Bánh quy Việt Nam và bánh quy phương Tây: hai món ngoại trừ cái tên thì... chẳng có gì liên quan

Bây giờ nói đến bánh quy, ai cũng nghĩ đến chiếc bánh phương Tây được làm bằng bơ và bột mì, nhưng hiếm ai biết Việt Nam cũng có một món bánh cũng tên là bánh quy nhưng khác hoàn toàn!

Nhắc đến bánh quy, không ai là không biết đến món bánh phương Tây giòn giòn, cưng cứng vàng ruộm, thơm nức mùi bơ. Bánh quy phương Tây, hay còn gọi là bánh bích-quy (phiên âm của "biscuit"), là món bánh được làm từ bột mì, đường, trứng và bơ, là món bánh nổi tiếng trên toàn thế giới.

Bánh quy Việt Nam và bánh quy phương Tây: hai món ngoại trừ cái tên thì... chẳng có gì liên quan - Ảnh 1.
Món bánh quy bơ phương Tây ai ai cũng biết.

 

Thế nhưng hiếm ai biết, Việt Nam cũng có một món bánh có tên giống như thế, nhưng có ý nghĩa, cấu tạo và nguyên liệu khác hoàn toàn. Đó chính là: Bánh Quy.

Bánh quy Việt Nam và bánh quy phương Tây: hai món ngoại trừ cái tên thì... chẳng có gì liên quan - Ảnh 2.
Món bánh quy truyền thống tuy giống tên nhưng chẳng "liên quan".

 

Chữ Quy ở đây có nghĩa là con rùa, chứ không phải âm "quy" được phiên ra từ "biscuit". Có cái tên như vậy là vì món bánh này trông giống mai của chú rùa. Ngày xưa, bánh thường được tạo hình bằng khung, có hoa văn phía trên giống như hoa văn trên mai rùa. Đây là một món bánh thường xuất hiện trong các bữa tiệc vào những dịp đặc biệt của người miền Tây như ngày giỗ, ngày Tết, thường mang ý nghĩa tốt lành, bởi rùa được xem là một trong Tứ Linh (Long Lân Quy Phụng).

Bánh quy Việt Nam và bánh quy phương Tây: hai món ngoại trừ cái tên thì... chẳng có gì liên quan - Ảnh 3.
Bánh quy có hình dạng giống chiếc mai rùa.

 

Bánh quy được làm bằng bột gạo nếp, nhân đậu xanh hoặc nhân dừa. Bột gạo nếp pha cùng nước sôi, khuấy nhẹ nhàng cho tan dần. Công đoạn khuấy bột nếp mất nhiều thời gian, nếu hấp tấp sẽ bị vón cục - một hiện tượng mà các bà, các mẹ người miền Nam hay gọi là "óc trâu". Còn nhân thì được xào với đường cho chín, xong bọc lại bằng bột rồi đem cho vào khuôn. Bánh được làm chín bằng cách hấp. Bánh quy thành phẩm có độ dẻo dai, ai khéo tay lúc nhào bột cho thêm ít lá dứa hoặc nước màu lá dứa, sẽ có mùi thơm ngọt ngào.

Bánh quy Việt Nam và bánh quy phương Tây: hai món ngoại trừ cái tên thì... chẳng có gì liên quan - Ảnh 4.
Bánh quy Việt Nam được làm bằng bột gạo nếp, có nhân đậu hoặc nhân dừa.

 

Bánh quy bây giờ ít còn hoa văn mai rùa, song vẫn được những người thợ tỉ mẩn tạo đường viền xung quanh thân bánh. Thông thường, phía trên bánh quy sẽ có một chấm đỏ. Chấm đỏ này thực ra không có ý nghĩa sâu xa gì, chỉ là cách mà người làm bánh đánh dấu nhiều loại nhân khác nhau. Ví dụ như nhân đậu không có chấm và nhân dừa có chấm.

Để tránh bị dính bột nếp vào xửng bánh, những chiếc bánh quy thường được lót bằng một lớp lá chuối. Ngày xưa, nếu như công việc làm bánh là của các dì, các mẹ thì hội chị em gái hoặc em trai nhỏ trong nhà sẽ cùng nhau ngồi cắt lá chuối sao cho vừa những chiếc bánh.

Bánh quy Việt Nam và bánh quy phương Tây: hai món ngoại trừ cái tên thì... chẳng có gì liên quan - Ảnh 5.
 

Bánh quy truyền thống dẻo dai, cắn một miếng thơm lừng, ngọt ngào cả khoang miệng là món quà mà đứa trẻ miền Tây nào cũng yêu thích. Hiện tại, nhắc đến bánh quy, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến bánh quy bơ phương Tây, tuy nhiên cũng xin đừng quên rằng Việt Nam cũng có một món bánh truyền thống cùng tên rất thơm ngon và độc đáo đấy!