PV: Thưa ông, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty May 10?
Ông Thân Đức Việt: Tổng Công ty May 10 chúng tôi là một đơn vị rất đặc thù vì chúng tôi sử dụng khá nhiều lao động. Hiện nay May 10 có khoảng 18 nhà máy với 12.000 cán bộ công nhân viên đang làm việc ở 7 tỉnh, thành phố là Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.
Và một đặc thù nữa là May 10 chúng tôi cũng là một trong những mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành dệt may và thời trang toàn cầu. Nhìn lại gần 20 tháng vừa qua, khi mà không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang phải chịu tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19, thì trong quý I/2020 dịch bùng phát ở Trung Quốc và chúng tôi đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu. Sau khi chúng tôi có đủ nguyên phụ liệu vào cuối quý I/2020 thì chúng tôi lại đối mặt với việc giảm sút cầu một cách trầm trọng từ các nước là những nhà nhập khẩu sản phẩm may mặc của May 10 như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Đối diện với những cú sốc lớn như năm 2020 thì Ban lãnh đạo TCT May 10 chúng tôi đã đặt quyết tâm, với truyền thống 75 năm và truyền thống vượt khó trong mọi hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã xoay chuyển để tìm kiếm cũng như đáp ứng nhu cầu rất cao trong cái thời điểm quý I, quý II và quý III năm 2020 về sản phẩm khẩu trang y tế, khẩu trang vải và bộ đồng phục bảo hộ y tế.
Cũng nhờ sự mạnh mẽ, quyết liệt và thích ứng rất nhanh chóng thì toàn bộ năm 2020 chúng tôi vẫn giữ vững được hoạt động và tất cả những người lao động của May 10 không phải nghỉ một ngày nào, chúng tôi cũng không sa thải người lao động nào mà thậm chí là chúng tôi vẫn giữ vững và vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm trong năm 2020. Kết quả, năm 2020 chúng tôi đã đạt doanh thu 3.450 tỷ đồng và vượt 30% so với kế hoạch điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh đầu quý I/2020.
Bước sang năm 2021, có mấy đặc điểm mà chúng tôi cũng dự đoán từ quý III và quý IV năm 2020.
Thứ nhất, nếu đặt lên bàn cân so sánh với một số cuộc khủng hoảng trước đây, chúng tôi đánh giá cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 rộng hơn rất nhiều, tác động đến cả vấn đề kinh tế, vấn đề xã hội và vấn đề đời sống của con người. Trong khi đó thì cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chỉ ảnh hưởng về vấn đề tài chính và vấn đề kinh tế toàn cầu, nhưng để thế giới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đó cũng cần đến 5 năm.
Chính vì vậy, vào thời điểm quý III và quý IV năm 2020 khi đại dịch đang bùng phát ở tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, thì chúng tôi cũng có dự đoán năm 2021 sẽ là một năm khó khăn đối với May 10 nói riêng và đối với ngành dệt may nói chung. Khó khăn thứ nhất là dịch bệnh chưa kết thúc và có thể đơn đặt hàng sẽ không được như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; khó khăn thứ hai là mặt hàng khẩu trang mà chúng tôi thích ứng chuyển đổi sản xuất nhanh trong năm 2020 thì đến năm 2021 cũng đã bão hòa và dần sụt giảm nhu cầu.
Trên cơ sở này, toàn bộ chiến lược và kế hoạch cho năm 2021 mà chúng tôi xây dựng từ quý III, quý IV năm 2020 tương đương với mức năm 2019, có nghĩa là mức ở thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Nhưng có một điều sai so với kịch bản chúng tôi dự kiến, đó là đầu năm 2021, khi mà các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật, đặc biệt là những nước chiếm tới 80% tỷ trọng xuất khẩu của May 10, đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh, tái mở cửa nền kinh tế và dần dần hồi phục. Một lý do nữa cho việc này là sau quá nhiều tháng phải đóng cửa trong năm 2020, thì các nước này có nhu cầu hàng hóa rất lớn để bán, mở cửa nền kinh tế trở lại trong năm 2021.
