Trong bài viết có tựa đề “Quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam sẽ loại bỏ được những bất trắc”, tác giả Li Wei của Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, trong năm ngoái, hàng loạt các cú shock kinh tế đã xảy ra. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, và trật tự thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi những xung đột xuất phát từ cuộc chiến thuế quan do Mỹ phát động.
Trong bối cảnh đó, vị thế của Việt Nam trong chuỗi kinh tế toàn cầu đã được nâng cao. Trung Quốc cần tăng cường ngoại giao kinh tế và hợp tác kinh tế nhằm chống lại các tác động tiêu cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.
Trong bối cảnh kinh tế quốc tế phực tạp hiện nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhờ chi phí lao động thấp hơn và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, Việt Nam đang là điểm đến mới nhất để các quốc gia đã phát triển tái bố trí các cơ sở sản xuất chế tạo. Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, vai trò của Việt Nam trong mạng lưới thương mại tự do toàn cầu cũng trở nên nổi bật hơn.
Trung Quốc, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, phải đối mặt với áp lực duy trì và mở rộng tăng trưởng kinh tế. Một mặt, Trung Quốc phải củng cố sức mạnh sản xuất của mình bằng cách cải thiện môi trường đầu tư và tiếp tục mở cửa hơn nữa. Mặt khác, Trung Quốc nên chú ý đến ngoại giao kinh tế với Việt Nam, thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ với Việt Nam, quốc gia đang được coi là một điểm đột phá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện tại.
Bên cạnh đó, Trung Quốc nên đẩy mạnh việc nghiên cứu và triển khai các cuộc đàm phán khu mậu dịch tự do Việt Nam - Trung Quốc nhằm kết nối với một mạng lưới thương mại rộng lớn hơn, qua đó đạt được các tiêu chuẩn giao thương cao hơn.Dựa trên những khác biệt về quy mô kinh tế, việc Trung Quốc mở cửa thị trường với Việt Nam sẽ không gây hại cho các ngành công nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc có thể mở rộng thị trường nước ngoài bằng cách thâm nhập vào các thị trường đã phát triển như EU hay Nhật Bản thông qua Việt Nam. Những lợi thế về địa lý của Việt Nam đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm thương mại quốc tế mới nổi sau Singapore và Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc).
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đã vượt mốc 100 tỷ USD trong năm 2018, chiếm 20% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Đây là một thuận lợi để hai quốc gia bắt đầu đàm phán một hiệp định thương mại tự do.
Các công ty Trung Quốc nên được khuyến khích thành lập các nhà máy tại Việt Nam... Việc các công ty nội địa hoặc quốc tế dịch chuyển về Việt Nam sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp Trung Quốc nâng cấp, chuyển đổi và đóng một vai trò khác trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc đều cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư song phương… Nhiều ngân hàng Trung Quốc có thể tham gia thị trường Việt Nam và cung cấp các dịch vụ tài chính với chất lượng tốt hơn tại Việt Nam. Hai nước cũng cần xây dựng đối thoại cấp cao để có thể trao đổi ý kiến khác nhau.
Cả hai quốc gia cần tăng cường các trao đổi song phương nhằm mở đường cho một mối quan hệ ổn định và lâu dài giữa Việt Nam - Trung Quốc. Trung Quốc nên tăng cường ngoại giao công chúng bằng cách quảng bá du lịch đến Việt Nam, cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Các trao đổi văn hóa như vậy có thể giúp giải quyết các vấn đề tiêu cực và xây dựng niềm tin giữa Việt Nam và Trung Quốc.