Chuyển đổi số không chỉ còn là một lựa chọn, nên hay không nên làm, mà đã trở thành một mệnh lệnh thực thi đối với các tổ chức và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. “Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu và đích đến là gì?” là một câu hỏi thường trực mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dù quy mô nhỏ hay lớn, thuộc loại hình sản xuất hay dịch vụ đều đang phải đặt ra.
Một doanh nghiệp sản xuất tìm kiếm các ứng dụng thiết kế mới nhất, với tính năng render 3 chiều dễ dàng để rút ngắn thời gian từ bản vẽ thiết kế tới sản phẩm thương mại trưng bầy tại cửa hàng. Một doanh nghiệp thương mại có lẽ sẽ bắt đầu hành trình chuyển đổi số bằng việc xây dựng trang web bán hàng, lập fanpage, kênh Youtube, mở gian hàng trên các nền tảng số như Amazon, Alibaba, Tiki, Lazada,... để tiếp cận khách hàng tốt hơn trên không gian số.
Nhìn chung, hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp thường xoay quanh mảng hoạt động chủ chốt của doanh nghiệp và bắt đầu ở khâu mà doanh nghiệp cảm thấy là lực cản lớn nhất cho đà phát triển của họ. Cách tiếp cận như vậy là hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý, tuy nhiên dường như nó chỉ giúp doanh nghiệp hóa giải những bài toán ngắn hạn và chưa dẫn tới những thay đổi mang tính căn cơ.
Thomas Siebel, tỷ phú công nghệ ở thung lũng Silicon Valley từng tuyên bố rằng số hóa (digitization) và ứng dụng số (digitalization) vẫn chỉ là việc các doanh nghiệp số hóa những nguồn lực hiện tại mà chưa thể tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về cách thức vận hành hay thay đổi cả cấu trúc của một chuỗi giá trị ngành như đúng tính chất của chuyển đổi số (digital transformation).
Đích đến cuối cùng của chuyển đổi số chính là quá trình sử dụng công nghệ để tác động vào những vấn đề có tính cốt lõi của mỗi doanh nghiệp đó chính là các sản phẩm, dịch vụ và cách thức mỗi doanh nghiệp tạo ra, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng của học (hay nói cách khác là mô hình kinh doanh của doanh nghiệp).
Chúng ta không khó để có thể nhìn thấy những mô hình chuyển số thành công trong lĩnh vực dịch vụ như: mô hình ngân hàng số, Grab - trong lĩnh vực vận chuyển, NETFLIX - mô hình chuyển đổi số tiêu biểu trong ngành công nghệ và giải trí, Airbnb - mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới,.v.v… tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp có trình độ công nghệ, mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số thấp thì bài toán chuyển đổi số đến cốt lõi là một thách thức lớn.
Chuyển đổi số đến cốt lõi là gì?
Với sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đặc biệt là những công nghệ tinh vi như internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn; đồng thời, khi chi phí lưu trữ và xử lý những tập dữ liệu lớn ngày càng rẻ hơn, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội cực lớn để thực hiện chuyển đổi số vào chính sản phẩm và dịch vụ mà họ đang cung cấp cho thị trường, cái mà các chuyên gia của Gartner gọi là “chuyển đổi số đến cốt lõi”.
