Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự trong pháp luật Pháp và giá trị tham khảo cho Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự trong pháp luật Pháp và giá trị tham khảo cho Việt Nam" do ThS. Luật sư Bùi Thanh Vũ (Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết này nghiên cứu về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự. Với phương pháp nghiên cứu so sánh luật, bài viết bình luận các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự trong pháp luật Pháp và pháp luật Việt Nam. Thông qua việc chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt, bài viết chỉ ra các giá trị tham khảo cho Việt Nam.

Từ khóa: người thứ ba ngay tình, Bộ luật Dân sự Pháp, bảo vệ, giao dịch dân sự.

1. Đặt vấn đề

            Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự là chế định pháp luật quan trọng, là chủ đề nghiên cứu và bình luận trong cả quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 1995, năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành. Đây đồng thời là nội dung xuất hiện phổ biến trong các tranh chấp dân sự thực tiễn mà Tòa án thụ lý giải quyết. Trong điều kiện pháp luật dân sự của Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với pháp luật dân sự Pháp do những yếu tố lịch sử và sự kế thừa pháp lý trong quá trình phát triển hệ thống pháp luật, việc nghiên cứu nội dung xây dựng các quy phạm về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự giúp tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt. Điều này đồng thời cho thấy các giá trị có thể tham khảo cho Việt Nam, giúp hoàn thiện pháp luật dân sự nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung.  

2. Khái quát về người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự

2.1. Khái niệm và đặc điểm về người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự

            Pháp luật hiện hành không định nghĩa cụ thể thế nào là người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, Từ điển Tiếng Việt định nghĩa “ngay tình” là “không có điều gì gian dối”[1]. Ngoài ra, tại Điều 180 Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra định nghĩa “Chiếm hữu ngay tình” là “việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Như vậy, việc xác định một chủ thể có phải là chiếm hữu ngay tình hay không phụ thuộc vào nhận thức của chủ thể đối với việc chiếm hữu của mình[2]. Tác giả đồng tình với cách hiểu về “người thứ ba ngay tình” trong một số công bố trước đó về cùng chủ đề nghiên cứu[3]. Theo đó, người thứ ba ngay tình có thể hiểu là người không có cơ sở để biết rằng: (i) mình tham gia giao dịch dân sự với người không có quyền định đoạt tài sản tại thời điểm giao dịch, và/hoặc; (ii) đối tượng tài sản giao dịch đã bị vô hiệu. Người thứ ba được xem là “ngay tình” khi hoàn toàn hoặc có cơ sở tin rằng người giao dịch với mình là người có quyền giao dịch và/hoặc đối tượng tài sản giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.

            Trên cơ sở đó, có thể nhận thấy đặc điểm chính để xác định người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự:

            Một là, về yếu tố chủ thể: họ có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

            Hai là, họ tham gia giao dịch dân sự một cách trung thực, thiện chí, không biết và không thể biết rằng giao dịch hoặc quyền liên quan đến tài sản là không hợp pháp, hay không đáp ứng điều kiện đảm bảo giao dịch có hiệu lực. Do vậy, họ hoàn toàn không có lỗi khi tham gia vào giao dịch.

            Ba là, họ có cơ sở hoặc chứng minh được rằng mình không liên quan đến việc tạo ra sự không hợp pháp của giao dịch.

            Bốn là, người thứ ba ngay tình được bảo vệ trong các trường hợp luật định nhằm đảm bảo sự ổn định của giao dịch dân sự và lợi ích chính đáng của họ khi tham gia các giao dịch liên quan đến tài sản.

2.2. Ý nghĩa của việc bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự

            Pháp luật quy định bảo vệ của người thứ ba ngay tình không chỉ đơn thuần là giải quyết các xung đột liên quan đến giao dịch tài sản mà còn mang ý nghĩa pháp lý, xã hội quan trọng. Cụ thể:

            Một là, quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình giúp bảo đảm sự ổn định của giao dịch dân sự. Quy định này nhìn chung giúp đảm bảo giao dịch không bị vô hiệu một cách tùy tiện, giúp duy trì tính ổn định trong các quan hệ về sở hữu, kinh doanh và các quan hệ xã hội liên quan khác có thể phát sinh.

