Bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội tại một số điểm mới ở những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015

ThS. HOÀNG THỊ HUYỀN TRANG (Trường Đại học Luật – Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Qua phân tích một số quy định liên quan đến những điểm mới ở các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bài viết đã có một số nhận xét, đánh giá về việc bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự. Đây là cũng một trong những kết quả đáng ghi nhận trong công cuộc cải cách tư pháp của Nhà nước ta.

Từ khóa: Bảo đảm, quyền con người, nguyên tắc, tố tụng hình sự.

1. Đặt vấn đề

Tố tụng hình sự là một quá trình, trong đó quyền con người rất dễ bị hạn chế, ảnh hưởng bởi những hành vi, hoạt động và quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đặc biệt, đối với quyền con người của người bị buộc tội, những quyết định, những biện pháp cưỡng chế đối với họ thường mang tính nghiêm khắc, nên nguy cơ họ bị xâm phạm và chịu những hậu quả nghiêm trọng bởi những sai sót, vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền gây nên là điều có thể xảy ra.

Bảo vệ quyền con người nói chung và của người bị buộc tội nói riêng trong tố tụng hình sự là thước đo mức độ dân chủ của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, tại Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 của nước ta, quyền con người đã được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hệ thống các quy phạm pháp luật chặt chẽ, hợp lý. Trong đó, các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự là “kim chỉ nam”, định hướng, là nền tảng để xây dựng, vận hành trình tự tố tụng hình sự, đảm bảo cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, quyền và nghĩa vụ của mình.

BLTTHS năm 2015 ra đời đã có những quy định mới tiến bộ, mang tính đột phá, trong đó có những điểm mới về những nguyên tắc cơ bản đã góp phần hơn nữa bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống tư pháp.

2. Bảo đảm quyền con người tại nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26 BLTTHS năm 2015)

Nghị quyết số 49/NQ ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Sau những năm cải cách tư pháp, phiên tòa hình sự ở Tòa án các cấp đã có nhiều tiến bộ, đạt được những kết quả nhất định, bảo đảm sự công bằng, dân chủ, chất lượng xét xử được nâng cao. Tuy nhiên, trước khi BLTTHS năm 2015 ra đời, chất lượng tranh tụng đâu đó vẫn chưa được đảm bảo, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân.

Để thực hiện những nhiệm vụ đã được đề ra trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, đòi hỏi pháp luật cần được hoàn thiện hơn nữa. Kết quả là khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Trên nền tảng nguyên tắc hiến định, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Đây là quy định mang tính đột phá, là cơ sở cho những quy phạm pháp luật khác cũng được thay đổi để phù hợp với nội dung của nguyên tắc, hứa hẹn góp phần từng bước khắc phục những bất cập, hạn chế của hoạt động tư pháp, bảo vệ hơn nữa quyền con người, quyền công dân, cụ thể ở đây là quyền con người của bên bị buộc tội - là bên yếu thế trong tố tụng hình sự.

Nguyên tắc “Tranh tụng trong phiên tòa xét xử được bảo đảm” bảo vệ hơn nữa quyền con người, quyền công dân của người bị buộc tội được thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, nguyên tắc này góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án. Bởi lẽ trong giai đoạn xét xử, các bên tham gia tố tụng sẽ thực hiện việc chứng minh các tình tiết của vụ án, các chứng cứ một cách bình đẳng. “Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án”.

Thứ hai, mặc dù Điều 26 BLTTHS năm 2015 đề cập về “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, tuy nhiên muốn tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, nghĩa là muốn bảo đảm cho sự bình đẳng giữa các bên trong xét xử thì phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên ở những giai đoạn tố tụng hình sự trước đó[1]. Vì vậy, một loạt những quy định được BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung để phù hợp với nguyên tắc, như: Bổ sung quyền của người bị buộc tội là quyền đưa ra chứng cứ (Điều 57, 58, 59, 60, 61); người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ. Việc bổ sung những quy định này đảm bảo chứng cứ có lợi cho người bị buộc tội không bị bỏ sót, góp phần giúp Tòa án đưa ra được những kết luận đúng đắn, chính xác, hạn chế việc xảy ra những oan sai trong tố tụng hình sự, gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền con người của người bị buộc tội. Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quy định mới đã giúp cho người bị buộc tội được bình đẳng và bảo đảm sự công bằng hơn trong quá trình chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ. Đó là những quyền: Trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá (Điều 58, 59, 60, 61 BLTTHS năm 2015). Bị can được bổ sung thêm quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; quyền được đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra cho đến khi có yêu cầu; bị cáo được bổ sung thêm quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản tham gia phiên tòa; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa.

Việc nâng cao hơn nữa quyền của người bị buộc tội nói chung đã góp phần giúp cho họ thực hiện tốt hơn việc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc gỡ tội cho mình, đảm bảo sự đúng đắn, khách quan, thống nhất trong quá trình xử lý vụ án hình sự. Bên cạnh đó, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm không những giúp cho người tiến hành tố tụng tăng cường nhận thức, đổi mới tư duy về một phiên tòa được diễn ra dân chủ, bình đẳng, tôn trọng sự thật khách quan vụ án, mà còn khắc phục sự tùy tiện, tùy nghi, lạm quyền hoặc vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử tại phiên tòa[2], đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử nói riêng cũng như đảm bảo quyền con người của người bị buộc tội trong quá trình xử lý vụ án hình sự nói chung.

