TÓM TẮT:

Tăng cường tranh tụng trong xét xử là tư tưởng quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp do Bộ Chính trị ban hành. Tư tưởng này đã được thể chế hóa thành nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013. Nguyên tắc trên cũng được thể hiện qua việc sửa đổi, bổ sung những quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2014. Bên cạnh các quy định pháp luật, bài viết phân tích nhiều yếu tố đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự ở Việt Nam.

Từ khóa: Tranh tụng, tố tụng dân sự, nguyên tắc xét xử.

 1. Quá trình thực hiện tranh tụng trong tố tụng dân sự ở Việt Nam

Thuật ngữ tranh tụng lần đầu tiên được đề cập tới trong văn kiện của Đảng, cụ thể là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2001 của Bộ Chính trị. Nghị quyết có xác định quan điểm chỉ đạo hoạt động đối với Tòa án nhân dân là: “Khi xét xử các Tòa án phải bảo đảm cho mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có tính thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”. Tiếp đó, tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định một trong nhiệm vụ phải thực hiện cho đến năm 2020 là nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp; từng bước xã hội hóa một số hoạt động tư pháp. Thực hiện chủ trương đó, Hiến pháp 2013 khi được ban hành đã ghi nhận “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” làm nền tảng xây dựng và tổ chức xây dựng ngành Tòa án.

Trên cơ sở chủ trương của Đảng, pháp luật tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng cũng đã có những bước đi tuần tự để đưa mô hình tranh tụng kết hợp với mô hình xét hỏi, đặc biệt là trong việc ghi nhận quyền tranh tụng trong xét xử của đương sự. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 chưa có quy định cụ thể nào về việc bảo đảm quyền tranh tụng của đương sự. Tuy nhiên, nguyên tắc này đã được thể hiện một phần nội dung trong Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 qua việc ghi nhận nguyên tắc “Bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự”. Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Việc quy định bổ sung này đã góp phần bảo đảm được tính dân chủ, công khai và minh bạch của tố tụng dân sự, tạo cơ hội cho các đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án, đồng thời tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án được nhanh chóng và đúng đắn. Bởi vì, chỉ khi các đương sự được thực hiện quyền tranh luận thì các tình tiết của vụ án được làm sáng tỏ, Tòa án có đầy đủ các chứng cứ để giải quyết vụ án một cách chính xác và đúng pháp luật. Tuy nhiên, nguyên tắc này vẫn chưa thể hiện hết được tinh thần của tranh tụng, bởi lẽ tranh luận chỉ là một phần của tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự sau khi kết thúc phần xét hỏi. Trong khi đó, việc tranh tụng đòi hỏi phải được thể hiện xuyên suốt cả quá trình tố tụng, từ lúc khởi kiện cho tới khi Tòa án giải quyết xong vụ án[1].

Quyền tranh tụng của đương sự chính thức được Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 ghi nhận nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” tại Điều 4. Theo đó, Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Việc bổ sung nguyên tắc tranh tụng đã đưa hoạt động tố tụng dân sự của Tòa án nhân dân trong thực tiễn xét xử trở về đúng bản chất tài phán của cơ quan có chức năng tư pháp khi giải quyết tranh chấp liên quan đến lợi ích tư. Bản chất của tố tụng dân sự phải thông qua tranh tụng để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, hoạt động tranh tụng diễn ra trong suốt quá trình tố tụng và thể hiện quyền quyết định, định đoạt của đương sự trong vụ án[2].

2. Các yếu tố đảm bảo thực hiện tranh tụng trong tố tụng dân sự

Nghiên cứu về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự không thể không xem xét một cách toàn diện đến các yếu tố đảm bảo thực hiện tranh tụng trong tố tụng dân sự, bao gồm:

Thứ nhất, các quy định của pháp luật về tranh tụng trong tố tụng dân sự.

Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Pháp luật là công cụ quản lý nhà nước và xã hội, xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn minh, mà còn hướng đến bảo vệ và phát triển các giá trị chân chính, trong đó có quyền con người, quyền công dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, Nhà nước ta không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng nói riêng.

Hoạt động tranh tụng trong TTDS muốn thực hiện có hiệu quả phải được thực hiện dưới sự điều chỉnh của pháp luật. Pháp luật quy định trình tự, thủ tục, nội dung, cách thức thực hiện hoạt động tranh tụng, quyền nghĩa vụ của các chủ thể tham gia tranh tụng trong TTDS. Như vậy, quy định của pháp luật TTDS tạo hành lang pháp lý xác định rõ nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể tham gia tranh tụng.

Thứ hai, vai trò của tòa án khi giải quyết vụ án.

Trong tố tụng nói chung và TTDS nói riêng, Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử. Tòa án thực hiện chức năng như một trọng tài có địa vị độc lập với các bên để phân xử một cách khách quan, theo pháp luật[3]. Trong TTDS, tòa án là người đứng ra phân xử giữa bên khởi kiện và bên bị kiện để ra phán quyết về vụ án. Nói đến vai trò của Tòa án thực chất là nói đến vai trò của Thẩm phán. Thẩm phán đóng vai trò là người trọng tài để phân xử giữa hai bên tham gia tranh tụng.

