Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân quyền trong Hiến pháp năm 1946 của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

ThS. NGUYỄN VĂN ĐỨC (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về tư tưởng chủ đạo trong Hiến pháp năm 1946,  đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về dân quyền, gồm 2 nội dung: dân là chủ - xác định vị thế của dân và dân làm chủ - xác định quyền, nghĩa vụ của dân. Tư tưởng này được thể hiện rõ ở các quy định tại những điều khoản trong Hiến pháp. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên được xây dựng theo  hoàn cảnh thực tế của nước ta. Vì vậy, nó là cơ sở, phương pháp luận cho việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp sau này. Sửa đổi Hiến pháp đều phải căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước trong từng giai đoạn cụ thể để tiến hành.

Từ khóa: dân quyền, Hiến pháp năm 1946, tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I thông qua tại kỳ họp thứ hai, ngày 9/11/1946. Phát biểu trong phiên họp bế mạc kỳ họp này, Hồ Chí Minh khẳng định: “Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã làm thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử, Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa”1. Đây là bản Hiến pháp được đánh giá là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không thua kém một bản hiến pháp nào trên thế giới với những giá trị mang ý nghĩa trường tồn.

Để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống, Hồ Chí Minh yêu cầu: Chính phủ cố gắng làm theo đúng 3 chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung tìm hiểu về “Tư tưởng dân quyền trong Hiến pháp năm 1946 của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” - một trong 3 chính sách mà Hồ Chí Minh đã đề cập.

2. Tư tưởng dân quyền trong Hiến pháp năm 1946

2.1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về dân quyền

Dân quyền, thông thường được hiểu là quyền công dân2.

Tuy nhiên, đối với Hồ Chí Minh, khái niệm dân quyền không chỉ là quyền công dân, mà còn rộng hơn, bao trùm hơn. Điều này bắt nguồn từ quan niệm của Người về khái niệm “dân”. Nhưng “dân” lại là một trong các khái niệm mà Hồ Chí Minh sử dụng để thay cho khái niệm “con người”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, không có con người chung chung, trừu tượng, mà là con người là cụ thể. Người định nghĩa: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”3. Theo đó, con người vừa tồn tại với tư cách cá nhân, vừa là thành viên của gia đình và của cộng đồng, có cuộc sống tập thể và cuộc sống cá nhân hài hòa, phong phú. Vì thế, khi xem xét đánh giá con người phải xem xét trong các mối quan hệ xã hội cụ thể vốn có của nó. Đó là tính khách quan của việc xem xét đánh giá, đúng với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta giành được độc lập, con người Việt Nam trở thành con người tự do nhân dân làm chủ đất nước, cho nên Hồ Chí Minh thường dùng các khái niệm “đồng bào”, “quốc dân”, “nhân dân”, “dân”… để nói về con người. Từ đó, đặt con người trong quan hệ gắn bó với khối thống nhất của cộng đồng dân tộc Việt Nam nhằm thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Với cách tiếp cận như vậy, khái niệm “dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là mỗi cá nhân con người cụ thể, vừa là cộng đồng người gồm các cá nhân hợp thành. Do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân quyền có 2 nội dung.

Thứ nhất, dân là chủ. “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”4. Ở đây, vị thế của dân được Hồ Chí Minh xác định một cách cụ thể, rõ ràng: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”5. Vì chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đều do dân bầu ra, “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”6 cho nên tất cả mọi quyền lực trong Nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Vì vậy, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, tức là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc”7.

Thứ hai, dân làm chủ - xác định quyền và nghĩa vụ của dân.

Về quyền của dân, Hồ Chí Minh nói:

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”8. Nước ta là nước dân chủ vì tất cả mọi quyền lực đều của dân cho nên lấy lợi ích chính đáng của dân làm mục tiêu, do đó những thành quả mà đất nước đạt được thì dân phải được thụ hưởng. Tư tưởng này nhất quán với tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, rằng: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Vì thế, mỗi người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam đều có những quyền chính đáng ấy.

“Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”9 nên dân có quyền kiểm soát. Nhân dân không những có quyền chọn lựa bầu ra người đại diện cho mình vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, mà còn có quyền bãi miễn những đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân và có quyền giải tán những thiết chế quyền lực mà họ đã lập nên, thậm chí, “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”10. Quan điểm này thể hiện sự kiên quyết của Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo cho mọi quyền lực, trong đó có quyền lực nhà nước luôn nằm trong tay nhân dân.

Về nghĩa vụ của dân, Hồ Chí Minh cho rằng: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”11. Và “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”12. Tức là, phải tuân theo pháp luật Nhà nước, tuân theo kỷ luật lao động, giữ gìn trật tự chung, đóng góp tiền của để xây dựng đất nước, hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân thì dân phải tự giác nâng cao năng lực làm chủ của mình như Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới - trước hết là tổ chức nền sản xuất mới”13.

Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân quyền gồm 2 nội dung: dân là chủ và dân làm chủ. Tư tưởng đó đã được thể chế hóa trong Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.

2.2. Tư tưởng dân quyền trong Hiến pháp năm 1946

2.2.1. Tư tưởng dân là chủ trong Hiến pháp năm 1946

Tư tưởng dân là chủ được thể hiện trước hết trong Điều thứ 1 của Hiến pháp năn 1946. Tại điều này, sau khi xác định hình thức chính thể của nước Việt Nam thì khẳng định: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. “Quyền binh” ghi trong Hiến pháp chính là quyền lực. Nó bao gồm quyền lực trong nhà nước và quyền lực trong xã hội. Tất cả mọi quyền lực ấy đều thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, Hiến pháp chỉ quy định cụ thể quyền lực trong nhà nước. Còn quyền lực trong các đoàn thể từ trung ương đến địa phương thì tuân theo quy định của từng đoàn thể, Hiến pháp chỉ quy định về mặt nguyên tắc là quyền lực ấy thuộc về nhân dân. Không chỉ có thế, quyền lực của nhân dân còn được thể hiện ở một số điều khoản khác nữa.

Điều thứ 18 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền”. Quy định này được áp dụng trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Vậy, nhân dân là người bầu ra đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra” - Điều thứ 20. Cách thức bãi miễn đại biểu Quốc hội theo Điều thứ 41: “Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức”. Và Điều thứ 61 quy định về việc bãi miễn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là “Nhân viên Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính có thể bị bãi miễn. Cách thức bãi miễn sẽ do luật định”.

Quyền lực của nhân dân còn được thể hiện ở quyền phúc quyết: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” -  điều thứ 21. Đối với “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định” - Điều thứ 32. Quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp được quy định tại Điều thứ 70: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: A) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu. B) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi. C) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Quyền phúc quyết của nhân dân là sự phát triển cao nhất của các quyền dân chủ. Việc quy định quyền này trong Hiến pháp năm 1946 là biểu hiện cao nhất của nhà nước dân chủ và pháp quyền. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

2.2.2. Tư tưởng dân làm chủ trong Hiến pháp năm 1946

Dân làm chủ tức là xác định quyền và nghĩa vụ công dân. Hiến pháp năm 1946 dành 1 chương (Chương 2) gồm 3 mục (Mục A, B, C), với 18 điều để quy định về quyền và nghĩa vụ công dân.

Trước hết, về nghĩa vụ công dân. Nghĩa vụ là việc bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác mà pháp luật hay đạo đức quy định. Nghĩa vụ công dân là việc Nhà nước đòi hỏi công dân phải thực hiện những hành vi cần thiết khi Nhà nước yêu cầu, nếu không thực hiện thì Nhà nước buộc phải áp dụng bằng mọi biện pháp từ giáo dục, thuyết phục đến cưỡng chế. Hiến pháp năm 1946 có 2 điều quy định về nghĩa vụ công dân. Theo Điều thứ 4 thì “Mỗi công dân Việt Nam phải: - Bảo vệ Tổ quốc; - Tôn trọng Hiến pháp; - Tuân theo pháp luật”, và Điều thứ 5 quy định: “Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính”. Đi lính không chỉ có nam giới, mà nữ giới cũng phải thực hiện nghĩa vụ này. Như vậy, quy định đó đã nói lên quyền bình đẳng giới, nó bổ sung và minh họa cho Điều thứ 9.

Trong bối cảnh đất nước ta vừa phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, vừa phải gấp rút chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thì những quy định ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thực hiện về nghĩa vụ công dân như thế là phù hợp.

Về quyền công dân. Quyền công dân bao gồm những quyền tự do dân chủ và các quyền lợi cơ bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được hiến pháp quy định. Tại Mục B và Mục C, Chương 2, Hiến pháp năm 1946 có 15 điều quy định về quyền công dân (chiếm 21,4% tổng số điều). Đó là một tỷ lệ không hề thấp trong điều kiện của một nhà nước non trẻ mới ra đời. Trong số đó, có 4 điều quy định về quyền bình đẳng. Điều thứ 7 quy định quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”. Điều thứ 8 quy định về quyền được ưu tiên đối với dân tộc thiểu số: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”. Nhưng 2 điều còn lại sử dụng thuật ngữ “ngang quyền”: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều thứ 6); “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều thứ 9). Ở đây, “Ngang quyền” có thể hiểu là quyền bằng nhau hay quyền như nhau, cho nên suy cho cùng, về thực chất thì đó chính là quyền bình đẳng của công dân. Quyền bình đẳng ấy cũng đồng thời là quyền lợi của công dân.

