Kiểm sát hoạt động giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn của Tòa án theo quy định pháp luật Tố tụng dân sự Việt Nam

NGUYỄN TÀI TUẤN ANH (Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Cơ chế giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn là chủ trương đúng đắn nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, cũng như nằm trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Việt Nam. Các vụ án dân sự giải quyết theo thủ tục rút gọn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể; tiết kiệm thời gian và chi phí tố tụng cho Nhà nước và các đương sự, đáp ứng và có ý nghĩa thiết thực trong tình hình mới. Kiểm sát hoạt động của Tòa án trong các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn cũng đặt ra những yêu cầu mới khi các vụ án được giải quyết nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Bài viết này sẽ tập trung phân tích về những vấn đề sau: Pháp luật về hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát với những vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn được quy định như thế nào?; Những vướng mắc trong hoạt động kiểm sát những vụ án dân sự áp dụng thủ tục rút gọn trên thực tế là gì?. Từ đó đưa ra phương hướng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn của Tòa án trong thời gian tới.

Từ khóa: Kiểm sát, Tòa án, thủ tục rút gọn, vụ án dân sự.

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ “Thủ tục rút gọn” trong pháp luật Tố tụng dân sự các nước là một thuật ngữ phổ biến không chỉ với các quốc gia theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, mà với cả các quốc gia có điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc,... đều có những quy định về thủ tục tố tụng rút gọn này. Thuật ngữ “Summary procedure” hay “Thủ tục rút gọn” có thể được hiểu là thủ tục tóm tắt nhằm đơn giản hóa các trình tự, thủ tục thụ lý, xét xử thông thường, được sử dụng để giải quyết các vụ án dân sự có đặc điểm chung là đơn giản, rõ ràng, giá trị tranh chấp không lớn và các bên đương sự thừa nhận trách nhiệm của mình, nhằm giải quyết vụ án một cách nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát được coi là một trong những phương thức quan trọng nhằm đảm bảo các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn của Tòa án.

2. Quy định về thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam

Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đầy đủ các điều kiện sau: (1) vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; (2) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (3) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Thời hạn giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn không quá 01 tháng (so với thủ tục thông thường là 04 tháng). Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án được thụ lý theo thủ tục rút gọn không phải tổ chức phiên họp xem xét đánh giá chứng cứ, hòa giải. Phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa (không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân), Thẩm phán tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 239 của BLTTDS 2015. Các đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên tòa xét xử thủ tục rút gọn. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.

Như vậy, để một vụ án dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì phải đảm bảo yếu tố quan trọng nhất là tình tiết của vụ án đơn giản, tài liệu chứng cứ đầy đủ rõ ràng làm căn cứ để Tòa án giải quyết vụ án một cách nhanh chóng nhất nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Bởi trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu có các tình tiết sự kiện phát sinh mà các đương sự không thống nhất cần xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần thiết tiến hành giám định; cần xác định giá tài sản nếu các đương sự không thống nhất về giá; cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, thì Tòa án có quyền ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường[1]. Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Đây là quy định mang tính linh động, đảm bảo quá trình tố tụng được thuận lợi, nhưng cũng cho thấy việc xác định các vụ án dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn là hết sức quan trọng. Trong trường hợp phát hiện các tình tiết mới, xác định các tài liệu chứng cứ chưa đủ để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn thì Tòa án buộc phải chuyển sang thủ tục thông thường, lúc đó thời gian giải quyết vụ án vô hình chung sẽ kéo dài thời hạn hơn so với những vụ án áp dụng giải quyết theo thủ tục thông thường từ ban đầu.

Tiếp đó, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, Tòa án áp dụng qui định riêng về thủ tục rút gọn của BLTTDS 2015. Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền khiếu nại, Viện Kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án tòa án đã ra quyết định. Quy định này thể hiện được vai trò giám sát các hoạt động, quyết định Tòa án của Viện Kiểm sát trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự áp dụng thủ tục rút gọn nhưng chưa thật sự toàn diện. Bởi lẽ, theo quy định, chỉ đến khi có quyết định về việc thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn, Viện Kiểm sát cùng cấp mới có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án. Quy định này có những sự bất hợp lý trên thực tế giải quyết vụ án, rất có thể các vụ án sẽ bị kéo dài thời gian giải quyết hơn so với những vụ án áp dụng theo thủ tục thông thường mà tác giả sẽ phân tích sâu hơn ở phần sau của bài viết.

