. Điều này trái ngược với các quy định chung của các tòa án tối cao liên bang trong quy định về nghĩa vụ phải có đại diện pháp lý.

Tòa án hiến pháp và Tòa án tối cao có một số khác biệt trong việc lựa chọn các vụ việc xét xử. Tòa án tối cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các vụ việc phần lớn đều phát sinh từ các tòa án cấp dưới và được Tòa án tối cao lựa chọn một cách tùy ý. Do vậy, việc thụ lý đơn kiện của Tòa án tối cao mang tính thiếu dự đoán và tiêu chuẩn rõ ràng. Ngược lại, các vụ kiện có thể được gửi lên Tòa án hiến pháp giải quyết rất dễ dàng. Mặc dù vậy, nó phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về việc thụ lý đơn kiện như nội dung pháp lý của đơn kiện, các thủ tục kiểm soát các tiêu chuẩn… Những quy định này tạo nên cơ sở mà tòa án từ chối hoặc bác đơn khiếu nại với tỷ lệ cao, đồng thời với nó là sự bảo vệ tòa khỏi sự quá tải đối với các đơn kiện.

Giống như Tòa án hiến pháp, các đơn kiện lên Hội đồng Hiến pháp đều được một nhóm các thành viên của Hội đồng xem xét và tiến hành một số thủ tục cần thiết để kiểm tra phạm vi thẩm quyền của đơn kiện và các yêu cầu hợp lệ khác. Sau khi kiểm tra hồ sơ, các thành viên này sẽ quyết định có thụ lý vụ việc hay không.

2.3. Quá trình xem xét hồ sơ giải quyết vụ việc

Với các điều kiện cụ thể về thụ lý vụ án, chỉ còn một lượng nhỏ các vụ việc được gửi lên cơ quan tài phán hiến pháp giải quyết. Mỗi một cơ quan, mỗi thẩm quyền lại có cách quy định khác nhau trong việc xem xét hồ sơ nhưng về cơ bản vẫn tiến hành theo các quy trình chung.

Cơ quan tài phán hiến pháp, sau khi thụ lý vụ việc sẽ ngay lập tức gửi bản sao đơn khiếu nại đến các bên có liên quan, yêu cầu họ đưa ra quan điểm của mình trong khoảng thời gian cụ thể. Tòa án hiến pháp không quy định rõ thời gian trả lời của các bên có liên quan mà tùy thuộc vào tính chất phức tạp hay không của vụ án để Tòa án sẽ giới hạn khoảng thời gian cụ thể. Việc quy định thời gian xem xét và cho ý kiến nhằm hạn chế khả năng cố tình trì hoãn thời gian trả lời đơn kiện. Tuy nhiên, việc quy định thời hạn đưa ra quan điểm của bị đơn không thể đưa ra thời hạn chung cho tất cả các vụ án mà Tòa án sẽ có toàn quyền trong việc quyết định thời hạn này là bao nhiêu để đảm bảo tính độc lập trong quá trình xét xử của cơ quan tài phán hiến pháp.

Cơ quan tài phán hiến pháp sẽ quyết định lựa chọn thẩm phán tham gia phiên tòa. Trong trường hợp thẩm phán từ chối việc tham gia phiên tòa phải ghi rõ lý do. Mặt khác, Tòa cũng phải loại trừ các trường hợp thẩm phán không được phép là thành viên của Hội đồng xét xử. Các điều kiện thẩm phán không được là thành viên của Hội đồng xét xử thì tùy từng nước có quy định khác nhau (chẳng hạn như thẩm phán đó có lợi ích liên quan trong vụ kiện, có chồng hoặc vợ hoặc là họ hàng của nguyên đơn hoặc bị đơn, là đại diện pháp lý hoặc được triệu tập làm luật sư…). Nếu vụ kiện là một nhóm người thì Tòa án sẽ hướng dẫn họ lựa chọn người đại diện để tham gia phiên tòa.

