Xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua mua lại và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) dưới góc độ pháp lý

THS. VÕ ANH PHÚC - Trường Đại học Lạc Hồng

TÓM TẮT:

Trong hơn 30 năm kể từ thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu về kinh tế vượt bậc. Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình đạt 6,4%/năm; đặc biệt đối với đầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD, mức giải ngân đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đóng góp không ít tác động tích cực đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam, như đẩy mạnh xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm như thủ tục hành chính, quy định về cạnh tranh… Vì vậy, nhằm giải quyết bài toán liên quan đến mục tiêu đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam bằng một trong những công cụ quốc gia để thu hút đầu tư nước ngoài - cần có những biện pháp cụ thể hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật hướng tới tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, hiện nay, vấn đề xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua mua lại và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) dưới góc độ pháp lý đang là vấn đề rất được quan tâm và là nội dung nghiên cứu ở bài viết này.

Từ khóa: xâm nhập thị trường, mua lại và sáp nhập, sáp nhập doanh nghiệp, pháp luật, tập trung kinh tế.

1. Xâm nhập thị trường thông qua M&A

1.1. Khái niệm

Trong kinh tế quản trị, giai đoạn ổn định trong đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với giai đoạn đòi hỏi doanh nghiệp phải có những động thái nhằm duy trì và phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình, vì mục tiêu để có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Theo đó, xâm nhập thị trường là việc doanh nghiệp cố gắng để đạt được việc có thêm những khách hàng đầu tiên ở những thị trường mà doanh nghiệp chưa tham gia trước đó. Thường được thể hiện qua việc các doanh nghiệp “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh khác hoặc mở rộng phạm vi địa lý của hoạt động kinh doanh.

Xâm nhập thị trường Việt Nam (XNTTVN) tức là hành vi đại diện cho công đoạn đầu tiên trong tiến trình bành trướng trên phương diện quốc tế hóa của doanh nghiệp nước ngoài. Sở dĩ Việt Nam thường được chọn làm đối tượng xâm nhập thị trường của các doanh nghiệp đến từ nước ngoài là do Việt Nam nắm giữ rất nhiều yếu tố cần thiết của một thị trường mới nổi như: nguồn tài nguyên dồi dào, dân số trẻ và mật độ tập trung nhiều tại các đô thị lớn, thực hiện ngoại giao, mở cửa mạnh mẽ với các cam kết quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ nước ngoài,...

Cũng như quốc tế hóa, việc xâm nhập thị trường nước ngoài cũng được tiến hành thông qua hai kênh: xuất khẩu vào thị trường nước ngoài và đầu tư trực tiếp vào nước ngoài.

M&A - “Mergers and Acquisitions” là cụm từ tiếng Anh dùng để ám chỉ hoạt động thay đổi, chuyển giao, chuyển dịch quyền sở hữu đi kèm với sự thay đổi về quyền kiểm soát giữa các doanh nghiệp với nhau. Việc thay đổi, chuyển giao, chuyển dịch này còn có thể làm thay đổi cả những yếu tố pháp lý của doanh nghiệp như loại hình, nguồn vốn,... cho đến những yếu tố kinh doanh như cách thức quản lý, phương hướng hoạt động,...

Cụm từ Mergers and Acquisitions thường được dịch sang tiếng Việt là “Mua bán và sáp nhập” hay “Sáp nhập và mua lại” doanh nghiệp. Tuy nhiên, những cách dịch này vẫn chưa thể diễn giải một cách chính xác và đầy đủ bản chất của hoạt động M&A. M&A bao hàm rất nhiều hoạt động giao dịch quyền sở hữu doanh nghiệp với tính chất rất khác nhau, được phân biệt qua nhiều yếu tố như hậu quả sau khi thực hiện M&A, vị trí trên thị trường của các doanh nghiệp thực hiện M&A, quan hệ giữa các doanh nghiệp thực hiện M&A, yếu tố cạnh tranh, yếu tố chiến lược, yếu tố tài sản của giao dịch, yếu tố đầu tư,...

