Những mâu thuẫn trong quy định về hợp đồng giữa bộ luật dân sự và luật nhà ở - thực trạng và kiến nghị hoàn thiện

Đề tài Những mâu thuẫn trong quy định về hợp đồng giữa bộ luật dân sự và luật nhà ở - thực trạng và kiến nghị hoàn thiện do Nguyễn Xuân Thịnh - Ninh Bảo Kỳ - Lê Quý Nhân (Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung làm rõ những mâu thuẫn từ thực trạng quy định pháp luật giữa Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở, từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật hợp đồng trong giai đoạn hiện nay. Đó là khắc phục các mâu thuẫn trong quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, trong quy định về nội dung của hợp đồng, trong quy định về giao kết hợp đồng và các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự và trong quy định về đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai.

Từ khóa: hợp đồng, thống nhất, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở.

1. Đặt vấn đề

Nhiều năm qua, vấn đề bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 48/2005/NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. [HN1] 

Những mâu thuẫn, bất cập giữa các quy định pháp luật về hợp đồng giữa Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở đã và đang là vấn đề cấp thiết cần được giải quyết trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. Hợp đồng là một phương tiện quan trọng giúp con người đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình thông qua việc trao đổi các sản phẩm, dịch vụ và các lợi ích khác. Với tính chất là một đạo luật chung, “luật gốc” của luật tư, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã khẳng định: “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự” (khoản 1 Điều 4). Bằng việc xác định này, đòi hỏi các nguyên tắc cơ bản của Luật Dân sự phải được tôn trọng và trở thành kim chỉ nam trong quá trình xây dựng các luật khác liên quan, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống luật tư. Tuy nhiên, trong quy định giữa BLDS và Luật Nhà ở vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa thống nhất, như: phạm vi điều chỉnh của luật chuyên ngành và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều 3 BLDS năm 2015; nội dung của hợp đồng, các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng,... Chính những bất cập, chồng chéo giữa các quy định pháp luật về hợp đồng đã tạo ra các lỗ hổng pháp lý, có nguy cơ gây nên những khó khăn cho người dân và các cơ quan áp dụng pháp luật. Vì vậy, việc tập trung làm rõ những mâu thuẫn từ thực trạng quy định pháp luật giữa Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở, từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật hợp đồng trong giai đoạn hiện nay là thiết thực và cần thiết.

2. Những mâu thuẫn trong quy định về hợp đồng giữa Bộ luật Dân sự và Luật[HN1]  Nhà ở

2.1. Mâu thuẫn trong quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

Thứ nhất, căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Luật Nhà ở năm 2014: “Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu là kể từ thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở.” Như vậy, trong trường hợp này, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu chính là thời điểm bàn giao nhà, pháp luật không ghi nhận về việc thỏa thuận giữa các bên. Quy định này mâu thuẫn với BLDS, bởi ngoại trừ hợp đồng tặng cho là hợp đồng có quy định riêng về thời điểm có hiệu lực thì hợp đồng góp vốn và hợp đồng trao đổi có thời điểm chuyển giao quyền sở hữu tương tự như hợp đồng mua bán. Trong bối cảnh Luật Nhà ở năm 2023 đã được thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2025 tới đây, những mâu thuẫn được đề cập bên trên đã được hoàn toàn giải quyết. Theo đó, Điều 12 luật này quy định: “Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi đã nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Như vậy, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về thời điểm hợp đồng góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở có hiệu lực.

Tuy nhiên, về hợp đồng tặng cho tài sản, căn cứ theo Điều 459 BLDS năm 2015: 

“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”

Theo quy định trên, thời điểm hợp đồng tặng cho tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Vậy nhưng, khoản 1 Điều 164 [i] Luật Nhà ở năm 2023 quy định thời điểm công chứng, chứng thực chính là thời điểm hợp đồng tặng cho có hiệu lực, hoàn toàn mâu thuẫn với quy định của BLDS năm 2015. Ngoài ra, theo quan điểm của TS. Lê Thị Giang, quy định tại Điều 459 BLDS năm 2015 về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho bất động sản tạo ra sự bất hợp lý trong việc xác định trách nhiệm của bên tặng cho với bên được tặng cho, bởi nếu hợp đồng tặng cho đã được giao kết, thậm chí là được công chứng nhưng sau đó bên tặng cho từ chối chuyển giao tài sản cho bên được tặng cho mà việc từ chối này gây ra thiệt hại cho bên kia thì giải quyết thế nào? [ii]. Rõ ràng chưa có cơ chế để quy trách nhiệm cho bên tặng cho là không có vì tính đến thời điểm chuyển giao tài sản, họ chưa bị ràng buộc bất kì trách nhiệm gì với bên tặng cho. Các nhà làm luật đã nhận ra điểm bất hợp lí của BLDS năm 2015 và tìm cách khắc phục tại Điều 12 Luật Nhà ở năm 2023 khi thay cụm từ “chuyển quyền sở hữu” của Luật Nhà ở năm 2014 bằng cụm từ “xác lập quyền sở hữu”. Như vậy, khi xảy ra trường hợp đã nêu trên, hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực, bên được tặng cho đã được xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản được tặng cho bất kể việc bên tặng cho từ chối chuyển giao tài sản cho bên tặng cho.