Để bảo đảm sự công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong TTDS đòi hỏi Tòa án phải khách quan, thái độ vô tư và công minh đối với cả hai bên. Đương sự có thể thực hiện đầy đủ các quyền tranh tụng của mình hay không hoàn toàn phụ thuộc vào Tòa án. Tòa án phải bảo đảm cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác hiểu biết và đủ điều kiện thực hiện quyền tranh tụng của mình theo quy định của pháp luật. Tòa án phải tôn trọng quyền tranh tụng của các đương sự. Tòa án không được phép định kiến với bất cứ đương sự nào vì bất cứ lý do gì trong quá trình giải quyết vụ án. Mọi đương sự đều phải được Tòa án triệu tập một cách hợp lệ để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Tòa án phải bảo đảm quyền bình đẳng cho các đương sự tham gia vào quá trình TTDS, điều đó có nghĩa Tòa án phải bảo đảm cho đương sự được bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu, bổ sung yêu cầu, cung cấp chứng cứ, căn cứ pháp lí, lý lẽ, được đề nghị Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ về những tình tiết cụ thể mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, được biết chứng cứ, căn cứ pháp lí, lý lẽ chứng minh do bên kia cung cấp hoặc chứng cứ do Tòa án thu thập và được tranh luận trước Tòa án.

Tòa án có vai trò quan trọng và quyết định trong việc bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể tham gia tranh tụng và giải quyết đúng đắn vụ kiện. Chức năng chủ yếu của thẩm phán là người trọng tài “cầm cân công lý” để phân xử giữa hai bên tham gia tranh tụng, duy trì trật tự phiên tòa và quá trình tranh tụng giữa hai bên, hướng quá trình tranh tụng vào việc giải quyết các yêu cầu của các đương sự, các căn cứ thực tiễn và pháp lý của các yêu cầu đó cũng như các tình tiết khác nhau về quan hệ pháp luật dân sự mà từ đó phát sinh tranh chấp giữa các đương sự. Tòa án có quyền thẩm vấn các bên hoặc các nhân chứng trong trường hợp đặc biệt cần thiết để làm rõ thêm lời trình bày của họ.

  Như vậy, Tòa án Tòa án bảo đảm cho các đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong TTDS một cách bình đẳng, công khai và đúng pháp luật. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Thứ ba, sự hỗ trợ đương sự tranh tụng của các cá nhân, cơ quan, tổ chức.

         Đương sự có vai trò quan trọng nhất để thực hiện việc tranh tụng. Để đương sự có điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của mình cũng như góp phần quan trọng giúp Tòa án tìm ra sự thật khách quan của vụ án thì đương sự cần nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Sự hỗ trợ này trước tiên từ người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đặc biệt là các luật sư. Bởi trong nhiều trường hợp, đương sự là người không có khả năng để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc không có hiểu biết pháp luật, kỹ năng tranh tụng kém… Do đó, với sự hỗ trợ của người đại diện, người bảo vệ sẽ giúp đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thực hiện quyền tranh tụng một cách hiệu quả[4].

Ngoài ra, để thực hiện tranh tụng, các bên đương sự phải có đầy đủ chứng cứ. Nếu các bên không có chứng cứ thì không thể tranh tụng hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều khi chứng cứ không do bản thân các đương sự lưu giữ mà lại do các đương sự khác, người tham gia tố tụng khác hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nắm giữ. Chính vì vậy, sự giúp đỡ tích cực của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp chứng cứ cho đương sự khi họ yêu cầu là một điều kiện rất quan trọng để đương sự thực hiện tranh tụng.

Thứ tư, cơ chế kiểm sát, giám sát hoạt động tranh tụng.

Tranh tụng là một hoạt động quan trọng trong tố tụng nói chung và TTDS nói riêng. Để hoạt động tranh tụng hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật cần có cơ chế kiểm sát, giám sát nhằm đảm bảo cho hành vi xử sự của các chủ thể tham gia vào quá trình tranh tụng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, nhằm giải quyết được VADS. Mặt khác, những sai sót, vi phạm trong tranh tụng luôn có những khả năng hạn chế quyền của đương sự, gây thiệt hại cho người khác, làm giảm niềm tin của nhân dân vào công lý. Chính vì vậy, hoạt động này cần thiết phải chịu sự kiểm tra, giám sát. Một trong những hình thức của cơ chế kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tranh tụng là hoạt động của VKSND. Viện Kiểm sát sẽ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong toàn bộ quá trình tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng nói riêng. Viện Kiểm sát sẽ tham gia phiên tòa trong một số trường hợp nhất định, kiểm sát hoạt động tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, từ đó ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền tranh tụng của đương sự.

Giám sát hoạt động tranh tụng còn được thực hiện bởi cơ quan quyền lực nhà nước Quốc hội, các cơ quan đại diện cho nhân dân cùng cấp (Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc) thông qua việc nghe báo cáo tại các kỳ họp của ngành Tòa án. Ngoài ra, cơ chế kiểm tra giám rát còn được thực hiện thông qua hệ thống các cơ quan truyền thông, công luận như báo, đài tham dự phiên tòa, truyền hình,... Qua sự kiểm tra, giám sát đó sẽ đảm bảo tranh tụng hiệu quả, đúng pháp luật.