Danh sách các ví dụ về cách các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đến cốt lõi bằng cách số hóa sản phẩm, dịch vụ đang ngày một dài hơn, dưới đây là những ứng dụng đã đi vào cuộc sống:
- Các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng được bổ sung thêm các tính năng thông minh: chức năng bản địa hóa, chức năng báo cáo, chức năng nhận tự động, chức năng giám sát …
- Biển quảng cáo kỹ thuật số - cảm nhận được ai đang xem và phản hồi với người đó
- Bóng đá thông minh - báo cáo tốc độ, hướng và các dữ liệu khác đến một thiết bị di động
- Điều khiển xe hơi từ xa trên điện thoại thông minh - cung cấp quyền truy cập vào các điều khiển điều hòa không khí hoặc đồng hồ đo nhiên liệu
- Tiền điện tử - thay thế tiền giấy truyền thống do chính phủ phát hành
- Bóng đèn gia dụng thông minh - điều chỉnh nhiệt độ màu và cường độ sáng chính xác từ xa
- Báo điện tử, cung cấp dịch vụ tin tức theo hình thức thuê bao
- Bảo tàng cung cấp tour tham quan ảo sử dụng kính AR/VR cho khách tại nhà trong thời Covid-19
Phát triển sản phẩm có tính năng kết nối: Xu hướng chuyển đổi số đến cốt lõi đối với các sản phẩm và dịch vụ
Tính năng kết nối, cung cấp dữ liệu từ quá trình tiêu thụ của người dùng là một trong những tính năng sẽ được các nhà sản xuất đặc biệt quan tâm khi thực hiện chuyển đổi số đến sản phẩm, dịch vụ. Theo dự báo của Gartner, đến năm 2025 trên thế giới sẽ có 75 tỷ thiết bị được kết nối và tạo ra giá trị kinh tế tương đương 11,1 ngàn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu.
Rõ ràng, đó là một xu thế không thể đảo ngược và các doanh nghiệp cũng không thể nằm ngoài xu thế đó trong quá trình phát triển của mình. Ngoài những lợi ích về kinh tế mà các sản phẩm được kết nối mang lại cho các nhà sản xuất, có nhiều yếu tố quan trọng tạo động lực khiến các doanh nghiệp chuyển đổi sản phẩm của mình trở thành các thiết bị kết nối.
Tăng tính năng cho sản phẩm, dịch vụ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng
Khách hàng ngày càng đòi hỏi nhiều tính năng và trải nghiệm hơn từ các sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường, không chỉ giới hạn ở các yếu tố giá cả, công năng hay ngoại quan của sản phẩm. Một bóng đèn phòng khách, khi được lắp thêm cảm ứng hoặc thiết bị điều khiển và kết nối với điện thoại di động sẽ trở thành thiết bị chiếu sáng thông minh, tự bật tắt khi có người hoặc không có người, và ánh sáng có thể được điều chỉnh theo cảm xúc của người chủ căn hộ.
Bình nước uống mà chúng ta sử dụng hàng ngày, mang theo khi đi làm hoặc luyện tập thể thao ngày nay cũng có thể lắp thêm cảm biến nhiệt độ, hoặc thiết bị iot giúp nhắc nhở chúng ta luôn uống đủ nước, thông báo về nhiệt độ nước trong bình, v.v.
Trong thời kỳ Covid-19, nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới đã số hóa và cung cấp tour tham quan ảo, nhờ đó khách hàng ngồi ở bất cứ đâu trên thế giới, chỉ cần đường truyền internet tốc độ cao là có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm, các bộ sưu tập với cảm giác gần giống như họ đang có mặt tại bảo tàng vậy.
Con người ngày càng quan tâm đến các thông số liên quan đến sức khỏe, thể trạng và thích so sánh thành tích của mình với đồng nghiệp, bạn bè về số km đi bộ hoặc chạy họ đã đạt được trong một ngày, số calo họ đã đốt được trong tuần, v.v. Rõ ràng, khi đồ dùng chúng ta sử dụng hàng ngày được lắp thêm cảm biến để trở thành một thiết bị kết nối, chúng không chỉ được bổ sung thêm nhiều tính năng thông minh như khả năng cảnh báo, mà còn mang lại trải nghiệm tuyệt vời hơn cho người dùng trong xu hướng vạn vật kết nối.
Dữ liệu hành vi khách hàng và khả năng cá nhân hóa sản phẩm theo người dùng
Không nghi ngờ gì, dữ liệu là nguồn tài nguyên chính của nền kinh tế số. Nhờ tiếp cận được những nguồn dữ liệu phong phú hơn bao giờ hết và ứng dụng đồng thời một loạt công nghệ như điện toán đám mây, di động, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp trên thế giới đang tạo ra giá trị đột phá và trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.