Thứ hai, căn cứ theo khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014:

“Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.”

Thuật ngữ ký kết được sử dụng vừa không đảm bảo sự chính xác bởi việc một bên chủ thể ký kết mà chưa đầy đủ các bên cùng ký vào hợp đồng thì cũng chưa được xác định là thời điểm ký kết, vừa không thống nhất về cách thức sử dụng thuật ngữ tại BLDS năm 2015. Theo đó, khoản 1 Điều 401 BLDS quy định: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.” Ngoài ra, theo quan điểm của TS. Nguyễn Văn Hợi, sự tồn tại của mâu thuẫn này không những làm giảm giá trị của hoạt động lập pháp, mà còn dẫn đến những quan điểm trái chiều về giá trị của việc đăng kí bất động sản đối với hiệu lực của hợp đồng. Ở đây cần xác định, việc đăng kí bất động sản chỉ là một thủ tục hành chính, có sự can thiệp của Nhà nước nhằm quản lí thị trường, thu thuế... mà không phải yếu tố thể hiện nội dung và bản chất của họp đồng là sự thỏa thuận. [iii] Điểm bất cập này vẫn tiếp tục tồn tại khi Luật Nhà ở năm 2023 được ban hành, cụ thể tại khoản 2 Điều 164.

2.2. Mâu thuẫn trong quy định về nội dung của hợp đồng

Căn cứ theo Điều 398 BLDS năm 2015, nội dung của hợp đồng là tổng hợp các điều khoản mà các bên chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng đã thỏa thuận, trong đó xác định quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Những nội dung có trong hợp đồng có thể là: (i) Đối tượng của hợp đồng (ii) Số lượng, chất lượng, (iii) Giá, phương thức thanh toán, (iv) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng, (v) Quyền, nghĩa vụ giữa các bên, (vi) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, (vii) Phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Nhà ở năm 2023, thông tin về các bên cũng thuộc nội dung phải có trong hợp đồng. Quy định này không chỉ mâu thuẫn với Điều 398 BLDS năm 2015, đồng thời tước đi quyền tự do thỏa thuận của các bên về việc tiết lộ thông tin cá nhân, trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015. Mâu thuẫn này vẫn tiếp tục tồn tại khi Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua, được xác định tại Khoản 1 Điều 163. 

2.3. Mâu thuẫn trong quy định về giao kết hợp đồng và các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự

Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Nhà ở năm 2014:

“Đối với việc mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư thì đơn vị được giao bố trí tái định cư ký hợp đồng mua bán hoặc ký hợp đồng đặt hàng mua nhà ở thương mại với chủ đầu tư dự án để bố trí cho người được tái định cư theo quy định sau đây:

“…

b) Trường hợp đơn vị được giao bố trí tái định cư ký hợp đồng đặt hàng mua nhà ở của chủ đầu tư thì người được bố trí tái định cư trực tiếp ký hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư trên cơ sở các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng đặt hàng mua nhà ở.”

Quy định trên của Luật Nhà ở năm 2014 trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự tại Điều 3 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 117, đặc biệt là yếu tố tự nguyện trong giao dịch. Bởi hợp đồng mua bán nhà ở và hợp đồng đặt hàng mua bán nhà ở là hai hợp đồng hoàn toàn khác nhau, điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Nhà ở năm 2014 đã tước đi quyền được tự do thỏa thuận của bên bán và bên mua trong hợp đồng, cụ thể là giữa người được bố trí tái định cư và chủ đầu tư khi giao kết hợp đồng. Cho đến khi Luật Nhà ở năm 2023 được thông qua, quy định này vẫn được giữ nguyên về nội dung mà chưa được sửa đổi (Điều 52), khiến cho nó vẫn tạo ra sự mâu thuẫn với BLDS năm 2015.

