UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã ban hành Quyết định số 2151/QĐ-UBND ngày 04/10/2023 về Danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc.
5 nhóm ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng
Theo Quyết định của UBND tỉnh, có 5 nhóm ngành, nghề, lĩnh vực được ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng.
Thứ nhất, các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Theo Văn bản số 9064/NHNN-TD ngày 22/12/2022 của Ngân hàng nhà nước; Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Ngân hàng nhà nước và các văn bản liên quan).
Thứ hai, các lĩnh vực, ngành nghề Giáo dục, Y tế, Văn hóa - Thể thao bao gồm: Đầu tư xây dựng, mở rộng: Cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, cơ sở giáo dục nghề, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh (không bằng vốn đầu tư công); đầu tư bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực y tế, giáo dục, ngoại ngữ, giáo dục nghề nghiệp; đầu tư nâng cấp: Trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; đầu tư mua sắm máy móc thiết bị y tế, phương tiện phục vụ khám chữa bệnh; đầu tư loại hình Nghỉ dưỡng, dưỡng lão, dịch vụ y tế tư nhân, sản xuất dược liệu, dược phẩm, trang thiết bị y tế; đầu tư dự án văn hóa, khu vui chơi, giải trí, khu văn hóa đa năng, khu công viên văn hóa có các hoạt động thể thao.
Thứ ba, lĩnh vực Công nghiệp bao gồm: Đầu tư công nghiệp công nghệ cao; đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu.
Thứ tư, lĩnh vực Nông nghiệp bao gồm: Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.
Thứ năm, lĩnh vực Môi trường bao gồm: Đầu tư hệ thống xử lý rác thải; đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
UBND tỉnh yêu cầu Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ Danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng, triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
9 tháng, vốn FDI đầu tư vào Vĩnh Phúc tăng mạnh 67,7% so cùng kỳ
Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh có nhiều tích cực. Vốn đầu tư khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước duy trì được đà tăng trưởng tốt cho thấy sự hiệu quả của chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, do tác động của sụt giảm kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng, qua đó làm giảm nguồn vốn đầu tư từ khu vực này.
Quý III năm 2023, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt 13.785 tỷ đồng, tăng 12,37% so với quý trước và tăng 7,39% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.084 tỷ đồng tăng 5,42% so với cùng kỳ.
Đối với tình hình thu hút đầu tư, theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/9/2023 toàn tỉnh đã thu hút được 22 dự án DDI (10 dự án cấp mới, 12 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 20.250 tỷ đồng, tăng 106.69%.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 59 dự án (24 dự án cấp mới, 35 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 491,07 triệu USD, tăng 67,70% so với cùng kỳ.