            Hai là, khi người thứ ba ngay tình thực hiện giao dịch một cách trung thực, pháp luật cần bảo vệ họ khi họ không có lỗi. Quy định này cũng đồng thời thể hiện nguyên tắc công bằng trong pháp luật, đảm bảo người không có lỗi không bị thiệt hại từ các rủi ro pháp lý tiềm ẩn từ hợp đồng hay quyền sở hữu tài sản mà họ không biết (hay ngoài ý chí của họ). Mặt khác, quy định này còn tạo cơ chế pháp lý cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu thực sự của tài sản hoặc các bên giao dịch và người thứ ba ngay tình.

            Ba là, quy định này giúp tăng cường niềm tin vào hệ thống pháp luật, bảo vệ người thứ ba ngay tình cũng như duy trị sự ổn định trong các giao dịch trong xã hội. Tuy nhiên đây đồng thời là quy định cảnh báo các bên tham gia giao dịch cần cẩn trọng tham gia giao dịch, tránh rơi vào các tình huống xung đột và tranh chấp có thể phát sinh.

3. Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật Pháp

            Bộ luật Dân sự Pháp (Code civil), được ban hành lần đầu vào năm 1804 dưới thời Hoàng đế Napoleon[4], là một trong những văn bản pháp luật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử pháp luật thế giới. Được xây dựng dựa trên nguyên tắc của pháp luật La Mã cổ đại, truyền thống pháp luật phong kiến và tư tưởng khai sáng, Bộ luật Dân sự Pháp đặt nền móng cho hệ thống pháp luật dân sự hiện đại. Nội dung của Bộ luật Dân sự Pháp gồm các quy định về quyền nhân thân và cá nhân của con người; quyền sở hữu và các loại tài sản; nghĩa vụ và hợp đồng. Bộ luật này đồng thời chứa các quy phạm về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong một số quy phạm quan trọng như tại Điều 1198, 1240, 2276. Có thể khái quát nội dung quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong Bộ luật Dân sự Pháp qua một số khía cạnh sau đây:

            Một là, đối tượng và phạm điều chỉnh: tập trung đối với các giao dịch dân sự, thương mại, đối với các tài sản hữu hình như động sản, bất động sản (Điều 1198)[5] và quyền nghĩa vụ (Điều 1240)[6]. Theo đó, quyền của người thứ ba ngay tình có thể phát sinh từ các giao dịch có sự chuyển nhượng quyền hoặc tài sản.

            Hai là, về phạm vi bảo vệ của người thứ ba ngay tình: đối với tài sản hữu hình là động sản, quy định tại Bộ luật Dân sự Pháp cho thấy việc bảo vệ sự ngay tình một cách tuyệt đối (Điều 2276)[7], cho phép người thứ ba ngay tình giữ quyền sở hữu tài sản, ngay cả khi bên chuyển nhượng không có quyền hợp pháp để chuyển nhượng. Nhưng đối với bất động sản, quyền của người thứ ba ngay tình được bảo vệ ở mức tương đối, tùy thuộc vào việc họ đã tuân thủ các thủ tục đăng ký và có đủ cơ sở để tin tưởng vào quyền sở hữu hợp pháp.

            Ba là, về nguyên tắc bảo vệ: theo các quy định này, quyền người thứ ba ngay tình trong giao dịch tài sản bị tranh chấp được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng họ thiện chí, ngay tình, người thứ ba cần phải chứng minh được (khi có tranh chấp)[8]: (i) hành vi của họ là thiện chí, ngay tình (bonne foi), nghĩa là họ không biết hoặc không thể biết về việc tài sản hoặc quyền đang có tranh chấp. (ii) Việc chiếm hữu hoặc quyền lợi của họ phát sinh từ một giao dịch hợp pháp và không trái pháp luật. (iii) Riêng đối với bất động sản, để được bảo vệ quyền lợi, họ phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý như đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 1198).

