Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng tương lai bền vững

Dựa trên vị thế là một trung tâm sản xuất cho các thương hiệu toàn cầu, Việt Nam đang định hướng phát triển công nghệ, bao gồm nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật hơn.

Trang internationalbanker.com của Anh ngày 15/3 đăng bài viết đánh giá rằng Việt Nam tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng một tương lai bền vững.

Nội dung bài viết có đoạn nêu rõ trong nhiều năm, các ngành sản xuất của khu vực ASEAN đã thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kể từ năm 1994, Việt Nam đã phát triển tập trung đặc biệt vào ngành dược phẩm, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), ô tô và dần cải thiện thứ hạng trong khu vực trên lĩnh vực thu hút đầu tư từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Mỹ.

Việt Nam đang tìm cách chuyển hướng khỏi ngành công nghiệp nặng và trở nên chọn lọc hơn trong các lĩnh vực mà nước này khuyến khích đầu tư nước ngoài. Dựa trên vị thế là một trung tâm sản xuất cho các thương hiệu toàn cầu, Việt Nam đang định hướng phát triển công nghệ, bao gồm nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật hơn.

Theo bài viết, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực phối hợp để thu hút đầu tư thông qua nhiều biện pháp khuyến khích, với mạng lưới kết nối quốc tế tốt. Trong ASEAN, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia và Singapore về quan hệ thương mại quốc tế. Một trong những bước phát triển hứa hẹn nhất gần đây là quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc, vốn đã mang lại khoản đầu tư gần 18 tỷ USD chỉ riêng từ Tập đoàn điện tử Samsung.

Nhật Bản là đối tác thương mại lâu đời của Việt Nam và trong thập kỷ qua, các tập đoàn Nhật Bản đã ồ ạt chuyển sản xuất sang nước này. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.

Việt Nam cũng đang nắm bắt chuyển dịch sang bền vững. Các công ty quốc tế, cần tuân thủ các quy định của chính phủ và các cam kết ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) trong toàn ngành, đang ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn bền vững xuyên biên giới thông qua chuỗi cung ứng. Nắm bắt xu hướng này, Việt Nam đang nâng cao các tiêu chuẩn ESG riêng để duy trì các mối quan hệ thương mại có giá trị.

Ngoài ra, bài viết nhận định quốc tế chắc chắn quan tâm tới việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á do khu vực này cần bổ sung một lượng lớn năng lượng tái tạo vào lưới điện khi nhu cầu điện tăng lên. Thách thức đối với Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN khác là nâng cấp và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng hiện có. Đây được cho là một nỗ lực tốn kém và mất thời gian.