Google, Facebook biết rõ từng người tìm kiếm thông tin gì, đi đâu, gặp ai, yêu ghét ai, cái gì. Amazon, Alibaba biết rõ chúng ta tìm kiếm, yêu thích sản phẩm gì. Netflix, Spotify biết rõ sở thích xem phim, nghe nhạc của chúng ta, thậm chí còn nhớ được khi nào chúng ta tạm dừng xem phim, nghe nhạc vì bận bịu, hay chúng ta xem lại bao nhiêu lần một bộ phim.
Tất cả những dữ liệu này liên quan đến hành vi khách hàng, khi được kết hợp với những dữ liệu thu được nhờ gắn cảm biến vào từng sản phẩm và được nạp vào các hệ thống thuật toán học máy (machine learning), học sâu (deep learning) sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất bức ảnh có độ phân giải siêu lớn về khách hàng của họ, sản phẩm của họ, cùng toàn bộ quá trình khách hàng nhận biết, quan tâm, tiêu thụ và trải nghiệm sản phẩm.
Một số chuyên gia đã nhắc đến khái niệm “cách mạng về độ phân giải” hoặc “sự siêu hiểu biết” khi liên hệ tới khả năng này của các doanh nghiệp trong thời đại số nhờ tiếp cận với những nguồn dữ liệu nói trên và ứng dụng đồng thời các công nghệ tinh vi của thời đại 4.0.
Xu hướng kết nối vạn vật
Mọi vật thể phục vụ cho cuộc sống của chúng ta dù ở công sở hay trong ngôi nhà đều sẽ trở thành một thiết bị kết nối, khi mà hàng tỷ cảm biến ngày càng sẵn có với chi phí hợp lý hơn sẽ được lắp đặt vào các chuỗi giá trị trong mọi lĩnh vực. Vạn vật kết nối chính là đặc trưng nổi bật của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự phát triển và phổ biến của công nghệ 5G và IoT trong những năm tới cùng với sự bùng nổ của giao thông thông minh, tòa nhà thông minh, ngôi nhà thông minh hay nông nghiệp chính xác chắc chắn sẽ dẫn đến nhu cầu nhảy vọt trong việc biến mọi vật thể xung quanh chúng ta trở thành thiết bị thông minh và kết nối.
Theo Luật Metcalfe, khi số lượng các nút trong một mạng lưới càng tăng thì giá trị của mạng lưới đó sẽ ngày càng. Hiệu ứng của luật này đang chi phối sự phát triển của nền kinh tế số và giải thích vì sao những doanh nghiệp thành công với mô hình kinh doanh nền tảng sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.
Các nhà sản xuất cũng sẽ muốn lợi dụng sức mạnh của luật Metcalfe, mở rộng hơn nữa hệ sinh thái các sản phẩm kết nối của họ không chỉ về số lượng sản phẩm cùng chủng loại kết nối với nhau (ví dụ các bóng đèn thông minh) mà cả về dải sản phẩm cùng kết nối vào hệ sinh thái (ví dụ các dòng sản phẩm “họ” Xiaomi).
Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam
Trong lĩnh vực sản xuất máy móc thiết bị, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao, Việt Nam vốn nằm ở vùng trũng của chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp thế giới. Mặc dù chúng ta may mắn được nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới chọn làm cứ điểm sản xuất nhờ nhân công giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi cho logistics, đặc biệt là ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoài, tuy nhiên trong mô hình đường cong mặt cười (smiling curve), đa số doanh nghiệp của chúng ta vẫn là người gia công sản phẩm và mắc kẹt ở đáy đường cong nơi giá trị gia tăng thu được là thấp nhất.
Chuyển đổi số vào chính sản phẩm, làm chủ công nghệ nhờ ứng dụng những tiến bộ công nghệ của thời đại 4.0 chính là con đường để các nhà sản xuất Việt Nam thoát khỏi bẫy đường cong mặt cười và dần dịch chuyển vào hai phía biên của đường cong nhằm tối đa hóa giá trị gia tăng.
