TÓM TẮT:

Chi phí tiếp cận quá trình tố tụng dân sự có ảnh hưởng lớn đến quyết định theo đuổi công lý của người dân. Bài viết tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến chi phí tiếp cận quá trình tố tụng dân sự và các vấn đề đặt ra, trên cơ sở đó, đề xuất các kiến nghị có liên quan nhằm đảm bảo tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự.

Từ khóa: chi phí tiếp cận, tố tụng dân sự, công lý.

1. Đặt vấn đề

Quá trình tố tụng dân sự chỉ được bắt đầu dựa trên một yêu cầu của bên có quyền và nghĩa vụ cần bảo vệ. Tuy nhiên, không phải bất cứ chủ thể nào khi đối diện với các vấn đề pháp lý đều lựa chọn cách hành động. Quyết định hành động để tìm kiếm sự đền bù/khắc phục các thiệt hại dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có khả năng chi trả cho quá trình tố tụng.

Chi phí tố tụng nói chung là các nguồn lực xã hội được sử dụng vào hoạt động tố tụng nhằm giải quyết các vụ việc dân sự. Chi phí này có thể được chi trả bởi ngân sách nhà nước, các tổ chức xã hội hoặc các bên có yêu cầu giải quyết. Đối với cá nhân, yếu tố này tác động đến quyết định theo đuổi công lý tùy thuộc vào việc nó có trong khả năng chi trả của họ hay không.

Khái niệm chi phí cho các dịch vụ pháp lý nằm trong phạm vi tài chính của chủ thể có nhu cầu tiếp cận công lý có thể là chi phí thực tế hoặc nhận thức của chủ thể về chi phí tiếp cận công lý. Ngoài ra, cũng có cách phân loại là chi phí trực tiếp của các dịch vụ hoặc tổng chi phí tiếp cận các dịch vụ bao gồm cả chi phí khác liên quan đến việc sử dụng dịch vụ như chi phí di chuyển, giữ trẻ, thời gian nghỉ làm,…1

Dù với cách hiểu nào thì chi phí cho các dịch vụ pháp lý đều ảnh hưởng đến quyết định theo đuổi tiếp cận công lý của người dân2. Các nghiên cứu cho thấy có từ 42-90% cá nhân quyết định không yêu cầu dịch vụ pháp lý vì nguyên nhân chi phí3.

Các chi phí do người sử dụng trực tiếp chi trả bao gồm: chi phí về tiền, chi phí cơ hội và chi phí vô hình. Bài viết này chỉ tập trung phân tích các khía cạnh có liên quan đến chi phí về tiền mà người dân phải chi trả.

2. Chi phí về tiền

Chi phí về tiền gồm: Chi phí sử dụng thông tin (phí khai thác thông tin, thu thập chứng cứ), phí luật sư, phí giám định, phí phiên dịch, phí công chứng, án phí (tòa án) lệ phí (trọng tài), nghĩa vụ bảo đảm (khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời), chi phí đi lại, sao chép tài liệu, chi phí liên lạc,…

- Các chi phí tố tụng tại tòa án bao gồm:

Án phí dân sự là khoản tiền mà đương sự trong vụ án có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của Tòa án. Chi phí tố tụng thực tế được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 không cao. Án phí không có giá ngạch đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động là 300.000 đồng và với tranh chấp về kinh doanh, thương mại là 3.000.000 đồng. Đối với các vụ án có giá ngạch được tính như sau:

+ Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch:

Bảng 1. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự

Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự

+ Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch:

Bảng 2. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại

Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại

+ Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp lao động có giá ngạch:

Bảng 3. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp lao động

Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp lao động

Ví dụ: Tranh chấp về lao động có giá trị tranh chấp là 800.000.000 triệu đồng, nếu giải quyết thông qua tòa án, mức án phí theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 là: 12.000.000 + 4%*400.000.000 = 28.000.000 đồng.

