TÓM TẮT:
Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không phải là vấn đề mới trong tố tụng dân sự các nước cũng như Việt Nam, vì vai trò của hoạt động này luôn là cần thiết để việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Trong bài viết này, tác giả sẽ dựa trên pháp luật hiện hành phân tích một số vấn đề pháp lý quan trọng để làm nổi bật một số mặt hạn chế của hoạt động này, từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
Từ khóa: Công nhận và cho thi hành, bản án, quyết định dân sự, tòa án nước ngoài.
1. Đặt vấn đề
Về nguyên tắc, bản án, quyết định dân sự của tòa án nước nào thì chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ nước đó. Vấn đề đặt ra là nếu tại nước mà bản án, quyết định dân sự được tuyên thì bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc không thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhưng ở lãnh thổ quốc gia khác thì bên có nghĩa vụ như đã nói, lại có tài sản hoặc có đủ điều kiện để thực hiện những nghĩa vụ từ bản án, quyết định dân sự đó. Như vậy, công nhận và cho thi hành bản án quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là động thái cần thiết của cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp triệt để cho bên có quyền. Sau đây, tác giải xin được phân tích một số vấn đề còn tồn tại trong các quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện
2.1. Về chủ thể nộp đơn yêu cầu
Pháp luật Việt Nam hiện hành đề cập việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài bằng chế định “yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài”. Điều này cho thấy, tòa án Việt Nam chỉ thừa nhận giá trị pháp lý và thực thi bản án, quyết định dân sự do tòa án nước ngoài tuyên nếu có yêu cầu. Tuy nhiên, khi quy định về chủ thể có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định tại Điều 425 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì nhà làm luật chỉ cho phép người được thi hành bản án, quyết định được nộp đơn yêu cầu. Tức là nếu người phải thi hành, vì một lý do nào đó, mong muốn và có yêu cầu được công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự này tại Việt Nam thì chỉ có cách tự nguyện thi hành mà không có cơ sở pháp lý điều chỉnh.
Người viết muốn đặt ra một vấn đề pháp lý như sau: Tình trạng một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được xét xử ở nhiều nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này dẫn đến tình trạng đa phán quyết, giả sử các phán quyết đó lần lượt được đưa ra tại nước A, nước B và nước C nhưng xét về tổng thể cũng như sự hợp lý thì người phải thi hành mong muốn bản án của tòa án nước A được công nhận tại Việt Nam, từ đó họ sẽ thi hành nghĩa vụ tại Việt Nam theo phán quyết của tòa án nước A mà không phải là phán quyết của tòa án nước B hay nước C. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì người phải thi hành không có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận. Một số ý kiến cho rằng tuy người phải thi hành không có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận nhưng có quyền nộp đơn yêu cầu không công nhận, như vậy cũng không thể cho là người này bị thiệt thòi. Tuy nhiên, người viết cho rằng quyền này cũng không thể xem là đối trọng với quyền được yêu cầu công nhận và cho thi hành bởi vì pháp luật Việt Nam đã chưa dự tính đến trường hợp người phải thi hành chấp nhận thi hành để vụ việc không bị bên kia tiếp tục khởi kiện tại Việt Nam hoặc khởi kiện tòa án một nước khác hoặc bên kia yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài (bất lợi hơn cho người phải thi hành) nhằm tìm kiếm một phán quyết có lợi hơn cho họ.
Cùng quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, chúng ta có thể đối chiếu với Bộ luật Tố tụng dân sự Liên Bang Nga người viết thấy rằng có sự khác biệt. Trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam tại Điều 425 và Điều 432 quy định có 2 chủ thể là “người được thi hành” và “người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan” có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành thì Bộ luật Tố tụng dân sự nước Nga[1] quy định người có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành là “người có liên quan”. Đồng thời, khi đối chiếu với các điều ước quốc tế, người viết thấy cũng có sự khác biệt. Theo quy định của Công ước La Haye về công nhận và cho thi hành quyết định của tòa án nước ngoài, người ta chỉ quy định bên đương sự tìm kiếm sự công nhận hoặc yêu cầu sự thi hành (the party seeking recognition or applying for enforcement) sẽ cung cấp một số tài liệu cho cơ quan có thẩm quyền[2], hoàn toàn không quy định chi tiết hay chỉ định rằng chỉ có người được thi hành mới có quyền nộp đơn yêu cầu. Ngoài Công ước Lahay, Công ước Brussels về thẩm quyền và sự thi hành phán quyết dân sự và thương mại cũng quy định chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là bất kỳ bên nào có liên quan (any interested party)[3].