3. Những vướng mắc trong hoạt động kiểm sát các vụ án dân sự áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án

Theo khoản 1 - Điều 317 BLTTDS 2015 quy định một trong những điều kiện để Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn là các “Vụ án có tình tiết đơn giản”, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có quy định cụ thể giải thích thế nào là “tình tiết đơn giản”. Hầu hết việc quyết định xử lý vụ án theo thủ tục rút gọn hay thủ tục thông thường đều dựa vào ý chí chủ quan của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự, mà chưa có cơ chế ràng buộc cụ thể nhằm phát huy quy định của điều luật. Chính quy định này cũng gây khó khăn cho Viện Kiểm sát khi chưa có căn cứ hay hướng dẫn nào về xác định tính đúng đắn các quyết định của Thẩm phán khi áp dụng thủ tục rút gọn trong một vụ án dân sự bất kỳ trên thực tế.

Tiếp đến, việc kiểm sát vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn hay không chỉ được thông báo thụ lý vụ án được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Nhưng thực chất việc thông báo thụ lý này mới chỉ dừng lại ở việc xác định quan hệ tranh chấp, yêu cầu của đương sự và các tài liệu chứng cứ ban đầu mà đương sự các bên cung cấp. Chính quy định này đã gây khó khăn cho kiểm sát viên được phân công kiểm sát hoạt động của vụ án dân sự đủ hay không đủ những căn cứ để yêu cầu giải quyết vụ án mà áp dụng thủ tục rút gọn.

Từ thực tiễn cho thấy, khi hồ sơ chuyển sang Viện Kiểm sát nghiên cứu trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS 2015, thì Viện kiểm sát mới phát hiện ra vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn nhưng Thẩm phán không áp dụng, thời điểm phát hiện đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử 01 tháng so với quy định tại Điều 318 BLTTDS 2015.

Mặt khác, như đã đề cập ở trên, BLTTDS 2015 không quy định việc áp dụng giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn là bắt buộc nếu vụ án có đủ các điều kiện theo quy định nên Viện kiểm sát cũng không có căn cứ kiến nghị vi phạm và yêu cầu Tòa án áp dụng. Điều 319 BLTTDS 2015 chỉ quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định”.

Như vậy, có thể hiểu, Viện Kiểm sát chỉ có quyền kiến nghị trong trường hợp đã áp dụng thủ tục rút gọn mà không đủ điều kiện chứ không quy định về quyền kiến nghị trong trường hợp đủ điều kiện nhưng không áp dụng. Quy định này đã hạn chế quyền kiểm sát hoạt động của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Hơn nữa, Viện Kiểm sát chỉ có thể thực hiện việc kiến nghị với Chánh án tòa án cùng cấp khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, làm cho hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát bị thu hẹp lại. Nếu nhận thấy những dấu hiệu không rõ ràng giữa các đương sự, các tài liệu chứng cứ có liên quan chưa thực sự thuyết phục để Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn cho vụ án dân sự, Viện Kiểm sát phải có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục thông thường và tiến hành các hoạt động kiểm sát theo nhiệm vụ của mình chứ không đợi đến thời điểm có quyết định đưa vụ án ra xét xử mới có kiến nghị, sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án vì mất thêm một công đoạn cho việc chuyển vụ án từ thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường.

4. Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát trong các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn của Tòa án

Từ các quy định hiện hành về hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát trong các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn của Tòa án, từ thực tiễn xét xử trong các vụ án trên thực tế cho thấy vai trò của Viện Kiểm sát còn hạn chế, chưa có quy định cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục hay thẩm quyền của kiểm sát viên trong việc kiểm sát hoạt động của Tòa án trong các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn.

