TÓM TẮT:
Có thể thấy, đối với tố tụng tòa án, việc đảm bảo tính chính xác của quyết định, bản án trong giải quyết vụ việc dân sự mang tính quyết định đến việc bảo đảm tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự bằng con đường tòa án. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng đảm bảo tính chính xác trong việc ban hành các quyết định, bản án tại tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay, xác định các nguyên nhân chủ yếu và xác định phương hướng hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Từ khóa: Tính chính xác của bản án, quyết định của tòa án, đảm bảo tiếp cận công lý, tố tụng dân sự.
1. Đặt vấn đề
Tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự là một điều kiện để đảm bảo quyền con người và là một trong những thành tố quan trọng của xây dựng nhà nước pháp quyền. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã xác định tiếp cận công lý là tiền đề để duy trì ổn định xã hội và làm nền tảng cho phát triển xã hội bền vững.
Có nhiều quan điểm về tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự nói riêng nhưng tựu trung đều xác định các yêu cầu sau: 1) Xây dựng một hệ thống cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự đa dạng; 2) Giảm thiểu chi phí giải quyết tranh chấp, bảo đảm tương xứng giữa chi phí bỏ ra và lợi ích đạt được; 3) Đảm bảo cho người dân được hưởng trợ giúp pháp lý; 4) Đảm bảo kết quả giải quyết chính xác, công bằng; 5) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tư pháp dân sự bảo đảm cho đương sự được tham gia một cách tích cực, chủ động, thực chất; 6) Đảm bảo hiệu quả thi hành án dân sự[1].
Như vậy, đối với hoạt động của tòa án nhân dân, để đảm bảo tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự, vấn đề đặt ra là cần phải đảm bảo tính chính xác của các bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự.
2. Thực trạng đảm bảo tính chính xác của bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự ở Việt Nam hiện nay
Theo Từ điển tiếng Việt, chính xác được hiểu là “rất đúng, không sai chút nào”[2]. Một bản án, quyết định của tòa án được coi là chính xác khi bản án được đưa ra mà không bị sửa, bị huỷ, được toà án các cấp đồng thuận. Ngoài ra, tính chính xác còn thể hiện ở sự tin tưởng, đồng ý của các bên đương sự đối với bản án, quyết định của tòa án.
Như vậy, việc xác định thực trạng đảm bảo tính chính xác trong bản án, quyết định của tòa án nhân dân có thể căn cứ vào thống kê số lượng án bị sửa, hủy qua từng năm và các khảo sát về mức độ tin tưởng của các đương sự.
Trong năm 2017, số lượng các bản án, quyết định trong tố tụng dân sự bị hủy là 0,73%, bị sửa là 1,1%.[3] Năm 2018, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,64% (do nguyên nhân chủ quan 0,49% và do nguyên nhân khách quan 0,15%); bị sửa là 1,2%[4]. Năm 2019, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,61% (do nguyên nhân chủ quan 0,46%); bị sửa là 1,3% (do nguyên nhân chủ quan 0,6%)[5].
Ngoài ra, tham khảo kết quả khảo sát trực tiếp từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong các năm từ 2013-2016, tỷ lệ tin tưởng vào tính chính xác của tòa án trong lĩnh vực dân sự giao động trung bình ở mức là trên 80%, tuy nhiên đang có xu hướng giảm. Cũng theo khảo sát này, tỷ lệ cho rằng năng lực của cán bộ tòa án thấp trung bình ở mức 18%. Điều đó cho thấy sự tin tưởng vào tính chính xác và khả năng chuyên môn nghiệp vụ của toà án[6].
Các sai sót điển hình trong bản án, quyết định của tòa án nhân dân còn tồn tại cần được rút kinh nghiệm có thể kể tới như sau:[7]
Xác định sai quan hệ tranh chấp, xác minh, thu thập và đánh giá chứng cứ. Ví dụ: Có trường hợp nguyên đơn khởi kiện chỉ yêu cầu ly hôn, các bên không tranh chấp về quyền nuôi con, tự nguyện giao con cho người vợ nuôi nhưng toà án vẫn xác định quan hệ pháp luật là “tranh chấp về nuôi con của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng”.
