Trung Quốc có thể gia tăng nhập khẩu gạo

Theo Tân Hoa Xã (Trung Quốc), các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc dự báo Chính phủ Trung Quốc có thể hạ thấp các rào cản đối với gạo nhập khẩu nhằm gia tăng nguồn cung lương thực.

Trung tâm Thông tin ngũ cốc và dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc trong năm 2013 sẽ sụt giảm 0,7% so với năm 2012, xuống còn 202,8 triệu tấn, cho thấy dấu hiệu sản lượng gạo Trung Quốc đang giảm xuống sau một thập kỷ có mức độ tăng trưởng ổn định.

Với vị thế là quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, trước năm 2012, Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 500.000 đến 600.000 tấn gạo/năm. Tuy nhiên lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng lên do giá gạo nội địa Trung Quốc kém cạnh tranh hơn so với giá gạo nhập khẩu.

Ông Ding Shengjun, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Cục quản lý ngũ cốc Trung ương Trung Quốc cho biết, tình hình thời tiết bất lợi và lũ xảy ra tại các vùng gieo trồng lúa gạo chính như: Hồ Nam, Giang Tây và Chiết Giang, đã khiến sản lượng gạo giảm xuống và làm tăng lượng gạo Trung Quốc phải nhập khẩu.

Trong chuyến thăm Thái Lan vào tháng 9/2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đồng ý nâng mức gạo Trung Quốc nhập khẩu từ Thái Lan trong vòng 5 năm tới lên mức 1 triệu tấn/năm.

Ông Ding Shengjun nhận định: “Sau nhiều năm nỗ lực nhằm nâng sản lượng gạo lên cao hơn, ngành lúa gạo của Trung Quốc đang phải chứng kiến sự suy giảm khả năng cạnh tranh. Chính phủ (Trung Quốc) đã nhận ra rằng đất canh tác lúa cần có thời gian “nghỉ” sau nhiều năm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ với cường độ cao”. Sản lượng gạo của Trung Quốc chiếm tới 26% tổng sản lượng gạo toàn cầu.

Giống như các quốc gia châu Á khác, Trung Quốc đã áp dụng chính sách khuyến khích canh tác lúa gạo thông qua việc đảm bảo mức giá thu mua tối thiểu. Nhưng sau gần một thập kỷ nâng mức giá thu mua tối thiểu, giá gạo Trung Quốc hiện đang cao hơn tương đối so với giá thị trường quốc tế.

CNGOIC cho biết năng suất lúa gạo trên mỗi hecta đất của Trung Quốc cũng giảm 1,7% xuống còn 6,7 tấn/hecta trong năm nay. Tuy nhiên, năng suất ngô và lúa mỳ trên mỗi hecta đất lại tăng tương ứng 2,6 và 1,6%.

Ông Wen Tiejun, trưởng khoa kinh tế nông nghiệp và phát triển đô thị tại trường Đại học Renmin (Bắc Kinh, Trung Quốc) cho biết: “Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao đã chuyển đổi một lượng lớn đất canh tác lúa gạo sang thành các cơ sở sản xuất công nghiệp và các dự án nhà ở. Sự chuyển đổi này đến một mức nhất định đang từng bước chuyển các vùng canh tác lúa gạo chính của Trung Quốc từ phía Nam lên phía Bắc.”

Ông Wen Tiejun cũng cho biết, hệ thống hậu cầu lạc hậu trong lĩnh vực gieo trồng ngũ cốc cũng làm giảm hiệu quả sản xuất lúa gạo. Các vùng canh tác lúa gạo tại phía Đông Bắc Trung Quốc cách xa các tỉnh tiêu thụ gạo chính; trong khi đó, hệ thống hậu cần vẫn chưa được cải thiện.

Ví dụ, chi phí vận chuyển gạo từ tỉnh Hắc Long Giang đến các thị trường tiêu thụ gạo lớn như Chiết Giang và Giang Tô hiện chiếm khoảng 30% giá gạo bán lẻ - theo nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp Đông Bắc (Trung Quốc). Điều này đã tạo áp lực lên các công ty vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo trong những mùa cao điểm, và gia tăng cơ hội cho các công ty tại phía Nam Trung Quốc mua gạo từ các nước như: Việt Nam, Campuchia và Myanmar.

Ông Ding Lixin, chuyên gia nghiên cứu tại Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp Trung Quốc cho biết, việc gia tăng nhập khẩu gạo của Trung Quốc xuất phát từ mức chênh lệch giá giữa gạo nội địa (Trung Quốc) với gạo các nước khác. Ông Ding Lixin dự báo lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc sẽ vẫn được giữ ở mức cao nếu nhu giá gạo nội địa (Trung Quốc) tiếp tục tăng cho đến trước dịp Tết (cuối tháng 1/2014).

Đặng Quang (Theo Xinhuanet.com)