Đi tìm chủ thể cho sản xuất thông minh

Nếu chỉ tập trung vào phát triển công nghiệp, chúng ta sẽ đi sau các nước phát triển từ 3-4 thập kỷ trở lên. Nhưng nếu đưa công nghệ thông tin vào sản xuất công nghiệp, tất cả các nước đều cùng chung vạch xuất phát

Mọi doanh nghiệp đều có cơ hội tiếp cận với sản xuất thông minh ở nhiều cấp độ khác nhau. Những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính có thể đầu tư những dây chuyền sản xuất thông minh có giá hàng triệu USD.

Các doanh nghiệp nhỏ, tùy vào nhu cầu cấp bách, cũng có thể chọn cho mình những phần mềm quản trị sản xuất, tồn kho hay chuỗi cung ứng có giá trị tính bằng triệu VND. Công nghệ thông tin trong kỷ nguyên 4.0 mở ra cuộc chơi khá công bằng. “Điều kiện” duy nhất để tham gia là sẵn sàng chuyển đổi.

Tự thu thập dữ liệu, tự ra quyết định

Trước đây, Sơn Hà - Tập đoàn cung cấp thiết bị về nước và nhà bếp, thường sản xuất theo kế hoạch tháng, hoặc theo đơn hàng đặt trước. Nhưng từ khi áp dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP, quá trình sản xuất trở nên linh hoạt hơn. Mỗi khi có đơn hàng bất kỳ, với số lượng bất kỳ từ khách hàng, có thể chuyển ngay thông tin đến đơn vị sản xuất, đơn vị vật tư, tài chính… Công nghệ này đã giảm thiểu tối đa thời gian logistics, thời gian vận chuyển đưa hàng tới tay người tiêu dùng, giảm thời gian tồn kho, đáp ứng ngay nhu cầu cho khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Đây là một trường hợp sản xuất thông minh điển hình: Số hóa toàn bộ quy trình sản xuất và phân phối của doanh nghiệp để thu thập dữ liệu số và khai thác các dữ liệu đã lưu trữ. Số hóa giúp quá trình sản xuất và phân phối của doanh nghiệp thiên biến vạn hóa hơn, tạm biệt khâu lên chỉ tiêu kế hoạch từ đầu năm, đầu quý, đầu tháng một cách võ đoán, thủ công.

Nói cách khác, với dữ liệu đã được số hóa trên các mặt quản trị sản xuất, nhân sự, khách hàng, chuỗi cung ứng, vật tư, tài chính… cho phép doanh nghiệp có thể phản ứng tức thời với thị trường.

Số hóa giúp doanh nghiệp xây dựng một quy trình sản xuất toàn diện, bao gồm lập kế hoạch sản xuất, theo dõi tiến độ đơn hàng, kiểm soát chất lượng, quản lý thiết bị và bảo trì bảo dưỡng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, truy cứu thông tin khách hàng; hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản trị tài chính, doanh thu, chi phí; tập hợp dữ liệu đưa lên hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo thuế và báo cáo quản trị…

Các nhà máy thuộc Tập đoàn Sơn Hà đã thay những máy cắt, dập inox cơ khí bằng hệ thống mới có khả năng thu thập dữ liệu. Khi máy cắt, dập tấm inox, nó sẽ liên tục so sánh với thiết kế để biết khi nào dừng lại.

Chiều dài, tiết diện mỗi tấm inox đã cắt, dập liên tục truyền về, lưu trữ tại một máy chủ trung tâm để kiểm soát độ hao mòn của lưỡi cưa, búa dập;tự động cập nhật thời gian cắt, dập mỗi tấm inox, tự động báo thời hạn bảo trì máy, không phải đợi hỏng mới sửa...

Nói đơn giản, sự kết nối giữa công nghệ sản xuất, máy tính, và giải pháp internet vạn vật, đã hướng công việc lập kế hoạch của một phân xưởng, nhà máy sản xuất thông minh trở thành quá trình tự thu thập dữ liệu, tự ra quyết định dưới sự giám sát của con người.

son ha
Số hóa giúp doanh nghiệp xây dựng một quy trình sản xuất toàn diện, bao gồm lập kế hoạch sản xuất, theo dõi tiến độ đơn hàng, kiểm soát chất lượng...

Bứt phá nhanh, liên tục

Không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tài chính và tầm nhìn chiến lược như Sơn Hà. Vì vậy, đã có ý kiến cho rằng, với trên 97% doanh nghiệp nước ta thuộc loại vừa và nhỏ, trong đó có 93,7% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thì nên tập trung nguồn lực chuyển đổi từ công nghiệp 2.0 (cơ khí) hiện nay lên công nghiệp 3.0 (tự động hóa ở một số khâu then chốt) trước đã.

Chủ nhân của công nghiệp 4.0 hay sản xuất thông minh trước hết và chủ yếu dành cho 2 loại hình doanh nghiệp trong nước có điều kiện, và doanh nghiệp FDI. Con đường tắt của doanh nghiệp vừa và nhỏ là phấn đấu lọt vào hệ sinh thái của 2 loại hình doanh nghiệp nói trên để tận dụng chuyển giao, hoặc tạo lợi thế trong đầu tư cho sản xuất thông minh. Ý kiến này được củng cố với lập luận tất cả các nước công nghiệp phát triển đều tuần tự đi từ 2.0 lên 3.0 rồi 4.0.

Nhưng nếu phát triển tuần tự, những nước đang phát triển như Việt Nam có nguy cơ tụt hậu. So với mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra: Đến năm 2025 Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thì việc phát triển dù có mạnh mẽ nhưng tuần tự trong thời gian qua sẽ rất khó đạt mục tiêu.