4. Điểm tương đồng và khác biệt về quy định pháp luật bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự trong pháp luật của Pháp và Việt Nam

            Sự tương đồng và khác biệt về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự trong pháp luật Pháp và Việt Nam được thể hiện qua các khía cạnh:

            Một là, về đối tượng điều chỉnh, trong quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình, Bộ luật Dân sự Pháp có đối tượng điều chỉnh chi tiết hơn về đối tượng tài sản liên quan đến giao dịch bảo vệ người thứ ba ngay tình. Nếu như Bộ luật Dân sự Việt Nam quy định chung về đối tượng điều chỉnh là “tài sản” trong các giao dịch dân sự bị vô hiệu[9] thì quy định tại Bộ luật Dân sự Pháp có quy định chỉ rõ đối tượng là động sản, bất động sản (Điều 1198) và quyền sở hữu đối với khoản nợ (có thể hiểu như quyền tài sản tại Điều 1240).

            Hai là, về trách nhiệm chứng minh sự ngay tình của người thứ ba. Nội dung này cả Bộ luật Dân sự Pháp tại Điều 2268 và Bộ luật Dân sự Việt Nam tại Điều 184 có sự tương đồng. Cụ thể, cả hai bộ luật mặc định người chiếm hữu là ngay tình nếu họ không biết và không buộc phải biết rằng mình không có quyền chiếm hữu tài sản đó. Tuy nhiên, trong trường hợp có tranh chấp, bên muốn phủ nhận trạng thái ngay tình của người chiếm hữu phải đưa ra bằng chứng để chứng minh.

            Ba là, Bộ luật Dân sự Việt Nam có quy định cụ thể hóa, chi tiết để bảo vệ người thứ ba ngay tình hơn so với Bộ luật Dân sự Pháp về tài sản giao dịch phải đăng ký, nhưng vẫn được bảo vệ khi việc nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá. Quy định này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam với Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu được xác định kể từ thời điểm đăng ký, đề cao giá trị của việc đăng ký tài sản, bảo vệ người ngay tình, góp phần ổn định các giao dịch dân sự[10].

5. Một số giá trị tham khảo trong quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong pháp luật Việt Nam

            Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của pháp luật Pháp tại Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc (1858 - 1945) với các quy định về tài sản, hợp đồng, nghĩa vụ và thừa kế. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự Việt Nam, nhiều nội dung và cấu trúc được tham khảo dựa trên các nguyên tắc của pháp luật dân sự Pháp[11], bao gồm các quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình thông qua quy định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015. Dựa trên sự khác biệt về bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, không thể sao chép hoặc xây dựng giống nhau hoàn toàn các quy phạm pháp luật dân sự nói chung, quy phạm về bảo vệ người thứ ba ngay tình nói riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xuất phát từ điểm chung khi pháp luật Pháp và Việt Nam đều tương đồng thuộc hệ thống Dân luật (Civil law). Do vậy, một số giá trị về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình theo pháp luật Pháp có thể tham khảo tại Việt Nam như:

            Một là, có thể tham khảo việc xây dựng quy phạm trên cơ sở xác định các nguyên tắc pháp luật quy phạm phù hợp với bối cảnh Việt Nam như quy định về nguyên tắc suy đoán ngay tình của người chiếm hữu với các điều kiện cụ thể, chi tiết giúp tránh nguy cơ lạm dụng tình trạng “ngay tình” và giảm tranh chấp trong thực tế. 

            Hai là, để đảm bảo tính ổn định đối với các giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, Điều 2276 của Pháp quy định việc “chiếm hữu tương đương với quyền sở hữu”, trừ khi tài sản bị đánh cắp, mất trộm. Quy định này cũng có giá trị tham khảo nhất định khi khẳng định việc đảm bảo quyền của người thứ ba ngay tình đối với động sản.