Thứ năm, sự hiểu biết pháp luật của các đương sự.

Đương sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đương sự chính là các chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung đang tranh chấp, họ hiểu vụ án hơn bất kỳ chủ thể nào khác tham gia tố tụng. Tòa án chỉ có thể nhận thức được vụ án thông qua những chứng cứ, lập luận do đương sự cung cấp. Còn đương sự họ có mặt từ đầu khi xác lập các mối quan hệ pháp lý về nội dung, quá trình vận động của quan hệ đó dẫn đến phát sinh tranh chấp. Họ hiểu vụ án nên có thể tiếp cận một cách dễ dàng các chứng cứ đang có trong tay cũng như biết được cần thiết phải lấy các chứng cứ khác ở đâu khi có yêu cầu. Như trong một tranh chấp về thừa kế tài sản thì các bên sẽ là người biết rõ nhất có hay không có di chúc, tài sản để lại là bao nhiêu, ở đâu, hình thành như thế nào?… Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản thì đương sự sẽ biết rõ nhất có hay không hợp đồng này, bên vay đã trả tài sản cho bên cho vay chưa, trả bao nhiêu, thời gian nào, phương thức thanh toán ra sao?… Vì vậy, khẳng định rằng đương sự là người hiểu VADS hơn ai hết là một lập luận hoàn toàn chính xác.

Hoạt động tranh tụng trong TTDS không gì khác là tái hiện lại sự thật khách quan vốn đã phát sinh giữa các bên đương sự để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tái hiện lại sự thật đã qua đi không thể phủ nhận được vai trò tích cực và quan trọng hàng đầu của những người hiểu vụ án hơn ai hết. Vai trò của đương sự trong tranh tụng quan trọng nhất trong hoạt động tố tụng và có tính chất quyết định đến hoạt động tố tụng của các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng khác. Tính quan trọng của đương sự được thể hiện thông qua những hành vi tố tụng cụ thể được pháp luật quy định. Trong giai đoạn hiện nay, khi những yếu tố mới trong và ngoài nước đang hình thành và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, thì vai trò của đương sự trong tranh tụng cũng bị chi phối và càng trở lên quan trọng hơn.

Vì vai trò tích cực và chủ động của đương sự trong tranh tụng nên đòi hỏi đương sự phải có sự hiểu biết pháp luật nhất định mới có thể tranh tụng như đương sự đưa ra yêu cầu gì, cần phải biết thu thập chứng cứ ở đâu, bằng những biện pháp pháp lý nào, cung cấp những chứng cứ nào cho Tòa án, tranh tụng tại phiên tòa thì đặt các câu hỏi như thế nào với đương sự phía bên kia, chuẩn bị bản luận cứ để tranh luận, đối đáp với đương sự phía bên kia,… Có như vậy, đương sự mới có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như giúp Tòa án ra phán quyết đúng đắn, chính xác và đúng pháp luật.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Xem thêm: Nguyễn Công Bình (2003), "Vấn đề tranh tụng trong tố tụng dân sự ", Tạp chí Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tháng 6/2003.

[2] Nguyễn Thị Hoài Phương (2016), Bình luận những điểm mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr.47.

[3] Nguyễn Thị Thu Hà (2011), "Pháp luật tố tụng dân sự Hoa Kỳ và khả năng ứng dụng vào việc hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam", Tạp chí Luật học, tháng 1/2011.

[4] Nguyễn Thu Hương (2017), Tranh tụng trong Tố tụng dân sự ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sỹ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.21.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
  2. Quốc hội (2004). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
  3. Quốc hội (2014). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2014.
  4. Nguyễn Thị Hoài Phương (2016), Bình luận những điểm mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam
  5. Nguyễn Thu Hương (2017), Tranh tụng trong Tố tụng dân sự ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sỹ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Nguyễn Công Bình (2003), Vấn đề tranh tụng trong tố tụng dân sự, Tạp chí Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tháng 6/2003.
  7. Nguyễn Thị Thu Hà (2011), Pháp luật tố tụng dân sự Hoa Kỳ và khả năng ứng dụng vào việc hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, Tạp chí Luật học, tháng 1/2011.

 

FACTORS ENSURING THE LITIGATION

DURING THE CIVIL PROCEDURES IN VIETNAM

Master. DANG QUANG DUNG

Vietnam Court Academy

ABSTRACT:

Enhancing the effectiveness of litigation during the civil procedures is an important goal of the Politburo of the Communist Party of Vietnam’s judicial reform strategy. This goal has been institutionalized as the litigation shall be guaranteed in trials according to the Clause 5, Article 103 of the 2013 Constitution of Vietnam. The guaranteed litigation is also expressed through the amendment and supplementation of specific provisions in the 2014 Civil Procedure Code. This paper analyzes legal regulations and other factors that ensure the litigation during the civil procedures in Vietnam.

Keywords: litigation, civil procedures, principle of adjudication.