Lệ phí: lệ phí tòa án là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại tòa án,... Theo Điều 4 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, lệ phí tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đối với việc giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động là 300.000 đồng, lệ phí khác như lệ phí yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của tòa án nước ngoài; phán quyết của trọng tài nước ngoài, lệ phí giải quyết yêu cầu liên quan đến việc trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại, lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công,… dao động trong khoảng từ 200.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Các chi phí tố tụng khác bao gồm chí phí ủy thác ra nước ngoài, chi phí giám định, chi phí định giá, chi phí cho người làm chứng, chi phí cho người phiên dịch, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí thẩm định giá tài sản,…

- Các chi phí sử dụng dịch vụ pháp lý:

Bảng 4. Mức phí dịch vụ pháp lý trung bình của luật sư4

Mức phí dịch vụ pháp lý trung bình của luật sư

Phí luật sư: là khoản phí phải trả cho các dịch vụ pháp lý do luật sư cung cấp. 

Để đánh giá sự tác động của các chi phí tố tụng đến hành vi tìm kiếm công lý của công dân, cần xem xét trong tương quan thu nhập bình quân 1 người/ tháng nói chung và bình quân thu nhập đối với các nhóm thu nhập thấp nhất trong cả nước là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi các khoản chi này.

Biểu đồ 1: Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng
chia theo 5 nhóm thu nhập

Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo 5 nhóm thu nhập

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Kết quả khảo sát Mức sống dân cư Việt Nam năm 2020.

So sánh giữa bình quân mức thu nhập hàng tháng của các nhóm thu nhập với chi phí tố tụng có thể thấy chi phí tố tụng hiện đang chiếm một tỷ trọng lớn trong thu nhập cá nhân của 2 nhóm gồm 1 (nghèo) và 2 (cận nghèo), là các nhóm có thu nhập thấp nhất trong xã hội.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho thấy tính trong cả nước, tổng số hộ nghèo là 984.764 hộ, chiếm 3,75%, trong đó hộ nghèo về thu nhập là 917.559 hộ, hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là 67.205 hộ. Tổng số hộ cận nghèo là 1.166.989 hộ, chiếm 4,45%5. Các tiêu chuẩn để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình là:

a) Hộ nghèo khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một trong 2 tiêu chí sau:

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

b) Hộ nghèo khu vực thành thị: là hộ đáp ứng một trong 2 tiêu chí sau:

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống;

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

c) Hộ cận nghèo khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

d) Hộ cận nghèo khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

e) Hộ có mức sống trung bình khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

g) Hộ có mức sống trung bình khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng.

3. Chi phí cơ hội và chi phí vô hình

Ngoài các chi phí về tiền nêu trên, người theo đuổi công lý còn phải chịu các loại chi phí khác gồm chi phí cơ hội và chi phí vô hình. Chi phí cơ hội là những cơ hội bị bỏ lỡ do việc theo đuổi các hoạt động tìm kiếm công lý như thời gian và các cơ hội với khoản tiền đã sử dụng cho mục đích này. Thời gian dành cho tìm kiếm công lý bao gồm: tìm kiếm thông tin, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thu thập và chuẩn bị tài liệu, liên lạc với các cơ quan tố tụng, di chuyển, tham dự các buổi giải quyết vụ việc hoặc đơn giản là chờ đợi,… Chi phí vô hình bao gồm sự căng thẳng trong quá trình giải quyết vụ việc, những cảm xúc tiêu cực phải trải qua trong quá trình đó và thiệt hại trong các mối quan hệ có liên quan6. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có các khảo sát về vấn đề này ở Việt Nam.

Khảo sát của Dự án Công lý thế giới năm 2019 về Việt Nam cho thấy 7% số người đã từng có các trải nghiệm pháp lý thấy khó hoặc gần như không thể có tiền để giải quyết vấn đề pháp lý của mình7.

Các nghiên cứu gần đây cũng xác định có khoảng trên 90% đương sự tham gia tố tụng trong vụ việc dân sự mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp8. Điều này cho thấy khả năng chi trả cho các chi phí tố tụng của người dân là rất thấp.

Mặc dù pháp luật tố tụng có các quy định về miễn, giảm án phí, lệ phí cho các đối tượng chính sách, nhưng rõ ràng, thông qua các số liệu trên, các chi phí về tiền cùng với các chi phí khác vẫn là một trong những yếu tố ngăn cản công dân tìm kiếm công lý cho mình.