1.2. M&A dưới góc độ pháp lý

Tính cho đến thời điểm hiện tại, hoạt động M&A vẫn chưa được nhìn nhận là một ngành luật riêng. Thay vì có một hệ thống pháp luật riêng rẽ, nhất quán và cụ thể, quy định trình tự, thủ tục, các nguyên tắc cơ bản, cơ quan quản lý và giám sát riêng, hoạt động M&A tại Việt Nam được quy định một cách rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật mà ở đó một số yếu tố của hành vi M&A được coi là đối tượng điều chỉnh, bao gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, cũng như các văn bản luật chuyên ngành khác.

Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp vẫn không có nhiều thay đổi so với Luật Cạnh tranh năm 2004. Tuy nhiên, quy định về “mua lại doanh nghiệp” - thể hiện của hành vi thâu tóm/mua lại (acquisition trong M&A) đã được làm rõ và cụ thể hơn.

Luật Đầu tư không có quy định cụ thể về việc đầu tư vào Việt Nam thông qua M&A, thay vào đó là quy định về hành vi đầu tư vào Việt Nam thông qua mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp - là một trong những cách để mua lại doanh nghiệp.

2. Thực trạng quy định về xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua M&A

Một cách tổng quan, mục tiêu của việc sử dụng con đường M&A để XNTTVN được thể hiện trên 2 khía cạnh:

Thứ nhất, trên góc độ cạnh tranh, nhà đầu tư nước ngoài có thể sử dụng lợi thế sẵn có của doanh nghiệp mục tiêu tại Việt Nam, từ đó tận dụng lợi thế cạnh tranh khi XNTTVN.

Thứ hai, khía cạnh còn lại thể hiện ở tính thủ tục khi thực hiện M&A tại Việt Nam. Xuất phát từ sự khác nhau giữa quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam và quy trình, thủ tục mua lại, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.

2.1. Về yếu tố cạnh tranh

Có thể nói, các yếu tố cạnh tranh quanh hoạt động M&A đã được Luật Cạnh tranh 2018 quy định một cách tương đối đầy đủ. Mặc dù là văn bản luật đầu tiên quy định về cạnh tranh, cũng như ra đời trong bối cảnh chịu sự hối thúc từ cam kết của Việt Nam với quốc tế nhằm gia nhập WTO, Luật Cạnh tranh năm 2018 vẫn quy định rõ các nguyên tắc, vấn đề như việc xác định thị trường liên quan, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vị trí thống lĩnh thị trường, hành vi tập trung kinh tế (TTKT),... Trong đó, các hành vi sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp và mua lại doanh nghiệp được Luật Cạnh tranh năm 2018 xác định thuộc nhóm hành vi TTKT. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng mua lại doanh nghiệp khác nhằm mục đích bán lại trong thời hạn dài nhất là 01 năm không bị coi là TTKT nếu doanh nghiệp mua lại không thực hiện quyền kiểm soát hoặc chi phối doanh nghiệp bị mua lại, hoặc thực hiện quyền này chỉ trong khuôn khổ bắt buộc để đạt được mục đích bán lại đó. Có thể thấy, nếu một công ty bảo hiểm, tổ chức tín dụng mua lại doanh nghiệp để “cầm chừng” và bán lại doanh nghiệp đó, cộng với việc không tham gia tiếp quản hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại mà chỉ sử dụng các biện pháp can thiệp mang tính đảm bảo, giúp cho doanh nghiệp không phải phá sản, giải thể để còn có thể bán lại, thì không phải là TTKT. Mặt khác, khi xem xét các tính chất này, có thể thấy đây là hoạt động đầu tư gián tiếp do chỉ thu lợi từ khoản chênh lệch giữa khi mua và bán lại doanh nghiệp mục tiêu.

