Vai trò Khu công nghiệp, Khu kinh tế trong thu hút đầu tư nước ngoài
Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc Đổi mới, mở cửa nền kinh tế được khởi xướng từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) và được định hướng tại các văn kiện, chính sách của Đảng.
Đối với KCN, Đại hội VII đã đề ra những đường lối, chủ trương đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nền kinh tế, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, được cụ thể hoá bằng Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991- 2000. Hàng loạt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai để thực hiện Nghị quyết của Đại hội VII, trong đó có chính sách phát triển KCN, KCX với sự ra đời của Khu chế xuất Tân Thuận tại thành phố Hồ Chí Minh (1991) và việc ban hành Quy chế khu chế xuất (KCX) (Nghị định 322/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 18/10/1991) và Quy chế KCN (Nghị định 192/CP của Chính phủ ngày 28/12/1994).
Tiếp đó, định hướng chiến lược về quy hoạch phát triển và phân bố KCN, KCX được xác định cụ thể tại Nghị quyết Đại hội VIII (năm 1996): “Hình thành các khu công nghiệp tập trung (bao gồm cả khu chế xuất và khu công nghệ cao), tạo địa bàn thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở công nghiệp mới. Phát triển mạnh công nghiệp nông thôn và ven đô thị. Ở các thành phố, thị xã, nâng cấp, cải tạo các cơ sở công nghiệp hiện có, đưa các cơ sở không có khả năng xử lý ô nhiễm ra ngoài thành phố, hạn chế việc xây dựng các khu công nghiệp mới xen lẫn với khu dân cư”.
Báo cáo Chính trị Đại hội IX (năm 2001) về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 tiếp tục khẳng định: “Quy hoạch phân bố hợp lý công nghiệp trên cả nước. Phát triển có hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng một số khu công nghệ cao, hình thành các cụm công nghiệp lớn và các khu kinh tế mở”.
Báo cáo chính trị tại Đại hội X (năm 2006) một lần nữa khẳng định chủ trương “Phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế, nâng cao hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất”, đồng thời nhấn mạnh chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững khu công nghiệp, khu chế xuất".
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XI (năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đã định hướng phát triển KCN, KCX bền vững và theo chiều sâu: “Bố trí hợp lý công nghiệp trên các vùng; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm, tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao”.
KKT ven biển, được xác định là mô hình phát triển mới có tính đột phá cho phát triển kinh tế vùng, hỗ trợ những vùng, lãnh thổ có điều kiện thuận lợi khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế và chính trị để phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tối đa nguồn nội lực, tìm kiếm và áp dụng những thể chế và chính sách kinh tế mới để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng.
Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1997 đã đề ra chủ trương nghiên cứu xây dựng thí điểm một vài đặc khu kinh tế (KKT), khu mậu dịch tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện.
Bộ Chính trị đã đề ra quan điểm, định hướng về việc hình thành các KKT tại các Thông báo số 79-TB/TW ngày 27/9/2002 và số 155-TB/TW ngày 9/9/2004 của Ban chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 về phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng đã thông qua định hướng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 50%. Trong đó, việc phát triển các KKT được xác định đóng vai trò động lực, chủ đạo để đạt mục tiêu này.
Như vậy, các Nghị quyết của Đảng tại các kỳ Đại hội từ năm 1986 đến nay đã hình thành hệ thống các quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển KCN, KKT. Trong hơn 35 năm hình thành và phát triển các khu công nghiệp, 18 năm phát triển các khu kinh tế, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư và đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội – an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
Qua các thời kỳ, Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, đường lối, chính sách để định hướng cho sự phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế. Các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tích cực để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các khu công nghiệp, khu kinh tế hoạt động.
Trên cơ sở đó, đến nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố, đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.
Các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và đổi mới mô hình phát triển, hiệu quả sử dụng đất. Việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục đóng vai trò là mô hình quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết.
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT
Về tình hình quy hoạch và thành lập các KCN, KKT, số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 4/2022, cả nước đã thành lập được 335 KCN với tổng diện tích 97,84 nghìn ha, trong đó 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 17 Khu kinh tế (KKT) được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 850 nghìn ha. Trong các KKT, có 38 KCN với tổng diện tích 15,2 nghìn ha; trong đó 17 KCN đang hoạt động và 21 KCN đang xây dựng.