Trong khi đó, đầu năm 2021, Myanmar, Ấn Độ và một số nước có ngành sản xuất dệt may lớn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu cũng đã bị bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, sáu tháng đầu năm, thậm chí đến thời điểm này và dự kiến là cả năm 2021 thì lượng đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu, sẽ tăng đột biến.
Do vậy, đây là một dự báo sai, nhưng cũng là một tin mừng cho May 10 cũng như cộng đồng doanh nghiệp may mặc khi lượng hàng năm nay tăng tương đối cao so với thời điểm trước dịch bệnh và so với năm 2020. 9 tháng đầu năm, một trong những yếu tố quan trọng nhất của May 10 là thị trường đã tăng trưởng 10-15%.
PV: Có những tín hiệu tích cực, nhưng hẳn là bối cảnh dịch bệnh phức tạp trong năm 2021 cũng đặt ra nhiều khó khăn cho May 10?
Ông Thân Đức Việt: Vâng, dù có dấu hiệu tích cực về thị trường như vậy nhưng trong 9 tháng May 10 cũng phải đối diện với những khó khăn khác bên cạnh dấu hiệu tích cực về thị trường.
Đó chính là câu chuyện Việt Nam của chúng ta lại trải qua thêm 3 lần bùng phát dịch bệnh nữa sau lần bùng phát của năm 2020. Lần đầu tiên chúng ta bị bùng phát dịch ở Hải Dương vào tháng 1; sau đó là lần thứ hai vào tháng 4 tại Bắc Ninh, Bắc Giang; và tiếp theo nữa là lần nữa bùng phát thứ tư, lần nặng nề nhất xảy ra vào tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh phía Nam.
Đợt dịch này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến May 10. Mặc dù lượng hàng đặt hàng của khách hàng tăng nhưng chúng tôi luôn luôn trong tình trạng thiếu hụt công nhân. Không phải là công nhân bỏ May 10, mà cứ địa phương nào đó có một ca F0 thì chúng tôi sẽ lập tức truy vết; nếu người lao động của chúng tôi thuộc dạng F1, F2 và thậm chí là F3 thì chúng tôi cũng yêu cầu họ phải nghỉ ở nhà để cách ly ít nhất 14 ngày. Vì vậy mà lực lượng lao động trên chuyền của chúng tôi lúc nào cũng thiếu hụt khoảng từ 10 đến 15%.
Khó khăn thứ hai là 19 tỉnh thành phía Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, phải giãn cách do dịch bệnh thì một lượng rất lớn nguyên phụ liệu dệt may mà chúng tôi mua từ các nhà cung cấp trong nước cũng bị ảnh hưởng, do các doanh nghiệp ở trong khu vực phía Nam là đầu tàu kinh tế và cũng là một nguồn cung cấp nguyên liệu dệt may lớn nhất của Việt Nam cho ngành may mặc thì đã phải đóng cửa trong 3 đến 4 tháng, dẫn đến chúng tôi cũng bị gián đoạn về nguyên phụ liệu đầu vào.
Khó khăn thứ ba là do chính sách chống dịch của chúng ta đang làm rất chặt chẽ để đảm bảo cho sức khỏe của người công nhân, dẫn đến các doanh nghiệp của chúng tôi lúc đóng, lúc mở nên lượng hàng thì tăng, số lao động thì vẫn thiếu do phải nghỉ cách ly sau khi truy vết để kiểm soát nguồn lây vào hệ thống của TCT May 10. Do đó, chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.
Khó khăn thứ tư là trong một thời gian khá dài, đặc biệt quý III/2021, giao thương và vận chuyển logistics trong nước và quốc tế bị ảnh hưởng, dẫn đến thời gian và chi phí vận chuyển nguyên phụ liệu và thành phẩm của May 10 tăng lên rất cao, ảnh hưởng không chỉ đến giá thành sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến cả thời gian thu mua nguyên vật liệu và giao hàng cho khách hàng nước ngoài.
PV: Ông dự báo thế nào về kết quả của May 10 trong năm nay?
