Hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại của hội đồng xét xử phúc thẩm

ThS. HOÀNG THỊ HIỀN (Giảng viên Khoa Đào tạo chuyên ngành Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk )

TÓM TẮT:

Quy định về quyền hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại là một nội dung quan trọng. Nhờ có quy định này, Tòa án cấp phúc thẩm có thể khắc phục những sai lầm, thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước. Trong bài viết, tác giả phân tích chi tiết các quy định của pháp luật về thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại của Hội đồng xét xử phúc thẩm, chỉ ra những bất cập còn vướng mắc và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề này.

Từ khóa: tố tụng hình sự, hủy bản án, xét xử phúc thẩm, tòa án cấp sơ thẩm.

1. Các trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại

Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại là quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm mà nội dung của nó là việc không chấp nhận phán quyết trong bản án sơ thẩm vì thấy cần phải xét xử lại khi có những căn cứ do luật định[1]. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp:

1.1. Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định

Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 quy định “Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Đối với vụ án có bị cáo bị xét xử về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm”.

Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần là trường hợp hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng về số lượng và cơ cấu thành phần theo quy định của BLTTHS. Để đánh giá thành phần HĐXX sơ thẩm có đúng quy định pháp luật hay không cần xác định các nội dung: (1) các thành viên HĐXX sơ thẩm có thuộc trường hợp phải thay đổi, từ chối theo quy định tại Điều 42, Điều 46 BLTTHS hay không; (2) trong trường hợp, bị cáo là người dưới 18 tuổi thì Hội thẩm tham gia có phải là cán bộ Đoàn thanh niên hoặc giáo viên theo quy định tại khoản 1 Điều 423 BLTTHS 2015 hay không; (3) trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, bị cáo bị đưa ra xét xử với khung hình phạt đến tử hình thì HĐXX có đảm bảo đủ số lượng là 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm hay không[2].

Như vậy khi rơi vào trường hợp thành phần của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm không đúng luật định thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

1.2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

Tại điểm 0, khoản 1 Điều 4 BLTTHS đã đưa ra khái niệm “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục t tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình xét xử sơ thẩm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án[3].

Khái niệm này đã chỉ rõ 4 đặc điểm về vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng gồm:

- Phải có hành vi không thực hiện những quy định bắt buộc trong BLTTHS  khi tiến hành tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

- Có hành vi thực hiện nhưng thực hiện không đúng theo trình tự, thủ tục đã quy định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

- Các hành vi trên phải xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,…

- Việc bỏ qua hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ thủ tục làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện (như đối với các vụ án mà bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bắt buộc phải chỉ định Luật sư, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã không thực hiện tức là đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo được pháp luật quy định).

Những vi phạm thuộc các trường hợp trên đều được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và phải được điều tra, truy tố lại hoặc xét xử lại nên Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm; còn những vi phạm ngoài phạm vi khái niệm này thì được coi là những vi phạm tố tụng không nghiêm trọng và chỉ thực hiện việc kiến nghị sửa chữa, khắc phục (ví dụ: vi phạm về thời hạn điều tra, thời hạn xét xử… cũng là vi phạm tố tụng nhưng không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng).

1.3. Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội

Trong trường hợp tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội thì không được sửa bản án sơ thẩm mà phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo đối với việc bị tuyên là có tội. Bởi nếu sửa bản án và tuyên bị cáo có tội thì bản án phúc thẩm này đương nhiên có hiệu lực và như thế là từ chỗ không có tội (bản án sơ thẩm) mà sau khi xét xử phúc thẩm thì bị cáo đã trở thành người có tội. Hơn nữa, phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai, đồng thời là cấp xét xử cuối cùng, bị cáo hoàn toàn không có quyền kháng cáo bản án phúc thẩm cũng như mất luôn quyền bào chữa cho việc mình bị tuyên là phạm tội. Chính vì thế, trong trường hợp này, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại là hoàn toàn chính xác và đúng đắn.

