Toàn tỉnh Hậu Giang có 266 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao.

Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên địa phương có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng theo đặc trưng của từng vùng, rất thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện OCOP.

Toàn tỉnh Hậu Giang có 266 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP
Các sản phẩm OCOP của tinh Hậu Giang đều dựa trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh để sản xuất, chế biến, đa dạng hoá sản phẩm mới

Mới đây, Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao.

Cụ thể, huyện Phụng Hiệp có 42 sản phẩm, trong đó HTX Kỳ Như có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tại địa phương, với 11 sản phẩm có nguyên liệu từ cá thát lát; thành phố Vị Thanh có 44 sản phẩm; huyện Châu Thành có 38 sản phẩm; huyện Châu Thành A có 33 sản phẩm; huyện Vị Thủy có 28 sản phẩm; thị xã Long Mỹ có 36 sản phẩm; huyện Long Mỹ 26 sản phẩm và thành phố Ngã Bảy có 19 sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đều dựa trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đặc trưng của tỉnh như: gạo, khóm, mít, cá thát lát… để sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm mới như: “khô mít, pa-te mít”, “bánh phòng chả cá thát lát”,…

Hầu hết các sản phẩm OCOP đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp như: ISO, VietGap, GlobalGap, GMP, HACCP…, cùng với công nghệ sản xuất, chế biến ngày càng tiến bộ, các chủ thể OCOP đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm..., từ đó tạo ra các sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vừa mang tính thẩm mỹ cao, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Toàn tỉnh Hậu Giang có 266 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP
Hiện Hậu Giang có 266 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh (Ảnh: VOV)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đề nghị, thời gian tới, các chủ thể cần tiếp tục nghiên cứu thị trường, đổi mới bao bì, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất về chất lượng và số lượng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, cũng như tạo sự khác biệt cho các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Đối với sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh được cấp giấy chứng nhận lần này phải sử dụng giấy chứng nhận, logo và thứ hạng sao sản phẩm OCOP để in/dán trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định hiện hành. Chỉ dán nhãn đối với sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên.

Các địa phương, cơ quan chuyên môn tiếp tục quan tâm theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh sử dụng, in/dán logo, thứ hạng OCOP lên sản phẩm theo đúng quy định. Tiếp tục đề xuất đối với các chủ thể có nhu cầu tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương và các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Sở Công Thương Hậu Giang đã xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tại thành phố Vị Thanh, nhằm đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hiện sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn, như Bách hóa xanh, Co.opMart, Vincom,… Ngoài ra, một số sản phẩm trái cây đã và đang xuất qua thị trường quốc tế như EU, Hong Kong (Trung Quốc) và sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua thị trường một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung quốc)...

An Chi