Ông Thân Đức Việt: Có một điểm sáng là sau những nỗ lực toàn quốc dồn vào để hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thì vào ngày 11/10/2021, Chính phủ chính thức đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để xác định là chúng ta sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là điều mừng nhất của các cộng đồng doanh nghiệp nói chung và TCT May 10 nói riêng. Vì chúng tôi hiểu là với hướng dẫn mới mà Quyết định 128 của Chính phủ đưa ra, thì có thể các địa phương sau này sẽ không áp dụng lại những chỉ thị như là Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 - đã yêu cầu gần như các doanh nghiệp phải đóng cửa hoàn toàn. Chúng tôi tin rằng như vậy các doanh nghiệp như May 10, với một lực lượng lao động lớn, phân tán năng lực sản xuất ở 7 tỉnh, thành phố, chúng tôi sẽ được đảm bảo việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả để chúng tôi kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được hoạt động sản xuất thay vì những mệnh lệnh hành chính là phong tỏa như trước kia.
Và vì vậy, ngay từ khi Chính phủ xác định sống chung với dịch và chính thức có hướng dẫn các doanh nghiệp cũng như người dân vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế thì cán bộ, công nhân viên của TCT May 10 chúng tôi nỗ lực và phấn đấu để hoàn thành, giải quyết những đơn hàng mà chúng tôi đã giao hàng muộn cho khách hàng của quý III/2021 do ảnh hưởng của giãn cách xã hội. Hiện nay tất cả những người lao động của chúng tôi đang rất phấn chấn và nỗ lực để hoàn thành, tăng năng suất, thậm chí là xung phong để làm thêm giờ và làm thêm chủ nhật nếu cần để hoàn thành những đơn hàng mà chúng tôi đã ký kết đến hết quý IV/2021. Một số những nhà máy của chúng tôi cũng đã có đơn hàng đến hết quý I/2022.
Với chính sách mới về chống dịch của Chính phủ như hiện nay, với tinh thần làm việc của người lao động như hiện nay, thì chúng tôi tin rằng quý IV này chúng tôi sẽ không chỉ hoàn thành mục tiêu của quý IV mà có thể là sẽ hoàn thành và bù đắp cho một số giảm sút do quý III chúng tôi phải nghỉ giãn cách.
PV: Người lao động là một trong những từ khóa mà ông nhắc đến rất nhiều ở trên. Khi mà ngành dệt may đang đặt vấn đề xuất hiện nguy cơ đứt gãy chuỗi lao động, thì May 10 dường như vẫn hoàn toàn yên tâm về câu chuyện này. Ông có thể chia sẻ thêm?
Ông Thân Đức Việt: Yếu tố dịch bệnh ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề và có một số ngành nghề đã không thể duy trì được hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, thì như tôi đã trao đổi, trong năm 2021 riêng ngành may lượng đơn hàng lại tăng đột biến. Chính vì vậy, về mặt công ăn việc làm thì năm 2021 lại là một năm thuận lợi và cũng là một yếu tố để người lao động yên tâm và không bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thậm chí, chúng tôi còn có nhu cầu tuyển dụng thêm người lao động.
May 10 luôn có những chính sách đãi ngộ, tạo ra môi trường làm việc cũng như giữ chân những người lao động mà chúng tôi đang có và tuyển lao động mới cho lượng đơn hàng tăng thêm và cho các dự án mở rộng năng lực sản xuất của TCT May 10 năm 2021 ở Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Bình. Để phục vụ các dự án này, chúng tôi cũng cần nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 - 3.000 lao động mới vào cuối năm 2021.
Trước khi tính toán đến bài toán tuyển dụng mới thì chúng tôi cũng đặt mục tiêu ít nhất phải giữ chân được người lao động hiện đang làm việc tại Tổng công ty. May 10 có một cái hệ thống xã hội phục vụ người lao động: trường mầm non để chăm sóc cho con em của công nhân; trạm y tế tương đương với bệnh viện cấp huyện để lo sức khỏe cho người công nhân; trường cao đẳng nghề để đào tạo kỹ năng và tay nghề cho người lao động. Chúng tôi luôn luôn lấy người lao động là trung tâm cho mọi yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp, và khẩu hiệu của May 10 chúng tôi là “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp”.