Trước đây, Điều 222 BLTTHS năm 1988 không quy định cho Tòa án cấp phúc thẩm được hủy án sơ thẩm trong trường hợp bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm thấy đủ căn cứ xác định bị cáo phạm tội. Trong trường hợp này, theo quy định của BLTTHS năm 1988, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải giữ nguyên bản án sơ thẩm và kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm để tòa giám đốc thẩm xem xét giải quyết[4], dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài một cách không cần thiết. Để giải quyết tình trạng này, tại điểm b khoản 2 Điều 250 BLTTHS năm 2003 đã bổ sung và BLTTHS 2015 tiếp tục kế thừa quy định này.

1.4. Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ

- Miễn trách nhiệm hình sự là việc không bắt buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà họ đã thực hiện.

- Miễn hình phạt là không buộc người bị kết án phải chịu hình phạt về tội đã thực hiện.

Theo Điều 59 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về miễn hình phạt: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.

Điều 54 BLHS năm 2015 quy định Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng khi có một trong các căn cứ:“1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này; 2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.”

Như vậy có thể hiểu, khi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng không đúng các căn cứ nêu trên có nghĩa là đã “Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ”.

Tuy nhiên, đối với các căn cứ nêu trên thì hiện nay cũng có nhiều ý kiến không thống nhất (Ví dụ: việc xác định người mắc bệnh hiểm nghèo được tính từ thời điểm nào, khi khởi phát bệnh hay giai đoạn cuối của bệnh, thế nào là lập công lớn, công hiến đặc biệt...) dẫn đến việc một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tùy nghi áp dụng, không bảo đảm công bằng giữa người phạm tội bị truy cứu Miễn trách nhiệm hình sự với người phạm tội nhưng được miễn Miễn trách nhiệm hình sự.

1.5. Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của BLTTHS.

Căn cứ kháng nghị “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” cũng là căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, chỉ khác ở chỗ bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật là bản án chưa có hiệu lực pháp luật còn kháng nghị giám đốc thẩm là bản án đã có hiệu lực pháp luật. Sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, trước hết là những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS, BLTTHS, sau đó là áp dụng pháp luật nói chung có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giám định tư pháp,...

Thực tiễn xét xử cho thấy, những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm là những sai lầm sau:

- Kết án người không có hành vi phạm tội (làm oan người vô tội)

Một người không thực hiện hành vi phạm tội nào nhưng lại bị tòa án cấp sơ thẩm kết án là làm oan người vô tội. Sai lầm này, có thể là do Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phải chịu trách nhiệm vì Tòa án là cơ quan ra bản án.

- Kết án người mà hành vi của họ không cấu thành tội phạm 

Hành vi không cấu thành tội phạm là trường hợp người bị kết án có thực hiện hành vi đã gây ra thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho xã hội, nhưng theo quy định của pháp luật, thì hành vi của họ không bị xử lý bằng biện pháp hình sự (hành vi không cấu thành tội phạm) như: Gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ; phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự; chuẩn bị phạm tội ít nghiêm trọng;...

- Kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Sai lầm này nói chung ít xảy ra, nhưng thực tế vẫn có một số trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán vội thỏa mãn với lời khai của người có hành vi phạm tội hoặc giấy tờ xác nhận không chính xác của chính quyền địa phương nên đã khởi tố, truy tố và kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

- Tòa án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm  

Chỉ coi là Tòa án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm trong trường hợp Viện kiểm sát đã truy tố nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội. Ngoài trường hợp bỏ lọt người phạm tội thì trong một số trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm còn bỏ lọt hành vi phạm tội đối với một hoặc một số bị cáo mà Viện Kiểm sát đã truy tố.

- Kết án sai tội danh

Kết án sai tội danh là việc định tội của Tòa án cấp sơ thẩm đối với hành vi của bị cáo không đúng với tội phạm mà BLHS quy định. Ví dụ: hành vi phạm tội của bị cáo cấu thành tội giết người nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại kết án bị cáo về tội cố ý gây thương tích; bị cáo phạm tội lửa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại kết án bị cáo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;...