            Ba là, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về các vướng mắc trong áp dụng pháp luật bảo vệ người thứ ba ngay tình trong pháp luật Việt Nam như nhận diện người thứ ba ngay tình; xác lập quyền sở hữu đối với tài sản mua được từ phiên bán đấu giá[12]; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa[13], cùng các vướng mắc trong thực tiễn thực thi… còn có nhiều quan điểm trái chiều khác nhau. Trong điều kiện Việt Nam đã thừa nhận án lệ là nguồn luật chính thức trong hoạt động xét xử, do vậy, cần quan tâm chú trọng công tác xây dựng, công bố và viện dẫn án lệ[14], để đảm bảo công bằng, công lý trong các tranh chấp nói chung và vấn đề tranh chấp liên quan đến bảo vệ người thứ ba ngay tình nói riêng.

6. Kết luận

            Như vậy, nghiên cứu so sánh quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong Bộ luật Dân sự Pháp và Việt Nam cho thấy những điểm tương đồng và sự khác biệt ở hai hệ thống pháp luật. Các quy định trong Bộ luật Dân sự Pháp đã cho thấy những giá trị tham khảo nhất định trong điều kiện kinh tế, xã hội, pháp lý tại Việt Nam như phạm vi điều chỉnh, áp dụng nguyên tắc suy đoán ngay tình và bảo vệ chiếm hữu tài sản đối với bất động sản. Bên cạnh đó, trong điều kiện các tranh chấp về giao dịch dân sự với sự tham gia của người thứ ba ngay tình và thực tiễn giải quyết đa dạng, việc xây dựng, công bố và viện dẫn án lệ trong xét xử cần được nghiên cứu sâu rộng hơn. Điều này giúp đảm bảo công bằng lợi ích các bên, tăng cường ổn định trong các quan hệ xã hội tư và đảm bảo tính nhất quán của pháp luật Việt Nam.



TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Hoàng Phê (2018). Từ điển Tiếng Việt, tr848

[2] Bùi Hữu Toàn (2022). Bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng với tư cách người thứ ba ngay tình trong tranh chấp tài sản bảo đảm. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/bao-ve-quyen-loi-cua-to-chuc-tin-dung-voi-tu-cach-nguoi-thu-ba-ngay-tinh-trong-tranh-chap-tai-san-ba.htm

[3] Nguyễn Thị Kiều Nhung (2018). Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự. Truy cập tại: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2401

[4] Nguyễn Thị Hạnh (2012). Sự phát triển của Bộ luật Dân sự Pháp và một số chế định pháp lý cơ bản trong Bộ luật Dân sự Pháp, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005. Truy cập tại: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1492

[5] Điều 1198: “Lorsque deux acquéreurs successifs d'un même meuble corporel tiennent leur droit d'une même personne, celui qui a pris possession de ce meuble en premier est préféré, même si son droit est postérieur, à condition qu'il soit de bonne foi

Lorsque deux acquéreurs successifs de droits portant sur un même immeuble tiennent leur droit d'une même personne, celui qui a, le premier, publié son titre d'acquisition passé en la forme authentique au fichier immobilier est préféré, même si son droit est postérieur, à condition qu'il soit de bonne foi”.

(Tạm dịch: Khi hai người mua liên tiếp cùng một động sản hữu hình nhận quyền của họ từ cùng một người, người nào chiếm hữu động sản đó trước sẽ được ưu tiên, ngay cả khi quyền của người đó đến sau, với điều kiện là người đó có thiện chí.

Khi hai người mua liên tiếp quyền đối với cùng một bất động sản nhận quyền của họ từ cùng một người, người nào đầu tiên công bố chứng thư mua bán của mình dưới hình thức chứng thực chính thức trên hồ sơ bất động sản sẽ được ưu tiên, ngay cả khi quyền của người đó đến sau, với điều kiện là người đó có thiện chí).