Sai sót khi ban hành Quyết định tạm đình chỉ: Ví dụ: Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn có yêu cầu phản tố. Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn, sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do để xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn là vi phạm tố tụng. Bởi vì, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hoà giải. Trong trường hợp này, tòa án chỉ xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Sai sót trong việc đình chỉ giải quyết vụ án: Nhiều trường hợp các vụ án đình chỉ với lý do nguyên đơn rút đơn khởi kiện, tuy nhiên hầu hết các vụ án không thể hiện ý kiến của bị đơn hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan tới việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn nhưng trong quá trình giải quyết, bị đơn hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt, hồ sơ không có lời khai nào.
Sai sót trong việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Nhiều tòa án sau khi tiến hành hòa giải thành (do một thẩm phán chủ trì) lại giao cho một thẩm phán khác ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa các bên đương sự mà không có quyết định của chánh án phân công thẩm phán giải quyết thay.
Một số bản án hủy, sửa sơ thẩm nhưng căn cứ không rõ ràng hoặc không có sức thuyết phục:
+ Bản án phúc thẩm giải quyết yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con: Tòa án cấp sơ thẩm quyết định mức cấp dưỡng là 1,5 triệu đồng/tháng, tòa án cấp phúc thẩm giảm xuống 1,2 triệu đồng/tháng với lý do người phải cấp dưỡng bị giảm thị lực mắt.
+ Bản án phúc thẩm về vụ án chia tài sản ly hôn: Không có căn cứ xác định 02 người con có đóng góp vào sự phát triển của tài sản của cha mẹ nhưng khi cha mẹ ly hôn, tòa án vẫn xác định chia cho một người con 5% tài sản của cha mẹ (vì ở chung 03 năm), một người 10% tài sản của cha mẹ (vì ở chung 08 năm) chỉ với nhận định việc chia trên là “phù hợp”. Căn cứ sửa án như vậy là không rõ ràng.
3. Nguyên nhân ảnh hưởng tới tính chính xác của bản án, quyết định của toà án trong tố tụng dân sự
Bản án, quyết định của tòa án là kết quả của quá trình áp dụng pháp luật được thực hiện bởi các chủ thể có thẩm quyền. Điều này có nghĩa là chất lượng của bản án, quyết định nói chung, tính chính xác của bản án, quyết định nói riêng chỉ được đảm bảo khi áp dụng đầy đủ và chính xác pháp luật hình thức và pháp luật nội dung. Do đó, năng lực giải quyết của hệ thống tòa án (khối lượng công việc/tổng số nhân sự, chất lượng nhân sự, cơ sở vật chất…), chất lượng của pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung là những yếu tố mang tính quyết định đến chất lượng của bản án, quyết định của tòa án.
a. Năng lực của hệ thống tòa án nhân dân
Năng lực giải quyết của hệ thống tòa án trong thời gian qua đã có nhiều yếu tố tác động đến như số lượng vụ việc cần giải quyết tăng mạnh, số lượng cán bộ ngành tòa án giảm, cơ sở vật chất chưa được đầu tư theo kịp với yêu cầu của nhiệm vụ toàn ngành.
- Sự gia tăng về số lượng vụ án dân sự
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, số lượng tranh chấp trong lĩnh vực dân sự cũng liên tục tăng qua các năm. Thực trạng số lượng bản án tăng nhanh có thể chỉ ra tại Bảng 1.
Có thể thấy số lượng tranh chấp mới ngày càng tăng. Mức tăng trung bình mỗi năm của án kinh doanh, thương mại là 33%/năm, cao hơn mức 27%/năm của án lao động, 12%/năm của án hôn nhân và gia đình và 6%/năm của án dân sự.