Các KCN, KKT trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD; 1.387 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng, vốn thực hiện 533 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trong KCN, KKT đóng góp khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020; đóng góp 11,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2018… Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trên toàn quốc, đất khu công nghiệp được chia thành 6 vùng.
Cụ thể, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã thành lập 30 khu công nghiệp với diện tích 7.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 5.200 ha, tăng 2.720 ha so với năm 2010.
Vùng Đồng bằng sông Hồng đã thành lập 94 khu công nghiệp với diện tích 26.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 19.950 ha, tăng 4.920 ha so với năm 2010.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã thành lập 68 khu công nghiệp với diện tích 22.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 17.100 ha, tăng 7.240 ha so với năm 2010.
Vùng Tây Nguyên đã thành lập 10 khu công nghiệp với diện tích 2.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 1.550 ha, tăng 290 ha so với năm 2010.
Vùng Đông Nam Bộ đã thành lập 119 khu công nghiệp với diện tích 44.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 34.240 ha, tăng 50 ha so với năm 2010.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thành lập 60 khu công nghiệp với diện tích 13.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 12.760 ha, tăng 3.580 ha so với năm 2010.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động khoảng 75%, riêng khu chế xuất Linh Trung III (tỉnh Tây Ninh) và khu chế xuất Linh Trung II, khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM) đều có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, khu chế xuất Tân Thuận có tỷ lệ lấp đầy đạt 81%.
Trong những năm qua, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút được 9.381 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%. Thu hút được 9.331 dự án đầu tư trong nước (DDI), với tổng vốn đầu tư đạt 2,061 triệu tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%.
Tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng khoảng 11% so với năm 2018; nộp ngân sách nhà nước gần 130.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018; tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.
Trong những năm tới, Việt Nam đặt kế hoạch đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, như: công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu
Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, như; điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, ô tô, công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu kinh tế ven biển, trong đó chú trọng các ngành sản xuất công nghiệp nặng, chế biến sâu, hình thành các chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc...
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; giải quyết việc làm cho 5 - 6 triệu lao động trực tiếp vào năm 2025 và 7 - 8 triệu lao động vào năm 2030.
Do đó, trong 10 năm tới quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp dự kiến tăng thêm 115.000 ha, đạt 205.800 ha. Diện tích đất khu công nghiệp tăng lấy từ đất trồng lúa 46.070h a, đất trồng cây hàng năm, lâu năm 64.360 ha... với 558 khu công nghiệp, tăng thêm 177 khu công nghiệp so với năm 2020.
Đất khu công nghiệp được quy hoạch đến năm 2030 phân bổ theo các vùng như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 15.170 ha (58 khu công nghiệp), tăng 9.970 ha so với năm 2020. Vùng Đồng bằng sông Hồng 52.210 ha (142 khu công nghiệp), tăng 32.260 ha so với năm 2020. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 47.930ha (111 khu công nghiệp), tăng 30.830 ha so với năm 2020. Vùng Tây Nguyên 3.730 ha (17 khu công nghiệp), tăng 2.180 ha so với năm 2020. Vùng Đông Nam Bộ 59.010 ha (127 khu công nghiệp), tăng 24.770 ha so với năm 2020. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 27.740 ha (103 khu công nghiệp), tăng 14.980 ha so với năm 2020.
Việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các khu công nghiệp của cả nước như trên là tính tới lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Sau khi được Quốc hội quyết định, trong quá trình thực hiện Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các khu công nghiệp khi đã thực hiện tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60%.
Đối với các địa phương đã phát triển khu công nghiệp, việc điều chỉnh, bổ sung thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp chỉ được thực hiện khi tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp hiện có đã được cho thuê ít nhất là 60% và đã xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung…
Kết quả đạt được
Trong thời gian qua, các KCN, KKT đã phát huy được lợi thế về kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, theo đó, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn cả trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hàng năm, số lượng vốn FDI đầu tư vào KCN, KKT chiếm khoảng từ 60-70% tổng vốn đầu tư FDI thu hút được của cả nước. Chất lượng dòng vốn đầu tư FDI vào các KCN, KKT đã có những chuyển biến tích cực thể hiện ở các điểm như sau:
Về thu hút các dự án quy mô lớn, theo thống kê sơ bộ, số dự án đầu tư có vốn trên 100 triệu USD (tương đương khoảng 2.300 tỷ đồng) trong các KCN, KKT là khoảng trên 500 dự án, trong đó có một số dự án có quy mô trên 01 tỷ USD như: dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư là 14,3 tỷ USD; Dự án sản xuất thép của Tập đoàn Formosa tại KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh với quy mô vốn 10 tỷ USD; Dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại KKT Đình Vũ- Cát Hải và dự án sản xuất nhựa PP của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư trên 01 tỷ USD; Dự án của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Khu công nghiệp VSIP III, Bình Dương với quy mô vốn 01 tỷ USD…
Về công nghệ, các KCN, KKT đã thu hút được các dự án sử dụng công nghệ cao như: dự án của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh; Dự án của Tập đoàn Kyocera (Nhật Bản) tại KCN Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên; Dự án sản xuất dây truyền động ô tô của Tập đoàn Robert Bosch (Đức) tại KCN Long Thành, tỉnh Đồng Nai; Dự án đầu tư của Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tại KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi... Trong khoảng 03 năm trở lại đây, số lượng các dự án có công nghệ cao, hiện đại đầu tư vào các KCN, KKT ngày càng tăng lên.