Quy định này có thể tóm tắt rằng: Giữa hai người mua liên tiếp một tài sản hữu hình, người sở hữu tài sản đầu tiên sẽ được ưu tiên, với điều kiện họ ngay tình. Đối với bất động sản, người đăng ký quyền sở hữu trước sẽ được ưu tiên, cũng với điều kiện ngay tình. Truy cập xem Bộ luật Dân sự Pháp tại: https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc/LEGITEXT000006070721/LEGISCTA000006136343/2016-10-01

[6] Điều 1240: “Le paiement fait de bonne foi à celui qui est en possession de la créance est valable, encore que le possesseur en soit par la suite évincé”.

(Tạm dịch: Khoản thanh toán được thực hiện với thiện chí cho người đang sở hữu khoản nợ thì vẫn có hiệu lực, ngay cả khi người sở hữu sau đó bị mất quyền sở hữu).

Quy định này thừa nhận về tính hợp lệ của việc thanh toán thực hiện với người đang nắm giữ quyền yêu cầu hợp pháp, ngay cả khi quyền đó bị bác bỏ sau này, nếu người thực hiện thanh toán ngay tình.

Truy cập xem Bộ luật Dân sự Pháp tại: https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc/LEGITEXT000006070721/LEGISCTA000006136348/2016-08-10

[7] Điều 2276: “En fait de meubles, la possession vaut titre.

Néanmoins, celui qui a perdu ou auquel il a été volé une chose peut la revendiquer pendant trois ans à compter du jour de la perte ou du vol, contre celui dans les mains duquel il la trouve; sauf à celui-ci son recours contre celui duquel il la tient.”

(Tạm dịch: Đối với động sản, việc chiếm hữu có giá trị như quyền sở hữu.

Tuy nhiên, người đã mất hoặc bị đánh cắp một vật có thể đòi lại vật đó trong vòng ba năm kể từ ngày mất hoặc bị trộm, đối với người mà họ tìm thấy vật đó trong tay; trừ khi người chiếm hữu này có quyền truy đòi đối với người mà họ nhận được vật đó.” Truy cập xem Bộ luật Dấn sự Pháp tại: https://www.legifrance.gouv.fr/loda/article_lc/LEGIARTI000019017163/

[8] Điều 2268 Bộ luật Dân sự Pháp: “Néanmoins, les personnes énoncées dans les articles 2266 et 2267 peuvent prescrire, si le titre de leur possession se trouve interverti, soit par une cause venant d'un tiers, soit par la contradiction qu'elles ont opposée au droit du propriétaire.”

Tạm dịch: “Tuy nhiên, những người nêu ở các điều 2266 và 2267 có thể được miễn trừ, nếu quyền sở hữu của họ bị đảo ngược, hoặc do một nguyên nhân từ bên thứ ba, hoặc do sự phản đối mà họ đã đưa ra đối với quyền của chủ sở hữu.”

Điều 2266: “Ceux qui possèdent pour autrui ne prescrivent jamais par quelque laps de temps que ce soit.

Ainsi, le locataire, le dépositaire, l'usufruitier et tous autres qui détiennent précairement le bien ou le droit du propriétaire ne peuvent le prescrire.”

Tạm dịch: “Những người chiếm hữu tài sản cho người khác không bao giờ có thể được miễn trừ quyền sở hữu, bất kể thời gian nào.

Do đó, người thuê, người giữ tài sản, người hưởng hụi và tất cả những người khác nắm giữ tài sản hoặc quyền lợi của chủ sở hữu một cách không chắc chắn đều không thể được miễn trừ quyền sở hữu.”

Điều 2267: “Les héritiers de ceux qui tenaient le bien ou le droit à quelqu'un des titres désignés par l'article précédent ne peuvent non plus prescrire”

Tạm dịch: “Các người thừa kế của những người đã nắm giữ tài sản hoặc quyền lợi theo một trong những tiêu đề được chỉ định trong điều trước cũng không thể được miễn trừ quyền sở hữu.” Tra cứu tại: https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc/LEGITEXT000006070721/LEGISCTA000019015513/2021-09-17/.