- Số lượng và chất lượng cán bộ ngành tòa án
Biên chế ngành tòa án hơn 15.200 người được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ từ năm 2012. Tại thời điểm đó, tòa án các cấp chỉ phải giải quyết hơn 303.800 vụ việc/năm. Tính tới tháng 12/2018, tổng số biên chế của Tòa án nhân các cấp là 14.149 người. Đến nay, số lượng vụ việc tăng hơn 40% so với thời điểm được giao biên chế và theo dự báo thì số lượng án sẽ tiếp tục tăng nhưng số lượng biên chế phải giảm dẫn đến việc mỗi người phải giải quyết 9-10 vụ/tháng, nhiều tòa là hơn 10 vụ/tháng trong khi định mức xét xử mỗi Thẩm phán chỉ 4-5 vụ/tháng.
Về thực trạng chất lượng nhân sự, có thể nói, cán bộ, công chức, thẩm phán còn chưa đáp ứng được tốt yêu cầu. Mặt bằng đào tạo, kinh nghiệm và năng lực công tác trong bản thân nội tại đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của Tòa án các cấp còn chưa đồng đều giữa các vùng, chưa đáp ứng được nhu cầu cải cách tư pháp hiện nay (năng lực, kinh nghiệm, khả năng xử lý, khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hội nhập).
Số liệu tại Bảng 2 cho thấy, số lượng cán bộ, thẩm phán tại Tòa án các cấp có trình độ cử nhân Luật là 100%. Tuy nhiên, số lượng cử nhân chiếm tới 88% (tương ứng với hơn 12 nghìn cử nhân, chỉ có 03 Giáo sư, Phó giáo sư; 47 Tiến sĩ và hơn 1600 thạc sĩ).
Ngoài ra, nhìn vào số liệu tại Bảng 3 ta thấy được, số được đào tạo chính quy về chuyên môn, nghiệp vụ chỉ chiếm hơn 1/3 tổng số thẩm phán (gần 35%); số còn lại (2/3) hầu hết được đào tạo theo hình thức tại chức, chuyên tu, luân huấn hoặc từ xa. Số thẩm phán này được sắp xếp làm việc tại các tòa án các cấp từ giai đoạn lịch sử trước đây, có kinh nghiệm nhưng năng lực chuyên môn, khả năng tin học, ngoại ngữ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn; số thẩm phán được bổ nhiệm mới trong giai đoạn gần đây đều được đào tạo chính quy nhưng kinh nghiệm còn ít, uy tín xét xử còn hạn chế.
- Thực trạng cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động tố tụng dân sự
Cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động tố tụng dân sự không chỉ bao gồm trụ sở, các thiết bị văn phòng… mà còn có sự tham gia của công nghệ thông tin với vai trò hỗ trợ cho hoạt động tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng.
Thực trạng cho thấy, bên cạnh cơ sở vật chất còn lạc hậu, thiếu hoặc chất lượng thấp, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng dân sự ở Việt Nam còn thấp, chưa tương xứng với khối lượng công việc của ngành. Hệ thống công nghệ thông tin còn thiếu tính đồng bộ, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Ngay tại Tòa án nhân dân cấp cao, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã trở nên mạnh mẽ, tuy nhiên hệ thống máy chủ và nhân lực cho công nghệ thông tin còn rất hạn chế. Hệ thống bảo mật, sao lưu, phục hồi dữ liệu…; hệ thống phần mềm phát hiện truy cập trái phép, phần mềm diệt vi rút… nhằm đảm bảo an toàn thông tin chưa được đầu tư đúng mức.
b. Các quy định của pháp luật tố tụng dân sự và các quy định về hành chính tư pháp tại tòa án nhân dân
Các quy định của pháp luật tố tụng dân sự: Thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng dân sự cho thấy một số điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có sự dẫn chiếu đến nội dung của điều luật khác có liên quan nhưng chưa có quy định rõ ràng nên đã phát sinh bất cập, từ đó, việc hiểu và áp dụng không thống nhất, ảnh hưởng. Chính những bất cập này đã ảnh hưởng không nhỏ tới bản án, quyết định của tòa án. Có thể kể đến một số bất cập như sau:
Thứ nhất, bất cập trong quy định về cung cấp chứng cứ. Khoản 3, khoản 4 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp tài liệu, chứng cứ còn gặp nhiều khó khăn như tổ chức tín dụng từ chối cung cấp với lý do vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin tài khoản cho khách hàng. Bên cạnh đó, quy định trên cũng chưa làm rõ “lý do chính đáng” làm căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Thứ hai, quy định về thời hạn cá nhân, tổ chức khác nộp đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm chưa rõ ràng.
