Không có biến động lớn trên thị trường hàng thiết yếu
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 10/2020 diễn ra sáng nay (30/10), ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, tháng 10 vừa qua có nhiều yếu tố quốc tế và trong nước đã tác động đến thị trường nội địa.
Tại quốc tế, làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 2 tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, châu Âu khiến biện pháp phong tỏa được tái áp dụng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động tiêu cực đến cung - cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới. Đặc biệt, các nhân tố địa chính trị, kinh tế tiếp tục có tác động khác nhau đến giá dầu như việc Libya tăng sản lượng dầu khai thác, các biễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, nhu cầu nhiên liệu giảm...
Trong nước, thị trường hàng hóa tháng 10 chịu tác động lớn của yếu tố thời tiết, đang vào giai đoạn chuyển mùa nên nhu cầu các mặt hàng quần áo, giầy dép và thuốc chữa bệnh tăng.
Bên cạnh đó, bão lũ tại các tỉnh miền Trung ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, hoạt động mua bán hàng hóa tại một số địa bàn bị gián đoạn, giá một số mặt hàng tăng cục bộ.
Tuy nhiên, theo các chương trình thiện nguyện và việc bảo đảm dự trữ hàng hóa được thực hiện nghiêm túc nên người dân tại các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ vẫn cơ bản được cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu.
Mặt khác, do đang vào dịp cuối năm nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết cũng bắt đầu sôi động, nhiều chương trình kết nối cung cầu được triển khai để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc sản vùng miền, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường và triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tổ Điều hành thị trường trong nước đánh giá, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn. Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực áp dụng các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19, tuy nhiên mức độ phục hồi chưa mạnh nên nhu cầu hàng hóa không tăng đột biến, giá tương đối ổn định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 10 đạt 450.755 tỷ đồng, tăng 2,41% so với tháng trước, trong đó các nhóm hàng may mặc, đồ dùng trang thiết bị gia đình có mức tăng cao nhất (tăng lần lượt 3,11% và 2,79%).
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước đạt 4.122.964 tỷ đồng, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 5,44% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ 10 tháng đầu năm, các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, đồ dùng gia đình đã dần phục hồi với mức tăng khá từ 6,3-9,4%; mức tăng chung thấp chủ yếu là do tác động của các nhóm du lịch, dịch vụ, văn hóa phẩm, phương tiện đi lại giảm từ 0,89-57,7%.
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 10 tháng đầu năm giảm 2,95% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thống kê thông tin thêm, CPI tháng 10 tăng 0,09% so với tháng 9, trong đó, nhóm tăng cao nhất là nhóm giáo dục (tăng 1,35%) do một số địa phương tiếp tục điều chỉnh tăng học phí theo lộ trình. Một số nhóm giảm giá gồm thực phẩm (do giá thịt lợn giảm), giao thông (do giá xăng dầu giảm),… với mức giảm của các nhóm từ 0,03-0,28%.
Tính chung 10 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất ở mức 11,09%. Giá xăng dầu giảm mạnh và ở mức thấp so với mặt bằng giá năm trước giúp giảm CPI nhóm giao thông 10,94%, góp phần làm hạn chế mức tăng chung.
Như vậy, CPI bình quân đang tiếp tục trong xu hướng giảm và nằm trong giới hạn kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao.
Vào cuộc kiểm soát, bình ổn thị trường miền Trung
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước đã được thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Đặc biệt, trước tình hình bão lũ tại miền Trung, thực hiện Công điện của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo 7 Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh khu vực miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi việc tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.
Các đơn vị tại từng địa phương đã vào cuộc kịp thời, phân công Lãnh đạo, công chức, người lao động trực 24/24 giờ và duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, chủ động triển khai các phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng con người, cơ sở vật chất, tài sản, kho hàng phương tiện tại nơi làm việc.
Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại tại các địa bàn, đặc biệt là các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, gom hàng hóa hoặc lợi dụng thiên tai để định giá, bán hàng hóa bất hợp lý.
Tổng cục cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường 7 tỉnh miền Trung các tỉnh báo cáo đầy đủ về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm từ khi bão số 6 đến nay, cập nhật trước 16h hàng ngày.
Qua báo cáo, lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu vẫn đảm bảo phục vụ ứng phó bão lũ, đồng thời các hộ kinh doanh và các chợ dần hoạt động trở lại cũng đáp ứng nhu cầu người dân địa phương, cho thấy công tác quản lý thị trường tại các địa bàn đang được triển khai hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường.
Tính riêng tháng 10/2020, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 9.075 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước là trên 13,05 tỷ đồng.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa sau bão lũ và dịp cuối năm
Trong thời gian tới, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình kích cầu nội địa nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng lậu, hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng; trong đó đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, giá cả tại các địa phương sau bão, lũ lụt.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%. Trong đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo Sở Công Thương và các Sở ban ngành trên địa bàn triển khai tốt Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dự kiến được ban hành trong vài ngày tới.