Hiến pháp có 7 điều, từ điều thứ 10 đến điều thứ 16 quy định cụ thể về quyền lợi của công dân, bao gồm: quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài (Điều thứ 10); quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở và thư tín (Điều thứ 11); Quyền được bảo đảm về sở hữu tài sản cá nhân (Điều thứ 12); Quyền được bảo đảm về quyền lợi của trí thức và lao động chân tay (Điều thứ 13); Quyền được giúp đỡ đối với người già cả hoặc tàn tật không làm được việc, và trẻ em được quyền săn sóc về mặt giáo dưỡng (Điều thứ 14); Quyền được học tập theo chương trình phổ cập là sơ học và không phải đóng học phí đối với mọi công dân, học sinh nghèo được Chính phủ giúp, các dân tộc thiểu số có quyền học bằng tiếng dân tộc mình, trường tư được mở tự do nhưng phải dạy theo chương trình của Nhà nước (Điều thứ 15); Đối với những người ngoại quốc đấu tranh cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì có quyền được trú ngụ trên đất Việt Nam (Điều thứ 16). Trên thực tế, Hồ Chí Minh đã từng đi đòi những quyền công dân cho dân tộc ta từ năm 1919, mà không được đáp ứng. Mãi đến năm 1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời thì quyền đó mới chính thức được trịnh trọng đưa vào Hiến pháp năm 1946. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền độc lập của Nhà nước ta.  

Tại Mục C, Chương 2 có 5 điều nhưng 4 điều quy định về quyền bầu cử, quyền bãi miễn và quyền phúc quyết của công dân, còn 1 điều (Điều thứ 19) chỉ quy định cách thức tuyển cử mà thôi.

Điều thứ 17, quy định về nguyên tắc bầu cử: “Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín”, còn Điều thứ 18 quy định về quyền bầu cử, ứng cử theo tiêu chí cụ thể. Quy định đó chứng tỏ rằng, mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật. Về quyền bãi miễn (Điều thứ 20), và quyền phúc quyết của công dân (Điều thứ 21) không chỉ khẳng định vị thế “là chủ”, mà còn khẳng định quyền “làm chủ” của công dân.

3. Kết luận

Bản dự thảo Hiến pháp năm 1946 do Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp xây dựng, được thảo luận kỹ lưỡng trong Quốc hội, rồi mới được Quốc hội thông qua, nên nó là một công trình tập thể của Đảng và Nhà nước ta. Nền tảng tư tưởng của Hiến pháp là tư tưởng Hồ Chí Minh về dân quyền.

Hiến pháp năm 1946 với 70 điều đã trở thành cơ sở và là hình mẫu về quy trình cho việc sửa đổi Hiến pháp sau này. Mặc dù “Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế”14. Tuy Hiến pháp năm 1946 là một bản Hiến pháp tiến bộ, song không phải là bất biến, bởi nó là ý thức xã hội, nên phải thay đổi theo tồn tại xã hội không ngừng biến động để phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp là tất yếu, nhưng phải căn cứ vào hoàn cảnh thực tế biến động của thực tiễn trong từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

1 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.491.

2 Trung tâm Từ điển học (2008), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr.318.

3 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.6, Sđd, tr.130.

4 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.7, Sđd, tr.434.

5 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.8, Sđd, tr.263.

6 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.6, Sđd, tr.232.

7 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.8, Sđd, tr.262.

8,9 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.6, Sđd, tr.232.

10 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.5, Sđd, tr.75.

11 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.6, Sđd, tr.232.

12 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.9, Sđd, tr.258.

13 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.12, Sđd, tr.527.

14 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.4, Sđd, tr.491.

 

PRESIDENT HO CHI MINH'S THOUGHT ON CIVIL RIGHTS

IN THE 1946 CONSTITUTION OF VIETNAM

Master. NGUYEN VAN DUC

Van Lang University

ABSTRACT:

This article studies the main ideology in the 1946 Constitution of Vietnam which reflected the President Ho Chi Minh's thought on civil rights including two contents. The first content is that the people are the masters of Vietnam and it determines the position of people. The second content is that all state powers belong to the people, and it identifies the rights and obligations of the people. These contents are clearly described in the 1946 Constitution of Vietnam’s articles. The 1946 Constitution of Vietnam which is the first constitution of Vietnam was created upon Vietnam’s situations in 1946. Hence, this version of Vietnam’s constitution serves as the basis and the methodology for the subsequent amendment and supplementation of later constitution’s versions.  

Keywords: civil rights, the 1946 Constitution of Vietnam, President Ho Chi Minh's thought.

 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 11, tháng 5 năm 2021]