Thứ nhất, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn quy định tại Điều 317 BLTTDS năm 2015. Trong đó, giải thích rõ các vụ án như nào thì được áp dụng theo thủ tục rút gọn, hiểu thế nào là những vụ án có “tình tiết đơn giản”, “tài liệu chứng cứ đầy đủ”,... Quy định này không những giúp cho Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có đủ căn cứ để quyết định có đưa một vụ án dân sự ra xét xử theo thủ tục rút gọn hay không, mà còn tạo lập khung pháp lý cho hoạt động kiểm sát các vụ án theo thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp được hiệu quả và chính xác.

Thứ hai, bổ sung quy định cho phép Viện Kiểm sát được quyền kiến nghị đối với thông báo thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn của Tòa án. Như quy định hiện hành, chỉ đến khi có quyết định đưa bản án ra xét xử, Viện Kiểm sát cùng cấp mới có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định. Quy định này vô hình chung đã làm hạn chế quyền của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát hoạt động của Tòa án. Bởi lẽ, trong trường hợp sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, thấy có những điểm cần phải có thời gian nghiên cứu, làm rõ, đánh giá thẩm định một cách chính xác, Viện Kiểm sát sẽ có quyền kiến nghị với Tòa án về việc thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn ngày, chứ không cần phải khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử mới có quyền kiến nghị và chuyển vụ án thụ lý theo thủ tục thông thường. Đảm bảo vai trò của Viện Kiểm sát, vụ án dân sự được diễn ra đúng hướng, tiết kiệm thời gian từ ban đầu trong trường hợp Tòa án phải chuyển vụ án sang thủ tục thông thường.

Thứ ba, bổ sung quy định cho phép Viện Kiểm sát có thẩm quyền chuyển từ thủ tục tố tụng thông thường sang giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn. Nếu trong quá trình giải quyết vụ án mà xét thấy vụ án thỏa mãn các điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn ở cả phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Hiện nay, quy định mới chỉ dừng lại ở quy định Viện Kiểm sát có quyền kiến nghị Tòa án chuyển giải quyết vụ án từ thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường, chứ chưa có quy định chuyển ngược các vụ án dân sự từ thông thường sang rút gọn khi có đủ điều kiện cần thiết. Đây là quy định quan trọng, nhằm thể hiện vai trò của Viện Kiểm sát không chỉ kiểm sát trình tự, thủ tục, chất lượng của Tòa án trong việc giải quyết vụ án dân sự, mà còn phải giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả, tránh trường hợp thẩm phán được phân công cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án

Thứ tư, bổ sung quy định cho phép Viện Kiểm sát, Tòa án áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không làm thay đổi tính chất và không ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án và khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời này thì vụ án vẫn được xét xử theo thủ tục rút gọn.

5. Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát trong các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn của Tòa án

Từ các quy định hiện hành về hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát trong các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn của Tòa án, từ thực tiễn xét xử trong các vụ án trên thực tế cho thấy vai trò của Viện Kiểm sát còn hạn chế, chưa có quy định cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục hay thẩm quyền của kiểm sát viên trong việc kiểm sát hoạt động của Tòa án trong các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn.

Thứ nhất, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn quy định tại Điều 317 BLTTDS năm 2015. Trong đó, giải thích rõ các vụ án như nào thì được áp dụng theo thủ tục rút gọn, hiểu thế nào là những vụ án có “tình tiết đơn giản”, “tài liệu chứng cứ đầy đủ”,... Quy định này không những giúp cho Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có đủ căn cứ để quyết định có đưa một vụ án dân sự ra xét xử theo thủ tục rút gọn hay không, mà còn tạo lập khung pháp lý cho hoạt động kiểm sát các vụ án theo thủ tục rút gọn của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp được hiệu quả và chính xác.

