TCCT: Thưa ông, tại May 10, khoa học công nghệ đã được ứng dụng thế nào để hướng tới sản xuất thông minh thời gian qua? Ông đánh giá thế nào về hiệu quả cải thiện năng suất chất lượng nhờ sản xuất thông minh tại các nhà máy?
Ông Thân Đức Việt: Tổng Công ty May 10 đã sớm quan tâm đến ứng dụng tự động hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về nhân công lao động. Dù là khâu cuối cùng của ngành dệt may và khâu tự động hóa thấp nhất trong chuỗi sợi dệt nhuộm may, May 10 đều có các máy móc thiết bị và phần mềm hỗ trợ hiện đại nhất thế giới.
Thực tế cho thấy, đại dịch bùng phát mạnh mẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải trang bị cho mình một quy trình làm việc linh hoạt và có tính kết nối cao. Trong quá trình làm việc từ xa, khó khăn cho các nhà lãnh đạo là: làm thế nào để xử lý và lưu hành công văn khi làm việc từ xa? Làm thế nào để phân công nhiệm vụ cho nhân viên không bị trôi hay dễ dàng bị bỏ sót? Làm sao vận hành trơn tru toàn bộ quy trình làm việc của các phòng ban khi triển khai làm việc online.
Bên cạnh các thiết bị hiện đại như: Chuyền treo Sơ mi; Hệ thống máy Trải - Cắt tự động; Hệ thống bàn chông phần mềm trải vải kẻ caro và rất nhiều những máy chuyên dùng hiện đại… May 10 đang áp dụng các phần mềm quản lý tiên tiến hỗ trợ cho công tác quản trị như:
Phần mềm quản lý nguyên phụ liệu, thành phẩm để quản trị về công tác báo cáo nhập xuất tồn..
Phần mềm quản lý Số hóa tài liệu văn bản. Đây cũng là 01 giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid- 19.
Tại các bộ phận nghiệp vụ, chúng tôi đang áp dụng các phần mềm tiên tiến về thiết kế 2D, Fit 3D kiểm tra độ vừa, kiểu dáng, độ cân đối của mẫu, đo kiểm tra các thông số của vải giống như sp đã may xong. Đặc biệt khách hàng có thể duyệt mẫu từ xa.
Tại các nhà máy sản xuất đang áp dụng Hệ thống phần mềm kết nối lấy dữ liệu từ các thiết bị ở tất cả các công đoạn trên chuyền may và tồng hợp dữ liệu trên toàn nhà máy. Qua đó, giúp cho người quản lý có thể theo dõi qua điện thoại, máy tính ở bất kỳ vị trí nào. Hệ thống thông minh có thể kiểm soát các thông số làm việc của thiết bị, hiệu suất làm việc theo thời gian thực, giúp cho người quản lý có thể nắm được tình hình sản xuất, giúp cân bằng chuyền, bố trí lao động và thiết bị.
Trong thời gian giãn cách xã hội chúng tôi đã tận dụng tối đa những tiện ích từ các ứng dụng trong điện thoại như: Viber, Zalo, Line, Wechat, Messenger, Wicall, Skype… và lập rất nhiều group để trao đổi công việc, giao việc và họp trực tuyến…
Với những bước đầu của áp dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số May 10 nhận thấy đã có những thành công, từ việc đơn giản hóa các quy trình, hệ thống đã làm giảm đi các khâu trung gian, giảm nhân lực, giảm thời gian giải quyết các công việc, việc ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại đã giúp cho nhân lực đang tiếp cận tại Tổng Công ty có thêm kiến thức, kinh nghiệm là hành trang cần thiết cho những bước tiếp theo của công cuộc chuyển đổi số sẽ còn kéo dài. Những ứng dụng tự động hóa trong sản xuất đã mang lại những kết quả tích cực như việc giảm đáng kể lao động trong các khâu chuẩn bị sản xuất, giúp thu thập dữ liệu phân tích quá trình sản xuất và hỗ trợ công tác quản lý.
TCCT: Rất nhiều thành quả, nhưng hẳn là quá trình hướng đến những thành quả này không hề dễ dàng. Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện đằng sau đó?
Ông Thân Đức Việt: Bài toán sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh mới, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho dệt may Việt Nam rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Để có thể gia nhập chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, dệt may Việt Nam cần những chuyển biến nội tại đi kèm cái nhìn mới về một môi trường kinh doanh khác biệt với môi trường truyền thống.