Số lượng các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm khoảng 70-80% tổng số các dự án đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT. Qua đó, làm tăng đáng kể sản xuất công nghiệp trong các KCN, KKT. Các dự án FDI quy mô lớn đã tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp chủ lực mũi nhọn, cụ thể là sản xuất điện thoại di động thông minh, dầu khí, thép, đóng tàu với tiền đề là các dự án quy mô đang triển khai và đi vào hoạt động tại các KCN, KKT.
Việc thu hút các dự án FDI quy mô lớn vào sản xuất kinh doanh tại KCN, KKT đã góp phần nâng cao quy mô các dự án FDI và góp phần chuyển sang sản xuất quy mô lớn. Trước khi phát triển các KCN, KKT, các cơ sở sản xuất công nghiệp của
Việt Nam chủ yếu là các nhà máy quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất cũng đã có những thay đổi từ mô hình các cơ sở sản xuất riêng lẻ sang xuất hiện các cụm sản xuất tập trung với sự liên kết cao, điển hình như: tổ hợp sản xuất dệt sợi- nhà máy điện của Tập đoàn Formosa tại KCN Nhơn Trạch III, tỉnh Đồng Nai và tổ hợp sản xuất di động của Tập đoàn Samsung tại Bắc Ninh với nhà máy chính và các nhà máy vệ tinh sản xuất linh phụ kiện.
Các dự án FDI trong KCN, KKT đã góp phần hình thành một số ngành công nghiệp phụ trợ điện tử và điện thoại di động tại khu vực phía Bắc, cụ thể như: dự án của Tập đoàn Samsung tại tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Nguyên, dự án của Tập đoàn LG tại KKT Đình Vũ- Cát Hải, thành phố Hải Phòng, dự án của Tập đoàn Canon (Nhật Bản) tại KCN Thăng Long, thành phố Hà Nội...đã thu hút được khoảng trên 200 doanh nghiệp phụ trợ sản xuất các linh kiện, phụ kiện, góp phần bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ tại tỉnh Bắc Ninh và khu vực lân cận.
Hạn chế và nguyên nhân
Một là, các dự án FDI vào các KCN, KKT đa dạng, không tập trung vào một ngành hàng cụ thể và có tính liên kết chưa cao. Vì vậy, chưa thực sự tạo ra được các cụm sản xuất có quy mô để tăng khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
Hai là, một lượng đáng kể các dự án FDI trong KCN, KKT đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng khoa học kỹ thuật chưa cao, ít sử dụng nguyên liệu, bán thành phẩm trong nước và lao động có kỹ năng tay nghề cao nên giá trị gia tăng thấp, tính lan tỏa chưa cao.
Ba là, ngoài một số dự án sử dụng công nghệ cao, một lượng đáng kể các dự án FDI trong KCN, KKT sử dụng công nghệ trung bình. Việc chuyển giao công nghệ tại các dự án FDI để phát triển sản xuất tại Việt Nam còn ở mức độ thấp.
Bốn là, một số dự án FDI trong KCN, KKT chưa thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường, nhất là đầu tư vào thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Nguyên nhân của các hạn chế nêu trên chủ yếu là do 03 nguyên nhân là: (i) trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như vào KCN, KKT với mục đích là khai thác chi phí lao động, năng lượng, tài nguyên giá rẻ của Việt Nam; (ii) Việt Nam chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có công nghệ nguồn, nhà sản xuất công nghiệp lớn trên thế giới; (iii) việc phối hợp, liên kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài và nhà sản xuất trong nước trong việc phát triển sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo còn hạn chế.
