Trong tháng 10/2013, đường biểu diễn giá gạo trắng trung bình toàn cầu đã chuyển sang đi ngang sau khi có xu hướng giảm xuống trong những tháng trước. Sự tăng giá nhẹ của gạo Việt Nam xuất khẩu đã bù lại một phần việc giá gạo Thái Lan và Pakistan giảm xuống.
Hiện hầu hết các nước khu vực châu Á đang bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch do đó thị trường gạo được dự báo sẽ tiếp tục trở nên ảm đảm cho đến khi áp lực về lượng gạo mới thu hoạch giảm đi. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, diện tích canh tác lúa gạo tại các nước khu vực châu Á trong niên vụ 2013/14 sẽ tăng cao hơn niên vụ trước; cụ thể, diện tích canh tác lúa gạo tại Pakistan dự báo tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, Ấn Độ tăng 5%, Campuchia tăng 3%, Thái Lan tăng 2% và Myanmar tăng 2%.
Đánh giá chung dựa trên số liệu tháng 10/2013, USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2013/14 sẽ đạt 497,2 triệu tấn, tăng 1% so với niên vụ trước và tăng nhẹ so với dự báo vào hồi tháng 9/2013.
Thái Lan
Giá gạo Thái Lan đang giảm xuống trong khi Chính phủ Thái Lan tiếp tục cố gắng giải phóng lượng gao tồn kho của mình. Tính đến cuối tháng 10/2013, gạo trắng 5% tấm Thái Lan được báo giá ở mức khoảng 410 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với 1 tháng trước và giảm khoảng 140 USD/tấn so cùng kỳ năm ngoái. Các nguồn tin của Oryza.com cho biết giá gạo Thái Lan được dự báo sẽ chạm đáy trong tháng 11/2013.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), trong 8 tháng đầu năm 2013, Thái Lan đã xuất khẩu được 4,1 triệu tấn gạo. Qua đó cho thấy khả năng trong cả năm 2013, Thái Lan sẽ xuất khẩu được khoảng 6,15 triệu tấn gạo, giảm khoảng 27% so với mục tiêu xuất khẩu 8,5 triệu tấn như đã đề ra của Chính phủ Thái Lan. TREA cho biết giá gạo Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm do vụ thu hoạch lúa mới đang bắt đầu trong khi các thương nhân vẫn đứng ngoài thị trường do lo ngại giá gạo có thể giảm xuống hơn nữa.
Trong tháng 10/2013, Chính phủ Thái Lan vẫn đang tiếp tục các nỗ lực giải phóng lượng gạo tồn trữ của mình thông qua các hợp đồng bán gạo liên chính phủ, các cuộc đấu giá gạo trong nội địa, và qua cả sàn giao dịch nông sản tương lai. Tuy nhiên kết quả thu lại không được như kỳ vọng của Chính phủ Thái Lan và các thông tin về việc bán gạo liên chính phủ giữa Thái Lan với Trung Quốc còn nhiều điều bí ẩn.
Chính phủ Thái Lan cho biết đã chi khoảng 678 tỷ Baht để mua vào 43,4 tấn thóc gạo trong 2 vụ thu hoạch vừa qua; tương đương với việc giá thu mua thóc gạo trắng ở mức 500 USD/tấn và mức giá này dường như không bao gồm chi phí quản lý và xử lý của chương trình trợ giá gạo. Trong khi đó, dữ liệu cho thấy, Chính phủ Thái Lan đang bán gạo ra với mức 345 USD/tấn, điều này dẫn đến những khoảng thiệt hại tài chính khổng lồ đối với Thái Lan. Ngoài ra, không ai biết rõ chương trình trợ giá gạo của Thái Lan sẽ được duy trì cho đến thời điểm nào khi các quyết định dự kiến giảm giá thu mua gạo và ngừng chương trình này đều bị hủy bỏ trước áp lực phản đối của nông dân Thái Lan.
Thái Lan đang tiếp tục mất dần thị phần xuất khẩu gạo vào tay Ấn Độ, ví dụ, các thị trường như: Singapore, khu vực Tây Phi… Nhằm đối phó với tình trạng này, Chính phủ Thái Lan đang cố gắng đa dạng hóa phương thức xả gạo tồn kho như đề xuất đổi gạo lấy đầu tư của Trung Quốc vào hệ thống đường sắt tại Thái Lan; bán các bao gạo cao cấp tại các sân bay chính của Thái Lan cho du khách…
Trong tháng 10/2013, Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố nước này bắt đầu thực hiện chương trình quy hoạch phân vùng nông nghiệp. Việc quy hoạch này có thể dẫn đến sự chuyển đổi tới 4,3 triệu ha đất canh tác lúa gạo (tương đương 38% diện tích canh tác lúa hiện tại của Thái Lan) sang trồng các loại cấy khác phù hợp hơn như mía trong vòng 3 năm tới đây.