Thành phần hồ sơ thông báo TTKT theo Luật Cạnh tranh năm 2018 cũng được quy định bổ sung một số loại tài liệu quan khác so với Luật Cạnh tranh năm 2004, như: Dự thảo nội dung thỏa thuận, hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ việc thỏa thuận TTKT, Danh sách công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên,... của các doanh nghiệp tham gia TTKT (Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ quy định danh sách công ty con, thành viên,... – đơn vị phụ thuộc chứ không quy định danh sách công ty mẹ - công ty chi phối), Phương án khắc phục khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường của việc TTKT và Báo cáo đánh giá tác động tích cực của việc TTKT (đây là các quy định mới, với vai trò bổ sung cho quy định về TTKT bị cấm).

Ngoài ra, Luật Cạnh tranh năm 2018 còn quy định về TTKT có điều kiện, tức sau khi kết thúc thẩm định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ ra quyết định cho mỗi thương vụ TTKT với một trong ba quyết định: TTKT được thực hiện, TKTT có điều kiện và TTKT bị cấm. Trong đó, TTKT có điều kiện là quyết định cho phép thực hiện TTKT nhưng phải đáp ứng một hoặc một số các điều kiện của Điều 42, bao gồm: (i) Chia, tách, bán lại một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp tham gia TTKT; (ii) Kiểm soát nội dung liên quan đến giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau TTKT; (iii) Biện pháp khác nhằm khắc phục khả năng tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường; (iv) Biện pháp khác nhằm tăng cường tác động tích cực của TTKT.

Như vậy, đối với nhà đầu tư nước ngoài có ý định XNTTVN thông qua M&A nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đã chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam, cần phải lưu ý đến các yếu tố có khả năng gây tác động hạn chế thị trường như mức độ tập trung tại thị trường liên quan, mối quan hệ trong chuỗi hoạt động với doanh nghiệp mục tiêu, tính đặc thù lĩnh vực,... cũng như các chỉ tiêu để tín ngưỡng thông báo TTKT.

2.2. Yếu tố hành chính

Về khía cạnh thủ tục hành chính khi thực hiện M&A với doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, việc nhà đầu tư nước ngoài XNTTVN thông qua M&A sẽ được điều chỉnh bởi hai ngành luật chính là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cụ thể bao gồm quy định hiện hành của Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 cùng những văn bản hướng dẫn thi hành.

Luật Đầu tư năm 2020 quy định các hình thức đầu tư kinh doanh bao gồm: đầu tư hoạt động kinh doanh thông qua thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế, đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.

Mặc dù theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 2 văn bản có công dụng khác nhau. Tuy nhiên, việc quy định như vậy càng góp phần tăng tính rườm rà cho các nhà đầu tư nước ngoài khi phải thực hiện một lúc hai thủ tục nếu muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế. Theo đó, mặc dù hoạt động như một doanh nghiệp độc lập nhưng do mang danh nghĩa là một “dự án của doanh nghiệp” nên các doanh nghiệp này vẫn phải thực hiện các thủ tục báo cáo, giải trình đối với dự án đầu tư. Ngoài ra, do được thành lập theo hệ thống cấp phép của luật đầu tư, các doanh nghiệp này mỗi khi thực hiện sửa đổi, bổ sung nội dung đăng ký đầu tư (thực ra là nội dung hoạt động kinh doanh), chuyển nhượng, sang tên đổi chủ,... thì đều phải thực hiện các thủ tục phát sinh khác so với một doanh nghiệp được thành lập trong nước.

Từ những bất cập trên đã dẫn đến một phương án khác dành cho nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định XNTTVN đó là thông qua mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp đã được thành lập trong nước. Thông thường, một doanh nghiệp sẽ được thành lập với hồ sơ pháp lý hoàn toàn không có vốn nước ngoài, sau đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiến hành thủ tục mua lại doanh nghiệp đó. Đây là hình thức đầu tư thông qua việc mua lại cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Việc quy định tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế được xác định trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Theo đó, điều kiện để tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần là phải có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; về điều kiện để tiến hành họp Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là số thành viên dự họp đại diện ít nhất 65% vốn điều lệ, tuy nhiên trong trường hợp không đủ số vốn góp đại diện như trên, cuộc họp lần thứ hai có thể được tiến hành trong thời hạn 15 ngày với số thành viên đại diện ít nhất 50% vốn điều lệ. Lưu ý rằng trong cả Đại hội đồng cổ đông lẫn họp Hội đồng thành viên, nghị quyết đều được thông qua trên cơ sở ý kiến của số thành viên dự họp.