Qua các phân tích vừa nêu, người viết cho rằng để cân bằng hơn về quyền lợi của hai bên người được thi hành và người phải thi hành, cũng như để hài hòa với pháp luật nước ngoài và điều ước quốc tế thì quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam nên đề cập trường hợp người phải thi hành có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành.
2.2. Về sự vắng mặt của người được thi hành trong phiên họp
Trong các giai đoạn của quá trình công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài thì phiên họp xét đơn được nhìn nhận là quan trọng bậc nhất. Các diễn biến của phiên họp có thể ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả cuối cùng. Các quy định về phiên họp này trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có những thay đổi đáng kể so với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011. Về tổng thể, các quy định mới về phiên họp đã làm được hai điều. Thứ nhất, thể hiện được tư duy cải cách tư pháp, kiểm sát viên vắng mặt thì cuộc họp vẫn được tiếp diễn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của những người có liên quan nhưng phía cơ quan kiểm sát vẫn có thể kiểm tra, giám sát cuộc họp thông qua hồ sơ tòa án cung cấp. Thứ hai, thể hiện được sự quyết đoán của nhà làm luật, điển hình trong tình huống người được thi hành vắng mặt lần thứ hai tại phiên họp thì việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự sẽ bị đình chỉ.
Tuy quy định mới có nhiều ưu điểm nhưng trong ưu điểm ấy có sự bất hợp lý. Theo quy định của Điều 425 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là người được thi hành nhưng đến Điều 432 khi quy định về việc nộp đơn thì xuất hiện thêm người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan. Nếu không tính đến sự chưa thống nhất về chủ thể nộp đơn được quy định trong hai điều luật trên, người viết ghi nhận rằng người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan cũng có quyền nộp đơn, đây là quy định rất hay và hợp lý giúp những người này có cơ hội yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự kể cả trong trường hợp người được thi hành không chủ động nộp đơn.
Lại di chuyển đến phiên họp xét đơn, tại Điều 438 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhà làm luật hoàn toàn không nhắc đến sự có mặt của người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan. Sự có mặt hay không có mặt của họ hoàn toàn không ảnh hưởng đến diễn biến phiên họp. Tính đến thời điểm này, người viết chưa nhận thấy sự bất hợp lý, bởi vì suy cho cùng kết quả mà người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan mong muốn có được cũng xuất phát từ kết quả của việc công nhận sau phiên họp, chỉ cần phiên họp tiến hành mỹ mãn thì sự hiện diện hay không hiện diện của họ không cần phải bức xúc. Điều đáng nói ở đây, nếu phiên họp không diễn ra như mong đợi thì tất cả những đặc ân mà pháp luật dành cho người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan cũng như công sức, tiền bạc của họ khi tiến hành nộp đơn sẽ tiêu tán.
Tình huống hoàn toàn có thể xảy ra theo chiều hướng người phải thi hành không tự nguyện thực thi bản án, quyết định dân sự nhưng người được thi hành cũng không vì vậy mà yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành, điều này khiến cho khả năng thực hiện nghĩa vụ của người được thi hành với người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan bị giảm sút hoặc hoàn toàn triệt tiêu. Vì vậy người này nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự. Trong phiên họp lần thứ nhất, người được thi hành vắng mặt, theo quy định phiên họp sẽ được hoãn. Phiên họp lần thứ hai, người được thi hành tiếp tục không hiện diện, sự không hiện diện này có thể do khách quan hoặc chủ quan nhưng dù bất kỳ lý do nào thì việc xét đơn cũng bị đình chỉ. Kết luận, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoàn toàn không thu được bất kỳ lợi ích nào từ việc nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thì hành. Việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của một nhóm người, lại phụ thuộc vào sự có mặt hay không có mặt của một nhóm người khác là không hợp lý. Do đó, người viết cho rằng khi xét đến khả năng đình chỉ phiên họp do sự vắng mặt lần thứ hai của người được thi hành thì cần xem xét đến việc chủ thể nào là người nộp đơn yêu cầu, nếu người nộp đơn yêu cầu là người được thi hành thì vẫn giữ quy định hiện hành - đình chỉ phiên họp. Tuy nhiên, nếu người nộp đơn yêu cầu là người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan thì phiên họp vẫn được tiến hành.