Ngoài chế độ phúc lợi xã hội và môi trường làm việc tốt như vậy, năm 2021 này mặc dù bối cảnh kinh tế có rất nhiều khó khăn nhưng để giữ chân người lao động cũng như để phục vụ cho mục đích phát triển dài hạn của May 10 thì chúng tôi luôn chăm lo đến đời sống vật chất của người lao động bên cạnh đời sống tinh thần. Cụ thể, kết thúc 9 tháng đầu năm, thu nhập của người lao động May 10 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020 và mức thu nhập bình quân hiện nay khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là một yếu tố quyết định để người lao động yên tâm làm việc và tiếp tục phát huy nội lực.
Theo ông những bài học kinh nghiệm nào doanh nghiệp Việt Nam cần rút ra từ bối cảnh dịch bệnh thời gian qua?
Ông Thân Đức Việt: Chúng tôi cho rằng trong bất kể khó khăn nào thì yếu tố quyết định việc tồn tại hay thất bại của một doanh nghiệp chính là yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Đối với TCT May 10, chúng tôi đã có bề dày 75 năm hình thành và phát triển, trở thành một thương hiệu uy tín, tin dùng đối với khách hàng trong nước; còn đối với khách hàng quốc tế thì chúng tôi luôn là một mắt xích, quan trọng, là nhà cung cấp thời trang công sở cho tất cả các hãng thời trang lớn thế giới, xuất khẩu đến hơn 66 quốc gia. Chúng tôi cũng nằm trong chuỗi cung ứng quan trọng với khoảng 600 nhà cung cấp trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam.
Nhờ vậy, trong khó khăn các bạn hàng luôn chia sẻ, đồng hành với May 10. Thậm chí, vào thời điểm chúng tôi bị đứt nguồn cung năm 2020 thì khách hàng cũng chia sẻ, có thể lùi thời hạn giao hàng; vào thời điểm gãy cầu, có nghĩa là họ sụt giảm nhu cầu mua hàng, họ cũng luôn giữ hợp tác với May 10 rằng khi nào bắt đầu hồi phục thì May 10 sẽ là ưu tiên hàng đầu của họ.
Đấy là yếu tố thị trường, hay nói đúng hơn là yếu tố khách quan. Nhưng tôi cho rằng yếu tố giúp doanh nghiệp như May 10 có thể vượt qua khó khăn chính là yếu tố nội lực. Với truyền thống 75 năm, chúng tôi đã xây dựng được một nền tảng văn hóa doanh nghiệp, từ người công nhân đến người lãnh đạo cấp cao, những thế hệ đi trước của May 10 chúng tôi cũng đã vừa làm, vừa chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh. Vậy với thế hệ mới như hiện nay, đối diện với đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn như một cuộc chiến, chúng tôi vẫn giữ vững bản lĩnh của người May 10 được rèn giũa trong khó khăn. Chúng tôi luôn mang tinh thần kỷ luật rất cao, nối tiếp văn hóa vượt khó để trưởng thành và chúng tôi cũng đã chứng tỏ được trong năm 2020 khi trụ vững giữa cơn bão đại dịch, thậm chí còn tăng trưởng so với kế hoạch đề ra.
Năm 2021, mặc dù chúng tôi dự báo là năm khó khăn nhất, nhưng tính đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn xác định là sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra khi kết thúc năm. Ngoài yếu tố nội lực từ tập thể người lao động, chúng tôi cho rằng đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt HĐQT cũng như cơ quan điều hành, luôn có những thích ứng kịp thời, bản lĩnh dám thay đổi và quản trị rủi ro trong quá trình chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh để tìm những cơ hội trong nguy cơ để dẫn dắt con thuyền May 10 trụ vững qua đại dịch và tiếp tục phát triển trong dài hạn.
PV: Xin cảm ơn ông!