[9] Khái niệm “tài sản” theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

[10] Tưởng Duy Lượng (2018). Quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ người thứ ba ngay tình và thực tiễn giải quyết. Tạp chí Tòa án nhân dân, số 3, tr 14-15.

[11] Lưu Thị Phấn (2020). Sơ lược hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam trong quá trình tiếp cận lý thuyết vật quyền. Truy cập tại: https://danchuphapluat.vn/so-luoc-he-thong-phap-luat-dan-su-viet-nam-trong-qua-trinh-tiep-can-ly-thuyet-vat-quyen.

[12] Nguyễn Thị Hồng Thúy (2021). Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Bộ luật Dân sự 2015 và thực tiễn áp dụng. Truy cập tại: https://lsvn.vn/bao-ve-nguoi-thu-ba-ngay-tinh-theo-bo-luat-dan-su-2015-va-thuc-tien-ap-dung1616873609-a102236.html.

[13] Dương Tấn Thanh, Trần Văn Lực (2022). Bàn về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa. Truy cập tại: https://lsvn.vn/ban-ve-bao-ve-nguoi-thu-ba-ngay-tinh-trong-truong-hop-ban-an-quyet-dinh-bi-huy-sua1666284949-a125412.html.

[14] Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ ngày 28/10/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.
  2. Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804.
  3. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2015). Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ ngày 28/10/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  4. Bùi Hữu Toàn (2022). Bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng với tư cách người thứ ba ngay tình trong tranh chấp tài sản bảo đảm. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/bao-ve-quyen-loi-cua-to-chuc-tin-dung-voi-tu-cach-nguoi-thu-ba-ngay-tinh-trong-tranh-chap-tai-san-ba.htm.
  5. Dương Tấn Thanh, Trần Văn Lực (2022). Bàn về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa. Truy cập tại: https://lsvn.vn/ban-ve-bao-ve-nguoi-thu-ba-ngay-tinh-trong-truong-hop-ban-an-quyet-dinh-bi-huy-sua1666284949-a125412.html.
  6. Hoàng Phê (2018). Từ điển Tiếng Việt, tr848.
  7. Lưu Thị Phấn (2020). Sơ lược hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam trong quá trình tiếp cận lý thuyết vật quyền. Truy cập tại: https://danchuphapluat.vn/so-luoc-he-thong-phap-luat-dan-su-viet-nam-trong-qua-trinh-tiep-can-ly-thuyet-vat-quyen.
  8. Nguyễn Thị Kiều Nhung (2018) .Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự. Truy cập tại: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2401.
  9. Nguyễn Thị Hồng Thúy (2021). Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Bộ luật dân sự 2015 và thực tiễn áp dụng. Truy cập tại: https://lsvn.vn/bao-ve-nguoi-thu-ba-ngay-tinh-theo-bo-luat-dan-su-2015-va-thuc-tien-ap-dung1616873609-a102236.html.
  10. Nguyễn Thị Hạnh (2012). Sự phát triển của Bộ luật Dân sự Pháp và một số chế định pháp lý cơ bản trong Bộ luật Dân sự Pháp, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005. Truy cập tại: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1492.
  11. Tưởng Duy Lượng (2018). Quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ người thứ ba ngay tình và thực tiễn giải quyết. Tạp chí Tòa án nhân dân, số 3, tr 14-15.

 

Protecting bona fide third parties in civil transactions under French law and its reference points for Vietnam

Lawyer, Master. BUI THANH VU

Head, Vinh Phu Law Office

Abstract:

This study explores the legal framework governing the protection of bona fide third parties in civil transactions. Through a comparative legal analysis, it examines the relevant provisions under French law and Vietnamese law, identifying both similarities and differences. The findings provide valuable insights and reference points that Vietnam can consider to enhance its legal protections for bona fide third parties in civil transactions.

Keywords: bona fide third party, French Civil Code, protection, civil transaction.

 [Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]