Nói cách khác, việc nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên đồng nghĩa với việc nắm giữ quyền kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp. Hành vi nhà đầu tư nước ngoài XNTTVN thông qua M&A là hành vi thông qua M&A để nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp mục tiêu tại Việt Nam (đầu tư trực tiếp). Do đó, theo Luật Doanh nghiệp, nếu nhà đầu tư muốn thực hiện M&A trên doanh nghiệp có loại hình là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phải nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên. Đồng nghĩa với việc phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư với hình thức mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế.

Nhìn một cách tổng quát, theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, một nhà đầu tư nước ngoài có thể XNTTVN thông qua M&A bằng các cách thức sau: (i) Thành lập một doanh nghiệp mới trong nước và thực hiện thủ tục mua lại quyền sở hữu, hoặc ít nhất là 51% vốn điều lệ - tức quyền kiểm soát của doanh nghiệp đó; và (ii) Mua lại quyền sở hữu, hoặc ít nhất là 51% vốn điều lệ - tức quyền kiểm soát của doanh nghiệp đang hiện hữu trên thị trường Việt Nam.

3. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam dành cho hoạt động xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua M&A

3.1. Xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động M&A

Thị trường M&A trên thế giới tại các nền kinh tế phát triển luôn rất sôi nổi, sự chuyển dịch cơ cấu trong các chủ thể của nền kinh tế luôn thay đổi không ngừng, luôn thúc đẩy tính cạnh tranh, linh động và sự phát triển của toàn bộ thị trường.

Để góp phần hướng dẫn, định hướng nền kinh tế trong nước đạt được như trên thế giới, việc đề cao vai trò của hệ thống pháp luật là rất cần thiết. Một khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ, rõ ràng và mang tính chỉ dẫn các hoạt động nghiệp vụ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc và giải quyết tranh chấp của các thương vụ M&A sẽ giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mua bán, sáp nhập hay hợp nhất với các doanh nghiệp khác, để gia tăng lợi thế cạnh tranh, uy tín, bành trướng thương hiệu,...

Đối với việc XNTTVN thông qua M&A, như đã trình bày, hiện quy định của pháp luật Việt Nam chỉ áp dụng điều chỉnh cho hành vi đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế, tức đối tượng chuyển giao chỉ bao gồm quyền sở hữu vốn. Trong khi đó, các hình thức khác có thể được thực hiện của M&A như mua lại tài sản, chào mua thân thiện, sáp nhập, hợp nhất,... thì không được nhắc đến trong hình thức đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Vậy nếu trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài có ý định thực hiện M&A thông qua một trong các hình thức trên thì phải làm thế nào?

Do đó, sự tồn tại của hành lang pháp lý dành riêng cho M&A, bao gồm các chủ thể từ trong nước lẫn nước ngoài là vô cùng cần thiết.

3.2. Xem xét lại tính hợp lý của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Mặc dù đã có những điểm mới đáng kể, khắc phục được một cơ số thủ tục rườm rà từ quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Luật Đầu tư năm 2020 vẫn chưa thể đạt được yêu cầu tối ưu, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Việc quy định một lúc hai chế độ cấp phép cho cùng một đối tượng doanh nghiệp có thể mang tính chất như một rào cản pháp lý đơn thuần đối với nhà đầu tư từ nước ngoài bởi phần lớn hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài không nên được đánh giá như một dự án đầu tư đơn thuần.

Vì thực chất, nhiều nhà đầu tư chọn XNTTVN thông qua M&A với mục đích né tránh việc phải thành lập doanh nghiệp mới, dẫn đến phải đăng ký dự án đầu tư chứ không phải tận dụng lợi thế sẵn có của doanh nghiệp hiện hữu, do đó, để giải quyết cốt lõi vẫn đề, nên loại bỏ quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với việc đầu tư bằng hình thức thành lập tổ chức kinh tế.