Chúng ta đã nhìn thấy một số mô hình thành công trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam như:
Trong lĩnh vực ô tô, một công ty của Việt Nam được kỳ vọng rất lớn sẽ đưa sản phẩm công nghệ và thương hiệu của Việt Nam vươn ra thế giới chính là công ty Vinfast với sản phẩm ô tô chạy điện, xe bus chạy điện. Hãy tưởng tượng trong tương lai gần, mỗi chiếc xe hơi, với khả năng tự hành cao, sẽ trở thành một chiếc điện thoại thông minh được đặt trên 4 bánh xe, xét về khía cạnh xe hơi sẽ hiểu được cảm xúc và hành vi của người ngồi trên xe hơn chính cả bản thân họ.
Trong lĩnh vực thiết bị điện tử, công ty BKAV đã phát triển dòng sản phẩm thông minh gồm công tắc thông minh và hiện nay là các dòng điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành do chính BKAV phát triển.
Trong ngành năng lượng và dịch vụ tiện ích cho người dân, các công ty điện lực ở Việt Nam cũng đã triển khai rộng rãi công tơ điện thông minh, nhờ đó tăng sự minh bạch và sự chính xác về mức độ tiêu thụ điện cho người dân, đồng thời tạo sự liên thông giữa các khâu sản xuất, phân phối và bảo vệ nguồn doanh thu cho công ty điện lực. Ngày nay người dân có thể dễ dàng biết được mức độ tiêu thụ điện của gia đình mình và thanh toán hóa đơn điện với chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động của họ.
Trong lĩnh vực chiếu sáng, Rạng Đông, một công ty có lịch sử 60 năm hình thành và phát triển và đã trải qua nhiều lần chuyển tầng công nghệ sản phẩm, cũng đã nhìn thấy rõ tương lai mà các công nghệ như IoT, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đang định hình lại bối cảnh cạnh tranh và cả chuỗi giá trị của ngành thiết bị chiếu sáng.
Những gì đang diễn ra trong ngành này không khác nhiều những gì chúng ta đã quan sát được trong ngành sản xuất máy ảnh, ngành thiết bị gia dụng và thậm chí cả ngành sản xuất đồng hồ đeo tay. Sự xuất hiện của các công nghệ mới, sản phẩm thay thế và đặc biệt là sự thay đổi về hành vi khách hàng đã làm xuất hiện các yếu tố cạnh tranh mới, khiến cho tuyên bố giá trị hiện tại của nhiều doanh nghiệp không còn phù hợp nữa.
Đã có những mô hình thành công, tuy nhiên, chuyển đổi số đến cốt lõi đối với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ vẫn là một thách thức rất lớn.
Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương thực hiện năm 2017-2018 về mức độ sẵn sàng tiếp cận với công nghiệp 4.0 đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chỉ ra rằng: Sản phẩm thông minh và Dịch vụ dựa vào dữ liệu là 2 trụ cột có mức độ sẵn sàng thấp nhất trong 06 trụ cột đánh giá theo phương pháp luận của Hiệp hội Kỹ thuật Cơ khí của Đức (Verband Deutscher Maschinen- und Anlagenbau - VDMA).