Đánh giá cơ hội, thách thức và giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế
Cơ hội
Một là, mô hình KCN, KKT là những mô hình phát triển có tính lâu dài của Việt Nam. Cơ chế, chính sách cho phát triển KCN, KKT ngày càng được hoàn thiện, cụ thể như: gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực từ ngày 15/7/2022). Trong đó, có những nội dung về hệ sinh thái Công nghiệp - Nhà ở - Dịch vụ được đặc biệt chú trọng trong quá trình phát triển các KCN, KKT, góp phần tạo nhiều động lực để các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN tiến gần đến mục tiêu xây dựng KCN sinh thái và thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn.
Bên cạnh đó, các KCN đã thu hút được nguồn vốn tư nhân tương đối lớn cho phát triển kết cấu hạ tầng KCN, lượng vốn này chiếm khoảng trên 90% tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng KCN. Hơn thế nữa, trong những năm qua, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong KCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và KKT từ ngân sách nhà nước đã được tăng thêm. Đến nay, các KCN, KKT đã cơ bản đảm bảo được các điều kiện về cơ sở hạ tầng, phục vụ thu hút đầu tư và phát triển sản xuất.
Hai là, KCN, KKT có những đặc điểm thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài như sau:
- Ưu đãi đầu tư: theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, KCN, KKT là các địa bàn ưu đãi đầu tư. Tại pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các KCN, KKT được hưởng ưu đãi về thuế TNDN, cụ thể như: đối với KCN, được hưởng ưu đãi miễn 02 năm, giảm 50% trong 04 năm tiếp theo (trừ KCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội ổn định); đối với KKT, được hưởng ưu đãi thuế ở mức cao nhất, miễn 04 năm, giảm 50% trong 09 năm tiếp theo và hưởng thuế suất 10% trong 15 năm. Ngoài ưu đãi về thuế TNDN, nhà đầu tư còn được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án đầu tư trong KCN, KKT và các ưu đãi khác như: tiền thuê đất, vay tín dụng đầu tư phát triển.
- Điều kiện cơ sở hạ tầng: các KKT ven biển đều nằm trên các địa bàn có điều kiện để phát triển sản xuất, cung cấp dịch vụ và thu hút đầu tư, cụ thể như: được lựa chọn phát triển tại khu vực có thể xây dựng một số công trình hạ tầng quan trọng(cảng nước sâu, cảng hàng không) để thuận lợi cho phát triển sản xuất quy mô lớn.
Các KCN được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và mặt bằng đất sạch tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể triển khai các dự án đầu tư ngay. Đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, thường có thời gian thu hồi vốn dài và vốn đầu tư ban đầu lớn. Việc rút ngắn thời gian thi công, xây dựng nhà máy giúp tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro nên có sức hấp dẫn nhất định đối với các nhà đầu tư.
- Cơ hội thị trường và sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư: Việt Nam đang và sẽ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và các thể chế thương mại quốc tế, cụ thể như: WTO, ASEAN, hiệp định thương mại tự do song phương với Hàn Quốc, Nhật Bản... Theo đó, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có cơ hội thâm nhập nhiều thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam có quy mô dân số trên 90 triệu người với cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng.
Trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 6%, ở mức cao trong khu vực và thu nhập người dân cũng có đạt mức tăng tích cực. Theo đó, Việt Nam là thị trường tiềm năng mà các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư kinh doanh để tận dụng cơ hội thị trường này. Hơn thế nữa, các yếu tố như: (1) môi trường chính trị ổn định; (2) kinh tế vĩ mô được giữ vững; (3) cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông kết nối giữa các địa phương, các vùng kinh tế ngày càng được cải thiện; (4) pháp luật về đầu tư kinh doanh ngày càng được hoàn thiện theo hướng thông thoáng, giảm bớt các thủ tục hành chính đã tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung và KCN, KKT nói riêng.
Thách thức
Một là, mặc dù, kết cấu hạ tầng kỹ thuật của KCN, KKT đã được nâng cao nhưng chưa đảm bảo hoàn thiện, hiện đại để cạnh tranh với các KCN, KKT trong khu vực và quốc tế. Mặt khác, nhu cầu vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT lớn. Trong khi đó, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và do vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng kỹ thuật có thời gian thu hồi vốn dài nên việc huy động nguồn vốn tư nhân chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
Hai là, sự khác biệt về văn hóa, triết lý kinh doanh và cạnh tranh trong thu hút giữa các quốc gia đang phát triển là những rào cản không nhỏ đối với việc duy trì tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT cao như giai đoạn vừa qua của Việt Nam.