Ấn Độ
Mặc dù điều kiện thời tiết bất lợi đã khiến giá gạo nội địa của Ấn Độ tăng lên nhưng sự sụt giảm của đồng Rupee Ấn Độ đã giúp Ấn Độ tiếp tục duy trì vị thế nước xuất khẩu gạo lớn. Kết thúc tháng 10/2013, giá gạo 5% tấm Ấn Độ đạt khoảng 415 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tháng 9/2013 và giảm khoảng 25 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo nội địa Ấn Độ đang tiếp tục xu hướng tăng cao hơn so với năm 2012 nhưng việc đồng Rupee giảm giá so với đồng USD đã giúp giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ vốn được định giá theo đồng USD không bị tác động mạnh. Nếu như không có sự giảm giá của đồng Rupee thì gạo Ấn Độ sẽ trở nên đắt đỏ nhất trong số các loại gạo châu Á. Việc đồng Rupee yếu đã giúp Ấn Độ cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu gạo của Thái Lan.
Theo các số liệu chính thức của Ấn Độ, diện tích canh tác lúa gạo của Ấn Độ đã đạt khoảng 38,35 triệu ha, tăng 2 đến 3% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên vẫn giảm nhẹ so với năm 2011.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã nâng dự báo lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2013 lên mức 9,5 triệu tấn, tăng so với mức dự báo 8,8 triệu tấn được đưa ra trước đó. Nguyên nhân, diện tích cánh tác lúa của Ấn Độ tăng lên. USDA dự báo sản lượng gạo trong niên vụ 2013/14 của Ấn Độ sẽ đạt khoảng 105 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức 108 triệu tấn được dự báo trước đó, nhưng tăng so với mức 104,4 triệu tấn trong niên vụ 2012/13; do khu vực phía Đông Ấn Độ thiếu mưa trong quá trình gieo trồng.
USDA dự báo Ấn Độ xuất khẩu được khoảng 9,3 triệu tấn gạo trong năm 2013. Trong tháng j10/2013, vụ mùa của Ấn Độ đã phải đối mặt với điều kiện thời tiết bất lợi, bao gồm: mưa bão xảy ra tại các vùng canh tác lúa gạo chính. Vào đầu tháng 10/2013, Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ đã lên tiếng trấn án thị trường gạo quốc tế rằng, Ấn Độ sẽ đảm bảo nguồn cung ra thị trường bất chấp tình hình thời tiết xấu trong bối cảnh nước này thực thi Luật An ninh lương thực. Tính đến ngày 1/10/2013, lượng gạo dự trữ tại các kho dự trữ thuộc Chính phủ Ấn Độ đạt khoảng 23 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã mua vào khoảng 34,1 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2013, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Pakistan
Trong giai đoạn từ 6/2012 đến 6/2013, Pakistan đã xuất khẩu được 3,1 triệu tấn gạo, giảm 14% so với mức 3,62 triệu tấn trong cùng kỳ năm trước. Kết thúc tháng 10/2013, giá gạo 5% tấm Pakistan đạt khoảng 375 USD/tấn, giảm 15 USD.tấn so với tháng 9/2013 và giảm khoảng 60 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường gạo khác
Theo Oryza.com, trong tháng 10/2013, các thương nhân Trung Quốc đã ký hợp đồng với các đại diện nông dân Myanmar để canh tác và thu mua lúa gạo tại Myanmar trong niên vụ 2013/14. Điều này sẽ giúp các thương nhân Trung Quốc hưởng lợi từ việc giá gạo rẻ tại Myanmar. Theo hợp đồng được ký kết, dự kiến phía Trung Quốc sẽ cung cấp phân bón và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, canh tác lúa cho nông dân Myanmar. Toàn bộ lượng gạo thu hoạch sẽ được các thương nhân Trung Quốc thu mua theo giá địa phương tại Myanmar theo thỏa thuận. Các thương nhân Ấn Độ cũng đã ký kết một hợp đồng tương tư với đại diện nông dân Myanmar.
Theo Cục thống kê nông nghiệp Philippines, tổng lượng gạo dự trữ của Philippines, tính đến ngày 1/9/2013, đã đạt khoảng 1,53 triệu tấn, tăng 6,1% so với mức 1,44 triệu tấn vào ngày 1/9/2012; lượng gạo dự trữ tại các hộ nông dân Philippines đạt khoảng 540.000 tấn, tăng 1,3% so với mức 530.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lượng gạo trong kho của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) chỉ đạt khoảng 500.000 tần, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó lượng gạo dự trữ tại kho của các công ty thương mại đạt khoảng 500.000 tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
USDA dự báo, mặc dù sản lượng gạo tăng cao hơn nhưng Philippines có thể sẽ phải nhập khẩu khoảng 1,1 triệu tấn gạo trong niên vụ 2013/14 (5/2013 – 4/2014). Điều này trái ngược với tuyên bố trước đó của Chính phủ Philippines rằng lượng gạo mà Philippines nhập khẩu sẽ không vượt quá mức cam kết nhập khẩu WTO với 350.000 tấn trong năm 2013.