Để đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân, pháp luật tố tụng dân sự có quy định về các trường hợp miễn, giảm án phí, lệ phí. Quy định không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án; không phải chịu án phí, lệ phí tòa án; miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí tòa án, lệ phí tòa án; giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí tòa án, lệ phí tòa án được áp dụng cho các đối tượng khác nhau trong đó có cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em, người cao tuổi,… Với các đối tượng được hưởng miễn giảm án phí, lệ phí, miễn nộp tạm ứng án phí, họ vẫn phải chịu các chi phí cơ hội như thời gian làm việc với chuyên gia pháp lý, thời gian làm việc với các cơ quan tố tụng,... Chi phí này rất có ý nghĩa đối với quyết định theo đuổi công lý của các chủ thể này do họ có nguồn tài chính hạn hẹp, thậm chí các khoản chi tiêu phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của từng ngày lao động.

Bên cạnh các nhóm yếu thế được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý, các nhóm cận nghèo hoặc mới thoát nghèo vẫn cần được trợ giúp pháp lý, bởi việc chi trả cho các chi phí tố tụng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình, việc phải cân nhắc giữa bảo đảm kinh tế gia đình và theo đuổi tiếp cận công lý ảnh hưởng lớn đến quyết định tìm kiếm công lý của người dân.

4. Kiến nghị

Để hạn chế các rào cản tiếp cận công lý liên quan đến chi phí, các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình tố tụng. Việc thực hiện các hoạt động tố tụng như nộp đơn khởi kiện, gửi và nhận thông tin trước và trong quá trình tố tụng cũng như tổ chức giải quyết tranh chấp trực tuyến cần được triển khai ở phạm vi rộng. Gửi và nhận thông tin tố tụng trực tuyến làm giảm các chi phí về di chuyển, sao chụp, thời gian thực hiện thủ tục,…

Thứ hai, mở rộng phạm vi đối tượng được trợ giúp pháp lý, mở rộng các hình thức trợ giúp tiếp cận công lý khác đối với các nhóm nghèo, cận nghèo.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  1. M. Gramatikov, Tilburg Institute for Interdisciplinary Studies of Civil Law and Conflict Resolution Systems. (2010). A Handbook for Measuring the Costs and Quality of Access to Justice. Belgium: Maklu.
  2. Barendrecht M., Kamminga P., and Verdonschot J. H. (2008). Priorities for the Justice System: Responding to the most Urgent Legal Problems of the Individuals. [Online] Available at https://ssrn.com/abstract=1090885.
  3. Pleasence, P., Coumarelos, C., Forell, S. and McDonald, H. (2014). Reshaping Legal Assistance Services: Building on the Evidence Base. Australia: Law and Justice Foundation of New South Wales.
  4. Văn phòng luật Bình Tâm. Phí Luật sư. Truy cập tại http://www.luatbinhtam.com/dich-vu-luat-su-2/phi-luat-su-1.
  5. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2020). Quyết định công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 số 835/QĐ-LĐTBXH.
  6. M.ramatikov, Barendrecht, M., Verdonschot, J. H. (2011). Measuring the costs and quality of paths to justice: Contours of a methodology. Hague Journal on the Rule of Law, 3, 30.
  7. World Justice Project. (2019). Global Insights on Access to Justice. [Online] Available at https://worldjusticeproject.org/our-work/research-and-data/global-insights-access-justice-2019, ngày 22.1.2020. Khảo sát được thực hiện trên cơ sở dữ liệu của 1000 người tại 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh vào năm 2017. Trải nghiệm pháp lý của những người này được giới hạn trong thời gian 2 năm trước phỏng vấn.
  8. Nguyễn Bích Thảo (2018). Công lý và tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự. Trong GS.TSKH. Đào Trí Úc - TS. Nguyễn Công Giao chủ biên, Công lý và quyền tiếp cận công lý - Một số vấn đề lý luận, thực tiễn. Hà Nội: NXB Hồng Đức, tr.251.

ANALYZING THE COSTS OF ACCESSING TO CIVIL PROCEEDINGS

• Ph.D NGUYEN THI THU THUY

Institute of State and Law

ABSTRACT:

The costs of accessing to civil proceedings have a great influence on people's decisions to pursue justice. This paper analyzes issues related to the costs of accessing civil proceedings and makes recommendations to ensure the access to justice in the civil proceedings.

Keywords: access costs, civil proceedings, justice.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]