Khi Postef  dấn thân vào sản xuất thông minh

Dự án sản xuất sợi quang của Postef đã góp thêm một tiếng, tạo dựng niềm tin về sự dấn thân đầu tư vào công nghệ sản xuất thông minh.
cap quang
Dự án sản xuất sợi quang của Postef là một ví dụ trong nhiều dự án công nghệ cao được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương

Hiệu quả đầu tư cao

Tháng 8 năm 2019, Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) khánh thành Nhà máy Sản xuất sợi quang có công suất 3,2 triệu km sợi quang/năm,đánh dấu bước chuyển lớn cho doanh nghiệp công nghệ viễn thông trong nước chủ động nguồn nguyên liệu, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á sản xuất được vật liệu này.

Với mức độ tự động hóa và độ chính xác cao, đây là nhà máy đầu tiên của Postef áp dụng mô hình sản xuất thông minh, xưởng thông minh. Dữ liệu của các công đoạn  sản xuất sợi quang liên tục được cập nhật về máy chủ, và tự động truyền tín hiệu xử lý về các thiết bị, máy móc

Có lẽ, ít ai biết rằng, từ năm 2014, ông Trần Hải Vân giám đốc Postef đã âm thầm ấp ủ ý tưởng xây dựng Nhà máy sản xuất sợi quang. Lúc đó, Việt Nam đã có hàng chục đơn vị sản xuất cáp quang cho mạng thông tin quang, nhưng toàn bộ sợi quang phục vụ sản xuất cáp quang phải nhập từ nước ngoài.

Đi sâu vào tìm hiểu, ông Vân càng thêm vững tâm khi biết hệ thống truyền dẫn tín hiệu trên sợi quang đã và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Năm 2014 thế giới sử dụng 172 triệu km, dự báo đến 2020 tiếp tục tăng mạnh lên 234 triệu km. Ở Việt Nam các tuyến cáp quang được hình thành với tốc độ phi mã, đặc biệt là các tuyến cáp biển kết nối quốc tế, tuyến đường trục xuyên quốc gia.

Bài toán nối tiếp bài toán

Khi “bàn giao” ý tưởng này cho các cộng sự nghiên cứu triển khai, nhiều bài toán được đặt ra. Bài toán về kinh tế không có gì phải bàn, hiệu quả đầu tư khá rõ. Nhưng đến công nghệ, bài toán nọ nối tiếp bài toán kia trong suốt quá trình xây dựng dự án.

Đầu tiên phải làm rõ được các đặc tính kỹ thuật, tính năng - chất lượng chủ yếu của sản phẩm là sợi quang theo sợi quang theo tiêu chuẩn quốc tế G562, bởi trên thị trường Việt Nam, sợi quang nhập chủ yếu từ các hãng nổi tiếng như Sumitomo, Corning, Fujikawa, Furakawa.

Bài toán thứ hai là lựa chọn phương pháp kéo sợi. Phương pháp kéo theo chiều ngang có ưu điểm là an toàn, thuận tiện trong quá trình vận hành lắp phôi, nhưng hiệu quả không cao do tốc độ kéo thấp, tối đa 500 m/phút. Phương pháp kéo theo chiều dọc đạt hiệu quả cao hơn, do tốc độ kéo gấp 4 lần, từ 2.000 m/phút, nhưng đòi hỏi chiều cao của tháp lớn, từ 25 m trở lên.

Cuối cùng, Postef lựa chọn công nghệ kéo sợi theo chiều thẳng đứng do cho hiệu suất hoạt động cao hơn, chất lượng sợi kéo ra tốt hơn và các hãng sản xuất sợi lớn trên thế giới như Sumitomo, Fujikura… đều sử dụng công nghệ tháp kéo đứng, do đó có khả năng tiếp nhận được chuyển giao công nghệ từ các nhà sản xuất sợi.

Ngoài ra còn hàng chục bài toán về lựa chọn sản phẩm và chất lượng; phương án tiêu thụ sản phẩm; hình thức và quy mô đầu tư; hình thức quản lý dự án… trong đó, bài toán về vốn nan giải hơn cả.