Một minh chứng rõ ràng là sự đóng góp của khu vực công nghiệp-xây dựng vào GDP trong 5 năm gần đây 2016-2020 theo hướng tăng lên, nhưng gần như không có sự bứt phá: 32,72%; 33,34%; 34,28%; 34,49%; và 33,72%.

Một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra Việt Nam đứng sau Hàn Quốc khoảng 40 năm, sau Thái Lan 14 năm, sau Philipines 6 năm. Từ đó đi đến kết luận: Đi sau mà muốn đuổi kịp thì chỉ có cách phải chạy nhanh, chạy liên tục.

Nói tóm lại, nếu chỉ tập trung vào phát triển công nghiệp, chúng ta sẽ đi sau các nước phát triển từ 3-4 thập kỷ trở lên. Nhưng nếu đưa công nghệ thông tin vào sản xuất công nghiệp, tất cả các nước đều cùng chung vạch xuất phát. Do đó, tháng 3 năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tháng 9 năm 2020, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. Ở cả giai đoạn đến năm 2030 và giai đoạn 2030-2045 đều nhấn mạnh đến ưu tiên phát triển công nghệ thông tin vào phục vụ phát triển công nghiệp:

“Giai đoạn đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác”; “Giai đoạn 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học”.

Với chính sách ưu tiên nêu trên, ai sẽ là chủ thể chính của sản xuất thông minh tại nước ta? Trong phần 4 “Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp”, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đưa ra chính sách khuyến khích với mọi thành phần kinh tế, từ DNNN đến doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.

Điều đó có nghĩa, chủ thể được khuyến khích không phải là thành phần kinh tế nào đó, mà là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hướng đến sản xuất thông minh, nhằm “tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp” - Nghị quyết 23 Bộ Chính trị.

Trên thực tế, mọi doanh nghiệp đều có cơ hội tiếp cận với sản xuất thông minh ở nhiều cấp độ khác nhau. Những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính có thể đầu tư những dây chuyền sản xuất thông minh có giá hàng triệu USD. Các doanh nghiệp nhỏ, tùy vào nhu cầu cấp bách, cũng có thể chọn cho mình những phần mềm quản trị sản xuất, tồn kho hay chuỗi cung ứng có giá trị tính bằng triệu VND.

Công nghệ thông tin trong kỷ nguyên 4.0 mở ra cuộc chơi khá công bằng. “Điều kiện” duy nhất để tham gia là sẵn sàng chuyển đổi. Có thể nói, chủ thể của sản xuất thông minh là những doanh nghiệp sẵn sàng đưa công nghệ thông tin vào sản xuất.

thaco
Mọi doanh nghiệp đều có cơ hội tiếp cận với sản xuất thông minh ở nhiều cấp độ khác nhau

Bài học xã hội hóa

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Chính phủ, cũng như sựbứt phá trong phát triển công nghiệp đã trở thành vấn đề cấp bách.

Hướng đến sản xuất thông minh không chỉ là câu chuyện của ngành công nghiệp. Nó liên quan đến hàng loạt vấn đề, từ công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông, cơ sở dữ liệu, cho đến tài chính, đất đai, nhân lực, đào tạo, sở hữu trí tuệ, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn…

Do Chương trình hành động của Chính phủ mới ban hành tháng 9 năm 2020, nên việc Chính phủ “đặt hàng” cho nhiều bộ ngành mới đang ở giai đoạn triển khai.

Trong khi chờ các bộ, ngành hoàn thành các đề án, chương trình nói trên, chúng ta vẫn có các công cụ khác, như Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt đầu năm nay. Trong đó, nhiều công nghệ sản xuất thông minh được ưu tiên phát triển như Công nghệ sản xuất linh hoạt (FM), công nghệ sản xuất tích hợp (CIM), công nghệ sản xuất thông minh (IMS); công nghệ thiết kế, chế tạo máy công cụ điều khiển số (CNC); công nghệ lưới điện thông minh…

Chúng ta đang có thuận lợi là có thể kế thừa những bài học kinh nghiệm thành công khi thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao của giai đoạn trước. Giai đoạn 2011-2020 kinh phí dành cho công nghệ cao hạn hẹp, chỉ đạt bình quân trên 50%, song những người làm công tác khoa học công nghệ của Bộ Công Thương xác định được cách tiếp cận mới, chủ động lựa chọn những dự án tốt, ưu tiên cho đối tượng doanh nghiệp.

Chuyển trọng tâm hỗ trợ từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu phát triển sản phẩm; đẩy mạnh sự phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu với lực lượng khoa học của các doanh nghiệp nhằm thương mại hóa sản phẩm, có khả năng sản xuất theo quy mô công nghiệp.

Đặc biệt, thống kê số liệu cho thấy, một kết quả nổi bật của Chương trình công nghệ cao do Bộ Công Thương thực hiện giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn trước là huy động nguồn vốn ngoài ngân sách gia tăng mạnh mẽ.

Trong giai đoạn 2013-2015 nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án được phê duyệt chiếm 54% tổng nguồn vốn thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách chiếm trên 80% tổng nguồn vốn thực hiện.

Hai bài học chuyển trọng tâm hỗ trợ từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu phát triển sản phẩm và, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp cho các dự án có thể áp dụng cho những dự án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thông minh. Và như thế, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ thể của sản xuất thông minh cũng sẽ đóng góp nguồn lực của mình vào các dự án.

 

Nguyễn Văn