2.3. Về các lý do từ chối công nhận và cho thi hành
2.3.1. Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài vì tòa án nước ngoài không có thẩm quyền xét xử
Lý do tòa án Việt Nam không thừa nhận giá trị pháp lý và từ chối cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài vì cho rằng tòa án nước ngoài không có thẩm quyền là lý do mới được đưa vào Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Có nhiều nhà nghiên cứu không đồng tình với lập luận này, cho rằng thẩm quyền của tòa án nước ngoài sẽ không phụ thuộc vào quan điểm của nhà làm luật Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này cũng tồn tại trong Bộ luật Tố tụng dân sự Đài Loan, theo quy định tại khoản 1 Điều 402 Bộ luật này thì nếu như tòa án nước ngoài không có thẩm quyền để giải quyết vụ việc tính theo pháp luật Đài Loan thì phán quyết sẽ không được thừa nhận.
Người viết đồng tình với quan điểm này, tức là tòa án Việt Nam có quyền cho rằng tòa án nước ngoài không đủ quyền hạn và chức năng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam chiếu theo Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, từ đó không công nhận và cho thi hành các bản án và quyết định dân sự được tuyên ra.
Bên cạnh đó, người viết cũng chưa đồng tình với khoản 2 Điều 440 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quan điểm đưa ra tại điều khoản này mang tính chủ quyền và sự thể hiện ý chí mạnh mẽ của nhà làm luật, đồng thời muốn bảo vệ đương sự nhưng sự hợp lý chưa ở mức tối đa. Nếu như đương sự có ý kiến phản đối thẩm quyền của tòa án nước ngoài thì việc này cũng là một vết tì khiến bản án, quyết định dân sự đó có thể không được công nhận tại Việt Nam. Một khi đã cân nhắc đến việc đương sự phản đối thẩm quyền của tòa án ước ngoài làm căn cứ không công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự thì sự phản đối đó phải có căn cứ pháp lý, cần đề cập vấn đề này khi xem xét rằng tòa án nước ngoài có thẩm quyền hay không.
2.3.2. Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành vì việc công nhận và cho thi hành trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam
Mặc dù đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn để công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài như tính hiệu lực, sự đảm bảo trong tố tụng, sự cần thiết phải công nhận và cho thi hành nhưng tiêu chuẩn cuối cùng và quan trọng nhất được nhà làm luật Việt Nam xem trọng là việc công nhận và cho thực thi bản án, quyết định dân sự đó có trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hay không, chỉ cần việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự này trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì cho dù có đáp ứng hoàn mỹ các tiêu chí khác cũng bị khước từ[4]. Tư duy tương tự cũng được đặt ra trong luật của các nước trên thế giới, điển hình như Nga[5], Trung Quốc[6] và vùng lãnh thổ Đài Loan[7]. Tuy nhiên, trong tình huống này, nhà làm luật các nước có cách sử dụng từ ngữ khác với đồng nghiệp Việt Nam khi lấy lý do từ chối. Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga dùng cụm từ “việc thi hành bản án, quyết định trái với…”, Bộ luật Tố tụng dân sự Trung quốc dùm cụm từ: “việc áp dụng hoặc yêu cầu trái với…”. Bộ luật Tố tụng dân sự Đài Loan quy định: “Sự thi hành phán quyết được yêu cầu hoặc quá trình tố tụng trái với…”, trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam dùng cụm từ “việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự trái với…”. Tuy nhìn sơ lược các cách dùng từ này không khác nhau nhưng đối với 3 Bộ luật nước bạn đã xoáy sâu vào nguyên nhân xuất phát từ giai đoạn, tức là nếu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài thì tất yếu sẽ xảy đến “việc thi hành”, “việc áp dụng” hay “sự thi hành phán quyết” và nếu những việc này không phù hợp nguyên tắc lập pháp nước họ, tất nhiên họ sẽ không chấp nhận. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự của Việt Nam sử dùng cụm từ “việc công nhận và cho thi hành” về bản chất, việc công nhận và cho thi hành này là công việc nội bộ của Nhà nước Việt Nam, mà nếu là công việc nội bộ, do chính cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam đảm trách thì không thể trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Do vậy, người viết cho rằng, trong tình huống này, vế đầu của khoản 8 Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015 nên sửa đổi theo hướng “Hậu quả của việc công nhận và cho thì hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài…” hoặc “ Sự thừa nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài….” .