Về chứng cứ, cơ quan tài phán hiến pháp sẽ tiến hành thu thập chứng cứ và thẩm định giá trị của chứng cứ. Chỉ có cơ quan này mới có quyền quyết định về tính giá trị của chứng cứ hay không. Việc thu thập chứng cứ có thể trao cho một thẩm phán hoặc yêu cầu một tòa án khác thu thập chứng cứ trong trường hợp có nhiều người hoặc trường hợp cụ thể phải có 2/3 số thẩm phán đồng ý. Cơ quan tài phán có quyền quyết định kết thúc quá trình thu thập chứng cứ vào bất kỳ thời điểm nào của vụ kiện nếu thấy cần thiết.

Nhân chứng và những chuyên gia có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cần thiết và bị thẩm vấn nếu được cấp trên đồng ý hoặc bị từ chối nếu liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước. Việc cung cấp chứng cứ của nhân chứng và các chuyên gia là không thể từ chối, được quy vào nghĩa vụ buộc phải tuân theo. Căn cứ theo luật tòa án Hiến pháp của Đức thì việc thẩm vấn nhân chứng hoặc các chuyên gia phải tuân thủ 2 nhóm nguyên tắc: tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Trong hầu hết các vụ kiện việc thẩm vấn nhân chứng và chuyên gia phải căn cứ vào luật tố tụng dân sự, chỉ số ít liên quan đến việc kết tội thẩm phán, tổng thống, xâm phạm các quyền cơ bản của công dân, vi hiến của các đảng phái chính trị thì thẩm vấn căn cứ vào quy định tại Luật Tố tụng hình sự. Các bên trong vụ kiện có quyền yêu cầu làm nhân chứng cùng với những người khác để đảm bảo sự công bằng trong hoạt động xét xử.

Căn cứ vào tính chất của từng loại việc cụ thể, đồng thời trên cơ sở hồ sơ và chứng cứ đã thu thập được, nếu cơ quan này nhận thấy đã có đủ cơ sở để ra phán quyết thì có quyền quyết định có cần thiết phải mở phiên tòa xét xử hay không. Thông thường, các vụ việc liên quan đến xem xét tính hợp hiến của các đạo luật, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền thường được giải quyết trên cơ sở hồ sơ vụ việc, còn giải quyết khiếu kiện Hiến pháp đòi hỏi phải có quá trình hỏi đáp của các bên có liên quan. Đối với những vụ việc được giải quyết trên cơ sở hồ sơ thì sau khi tiến hành điều tra, xem xét cụ thể hồ sơ và chứng cứ thu thập được, Hội đồng thẩm phán tại phiên họp toàn thể sẽ ra quyết định.

Về án phí, thông thường các khiếu nại hiến pháp lên cơ quan tài phán hiến pháp là miễn phí. Nhưng đối với các trường hợp liên quan đến khiếu nại hiến pháp đối với việc định tội các quan chức cấp cao hoặc Tổng thống, thẩm phán thì lại quy định mức phí rất cao. Trong trường hợp không có đủ căn cứ chứng minh hoặc tuyên vô tội thì bên bị buộc tội sẽ được hoàn lại các chi phí cần thiết. Luật về Tòa án Hiến pháp ở các nước quy định về khoản bồi hoàn các chi phí trong khi tiến hành vụ kiện là toàn bộ hoặc một phần.

2.4. Giai đoạn hỏi đáp tại phiên tòa

Hội đồng xét xử của cơ quan tài phán hiến pháp thông thường là 5 thẩm phán.

Trước tiên, phiên tòa được bắt đầu bằng việc Thư ký phiên tòa đọc tóm tắt hồ sơ vụ án, chứng cứ và quan điểm của mỗi bên, kết quả của cuộc tranh luận. Sau đó, các bên gồm nguyên đơn và bị đơn sẽ trình bày tóm tắt quan điểm của mình về vụ kiện. Nguyên đơn phát biểu trước, bị đơn phát biểu sau. Trong quá trình các bên đưa ra quan điểm của mình hoặc sau đó, chỉ có Tòa án mới có quyền được hỏi thêm. Các nhân chứng, giám định viên và những người có liên quan sẽ trình bày những sự kiện thực tế trước phiên tòa, trong trường hợp vắng mặt phải nêu quan điểm của mình bằng văn bản gửi tới trước tòa. Tòa án ghi chép hồ sơ về vụ án do mình xét xử. Trong trường hợp cần thiết, tòa án có quyền hoãn phiên tòa.