Đương sự có quyền nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp tòa án, viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định tại Điều 331 BLTTDS.
Điều 331 BLTTDS không quy định cụ thể về thời hạn mà tổ chức, cá nhân khác có quyền đề nghị giám đốc thẩm có quyền đề nghị giám đốc thẩm. Điều 331 BLTTDS quy định về người có thẩm quyền kháng nghị, dẫn chiếu tới Điều 334 thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Như vậy, thời hạn để cá nhân, cơ quan khác phát hiện sai phạm và thông báo tới người có thẩm quyền không được quy định rõ ràng, tuy nhiên có thể được hiểu là trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Các quy định về hành chính tư pháp tại tòa án:
Hiện nay có nhiều tòa án nhân dân tỉnh, thành phố đã áp dụng mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa” hoặc mô hình tổ hành chính tư pháp. Theo đó, các hoạt động hành chính tư pháp tại tòa án được thực hiện theo quy trình khép kín (một cửa), người dân, cơ quan, tổ chức đến liên hệ công tác qua tổ hành chính tư pháp sẽ có cán bộ hướng dẫn mọi thủ tục liên quan đến hoạt động của tòa án.
Ngoài ra, việc phân công giải quyết án tại một số đơn vị được tiến hành một cách ngẫu nhiên theo hình thức quay vòng dựa trên số thụ lý vụ án và số thứ tự của các thẩm phán được xếp theo vần (a,b,c…), có tính đến số lượng án và sự phức tạp của các bản án hiện đang giải quyết của từng thẩm phán.
Với quy trình trên, việc phân công các thẩm phán giải quyết án đã bảo đảm được tính khách quan và ngẫu nhiên vì đã tách bạch hai quá trình thụ lý vụ án và giải quyết vụ án thành hai giai đoạn độc lập. Công tác thụ lý vụ án do tổ hành chính tư pháp thực hiện theo quy trình tương đối độc lập với các tòa chuyên trách. Hoạt động lên lịch xét xử tập trung theo khối đã tránh được tình trạng trùng lịch, nên các hội đồng xét xử, thẩm phán chủ động được kế hoạch công tác trong tháng. Hệ thống theo dõi, quản lý án trên phần mềm kết hợp với việc theo dõi qua hệ thống sổ sách theo cơ chế một cửa luôn đảm bảo chặt chẽ, tránh tình trạng mất cân đối, không đồng đều, vi phạm tố tụng do trùng lặp người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, do chưa có văn bản ban hành chính thức về hành chính tư pháp tại tòa án, nhiều tòa án chưa chủ động tiếp cận, cải cách hành chỉnh tư pháp để đảm bảo hiệu quả công việc cũng như đảm bảo tính chính xác của bản án, quyết định của tòa án.
4. Các giải pháp nhằm nâng cao tính chính xác của bản án, quyết định của tòa án trong tố tụng dân sự
Thứ nhất, trong quá trình áp dụng BLTTDS năm 2015 cần tiếp tục rà soát các điều luật không hợp lý, cần sửa đổi bổ sung để phù hợp với thực tế khách quan mà đặc biệt là các quy định về nhận đơn, thụ lý. Hiện nay pháp luật tố tụng dân sự đã bổ sung thêm phiên xem xét chứng cứ, do đó, có thể sửa đổi quy định để tòa án thụ lý ngay khi nhận đơn, hoặc quy định điều kiện để thụ lý thật sự đơn giản. Việc bổ sung tài liệu, chứng cứ thì nguyên đơn có thể tiến hành từng bước, chỉ cần trước phiên xem xét chứng cứ có đầy đủ là được. Ngoài ra, các quy định về chuẩn bị xét xử và tạm đình chỉ giải quyết vụ án cần quy định cụ thể và chi tiết hơn nữa.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng hệ thống án lệ, đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đánh giá, tổng kết và sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo những án lệ được lựa chọn chất lượng, lập luận chặt chẽ, có tính chuẩn mực và có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Thứ ba, xây dựng các quy định về chính sách, đãi ngộ với cán bộ ngành tòa án đảm bảo tương xứng với vị trí việc làm, đáp ứng cơ bản được đời sống của cán bộ, công chức ngành toà án. Đảm bảo thu hút được nhân sự giỏi, có kĩ năng và chuyên môn tốt, tâm huyết và gắn bó với tòa án.
Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá toàn diện về số lượng biên chế tương ứng với sự tăng nhanh về số lượng các tranh chấp để đảm bảo mối tương quan.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về hành chính tư pháp tại toà án, bảo đảm bộ máy của toà án hoạt động hiệu quả, tinh gọn, năng suất. Đặc biệt, các quy định về phân công án ngẫu nhiên, thời hạn giải quyết trong nội bộ tòa án.
Thứ năm, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường điều kiện, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho cán bộ thực hiện chương trình phần mềm, đặc biệt là trang bị về công nghệ thông tin giúp cho cán bộ cập nhập dữ liệu, theo dõi thông tin, thống kê dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác, khoa học.
Cần bổ sung mua sắm, tăng cường trang bị về hạ tầng kỹ thuật: bổ sung máy chủ; thiết bị bảo mật để đáp ứng việc duy trì các hệ thống phầm mềm ứng dụng, tránh sự xâm nhập nhằm phá hủy dữ liệu hoặc cản trở hoạt động thường xuyên của các ứng dụng. Triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống bảo mật, sao lưu, phục hồi dữ liệu…; hệ thống phần mềm phát hiện truy cập trái phép, phần mềm diệt vi rút… nhằm đảm bảo an toàn thông tin.
Nâng cao nhận thức sử dụng, duy trì có hiệu quả các ứng dụng hiện có, phát triển các tiện ích mới tiến tới quản lý, chỉ đạo và điều hành chủ yếu bằng các ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần cân nhắc bổ sung nguồn lực công nghệ thông tin đáp ứng được việc duy trì, phát triển các phần mềm ứng dụng, đảm bảo an toàn, an ninh và thông suốt hệ thống cho người sử dụng.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
1Nguyễn Bích Thảo (2018), "Công lý và tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự", trong GS.TSKH. Đào Trí Úc - TS. Nguyễn Công Giao chủ biên, Công lý và quyền tiếp cận công lý - Một số vấn đề lý luận, thực tiễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.239.
2Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Tr.164.
3Báo cáo tổng kết ngành Tòa án năm 2017.
4Báo cáo tổng kết ngành Tòa án năm 2018.
5Báo cáo tổng kết ngành Tòa án năm 2019.
6Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2017), Báo cáo nghiên cứu: “Nguy cơ tham nhũng trong giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại tại Tòa án - Một góc nhìn từ thực tiễn”, tr .11 và tr.15.
7Báo cáo số 15/BC-TA của Tòa án nhân dân tối cao về những hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn nghiệp vụ của các Tòa án thông qua công tác kiểm tra.
8Báo cáo ngành Tòa án năm 2018.
9Tòa án nhân dân tối cao (2018), Báo cáo công tác tổ chức cán bộ của hệ thống Tòa án nhân dân.
Improving the accuracy of court judgements and decisions to ensure the access to justice during the resolve of civil cases
Master. Nguyen Dinh Phong
Department of Project Management and Law
National University of Civil Engineering
Ph.D Nguyen Thi Thu Thuy
Institute of State and Law
TÓM TẮT:
For court proceedings, ensuring the accuracy of court judgments and decisions during the resolve of civil cases is decisive to ensuring the access to justice. This paper assesses the current status of ensuring the accuracy of court judgments and decisions at the people’s courts in Vietnam, and identifies main causes and solutions for perfecting regulations related to this issue.
Keywords: The accuracy of court judgments and decisions, ensuring access to justice, civil proceedings.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]