Từ 2016 đến nay là quãng thời gian đặc biệt thành công về xuất khẩu. Quy mô xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ. Năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, tương đương 87,1% GDP của năm (202 tỷ USD). Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tương đương 98% GDP của năm (220 tỷ USD). Năm 2018, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, tương đương 99,2% GDP (245,2 tỷ USD); năm 2019 xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tương đương 100,7% GDP (261,6 tỷ USD).
Năm 2020, bối cảnh kinh tế thế giới rất phức tạp, không thuận lợi cho thương mại quốc tế. Đây là năm thế giới chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều và khó đoán định từ xung đột thương mại Mỹ-Trung, biến động về quan hệ kinh tế – chính trị giữa các nền kinh tế lớn và đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội. Với mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đứng vững trong sự đứt gãy thương mại quốc tế trên toàn cầu, giữ được đà tăng trưởng và tạo lực kéo quan trọng cho cả nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.
10 tháng đầu năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm cho đời sống của nhân dân, sức chống chịu của doanh nghiệp, người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng xuất khẩu tiếp tục vượt bão, với kim ngạch 269,58 tỷ USD, tăng 17,3%. Nhập khẩu 10 tháng năm 2021 đạt 269,42 tỷ USD, tăng 28,2%. Cán cân thương mại tháng Mười xuất siêu 2,85 tỷ USD, tính chung 10 tháng năm 2021 xuất siêu 160 triệu USD.
Tính từ 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn tốc độ nhập khẩu. Cụ thể, năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu/nhập khẩu là 9% so với 5,2%; năm 2017 là 21,2% so với 20,8%; năm 2018 là 13,8% so với 11,5%; Năm 2019 là 8,1% so với 7%; năm 2020 là 6,5% so với 3,6%. Riêng 10 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn nhập khẩu là do quý II và quý III, doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện để hoàn thành đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Do đó, nhiều khả năng đến hết tháng 12, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu/nhập khẩu sẽ đảo chiều.
Vì thế, cán cân thương mại luôn nghiêng về xuất siêu và tăng rất nhanh qua từng năm: 2,5 tỷ USD năm 2016; 2,92 tỷ USD năm 2017; 7,2 tỷ USD năm 2018; 11,12 tỷ USD năm 2019; 19,1 tỷ năm 2020 và 160 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2021.
Nhìn trên tương quan tổng thể, một báo cáo mới đây của WTO về tình hình thương mại toàn cầu, quy mô kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore, Thái Lan và đứng thứ 26 thế giới; riêng kim ngạch xuất khẩu đứng 22 thế giới.
Đằng sau những con số này, còn có những câu chuyện thú vị về sự đảo chiều của xuất khẩu nước ta trong 3 năm gần đây. Trước hết, nếu quan sát trên bề mặt, 3 năm qua nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo liên tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng cao.
Năm 2016 hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2017 chiếm 81,4%, năm 2018 chiếm 82,87%; năm 2019 chiếm 84,33%; năm 2020 chiếm 85,2%; 10 tháng đầu năm 2021 chiếm 89,1%.
Đồng thời, ẩn sâu trong đó là cả một làn sóng ngầm dữ dội. So sánh Top 10 mặt hàng chủ lực cho thấy, nếu năm 2015, xuất hiện 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc về tài nguyên và hàng mới qua sơ chế, gồm các mặt hàng dầu thô, gạo, cà phê. Đến 2016 mặt hàng dầu thô, gạo đã “biến mất” khỏi Top 10, chỉ còn xuất hiện mặt hàng cà phê. Năm 2017, mặt hàng cà phê không còn trong Top 10, thay vào đó là rau quả.
Từ năm 2018, Top 10 hoàn toàn là hàng chế biến: Điện thoại và linh kiện; Điện tử, máy tính và linh kiện; Dệt may; Sản phẩm từ chất dẻo; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; Da giày; Thủy sản; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Sắt thép; Đồ gỗ. Trong 10 tháng đầu năm 2021, có 6 mặt hàng xuất khẩu kim ngạch trên 10 tỷ USD đều thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo: Điện thoại và linh kiện 46,2 tỷ USD; Điện tử máy tính và linh kiện 41,1 tỷ USD; máy móc, dụng cụ phụ tùng 29,5 tỷ USD; dệt may 25,8 tỷ USD; giày dép 14 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 11,8 tỷ USD.
Hơn thế nữa, trong các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta đã tham gia rất sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, như dệt may hiện nay đang đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh; điện thoại đứng thứ 2 thế giới; da giày đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 thế giới về xuất khẩu, hàng điện tử đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, thủy sản đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu, đồ gỗ đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu...
Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của việc tuyên truyền về hội nhập và cách tận dụng cam kết hội nhập; hiện đại hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; giảm kiểm tra chuyên ngành và hướng mạnh xuất khẩu vào các thị trường có FTA; đi đôi với đàm phán tháo gỡ các rào cản kỹ thuật; các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật… đến độ thuận lợi nhất cho thương mại, phù hợp với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Đến nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước. Một số thị trường FTA có tỷ lệ tận dụng cao là Hàn Quốc đạt 51%, Ấn Độ 48%; Chi Lê 69%; Nhật Bản 35%... Các thị trường đã ký kết FTA đều có mức tăng trưởng kim ngạch cao như ASEAN tăng 14,5%; Trung Quốc tăng 26,6%; Nhật Bản tăng 12,2%; Hàn Quốc tăng 26,5%; Australia tăng 25,5%...
Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Số liệu năm 2020 cho thấy, Việt Nam đã xuất siêu với Hoa Kỳ gần 62,7 tỷ USD); với EU gần 20,3 tỷ USD.
Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tích cực. Năm 2020, xuất khẩu sang Canađa duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, có sự đóng góp của việc đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong hoạt động xuất nhập khẩu được gắn công tác xây dựng thể chế, xây dựng, ban hành chính sách pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành khác đã chủ động, quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, đặc biệt là đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Tính đến cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai 56 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở cấp độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương. Riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ đã thực hiện bãi bỏ và đơn giản hóa 50 TTHC trên tổng số 76 TTHC, tương đương 65,8% số TTHC thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ Công Thương. Đây đều là những thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ nhiều, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để tiếp tục đóng góp mạnh hơn cho xuất khẩu, trong giai đoạn tới 2021-2030, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, thống kê thủ tục hành chính hiện hành thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở đó xem xét, đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả của các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.