2.5. Ra quyết định

Sau khi tiến hành xét xử công khai, Hội đồng xét xử tiến hành thảo luận, biểu quyết công khai để ra quyết định. Luật của từng nước quy định về việc số lượng thành viên tham gia Hội đồng. Thông thường số lượng thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử là 5 (đối với những vụ án đơn giản) hoặc có thể là toàn bộ thẩm phán tại phiên họp toàn thể (nếu là vụ án phức tạp). Tuy nhiên, số lượng thẩm phán tham gia Hội đồng bao giờ cũng là số lẻ (bao gồm cả Chánh án) để đảm bảo cho các quyết định đều được biểu quyết thông qua. Chánh án sẽ không bỏ phiếu, chỉ trong trường hợp số lượng thẩm phán đồng ý và không đồng ý với quyết định, thì quan điểm của Chánh án sẽ đóng vai trò quyết định đối với vụ kiện. Hội đồng xét xử bao gồm toàn bộ thẩm phán thành viên tham gia biểu quyết theo nguyên tắc nhất trí, đồng thuận. Nếu không đạt được sự đồng thuận thì gửi lên Hội đồng toàn thể để ra quyết định. Phiên họp của Hội đồng toàn thể được tiến hành khi có mật số lượng thẩm phán nhất định tham gia. Hội đồng toàn thể quyết định theo đa số và thảo luận tập thể và được thông qua khi có quá nửa tổng số thẩm phán có mặt tán thành. Trong trường hợp thẩm phán nào đó không đồng ý thì cũng ghi rõ lý do vào nội dung của phán quyết.

Sau khi các thẩm phán phát biểu ý kiến và biểu quyết về vụ án, cơ quan tài phán sẽ hoàn thành quyết định của mình trong thời gian cụ thể để gửi đăng Công báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng và đính kèm theo quyết định cá nhân của tất cả các thẩm phán tham gia phán quyết. Đồng thời, phán quyết này phải gửi đến cho cơ quan nhà nước liên quan, đồng thời phải gửi tận tay cho nguyên đơn và bị đơn cũng như luật sư của họ được biết theo địa chỉ nơi ở của họ hoặc địa chỉ mà nguyên đơn hoặc bị đơn yêu cầu. Có những nước quy định Tòa án Hiến pháp có thể sử dụng bất kỳ một phương thức nào để thông báo đến cho các bên về quyết định của mình, các phương thức đó đều được coi là hợp lệ trong mọi trường hợp.

Một quyết định phải bao gồm các nội dung như tiến trình vụ án, tóm tắt các sự kiện trong quá trình xét xử, căn cứ pháp lý và sự kiện thực tế, những quy định tương thích của Hiến pháp và luật được trích dẫn để giải quyết vụ án. Ngoài ra trong quyết định phải tuyên bố ai phải thi hành quyết định và trong trường hợp cụ thể phải ghi rõ phương thức thi hành (theo Điều 35 Luật về Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Raft Rogowski & Thomas Gawron (2002). Constitutional Courts in Comparison. Berghahn Books, USA.
  2. Đào Trí Úc, Nguyễn Như Phát (2007). Tài phán Hiến pháp và vấn đề xây dựng mô hình tài phán hiến pháp ở Việt Nam. NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

Constitutional jurisdiction proceedings of constitutional review institutions

Master. LE PHUONG HOA1

Master. NGUYEN THI HUNG1

1Institute of State and Law,

Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Constitutional jurisdiction proceedings are a special type of order and procedure. In which, the object of trial of the constitutional tribunal must be the rights related to the Constitution which are the supreme authority that no other institution has. Constitutional jurisdiction proceedings are to consider and settle constitutional disputes prescribed by law.

Keywords: constitutional review, proceedings, constitutional jurisdiction proceedings, the Constitution.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11  năm 2022]