Theo dự báo của IDC (Worldwide Digital Transformation 2018 Predictions), cho đến 2019 chi tiêu cho chuyển đổi số (Digital Transformation) trên toàn cầu sẽ đạt 1,7 nghìn tỉ USD. Con số này lớn gần gấp đôi tổng GDP của cả 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Philippines.
Trong khi đó, 35% các nhà sản xuất lớn trên thế giới sẽ ứng dụng các sáng kiến giải pháp sản xuất thông minh để tối đa hóa hiệu quả hoạt động và thời gian đáp ứng.
Đến 2019, 75% các nhà sản xuất lớn sẽ dựa trên IoT (Internet vạn vật) và ứng dụng phân tích dữ liệu để cập nhật hoạt động, giảm thiểu rủi ro và tăng tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường.
Những con số này cho thấy xu hướng chuyển đổi số, sản xuất thông minh trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và tất nhiên Việt Nam cũng không thể nằm ngoài dòng chảy này nếu muốn cạnh tranh tại thị trường sân nhà hay vươn ra biển lớn quốc tế.
Sản xuất thông minh là gì?
Sản xuất thông minh - smart manufacturing bao hàm việc ứng dụng công nghệ thông tin tới mọi khía cạnh của quy trình sản xuất hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian và bảo vệ môi trường. Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh chính là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất để tối ưu hóa các quy trình nhằm đáp ứng sự biến đổi năng động của thị trường.
Trong sản xuất thông minh, mọi thứ được kết nối thông qua các thiết bị như cảm biến hoặc nhận dạng bằng sóng vô tuyến. Các sản phẩm, công đoạn sản xuất, máy móc, công cụ… được tổ chức và liên lạc với nhau để nâng cao sản lượng và hiệu quả của quá trình sản xuất trong một hay thậm chí nhiều nhà máy, nhiều công ty.
Sản xuất thông minh bao gồm sự phát triển thông minh của hệ thống quản lý và điều hành được số hóa trên 3 mức: vòng đời sản phẩm (Product lifecycle management – PLM), hoạt động sản xuất (Manufacturing operation management – MOM) và tự động hóa (Automation).
Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) tích hợp thông tin trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất từ giai đoạn ý tưởng thiết kế – phát triển sản phẩm (ideation), qua thực hiện sản xuất (realization) cho tới giai đoạn sử dụng (utilization) bao gồm các dịch vụ hỗ trợ đối với sản phẩm và máy móc – nhà xưởng.
Quản lý hoạt động sản xuất (MOM) số hóa quá trình hoạt động sản xuất từ việc thu thập dữ liệu sản xuất phát sinh, tối ưu hóa kế hoạch và lịch trình sản xuất, đến bảo đảm chất lượng sản xuất và cung cấp thông tin minh bạch cho quản lý điều hành.
Nên hay không xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mới hoàn toàn?
Theo ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Bộ chỉ số đánh giá cho công nghiệp thông minh mang tính định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất trong tiến trình số hóa hoạt động của mình là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Từ phía doanh nghiệp, kết quả đánh giá sẽ cung cấp một bức tranh toàn diện về hiện trạng doanh nghiệp so với các yêu cầu phát triển sản xuất thông minh.
Từ phía đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp, kết quả này là thông tin đầu vào quan trọng hỗ trợ đơn vị tư vấn đưa ra phương án toàn diện và lộ trình hay cách đi phù hợp cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hướng tới sản xuất thông minh.
Kết quả nghiên cứu của Bộ Công Thương cho thấy, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã tiến hành xây dựng bộ chỉ số đánh giá về mức độ sẵn sàng với công nghiệp 4.0 cho các doanh nghiệp, như: Bộ chỉ số về mức độ sẵn sàng về sản xuất thông minh (Smart Industry Readiness Index) của Singapore; Industry 4.0 Readiness Index (INDI 4.0) của Indonesia; Bộ công cụ đánh giá online Smart Industry 4.0 Readiness Online self – Check của Hiệp hội Kỹ thuật Cơ khí của Đức (VDMA);...
Như vậy, mỗi quốc gia và tổ chức, tùy thuộc vào mục tiêu và đối tượng áp dụng để xây dựng một Bộ chỉ số phù hợp.
Trong quá trình Bộ Công Thương phối hợp với UNDP tiến hành điều tra, khảo sát về mức độ sẵn sàng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp ngành Công Thương thực hiện năm 2018 đã chứng minh sự cần thiết của bộ chỉ số này khi áp dụng vừa phải phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, vừa phải tương tích, tương đồng với các tiêu chuẩn của các quốc gia, tổ chức quốc tế.
“Để làm được điều này một cách hiệu quả, thay vì bắt đầu xây dựng một bộ chỉ số hoàn toàn mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên việc thử nghiệm áp dụng những bộ chỉ số và công cụ hiện có”, Vụ trưởng Trần Việt Hòa cho biết.
Với việc thử nghiệm trên diện rộng, cho các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực khác nhau, quy mô và đặc thù khác nhau, Bộ Công Thương sẽ đánh giá và điều chỉnh những điểm chưa hợp lý để đảm bảo tính phù hợp của các Bộ chỉ số này đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, với sự hợp tác cùng Tập đoàn Siemens, Hội đồng phát triển kinh tế Singapore (Economic Development Board – EDB) và một số đối tác Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm áp dụng bộ chỉ số Smart Industry Readiness Index của Singapore cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Khoa học cho rằng, với sự chủ động, tích cực tham gia hợp tác của Bộ Công Thương và hỗ trợ từ phía các đối tác, chúng ta có thể lựa chọn, xây dựng được bộ chỉ số đánh giá phù hợp cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Chính sách là “chìa khóa” thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất thông minh
Hiện nay, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao đang tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư để nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất.
Với định hướng của Đảng và Chính phủ trong việc nâng cao năng lực tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp, việc chủ động tham gia và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với nhiều chính sách ưu đãi minh bạch, công bằng và cởi mở hơn nữa.
Theo ông Trần Việt Hòa, từ phía Bộ Công Thương, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được triển khai tập trung chủ yếu, trong đó có cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời kết nối doanh nghiệp với các đơn vị tư vấn, nhà cung cấp công nghệ, giải pháp có uy tín, chất lượng và phù hợp với đặc thù, yêu cầu của các ngành, lĩnh vực.
Song song với đó, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ các doanh nghiệp, dự án có tính chất tiên phong trong một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Với các hoạt động hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các Dự án, Chương trình, Đề án khoa học công nghệ, Bộ Công Thương kỳ vọng tạo ra những mô hình điểm, thành công để minh chứng cho hiệu quả đầu tư, đổi mới công nghệ mang lại, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khác trong ngành.
Các doanh nghiệp được ưu tiên lựa chọn sẽ tập trung trong các ngành công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển của ngành Công Thương trong giai đoạn tới, sự phát triển của ngành/lĩnh vực có khả năng lan tỏa, tạo ra sự phát triển của các ngành/lĩnh vực khác.
Đặc biệt, đối với Chương trình Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, Bộ Công Thương đã xác định được và triển khai cách tiếp cận mới, phát huy vai trò chủ động của cơ quan quản lý nhà nước trong lựa chọn những dự án tốt, ưu tiên cho đối tượng doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Công Thương tập trung vào xây dựng những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn, chuyển trọng tâm hỗ trợ từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu phát triển sản phẩm và đẩy mạnh sự phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu khoa học với lực lượng khoa học của các doanh nghiệp nhằm thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, có khả năng sản xuất theo quy mô công nghiệp, nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư tham gia vào công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số mạnh mẽ hướng tới sản xuất thông minh.