Đầu tư cho chuyển đổi số là rất lớn, không chỉ chi phí về đầu tư thiết bị, công nghệ, hạ tầng mà còn đầu tư về thời gian, nguồn nhân lực. Nhưng May 10 xác định đầu tư là cho tương lai, là phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới, May 10 là đơn vị sản xuất, kinh doanh xuất khẩu có nhiều đối tác, bạn hàng từ nhiều quốc gia trên thế giới, không thể đứng ngoài mối liên kết đó.
Chiến lược của Tổng Công ty là làm từng bước một, để đảm bảo chi phí tối ưu nhất và cho kết quả tốt nhất, những kết quả đó là động lực tạo đà cho việc tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.
Để có thể tiếp cận công nghệ, khai thác được những công nghệ mới thì yếu tố quan trọng là chuẩn bị nguồn nhân lực đủ khả năng đáp ứng với yêu cầu của thực tiến, nguồn nhân lực cần thiết cho ở tất cả các khâu từ quản lý, công nghệ, kỹ thuật đến vận hành.
Tổng công ty May 10 có những chiến lược cụ thể từng bước cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực hiện tại và trong tương lai: Tham gia các chương trình hội thảo các tổ chức trong nước, liên kết với các nhà cung cấp các giải pháp về công nghệ trong và ngoài nước, tuyển dụng đội ngũ kỹ sư trẻ để đào tạo…
Tuy nhiên, hệ thống thiết bị sử dụng từ nhiều năm của các hãng khác nhau, nên khả năng kết nối chia sẻ dữ liệu là rất khó. Đầu tư mới hoàn toàn thì chi phí cao, nâng cấp phần cứng thì cũng không thể hoàn toàn phù hợp cũng là một cản trở cho doanh nghiệp.
Câu chuyện sản xuất thông minh với nhiều lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro đã đặt toàn bộ ngành dệt may Việt Nam trước sự lựa chọn: cần thiết hay không việc chuyển đổi sang mô hình phát triển tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Israel, cho thấy chúng ta cần thận trọng trong đầu tư bởi mặc dù nhìn thấy bài toán hiệu quả kinh tế nhưng chúng ta cần tính đến các yếu tố khác khi đầu tư công nghệ 4.0, trong đó có vấn đề đơn hàng và thị trường. Với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Tuy nhiên chúng ta sẽ tham gia như thế nào chứ không phải tham gia bằng mọi giá. Nếu đầu tư thiết bị để rồi sau đó không có đơn hàng hoặc đơn hàng quá ít thì hiệu quả đầu tư không có.
TCCT: Vậy May 10 nói riêng và doanh nghiệp dệt may nói chung mong muốn được hỗ trợ gì về cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất thông minh trong thời gian tới?
Ông Thân Đức Việt: Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua việc giảm thuế đối với các sản phẩm mới hoặc công nghệ mới có ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Có chính sách hợp tác quốc tế để đào tạo và phát triển đội ngũ làm công tác R&D cho các doanh nghiệp dệt may.
Mở rộng các chương trình học bổng Nhà nước trong đào tạo quốc tế đối với các sinh viên chuyên ngành sợi, dệt, nhuộm và may.
Tạo cơ chế phối hợp nghiên cứu giữa các trường đại học, viện khoa học và đơn vị sản xuất về nhu cầu nguồn nhân lực để và đào tạo theo mô hình chuẩn cả về lý thuyết và thực tiễn
Chính sách thuế là một công cụ quan trọng nhằm thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hệ thống chính sách thuế nói chung và thuế, ưu đãi gắn với hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp cần phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình tiếp cận của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở việc cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; kết nối doanh nghiệp với các đơn vị tư vấn, nhà cung cấp công nghệ, giải pháp có uy tín, chất lượng và phù hợp với đặc thù, yêu cầu của các ngành, lĩnh vực.
Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan để giải tháo gỡ những khó khăn này, và kiến nghị các giải pháp phù hợp, đặc biệt liên quan đến đổi mới mô hình ưu đãi thuế hiện nay.
Hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ cao là hoạt động đầu tư đặc thù, cơ chế này sẽ hướng tới việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ.
Do đó, với các hoạt động hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách thông qua các Chương trình khoa học công nghệ, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương cần triển khai để tạo ra những mô hình điểm, thành công để minh chứng cho hiệu quả đầu tư, đổi mới công nghệ mang lại, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khác trong ngành.