- Áp dụng điều khoản của BLHS không đúng

Sai lầm trong việc áp dụng điều khoản của BLHS không chỉ bao gồm việc xác định sai điều khoản của điều luật quy định đối với tội tương ứng mà con bao gồm cả việc áp dụng không đúng các quy định khác của BLHS có liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, các quy định này chủ yếu nằm ở phần chung BLHS.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại của Hội đồng xét xử phúc thẩm

2.1. Về căn cứ “Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định”

Đối với nội dung căn cứ này, tác giả nhận thấy Điều 254 BLTTHS 2015 đã có quy định rất cụ thể về số lượng, thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm, tuy nhiên cũng trong quy định tại điều này thì nội dung “vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp” chưa được làm rõ, bởi lẽ việc đánh giá thế nào là vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì cho đến nay vẫn chưa có văn bản cụ thể, chính thức nào hướng dẫn. Vì thế, việc đánh giá vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp nếu xuất phát từ ý chí chủ quan của những người tiến hành tố tụng sẽ không tránh khỏi những quan điểm khác nhau, dễ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, không chính xác.

Kiến nghị: Cần có văn bản, hướng dẫn cụ thể trường hợp nào được xem là “vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp” để thống nhất áp dụng pháp luật, bản thân Tòa án cấp sơ thẩm không lúng túng khi xác định thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm và hội đồng xét xử phúc thẩm cũng có căn cứ rõ ràng để xác định xem bản án sơ thẩm có bị hủy để xét xử lại khi rơi vào căn cứ “Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần” hay không.

2.2. Về căn cứ “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm”

BLTTHS 2015 quy định “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại và tại Điều 4 đã giải thích thuật ngữ “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” nhưng BLTTHS cũng không quy định rõ những trường hợp nào được xem là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Như vậy, việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự vi phạm thủ tục tố tụng gần như phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan, người tiến hành tố tụng.

Vấn đề được đặt ra: Căn cứ vào đâu để xác định bản án của tòa án cấp dưới đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng hoặc chưa đến mức nghiêm trọng? Hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền xác định cụ thể cấp độ vi phạm thủ tục tố tụng để tòa án cấp trên dùng làm căn cứ hủy hoặc không hủy bản án của tòa án cấp dưới đã hoặc chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Chính vì vậy, tòa án cấp trên chủ quan nhận định tòa án cấp dưới có hay không vi phạm thủ tục tố tụng mà không căn cứ tiêu chí cụ thể xác định việc vi phạm thủ tục tố tụng như thế nào thì phải hủy hoặc không hủy án của tòa án cấp dưới.[5]

Kiến nghị: Cần có văn bản hướng dẫn trường hợp nào được xem là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” của Tòa án cấp sơ thẩm.

2.3. Về căn cứ “Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội”

BLTTHS 2015 không giới hạn thuật ngữ “tội”. Trường hợp bị cáo chỉ thực hiện một hành vi và hành vi đó chỉ phạm vào một tội thì Tòa án cấp phúc thẩm khi xem xét không bị vướng mắc trong thực tiễn. Tuy nhiên, các trường hợp sau đây có được xem là thuộc phạm vi thuật ngữ “tội” hay không cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, bao gồm: (1) Viện Kiểm sát truy tố nhiều tội, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tuyên bị cáo phạm một hoặc một số tội; (2) Viện Kiểm sát truy tố về nhiều hành vi phạm tội, nhiều hành vi khác nhau trong cùng một điều luật (tội ghép), Tòa án cấp sơ thẩm chỉ kết án bị cáo về một hoặc một số hành vi phạm tội về một hoặc một số tội; (3) Viện kiểm sát truy tố bị cáo về nhiều hành vi phạm tội khác nhau cùng về một tội danh, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không kết án bị cáo tất cả các hành vi mà Viện Kiểm sát đã truy tố mà chỉ kết án một hoặc một số hành vi mà Viện Kiểm sát đã truy tố. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, các sai phạm trên của Tòa án cấp sơ thẩm không nghiêm trọng và nếu có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ “áp dụng điều khoản của BLHS về tội nặng hơn” để sửa bản án sơ thẩm.

Kiến nghị: Cần có văn bản giải thích rõ thuật ngữ “tội” trong căn cứ “Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội”.

