Đêm ấy, giữa rừng đại ngàn, nằm sâu trong con bản miền núi heo hút, nghe tiếng dế kêu râm ran, tiếng kẹt cửa của ai đó loẹt quẹt chiếc dép đi vệ sinh, tiếng ngáy đều đều từ phòng bên, tiếng gà gáy nửa đêm, cứ nhắm mắt lại, hình ảnh về con đường lổn nhổn đất đá, xóc đến “long óc”, với những đoạn quanh co, hiểm trở lại hiện lên rõ mồn một.
Con đường ấy, chỉ 8km thôi, mất hơn tiếng đồng hồ mà tôi thấy dài như thời gian đã ngừng trôi vậy. Con đường ấy khi đi qua, tôi đã bước vào một thế giới khác, một thế giới không điện thoại, không Internet, một thế giới mà tụi trẻ con không biết bim bim là gì, trong khi đó là món khoái khẩu mà bất kỳ đứa trẻ thành thị nào cũng biết.
Sau con đường ấy là những ngôi nhà đơn độc, với những lối đi cheo leo vắt vào trong núi, chỉ vừa một bánh xe máy đi qua. Không sóng điện thoại, không ti vi, đường sá thì hiểm trở, các thầy cô giáo nơi điểm trường tôi đến phải mua mỗi người 1 chiếc sim 3G loại 50 nghìn, của nhà mạng mobile để có thể liên lạc với người thân qua các ứng dụng miễn phí.
Cả tuần họ ở điểm trường, chăm sóc những đứa trẻ một cách tận tâm và cuối tuần lại cố gắng vượt qua con đường kinh hoàng đó để ra thị xã, về với gia đình ở những tỉnh khác, đa số là Phú Thọ, Yên Bái, có người ở Thanh Hóa. Phương tiện duy nhất để họ dùng di chuyển là xe máy.
Với họ, nỗi khắc khoải lớn nhất là con cái đang lớn dần, nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, người cha. Vợ chồng cứ cảnh “Ngưu Lang, Chức Nữ”, thiếu hụt trăm bề. Cô giáo Hoàng Thị Quốc, quê ở Yên Bái, vào Bản Khoang từ năm 2011. 8 năm qua, Quốc đã phải dằn lòng gửi 2 cô con gái cho bố mẹ chồng để vào Bản Khoang, cứ chiều thứ 6 cuối tuần mới lại về thăm con. Quốc đã rất nỗ lực xin chuyển về Yên Bái làm việc, nhưng hiện tỉnh cũng đang tinh giảm biên chế nên ước nguyện của cô giáo này không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
Trường Tiểu học Bản Khoang có 3 điểm trường Bản Khoang, Xà Chải và Kim Ngan. Điểm khó khăn nhất là Xà Chải hiện đã xóa điểm trường để chuyển hết về Bản Khoang, điểm Kim Ngan vẫn còn một số lớp, vừa rồi các con từ lớp 3 đến lớp 5 cũng đã phải chuyển ra điểm trường chính là Bản Khoang vì trong đó không đủ điều kiện cơ sở vật chất cho các con học. Vì thế, tại điểm trường chính hiện có 30 con ở nội trú trong tổng số 130 học sinh, ở từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7, chủ nhật chúng mới được bố mẹ đón về nhà.
Khi tham gia chuyến thiện nguyện lần này của Tạp chí Công Thương đến Bản Khoang, tôi cứ liên tưởng đến một cô con dâu mới về nhà chồng. Nói như các cụ là “chổi cùn, rế rách” không thiếu thứ gì được chúng tôi mua sắm từ thành phố mang vào cho thầy trò Bản Khoang.
Được sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân hào hiệp, chúng tôi mua cho thầy cô và các con đủ vật dụng theo danh sách mà thầy Hiệu trường liệt kê. Từ đôi dép tổ ong, đến bát ăn cơm, mì tôm, xúc xích, kem đánh răng, xà phòng giặt, quạt điện, tủ cấp đông, áo rét, chăn ấm, sách bút… cho tụi trẻ. Con gái tôi vừa vào cấp 3 theo mẹ trong chuyến đi này, khi mời tụi trẻ ăn bim bim, tụi trẻ còn không biết là cái gì và nhìn con với ánh mắt nghi ngờ.
Nhìn tụi nhỏ ngây thơ, hồn nhiên khuân quà các cô các bác mang vào mà tôi thấy chạnh lòng, bởi chúng khác xa trẻ con thành phố quá nhiều. Chúng gầy gò, lam lũ và quá bé so với tuổi, nhưng lại rắn rỏi, chắc chắn. 6 tuổi chúng phải xa vòng tay bố mẹ để vào trường nội trú, sống tự lập. Ngôi trường là ngôi nhà thứ hai của chúng, thầy cô là cha mẹ thứ hai của chúng và bạn bè cũng chính là những anh chị thứ hai của chúng. Ở đây, chúng thậm chí còn được ăn uống đầy đủ hơn ở nhà, đủ chất dinh dưỡng thịt, cá, trứng, rau. Vì vậy, tất cả tụi nhỏ chỉ sau vài tháng nhập trường là lên cân thấy rõ…
5h sáng, trong tiếng gà gáy vọng từ xa xa, tiếng ngáy đều đều của mấy cậu thanh niên đã phải khuân vác vất vả cả ngày hôm trước, tôi nghe tiếng trẻ con nhí nháu gọi nhau, tiếng cô nhắc khẽ từng đứa. Trong không khí đặc quánh sương, lạnh lẽo của buổi sáng miền núi đầu đông, dưới ánh đèn vàng leo lét ngoài sân, tụi trẻ đã dậy, tự đánh răng rửa mặt, chăn gối xếp gọn gàng. Đứa bé thì gấp chăn, đứa lớn hơn thì quét nhà, lớn hơn nữa thì lau nhà, người nào việc đấy, rất nghiêm túc và đầy kỷ luật.
