Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore Đào tạo lao động sát nhu cầu thực tiễn

Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore là trường trọng điểm về lĩnh vực dạy nghề và đào tạo nghề của tỉnh Bình Dương và khu vực phía Nam, là địa chỉ cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận.

Linh hoạt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu lao động

Nằm trong kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt NamSingapore từ năm 1997, những năm qua Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh việc triển khai phân luồng học nghề đối với học sinh THCS, Nhà trường đã xây dựng phương án tự chủ tài chính trong hoạt động chi thường xuyên; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trên cơ sở đào tạo theo nhu cầu.

Trong năm học vừa qua, mặc dù có sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động đào tạo, tuy nhiên Trường đã khắc phục khó khăn, tiếp tục ổn định và phát triển. Công tác dạy và học được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đạt mục tiêu đào tạo. Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy và học, kế hoạch đào tạo được Nhà trường xây dựng khoa học, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của Nhà trường và gắn với yêu cầu thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp.

Lễ khai giảng lớp Cao đẳng liên kết cùng Doanh nghiệp

Trường tiếp tục tổ chức đào tạo thí điểm nghề Cắt gọt kim loại trình độ cao đẳng theo chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức (16 SV), đào tạo các lớp vừa học vừa làm cho Công ty Nhựa ChinLi (10 SV), Công ty TNHH Camso Việt Nam (20 SV), Công ty TNHH Điện tử Thông minh TCL (24 SV), Công ty TNHH Điện tự động Thuận Nhật 2 lớp, gồm 1 lớp nghề Điện Công nghiệp và nghề Cơ điện tử (25 SV) và 1 lớp nghề Cắt gọt kim loại (12 SV); Công ty CP thiết bị dầu khí Việt Mỹ mở 1 lớp nghề Cắt gọt kim loại (14 SV), kết quả đào tạo được các doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Nhà trường đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, quy trình thi, kiểm tra, đánh giá phù hợp với phương thức đào tạo, điều kiện học tập và đặc thù của môn học nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo. Vì vậy, kết quả thi tốt nghiệp và giới thiệu việc làm đạt được kết quả cao. Cụ thể năm 2021, tổng số HSSV được công nhận tốt nghiệp là: 992 HSSV (471 sinh viên cao đẳng, 521 học sinh trung cấp); Trường đã tiếp nhận 127 lượt công ty thông báo tuyển dụng, HSSV tốt nghiệp được Nhà trường giới thiệu là 1484 lượt / 613 HSSV đăng ký tuyển dụng và kết quả giới thiệu được 552/613 đạt tỉ lệ 90,04% HSSV đăng ký tuyển dụng đã có việc làm.

Bên cạnh công tác chuyên môn, để đáp ứng về nhu cầu quản lý dữ liệu, quản lý công tác đào tạo phù hợp với tình hình mới, từ năm 2020 Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đã đầu tư phần mềm Quản lý đào tạo mới; sửa chữa, nâng cấp ký túc xá cho HSSV. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong HSSV, các phong trào văn thể mỹ, phối hợp với công ty Eshuhai giảng dạy tiếng Nhật và tập huấn kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc cho HSSV. Đặc biệt là phòng thí nghiệm Fablab Cơ điện Bình Dương tại Trường hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV học tập trải nghiệm STEM, giúp HSSV áp dụng các kiến thức và kỹ năng đã học, biến những ý tưởng thành sản phẩm thực tiễn trong sản xuất.

Hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng

Thời gian tới, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore tiếp tục thực hiện kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hộiTổng cục Giáo dục nghề nghiệp về thực hiện Đề án định hướng, phát triển Trường nghề chất lượng cao đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong công tác đầu tư cơ sở vật chất, Nhà trường tập trung thực hiện có hiệu quả đề án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với dự án: Đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, bao gồm: Xây dựng khu văn phòng làm việc mới; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cho 03 nghề mới và nhóm nghề dịch vụ nhà hàng, khách sạn; Bổ sung đồng bộ, cập nhật trang thiết bị cho các nghề, trong đó chú trọng tiếp cận số hóa và mô phỏng hóa trong đào tạo.

Nhà trường tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, các khoá ngắn hạn; tiếp tục điều chỉnh chương trình đào tạo, giáo trình trình độ trung cấp, cao đẳng theo hướng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình đào tạo kép theo chương trình của Đức và các mô hình đào tạo vừa học vừa làm cho doanh nghiệp. Phấn đấu đến hai năm cuối giai đoạn 2020 - 2025 nâng quy mô đào tạo từ 2.000 đến 3.000 HSSV; Đảm bảo 70% số lượng nhà giáo cơ hữu theo quy định, tăng thu nhập tối thiểu bình quân 1,5 lần so với hiện nay.

Thực hành Trạm sản xuất linh hoạt MPS

Triển khai đề án hợp tác mô hình doanh nghiệp trong nhà trường trong lĩnh vực điện - tự động hóa và công nghệ ô tô. Xây dựng kế hoạch, mục tiêu chiến lược của từng năm, có kế hoạch ngắn hạn để phát triển chiến lược dài hạn; hợp tác với các doanh nghiệp thành lập xưởng dịch vụ, sửa chữa ô tô nhằm tạo điều kiện cho HSSV thực hành.

Nhà trường cũng tiếp tục đẩy mạnh đào tạo liên thông cao đẳng cho HS THCS, liên kết đào tạo liên thông với các trường đại học trong địa bàn tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Chú trọng các chương trình hợp tác đào tạo gắn với việc làm tại các nước Nhật Bản, Hàn QuốcĐài Loan (Trung Quốc), liên kết đào tạo với các trường nghề trong khu vực để đa dạng hóa nghề đào tạo, hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng quốc tế.

Nguyên Khang