3. Bảo đảm quyền con người tại nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13 BLTTHS năm 2015)

Nguyên tắc suy đoán vô tội là một nguyên tắc nhân đạo, góp phần hữu hiệu vào việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới đã quy định nguyên tắc này là nguyên tắc tố tụng hình sự, đây được coi là thành tựu quan trọng của khoa học pháp lý hiện đại. Ở nước ta, tiếp thu tư tưởng suy đoán vô tội, khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều 13 BLTTHS năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc “Suy đoán vô tội” với những nội dung của quy phạm chứa đựng cả nội dung ở nguyên tắc tại Điều 9 BLTTHS năm 2003, đó là: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Bên cạnh đó, Điều 13 BLTTHS năm 2015 đã mở rộng hơn nội hàm so với Điều 9 BLTTHS năm 2003, thể hiện được bản chất của nguyên tắc “Suy đoán vô tội”, đó là “khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”. Những thay đổi này là một bước tiến lớn trong quá trình tiếp cận những giá trị nhân văn của nền pháp lý phổ quát của nhân loại.

Việc ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội ở BLTTHS năm 2015 đặt trách nhiệm cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải cẩn trọng và có trách nhiệm hơn trong hoạt động chứng minh tội phạm. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, người có thẩm quyền luôn phải coi, đối xử với người bị buộc tội là không có tội cho đến khi hành vi phạm tội của họ đã có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh đó, khi có những vụ án rơi vào trường hợp chứng cứ không đầy đủ, thiếu tính vững chắc, người tiến hành tố tụng sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra kết luận về kết quả của vụ án theo nguyên tắc suy đoán vô tội, hạn chế tình trạng tạo ra những chứng cứ khống, bịa đặt đã từng xảy ra trong một số vụ án oan sai trong thời gian trước đây.

4. Bảo đảm quyền con người tại nguyên tắc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16 BLTTHS năm 2015)

Quyền bào chữa là một quyền đặc trưng, điển hình của quá trình tố tụng hình sự công bằng của một nhà nước tôn trọng tự do, dân chủ của công dân. Xâm phạm đến quyền bào chữa của người bị buộc tội thì các quyền tự do, dân chủ khác được pháp luật ghi nhận cũng sẽ bị triệt tiêu. Như vậy, một bản án công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chỉ đạt được khi quyền bào chữa được đảm bảo. Do đó, khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa là quyền con người. Trên tinh thần đó, BLTTHS năm 2015 đã thể hiện bước tiến bộ trong quy định về quyền bào chữa. Đối với BLTTHS năm 2003, quyền bào chữa xuất hiện sớm nhất kể từ thời điểm một người bị tạm giữ (Điều 48). Còn theo BLTTHS năm 2015, quyền bào chữa của người bị buộc tội xuất hiện sớm hơn so với BLTTHS năm 2003, đó là kể từ thời điểm một người bị bắt (Điều 58 và Điều 74). Quy định này giúp phía bị buộc tội được bình đẳng hơn nữa trong việc được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt, có những trường hợp khi một người bị bắt, sự xuất hiện của người bào chữa giúp họ ổn định tâm lý, kịp thời bảo vệ những quyền lợi chính đáng, góp phần giúp cơ quan có thẩm quyền nhìn nhận một cách toàn diện, phát hiện và khắc phục sớm sai sót có thể xảy ra ở những bước đầu tiên của quá trình tố tụng, từ đó xử lý chính xác vụ án hình sự.

Việc xuất hiện sớm vai trò của người bào chữa thể hiện rõ nhất trong vấn đề thủ tục cấp giấy chứng nhận cho bị can. BLTTHS năm 2003 yêu cầu thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa rất phức tạp và khó khăn, nhưng BLTTHS năm 2015 đã quy định bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, thay vào đó bằng thủ tục thông báo người bào chữa đối với người có trách nhiệm trong quá trình điều tra và xét xử. Sau khi luật sự trình bày các loại giấy tờ có liên quan với các cơ quan tiến hành tố tụng, trách nhiệm thông báo người tham gia bào chữa thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Trước khi diễn ra phiên tòa, quá trình xử lý vụ án phải đảm bảo được sự khách quan, chính xác, thì chất lượng tranh tụng mới được đảm bảo. Vấn đề trên thể hiện tính kịp thời của người tham gia bào chữa trong quá trình tố tụng để bảo đảm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Vì thế, quy định này đã góp phần mang lại sự bình đẳng cho bên buộc tội và bên gỡ tội, là tiền đề để tham gia vào quá trình tranh tụng công bằng.

Việc sửa đổi, bổ sung ở một số nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mang lại ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người nói chung và của người bị buộc tội nói riêng. Những điểm mới trên là tiền đề, là cơ sở cho sự thay đổi mang tính tiến bộ của những quy phạm pháp luật khác trong tố tụng hình sự; từ đó khắc phục, hạn chế những bất cập, oan sai có thể xảy ra, đảm bảo hơn nữa cho việc xử lý vụ án hình sự được đúng đắn, khách quan, toàn diện.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]  Phan Trung Hòa, Những điểm mới về chế định bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, NXB Chính trị Quốc gia, 2016, tr.143.

[2] Nguyễn Ngọc Kiện, Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, NXB Tư pháp, 2017, tr.75.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hiến pháp năm 2013, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
  2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018.
  3. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 48 - NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
  4. Phan Trung Hoài, Những điểm mới về chế định bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr.143.
  5. Nguyễn Ngọc Kiện, Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, NXB Tư pháp, 2017, tr.75.

 

ENSURING THE HUMAN RIGHTS OF THE ACCUSED

AT SOME NEW POINTS IN THE BASIC PRINCIPLES

OF THE CRIMINAL PROCEDURE CODE 2015

LL.M. HOANG THI HUYEN TRANG

University of Law - Hue University

ABSTRACT:

By analyzing some provisions related to new points in the basic principles of the Criminal Procedure Code 2015, this article present some comments and assessments on ensuring the human rights of the accused in criminal proceedings which is a remarkable result in the judicial reform of our country.

Keywords: Ensuring, human right, principle, criminal procedure.