Phía trong nhà bếp, tiếng củi nổ tí tách, cô Quốc đang nhanh tay bẻ những gói mì để nấu cho tụi trẻ, hôm nay, bữa sáng của chúng là mì tôm trứng, thêm ít xúc xích tươi đoàn mới mang lên, vậy là đã xôm lắm. Tôi nghe tiếng cô Quốc thở dài nói với một cô khác “đêm qua có hai đứa đái dầm đấy, tí phải mang hết chăn gối ra giặt, mà trời này sao khô được”.
Nhìn tụi trẻ ăn một cách ngon lành. Ăn xong lại tự bê bát đũa ra sân rửa, dù cho nước lấy thẳng từ trên núi, lạnh ngắt đến tê người. Nhìn chúng ăn, chúng làm, nghĩ về những đứa trẻ thành phố bằng tuổi ấy, có đứa bố mẹ còn đang chạy theo bón cho từng thìa cơm, bất giác sống mũi tôi cay nồng như ăn phải mù tạt.
Sau lễ trao quà cho các con, đoàn chúng tôi lại theo con đường cũ ngược ra đường cái để trở về. Tôi đã không còn quá sợ như khi vào, mặc dù tay vẫn phải giữ chặt vào đuôi xe vì đường xóc, không giữ tôi có thể bị rơi ra khỏi xe bất cứ lúc nào. Ngồi sau thầy Giang – Hiệu trưởng, cậu chia sẻ, các thầy cô giáo ở đây đa số cắm bản 5 năm rồi, nhiều người không chịu nổi điều kiện khắc nghiệt ở đây nên đã chuyển đi, người còn lại đều vì hoàn cảnh, nhưng trên hết là vì yêu trẻ, họ ở đây, yêu thương chăm sóc tụi trẻ còn hơn cả bố mẹ chúng.
“Tụi em vất vả như vậy, Nhà nước tạo điều kiện nuôi ăn học cho các con như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng chị ạ. Nhiều khi phải vận động mãi họ mới cho con đi học. Chung qui cũng vì xa quá, giao thông không phát triển, sóng điện thoại còn không có, con người cũng khó văn minh. Người dân tộc họ ở trong núi, đi lại khó khăn nên họ không muốn đưa đón con đi học, tụi em nhiều khi còn phải đi vận động từng gia đình để họ cho con đến lớp. Còn các thầy cô giáo thì chỉ biết tự khắc phục, mỗi năm phải mất cả tháng tiền lương để sửa chữa xe, cũng đành chấp nhận hoàn cảnh thôi chị ạ. Cuối tuần mới được về thăm người thân, đầu tuần lên lại đèo đủ thứ gạo, mắm, rau củ làm thức ăn cho các con trong tuần. Làm gì cũng vì các con cả” - thầy Giang tâm sự.
Không đủ xe để đưa cả đoàn ra đường, chúng tôi tăng bo đi bộ. Dọc phía con đường từ bản ra, phía bên vực, hoa nghệ tây trắng muốt, vài đoạn có những rặng hoa giống hoa mua tím cực đẹp và thơ mộng. Lác đác vài đoạn, những thửa ruộng bậc thang vào vụ chín, ánh lên vàng rực.
3 năm trước, cô bạn thân của tôi đến đây, đường còn khó đi hơn nhiều. Trong bài viết của cô ấy có câu mà tôi rất ấn tượng, nghe đã thấy chạm đến trái tim người đọc: “Giá như có con đường nhỏ, để em đi rất bình thường”. Một con đường, có thể làm thay đổi tất cả. Con đường ấy giờ không còn nhỏ, nhưng vẫn chưa được bình thường. Thế nên cuộc sống của thầy và trò Bản Khoang vẫn còn nhọc nhằn, chơi vơi lắm.
Mong rằng, chính quyền nơi đây, hay các nhà hảo tâm sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc làm đường để mở tuyến giao thông, bớt cực khổ cho người dân, cũng như những thầy cô giáo ở Bản Khoang. Để một ngày khi trở lại, tôi không còn phải nghe tiếng lọc xọc của những bộ phận đã tã ra của chiếc xe máy, không còn nghe tiếng gầm lên nặng nhọc của chiếc xe phải vào số 1 trên những con dốc toàn đá lởm chởm, ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì quánh lại như bùn, chỉ có thể đi bộ.
Giá như tôi có thể làm được gì nhiều hơn bây giờ…