Tiếp tục nói đến vế sau của khoản 8 Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nhà làm luật dùng lý do “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để từ chối công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Luật pháp các nước khác không đề cập cụm từ trên mà sử dụng cụm từ “xâm phạm đến chủ quyền hoặc đe dọa an ninh hoặc xâm hại trật tự công cộng”[8] hoặc “vi phạm chủ quyền của Nhà nước, an ninh và lợi ích xã hội và công cộng của đất nước”[9] hoặc “trái với chính sách công hoặc đạo đức”[10]. Mỗi quốc gia có tiêu chí riêng để thừa nhận giá trị pháp lý của bản án, quyết định dân sự do tòa án nước ngoài tuyên. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là những quan điểm chủ đạo do nhà cầm quyền Việt Nam xây dựng và theo đuổi, các nguyên tắc này đóng vai trò định hướng cho quy định pháp luật tại Việt Nam, một nguyên tắc có thể được ghi nhận trong nhiều điều luật, thậm chí nhiều ngành luật khác nhau, có giá trị ảnh hưởng triệt để đến quá trình ban hành và áp dụng pháp luật. Người viết sẽ đồng tình hơn với lập luận tại khoản 8 Điều 439 nếu như nhà làm luật có quy định cụ thể và rõ ràng hơn giúp có cách hiểu thống nhất về “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
3. Kết luận
Thông qua các nhìn nhận và đánh giá như trên, tác giả cho rằng việc hoàn thiện các quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là rất cần thiết, nhằm bảo vệ triệt để các quyền và lợi ích của người được thi hành, người phải thi hành và kể cả những người có liên quan. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện chế định này còn giúp tạo nên sự hài hòa hòa các quy định của pháp luật Việt Nam với pháp luật nước ngoài và điều ước quốc tế.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Điều 413 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên Bang Nga thông qua ngày 23/10/2002 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2003.
2 Điều 13 Công ước La Haye ngày 01/02/1971 về công nhận và cho thi hành quyết định của tòa án nước ngoài.
3 Điều 26 và Điều 31Công ước Brussels ngày 27/9/1968 về thẩm quyền và sự thi hành phán quyết dân sự và thương mại
4 Khoản 8 Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
5 Điều 412 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên Bang Nga
6 Điều 268 Bộ luật Tố tụng dân sự Trung quốc năm 1991
7 Khoản 3 Điều 402 Bộ luật Tố tụng dân sự Đài Loan
8 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga
9 Bộ luật Tố tụng dân sự Trung Quốc
10 Bộ luật Tố tụng dân sự Đài Loan
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2015.
- Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
- Bộ luật Tố tụng dân sự Liên Bang Nga 2002.
- Bộ luật Tố tụng dân sự Trung Quốc 1991.
- Bộ luật Tố tụng dân sự Đài Loan năm 1930 (sửa đổi năm 2015).
- Công ước La Haye ngày 01/02/1971 về công nhận và cho thi hành quyết định của tòa án nước ngoài.
- Công ước Brussels ngày 27/9/1968 về thẩm quyền và sự thi hành phán quyết dân sự và thương mại.
RECOGNION AND ENFORCEMENT OF FOREIGN COURT’S CIVIL JUGEMENTS IN VIETNAM
LLM. NGUYEN HUYNH ANH - LLM. BUI THI MY HUONG
Faculty of Law - Can Tho University
ABSTRACT:
Recognition and enforcement of foreign court’s civl judgments and other civil decisions is not a new matter of civil procedure codes of many countries including Vietnam. Recognition and enforcement of foreign court’s judgments is necessary to protect legal rights and interests of parties in civil relations with foreign elements. Based on current Vietnam’s laws on recognition and enforcement of foreign court’s judgments, this article is to analyze some related important legal issues to identify limitations, thereby proposing some solutions to improve Vietnam’s laws on recognition and enforcement of foreign court’s civil judgments.
Keywords: Recognition and enforcement, judgment, civil decision, foreign court.