Mặc dù không có yêu cầu đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với trường hợp XNTTVN thông qua M&A thế nhưng, việc yêu cầu văn bản chấp thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư như một tài liệu bắt buộc khi thay đổi thông tin chủ sở hữu từ nhà đầu tư trong nước sang nhà đầu tư nước ngoài lại gây nên sự rườm rà không cần thiết trong thủ tục.

Thực tế cho thấy, sau khi đăng ký đầu tư bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế tại Phòng đầu tư, nhà đầu tư vẫn phải quay trở lại thực hiện thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký doanh nghiệp. Do đó, một giải pháp hữu hiệu nên được cân nhắc đó là gộp bộ phận đăng ký đầu tư và bộ phận đăng ký doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư vào làm một, từ đó, việc đăng ký đầu tư bằng mua cổ phần, phần vốn góp có thể thực hiện một cách đồng thời với bước thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cuối cùng. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần khai báo theo mẫu văn bản đăng ký, có kèm chấp thuận của chủ sở hữu hiện tại của doanh nghiệp dự kiến nhận phần vốn góp, khi hồ sơ hợp lệ, bộ phận đăng ký doanh nghiệp/đầu tư có thể tiến hành cập nhật và cấp luôn kết quả mới cho nhà đầu tư - chủ sở hữu mới.

Ở mức độ vĩ mô hơn, theo nguồn ý kiến của một số chuyên gia, Luật Đầu tư hiện nay nên bị loại bỏ, bởi những quy định của văn bản luật này đều hầu như trở nên “dư thừa” khi các luật chuyên ngành khác đã có những quy định rõ hơn. Quy định về ngành nghề cấm kinh doanh, đầu tư, ngành nghề kinh doanh, đầu tư có điều kiện và việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện theo Luật Doanh nghiệp dẫn đến sự chồng lấn lên nhau những thủ tục để cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp. Việc quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cũng hoàn toàn có thể được quy định trong hệ thống các văn bản pháp luật về thuế, phí... Có lẽ chế định duy nhất không thuộc nội hàm của các luật khác là về việc đầu tư ra nước ngoài.

Như vậy, giải pháp toàn diện hơn được đề ra là hủy hiệu lực và chấm dứt sự tồn tại của Luật Đầu tư, thay vào đó là bổ sung chế định dành cho chủ thể là tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thực hiện hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp năm
  2. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư năm 2020.
  3. Quốc hội (2018). Luật Cạnh tranh năm 2018.
  4. Trương Hữu Ngữ (2018). Pháp lý M&A căn bản. NXB Công Thương, Hà Nội.
  5. Phùng Ngọc Việt Nga (2012). Hoàn thiện pháp luật về sáp nhập, mua lại doanh nghiệp (M&A) phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Luận văn Thạc sỹ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Preet S. Aulakh, Masaaki Kotabe & Hildy Teegen (2000). Export strategies and performance of firms from emerging economies: Evidence from Brazil, Chile and Mexico. Academy of Management Journal, 43(3), 347.

Entering the Vietnamese market through mergers & acquisitions (M&A) from the perspective of current laws

Master. Vo Anh Phuc

Faculty of Administration and International Economics

Lac Hong University

ABSTRACT:

After 30 years of the Doi Moi reform, Vietnam has achieved remarkable economic achievements. Vietnam has maintained an average growth rate of 6.4 percent per year. In 2022, Vietnam’s total registered foreign direct investment (FDI) was about 27.72 billion USD and the FDI disbursement reached an all time high of 22.4 billion USD, up 13.5% year-on-year. The increase in the number of foreign investors doing businesses in Vietnam has brought many benefits to the country’s socio-economic development, such as promoting exports, increasing state budget revenue, raising labour quality, and improving labour structure to meet the target of industrialization and modernization in Vietnam. Howver, Vietnam still has to pay attention to many issues, such as administrative procedures, competition regulations, etc. Therefore, in order to better attract foreign investors, it is necessary for Vietnam to improve its legal system to facilitate business activities of foreign investors.

Keywords: entering the market,  mergers & acquisitions, law, economic concentration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2023]