Xuất khẩu trước nguy cơ rủi ro từ bảo hộ và chiến tranh thương mại

Sự xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong những tháng đầu năm 2018 đang là những thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Cơ hội lớn cho hoạt động xuất khẩu năm 2018

Năm 2018 được dự báo sẽ có nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam khi nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo khả quan. Đó là nhận định của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018, diễn ra vào 24/4/208, tại Thủ đô Hà Nội.

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu trao đổi thông tin, phân tích đánh giá các cơ hội, triển vọng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Trao đổi về tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua, ông Vũ Bá Phú nhận định, năm 2017 là năm đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước ước đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương.

Ông Vũ Bá Phú nhận định: thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa

Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng DGP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động, ông Phú nhấn mạnh.

Năm 2017, có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2017 chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011. Tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% (năm 2011 là 20,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2% (năm 2011 chiếm 11,6%).

"Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản là tốt, đặc biệt là đối với nhóm hàng công nghiệp", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết.

Diễn đàn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu phân tích đánh giá các cơ hội, triển vọng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam

Số liệu từ Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực, xuất khẩu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước, bên cạnh đó dự báo tăng trưởng của các đối tác chính của Việt Nam tốt hơn sẽ tác động tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Trong khi đó, môi trường đầu tư kinh doanh trong nước đã liên tục được đổi mới trong thời gian qua thông qua việc cải thiện các chính sách liên quan đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh; tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục được đẩy mạnh giúp mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước tiềm năng như khu vực châu Phi, thị trường Mianma...

Cùng với đó là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành đã và đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong nước.

Xuất khẩu trước nguy cơ rủi ro từ bảo hộ và chiến tranh thương mại

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng về xuất khẩu, ông Phú cũng chỉ rõ, thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây.

Theo ông Phú, sự xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong những tháng đầu năm 2018 đang là những thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu của Việt Nam. Xu hướng bảo hộ gia tăng tại các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn và truyền thống của Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm gắt gao.

“Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Hoa Kỳ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt), đánh thuế "chống lẩn tránh" vào tôn xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức, gây khó khăn cho xuất khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú chỉ rõ.

Bên cạnh những nguy cơ rủi ro từ bảo hộ và chiến tranh thương mại, thì vấn đề thương hiệu là thách thức lớn tiếp theo của hoạt động xuất khẩu - ông Trần Thanh Hải chia sẻ

Bên cạnh những nguy cơ rủi ro từ bảo hộ và chiến tranh thương mại, xuất khẩu Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam lần này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập nhập (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất khẩu của chúng ta còn yếu khi các sản phẩm công nghiệp Việt Nam chủ yếu dưới dạng gia công, chưa có thương hiệu chỗ đứng riêng trên thị trường quốc tế.

Hơn nữa, các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến một số ngành trong nước bị ảnh hưởng do tác động của việc mở cửa thị trường, nhập khẩu tăng mạnh, ông Hải nhận định.

Đứng trước những nguy cơ rủi ro từ bảo hộ và chiến tranh thương mại của hoạt động xuất khẩu năm 2018, ông Vũ Bá Phú kiến nghị, Bộ Công Thương cần chủ động nắm bắt thông tin và xử lý các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như: sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật... để phát huy cơ chế cảnh báo sớm cho doanh nghiệp để phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, thường xuyên theo dõi, cung cấp thông tin về thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ...

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi với phía Hoa Kỳ để giải quyết những tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho tôm, cá tra của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ hiện đang bị áp các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại.

Đồng thời đề nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Tạo nguồn hàng xuất khẩu theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng những cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.


Hạ Vũ