Thứ hai, bổ sung quy định cho phép Viện Kiểm sát được quyền kiến nghị đối với thông báo thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn của Tòa án. Như quy định hiện hành, chỉ đến khi có quyết định đưa bản án ra xét xử, Viện Kiểm sát cùng cấp mới có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định. Quy định này vô hình chung đã làm hạn chế quyền của Viện Kiểm sát trong việc kiểm sát hoạt động của Tòa án. Bởi lẽ, trong trường hợp sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, thấy có những điểm cần phải có thời gian nghiên cứu, làm rõ, đánh giá thẩm định một cách chính xác, Viện Kiểm sát sẽ có quyền kiến nghị với Tòa án về việc thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn ngày, chứ không cần phải khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử mới có quyền kiến nghị và chuyển vụ án thụ lý theo thủ tục thông thường. Đảm bảo vai trò của Viện Kiểm sát, vụ án dân sự được diễn ra đúng hướng, tiết kiệm thời gian từ ban đầu trong trường hợp Tòa án phải chuyển vụ án sang thủ tục thông thường.

Thứ ba, bổ sung quy định cho phép Viện Kiểm sát có thẩm quyền chuyển từ thủ tục tố tụng thông thường sang giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn nếu trong quá trình giải quyết vụ án mà xét thấy vụ án thỏa mãn các điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn ở cả phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Hiện nay, quy định mới chỉ dừng lại ở quy định Viện Kiểm sát có quyền kiến nghị Tòa án chuyển giải quyết vụ án từ thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường, chứ chưa có quy định chuyển ngược các vụ án dân sự từ thông thường sang rút gọn khi có đủ điều kiện cần thiết. Đây là quy định quan trọng, nhằm thể hiện vai trò của Viện Kiểm sát không chỉ kiểm sát trình tự, thủ tục, chất lượng của Tòa án trong việc giải quyết vụ án dân sự, mà còn phải giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả, tránh trường hợp thẩm phán được phân công cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Thứ tư, bổ sung quy định cho phép Viện Kiểm sát, Tòa án áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không làm thay đổi tính chất và không ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án và khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời này thì vụ án vẫn được xét xử theo thủ tục rút gọn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Khoản 3 - Điều 317 BLTTDS 2015

[2] Điều 27, Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS 2015

[3] Nguyễn Thị Kim Loan, “Quy định về thủ tục rút gọn trong BLTTDS năm 2015”, Tòa án Nhân dân tối cao, Tạp chí Kiểm sát số 02/2017. https://kiemsat.vn/kiem-sat-viec-giai-quyet-vu-an-dan-su-theo-thu-tuc-rut-gon-47098.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, (2005). Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

2. Quốc hội, (2015). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

3. Quốc hội, (2014). Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

4. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, (2018). Thông tư liên tịch “Quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự” ngày 31/08/2018.

5. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, (2019). Quyết định số 399 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ngày 06/09/2019 ban hành “Quy định quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án”.

6. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, (2017). Quyết định số 364 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ngày 02/10/2017 ban hành “Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự”.

7. Trần Anh Tuấn, “Bình luận Bộ luật Tố tụng dân sự 2015”, Nhà xuất bản Lao động.

8. Nguyễn Thị Cẩm Hồng, (2016),“Một số kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình”, Tạp chí Kiểm sát, số:21/2016.

9. Đăng Minh Hà (2019), “Vướng mắc trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn”, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang.

10. Võ Thị Ánh Trúc, (2019).“Thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự và giải pháp, kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Tòa án Nhân dân online ngày 14/09/2019.

Examining civil cases resolving by summary procedures according to the Code of Civil Procedure of Vietnam

Nguyen Tai Tuan Anh

Hanoi Law University

ABSTRACT:

Resolving civil cases according to summary procedures mechanism is a right policy to institutionalize the provisions of the 2013 Vietnamese Constitution and it is in accordance with the Judicial Reform Strategy to 2020 of the Central Committee of the Communist Party of Vietnam. Resolving civil cases by implementing summary procedures contributes to protecting rights and legitimate interests of subjects, saving time and costs for the Government and related parties in the context of the country’s new development period. Examining the civil cases procedures of courts according to summary procedures has faced new requirements in order to resolve civil cases quickly but still comply with regulations. This paper focuses on following issues, namely regulations on examining activities of Procuracy in civil cases which are resolved by to summary procedures and obstacles arising from examining the summary procedures of civil cases, thereby proposing directions to improve the effectiveness of examining civil cases resolving by summary procedures.

Keywords: Procuratorial, court, summary procedures, civil case.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2020]