Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn cầu?

Sau nhiều tháng chịu đựng giá mọi nguyên vật liệu đầu vào tăng kỷ lục, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu chuyển gánh nặng chi phí sang các đối tác nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu mua hàng hoá của các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ bùng nổ. Một số nhà phân tích lo ngại điều này sẽ gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Chỉ số giá hàng hoá
 Diễn biến chỉ số giá Bloomberg Commodity Index kể từ năm 2019 đến nay (Ảnh: CNBC)

“Giá mọi thứ đều tăng”, theo ông Bryant Chan – chủ một nhà máy chuyên sản xuất đồ chơi cho các thương hiệu lớn của Hoa Kỳ, đặt tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ông Bryant Chan cho biết giá hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đều đã tăng lên, từ những thứ nhỏ nhất như ốc vít, sơn, lò xo đến các loại hoá chất, kim loại, ngay cả chi phí đóng gói cũng đều tăng khoảng 15%; cá biệt, giá nhựa đã tăng tới 40% kể từ đầu năm đến nay.

Ông Bryant Chan nhận định, đợt tăng giá các nguyên vật liệu đầu vào hiện nay mạnh hơn và diễn ra ở phạm vi rộng hơn so với thông thường. Nếu tính từ tháng 3/2020 – thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ra toàn cầu, chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index theo dõi giá 23 loại hàng hoá cơ bản đã tăng hơn 70% và chạm mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Nhiều tháng nay các nhà máy ở Trung Quốc như nhà máy của ông Bryant Chan đã tự chịu các cú sốc tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào đến việc thiếu hụt nguyên liệu như chip đến tử cũng như các rủi ro vận chuyển như sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez (Ai Cập). Trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh nhau để có đơn hàng mới bằng cách hy sinh lợi nhuận để giữ giá chào bán ở mức thấp bất chấp chi phí tăng lên. 

Tuy nhiên, các nhà máy tại Trung Quốc đang bắt đầu chuyển một phần gánh nặng chi phí sang các đối tác nước ngoài. Điều này khiến một số nhà phân tích nhận định Trung Quốc đang dần trở thành nơi xuất khẩu “lạm phát” ra toàn cầu.

Chỉ số giá sản xuất
 Diễn biến chỉ số giá sản xuất của một số quốc gia trên thế giới (Ảnh: Bloomberg)

Trong tháng 4 vừa qua, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã tăng 6,8% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2017 khi giá mọi nguyên vật liệu như dầu mỏ, kim loại, linh kiện và giấy bìa carton đều tăng giá. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này trong tháng 4/2021 cũng tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây.

Trong khi đó, chỉ số giá hàng hoá mà Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 3/2021 cũng tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng cao nhất trong gần 9 năm trở lại đây. Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số CPI tháng 4 vừa qua của Hoa Kỳ đã tăng 0,8% - mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2009.

Một nghiên cứu của ngân hàng Standard Chartered (Anh) cho thấy tỷ lệ tương quan giữa chỉ số PPI của Trung Quốc và chỉ số giá tiêu dùng CPI của Hoa Kỳ khá cao, ở mức 0,61 điểm trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, sự khác biệt trong chi phí đầu vào và giá bán ra đối với các nhà sản xuất Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy việc chi phí tăng vẫn chưa được phản ánh hết đối với giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong tháng 4/2021, giá nguyên vật liệu thô đã tăng 15,2% so với 1 năm trước, trong đó giá các sản phẩm chế tạo tăng hơn 5,4%. Chỉ số PMI tháng 4 của ngành sản xuất cũng cho thấy giá đầu vào tăng mạnh hơn nhiều so với giá đầu ra.

Nhà kinh tế học Zhang Ning thuộc ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ) nhận định “Nếu như khả năng đàm phán giá của các nhà sản xuất Trung Quốc ở mức tốt thì việc tăng giá các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất sẽ ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu”.

Giới phân tích nhận định làn sóng tăng giá sẽ sớm tác động đến các kệ hàng tại Hoa Kỳ cũng như các quốc gia đang nhập khẩu lượng lớn hàng hoá của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cũng dự báo giá sản xuất sản phẩm tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng cao trong quý 2/2021 và sẽ ở mức vừa phải trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, những dự báo này còn phụ thuộc liệu tình trạng gián đoạn các chuỗi cung ứng do các tác động của đại dịch Covid-19 có được giải quyết sớm hay không. Sự bùng nổ nhu cầu về các loại hàng hoá khi các nền kinh tế dần phục hồi trở lại kết hợp với sự gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá hầu hết các loại hàng hoá cơ bản như ngô, kim loại đồng, dầu mỏ… tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu hàng hoá Trung Quốc vẫn đang bùng nổ. Kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 4 vừa qua đã tăng tới 32,3% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nguồn cung hàng hoá của nhiều nước trên thế giới vẫn còn bị hạn chế và các quốc gia phương Tây tung ra các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ, thúc đẩy nhu cầu chi tiêu.

Quang Đặng (Tham khảo Bloomberg)