Về phát triển sản phẩm thông minh: theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, phần lớn doanh nghiệp đang đứng ngoài cuộc với yêu cầu về sản phẩm thông minh. Tỷ lệ này chịu tác động của các doanh nghiệp không có sản phẩm cấp dữ liệu theo CNTT. Đã có 1% doanh nghiệp đáp ứng mức cơ bản và 1% doanh nghiệp ở mức chuyên gia đối với yêu cầu này. 47% doanh nghiệp thu thập thông tin về dữ liệu sản phẩm, tuy nhiên 93% doanh nghiệp cho biết không có thông tin dữ liệu gắn với công nghệ thông tin, tức là không thể tra cứu theo thời gian, địa điểm thực của sản phẩm được. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng đối với sản phẩm thông minh và cần được ưu tiên trong các chính sách phát triển công nghiệp, đặc biệt yêu cầu về sản phẩm thông minh sẽ ngày một cao, nhất là đối với các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Khả năng cấp dữ liệu tự động của sản phẩm thông qua việc trang bị cho sản phẩm các tính năng của công nghệ thông tin là yêu cầu tối thiểu để bắt đầu với sản phẩm thông minh, tuy nhiên, chỉ 1-3% doanh nghiệp cho biết sản phẩm đã có khả năng cấp dữ liệu và 1-2% doanh nghiệp sẽ bổ sung khả năng này cho sản phẩm. Có 48% doanh nghiệp cho biết có thu thập dữ liệu về sản phẩm, trong đó 34% phân tích dữ liệu thu thập được, cao gấp đôi tỷ lệ doanh nghiệp chỉ thu thập dữ liệu sản phẩm mà không phân tích hay sử dụng. Đây là điểm sáng trong việc thúc đẩy các thị trường dịch vụ dữ liệu về sản phẩm khi sản phẩm được trang bị các tính năng cung cấp dữ liệu.
Về các dịch vụ dựa trên dữ liệu - được coi là nền tảng phát triển các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp - cũng có mức độ hạn chế. Có tới 67% doanh nghiệp đang đứng ngoài cuộc với yêu cầu về cung cấp dịch vụ có nền tảng dữ liệu. Tỷ lệ này chịu tác động của tỷ lệ các doanh nghiệp không tích hợp dữ liệu sản xuất với dữ liệu sử dụng sản phẩm, gián tiếp chịu tác động của việc thu thập dữ liệu sản phẩm. Tuy nhiên, với yêu cầu này, đã có 25% doanh nghiệp bắt đầu tham gia, 3% đáp ứng mức cơ bản và thậm chí 1%-2% doanh nghiệp ở mức dẫn đầu (mức 3,4,5 cho các doanh nghiệp có kinh nghiệm, chuyên gia, dẫn dắt) đối với yêu cầu này.
Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số là rất lớn. Trong thời đại số, chỉ đơn giản đưa công nghệ số vào sản phẩm không đảm bảo đạt được thành công vì lộ trình biến một ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thương mại hóa mà khách hàng sẵn sàng trả tiền đòi hỏi một tư duy hoàn toàn mới đối với nhà sản xuất. Đó chính là cách tiếp cận linh hoạt (agile), khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) hoặc đổi mới sáng tạo thông qua thử nghiệm nhanh, áp dụng tư duy thiết kế (design thinking), sản phẩm đến tay khách hàng không bao giờ được xem làm sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm sẽ luôn ở dạng nguyên mẫu (prototype) để các phiên bản tốt hơn sẽ tiếp tục được xây dựng và tung ra thị trường dựa trên ý kiến phản hồi của khách hàng thật.
Chuyển đổi số không thể làm một mình, nhất là khi các công nghệ biến đổi quá nhanh và mỗi một sản phẩm đều đang được tích hợp nhiều loại công nghệ tinh vi khác nhau của thời đại 4.0. Sự thành công cho các doanh nghiệp trong thời đại số sẽ được đảm bảo bằng ba chữ open (mở), đó là có tư duy mở (open mindset), tham gia vào các hệ sinh thái mở (open ecosystem) và thực thi đổi mới sáng tạo mở (open innovation).
Chuyển đổi số không phải là một đích đến mà chính là hành trình của mỗi doanh nghiệp từng bước đi tới những giá trị cốt lõi mình cũng như của khách hàng, xã hội. Hành trình đó cần sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của của mỗi doanh nghiệp, đồng thời phải có những bệ đỡ, đòn bẩy từ phía Nhà nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển sản xuất thông mình và chuyển đổi số là một trong những định hướng ưu tiên của ngành Công Thương trong giai đoạn tới nhằm góp phần thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 cũng như các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được Đảng và Chính phủ đặt ra trong giai đoạn phát triển tới đây của ngành.