2.4. Về căn cứ “Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự”

Trong căn cứ này, theo tác giả, nếu không phân định rõ sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật của bản án sơ thẩm thì trường hợp nào được sửa bản án sơ thẩm, trường hợp nào phải hủy để xét xử lại sẽ dễ dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 358 và khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015.

Ví dụ:

A bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội giết người nhưng Tòa án cấp sơ thẩm kết án A về tội cố ý gây thương tích; bị hại kháng cáo hoặc Viện Kiểm sát kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt với A; nếu có căn cứ bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới cho thấy A phạm tội giết người thì Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại (vì bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật) nhưng không thuộc trường hợp hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án.[6]

Như vậy, trong ví dụ trên Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể khắc phục sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm bằng việc sửa bản án theo quy định tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 vì không có kháng cáo của bị hại hoặc kháng nghị của Viện Kiểm sát yêu cầu xét xử bị cáo về tội nặng hơn. Kháng cáo của bị hại hoặc kháng nghị của Viện Kiểm sát trong ví dụ nêu trên chỉ có nội dung “tăng hình phạt với A” chứ không phải nội dung “xét xử A về tội giết người”.Nếu kháng cáo của bị hại hoặc kháng nghị của Viện Kiểm sát trong ví dụ nêu trên yêu cầu “xét xử A về tội giết người” thì lúc này Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể áp dụng khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 (sửa bản án sơ thẩm).

Kiến nghị: Cần có văn bản giải thích rõ các trường hợp được xem là “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” và hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp đó thì trường hợp nào có thể sửa bản án sơ thẩm, trường hợp nào phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] TS. Phan Mạnh Hùng, Bình luận khoa học BLTTHS 2015, NXB Lao động, năm 2018, trang 583.

[2] Thái Chí Bình (2015). Quy định của BLTTHS 2003 về xét xử phúc thẩm - những vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1774.

[3] Điểm o, khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015.

[4]  Xem thêm tại Điều 222 BLTTHS năm 1988.

[5] https://hcmcbar.org; Trần Công Ly Tao, “Cấp độ vi phạm thủ tục tố tụng”

[6] Mai Thanh Hiếu, Quyền sửa bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử phúc thẩm trong Tố tụng hình sự Việt Nam, Tạp chí Luật học số 5/2019.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

  1. Quốc hội (1988). Bộ Luật Tố tụng hình sự 1988.
  2. Quốc hội (2015). Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015.
  3. Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân nhân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (2017), Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của cơ quan tiến hành tố tụng về trả hồ sơ điều tra bổ sung.
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, NXB Công an nhân.
  5. Phan Mạnh Hùng (2018), Bình luận khoa học BLTTHS 2015, NXB Lao động, trang 583.
  6. Thái Chí Bình (2015) Quy định của BLTTHS 2003 về xét xử phúc thẩm - những vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện, truy cập tại https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1774.
  7. Mai Thanh Hiếu, Quyền sửa bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử phúc thẩm trong Tố tụng hình sự Việt Nam, Tạp chí Luật học số 5/2019. Trường Đại học Luật Hà Nội.
  8. Trần Công Ly Tao, “Cấp độ vi phạm thủ tục tố tụng”, truy cập tại https://hcmcbar.org.

COMPLETING THE CRIMINAL PROCEDURE LAW PROVISIONS ON THE APPELLATE TRIAL PANEL'S COMPETENCE TO ANNUL FIRST-INSTANCE JUDGMENTS FOR RE-TRIAL.

Hoang Thi Hien

Lecturer of Faculty of Specialized Training, Hanoi Law University, Dak Lak Campus.

 Abstract:

Regulations on the right to annul first-instance judgments for re-trial is an important content. Thanks to this provision, the Court of Appeal can overcome the mistakes and omissions of the first-instance Court, ensure the legitimate rights and interests of citizens and the interests of the State. In the article, the author analyzes the legal provisions on the authority to annul the first-instance judgment for re-trial of the Appellate Trial Panel, points out the shortcomings and makes recommendations to complete the provisions.

Keywords: criminal procedure, annulment of judgment, appellate trial, first-instance court.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]