Postef
Postef lựa chọn công nghệ kéo sợi theo chiều thẳng đứng do cho hiệu suất hoạt động cao hơn, chất lượng sợi kéo ra tốt hơn

Vấn đề không phải Postef không huy động được vốn mà nằm ở quy định. Số vốn dự toán của dự án hơn 287,1 tỷ đồng chưa bao gồm chi phí chuyển giao công nghệ, đã lớn hơn vốn chủ sở hữu thời điểm đó (276 tỷ đồng) nên Postef phải đưa ra phương án phát hành trái phiếu tăng vốn cố định lớn hơn vốn dự án.

Trong quá trình thực hiện, Postef cũng phải chấp nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp đa chức năng tại số 63 Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội cho nhà đầu tư khác để dồn lực vào dự án sợi quang. Điều đó cho thấy, để dự án sản xuất sợi quang thành công, Postef đã phải dằng xé giữa rất nhiều bài toán.

Hỗ trợ hai khâu quan trọng

Khó khăn nhất trong lập một dự án là lựa chọn thiết bị, công nghệ và thu xếp vốn với đối tác, Postef đã vượt qua. Những tưởng có thể dễ dàng “ôm” bộ hồ sơ xin được liệt vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định 66 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đây là lần đầu tiên lập dự án loại này, nên hồ sơ chưa hợp lệ, đã từng bị trả về.

Khi “gõ cửa” Vụ khoa học công nghệ, Bộ Công Thương, xét thấy dự án thực sự xứng đáng được hưởng ưu đãi theo Quyết định 66, nhưng các cán bộ của Vụ cũng phải mất hàng tháng trời cùng Postef mới hoàn chỉnh được bộ hồ sơ chuẩn theo quy định. Cùng với đó, Vụ cũng trình duyệt kinh phí gần 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hoạt động khoa học công nghệ của Bộ dành cho việc nghiên cứu giúp Postef làm chủ quy trình công nghệ sản xuất ra sợi quang và quy trình công nghệ đo kiểm, kiểm tra tiêu chí chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt nhà máy được xây dựng để đáp ứng tiêu chuẩn sạch quốc tế cấp độ 6 do Công ty TAIKISHA (Nhật Bản) thiết kế và thi công theo hình thức chìa khóa trao tay EPC. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của POSTEF áp dụng mô hình sản xuất thông minh, xưởng thông minh và đạt mục tiêu nhà máy thông minh vào năm 2020.

Đến nay, những mục tiêu của một dự án công nghệ cao về kinh tế và xã hội của Postef đã đạt được. Nhưng điều quan trọng hơn, dự án sản xuất sợi quang của Công ty đã góp thêm một tiếng, tạo dựng niềm tin về sự dấn thân đầu tư vào công nghệ sản xuất thông minh.

Công nghệ cao có 4 lĩnh vực: Thông tin và truyền thông; vật liệu mới; công nghệ sinh học; sản xuất thông minh. Đây là những lĩnh vực rất mới ở nước ta, trong khi Luật Đấu thầu đặt lên hàng đầu tiêu chuẩn “năng lực, kinh nghiệm” của doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đưa tới vòng luẩn quẩn “con gà và quả trứng”.

Vì lần đầu tiên ở sản xuất ở Việt Nam nên “năng lực” không bằng doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài; vì không được tham gia đấu thầu nên chưa có “kinh nghiệm” thực hiện thầu.

Với những rủi ro khi tham gia thị trường như trên, doanh nghiệp hết sức đắn đo trong quá trình  lập dự án công nghệ cao. Trên con đường tiên phong ấy, biết bao những dấu hỏi khi đặt chân vào lĩnh vực mới mẻ, thị trường mới mẻ chưa được dự liệu một cách rành mạch, rõ ràng. Bởi thế, khi có sự đồng hành của cơ quan nhà nước trong thực hiện dự án, doanh nghiệp cảm thấy ấm lòng, tự tin hơn.

 

Châu Giang