Ba là, sự phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nên việc tạo và xây dựng mối liên kết trong sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn. Đồng thời, đây là rào cản để Việt Nam phát huy hiệu quả của nguồn vốn FDI hơn nữa, tăng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thay vì chỉ tham gia những khâu sản xuất đơn giản, tạo ít giá trị trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển cũng làm giảm động lực của các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Bốn là, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển sản xuất công nghiệp tại các KCN, KKT đồng thời đi kèm với thách thức bảo vệ môi trường lớn hơn, cụ thể như: vấn đề xử lý chất thải từ sản xuất, khai thác tài nguyên để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường có những đòi hỏi đầu tư về công nghệ, vốn. Đây là những thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết tốt để đảm bảo phát triển bền vững trên địa bàn cả nước nói chung và tại các KCN, KKT nói riêng khi tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn FDI
Năm là, để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng vào các KCN, KKT thì nguồn nhân lực có kỹ năng, kỹ thuật cao và có tinh thần trách nhiệm cao cũng cần được quan tâm phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực phục vụ cho các KCN, KKT còn có những hạn chế; trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn.
Định hướng và giải pháp
Định hướng
Một là, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện phát triển các KCN, KKT thành các trọng điểm chế biến, chế tạo, theo hướng tập trung vào một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh như: cơ khí chế tạo, điện và điện tử, đóng tàu...
Hai là, tại một số KCN, KKT ven biển đã có các dự án động lực quy mô lớn và có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín và tiềm lực để hình thành các cụm sản xuất quy mô lớn và chuyên môn hóa, có tính liên kết cao giữa các doanh nghiệp trong KCN, KKT.
Ba là, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN, KKT phải theo hướng đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, đồng bộ với tốc độ phát triển hạ tầng kinh tế xã hội để đảm bảo phát triển bền vững; nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư FDI vào KCN, KKT theo hướng ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghiệp 4.0, công nghệ cao, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Bốn là, phát triển các mô hình KCN mới: KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ, KCN hỗ trợ để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thu hút dòng vốn FDI có chất lượng vào KCN, KKT.
Giải pháp
Một là, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó, tập trung thu hút các Tập đoàn công nghiệp lớn có công nghệ nguồn về chế biến, chế tạo. Đối với dự án đầu tư có tác động lan tỏa lớn đối với các KCN, KKT, cho phép áp dụng cơ chế đàm phán ưu đãi đầu tư như một số quốc gia đã áp dụng như: Malaysia, Singapore...
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển sản xuất công nghiệp phụ trợ và thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước với các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài trong KCN, KKT để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ba là, tiếp tục đầu tư vốn ngân sách nhà nước và huy động nguồn vốn khác để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các KKT ven biển theo hướng đồng bộ tạo điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các KKT ven biển đã có dự án đầu tư động lực quy mô lớn.
Đổi mới môi trường đầu tư và cơ chế quản lý nhà nước tại một số KKT ven biển với ưu đãi đầu tư vượt trội và dịch vụ công thuận lợi để tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI, phát triển một số trọng điểm chế biến, chế tạo có tính liên kết vùng.
Bốn là, tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ có trình độ kỹ thuật, kỹ năng cao cho phát triển các KCN, KKT trên cơ sở tăng cường mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để chuyển đổi lợi thế cạnh tranh từ lao động kỹ năng thấp, chi phí rẻ sang lợi thế cạnh tranh về lao động kỹ thuật cao, chi phí hợp lý.
Năm là, đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh của KCN, KKT thông qua tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về KCN, KKT; tăng cường thực hiện cơ chế, hành chính “một cửa tại chỗ” thông thoáng tại các KCN, KKT; áp dụng công nghệ thông tin và công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT; phát triển các mô hình KCN, KKT mới có hiệu quả cao hơn và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI vào các KCN, KKT.
Sáu là, các KCN, KKT phải có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với điều kiện phát triển và tiềm năng của địa phương, nhất là các KKT ven biển cần có hướng đi riêng, tăng cường sự liên kết giữa các KKT, hạn chế sự cạnh tranh nội bộ trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các KCN, KKT.