2.4. Mâu thuẫn trong quy định về đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai

Theo khoản 2 Điều 108 BLDS năm 2015 quy định về tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: tài sản chưa hình thành và tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Như vậy, có thể hiểu, nhà ở cũng là một tài sản và khi nó đáp ứng được các điều kiện của tài sản hình thành trong tương lai thì đó cũng sẽ là nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, khái niệm tài sản hình thành trong tương lai của BLDS năm 2015 đang có sự khác biệt so với Luật Nhà ở năm 2014, cụ thể theo khoản 19 Điều 3:“19. Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.” Như vậy, ngay cả khi nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai chưa được xác lập quyền sở hữu tại thời điểm chủ thể xác lập giao dịch thì vẫn được công nhận là tài sản hình thành trong tương lai. Mặt khác, Luật Nhà ở năm 2014 cũng chỉ thừa nhận một loại nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Nhà ở xây dựng xong, đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu sẽ không được coi là tài sản hình thành trong tương lai vì đã hình thành. Như vậy, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quan niệm về tài sản hình thành trong tương lai mới chỉ dựa trên yếu tố vật chất, vật lý của tài sản mà bỏ qua yếu tố về mặt pháp lý của tài sản đó là nhà ở, bất động sản đã hình thành nhưng chưa xác lập quyền sở hữu cho chủ thể vào thời điểm xác lập giao dịch. [iv]Quy định này vẫn được giữ nguyên về cơ bản khi Luật Nhà ở năm 2023 được ban hành, cụ thể tại khoản 24 Điều 2.

2.5. Mâu thuẫn trong quy định về điều kiện của chủ thể tham gia hợp đồng về nhà ở

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở năm 2014, người được chủ sở hữu ủy quyền là bên bán nhà, bên cho thuê nhà… Quy định này của Luật Nhà ở mâu thuẫn với quy định tại Điều 562 về khái niệm hợp đồng ủy quyền: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy, trong hợp đồng mua bán nhà, cho thuê nhà thì tư cách pháp lý của người được ủy quyền trong những loại hợp đồng trên là người đại diện của bên bán nhà, bên cho thuê nhà (đại diện cho chủ sở hữu nhà ở). Tuy nhiên, khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở lại quy định bên bán nhà, bên cho thuê nhà… là người được chủ sở hữu ủy quyền. Quy định này trái với tinh thần của pháp luật dân sự về cả ủy quyền và đại diện trong giao dịch dân sự. Bởi căn cứ theo Điều 134 BLDS năm 2015: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Như vậy, bản chất của ủy quyền là người được ủy quyền nhân danh người ủy quyền thực hiện hành vi pháp lý và các công việc thực tế với chủ thể thứ ba, chứ không phải nhân danh chính mình. [v]

Nhóm tác giả xin lấy một ví dụ minh chứng cho những bất cập qua thực tiễn việc áp dụng các quy định của Luật Nhà ở. Giả sử ông Nguyễn Văn A là chủ sở hữu một căn biệt thự tại thành phố Đà Nẵng. Vì lí do công vụ phải đi nơi khác, ông A ủy quyền cho em gái mình là chị Nguyễn Thị B thực hiện việc bán căn nhà này, hợp đồng ủy quyền giữa ông A và chị B là hợp pháp. Chị B sau một thời gian đã tìm được người mua nhà là ông Lê Văn C. Trong giao dịch mua bán nhà ở tình huống này, ông Nguyễn Văn A là chủ sở hữu nhà ở (người có các quyền quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở năm 2014). Chị Nguyễn Thị B là người được ông A ủy quyền việc bán nhà, ông Lê Văn C là người mua căn nhà. Ở đây nảy sinh hai tình huống. Tình huống thứ nhất, bên bán nhà sẽ là ông Nguyễn Văn A khi căn cứ vào các quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở, Điều 430 BLDS năm 2015 và khoản 1 Điều 119: “bên bán nhà là chủ sở hữu nhà”. Ngoài ra, căn cứ vào các điều 134, 135, 562 BLDS năm 2015, ông B là người đại diện cho ông A bởi được ông A ủy quyền. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở: “người được chủ sở hữu nhà ở ủy quyền là bên bán nhà”, lúc này, ông B lại trở thành bên bán nhà. Chính sự mâu thuẫn giữa quy định của BLDS năm 2015 và Luật Nhà ở năm 2014 đã gây khó khăn trong thực tiễn hoạt động công chứng, khi xác định chủ thể của giao dịch đối với tình huống này. Tuy nhiên, khi Luật Nhà ở năm 2023 được chính thức thông qua, mâu thuẫn này đã được xóa bỏ hoàn toàn khi không còn quy định bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở là người được chủ sở hữu ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở mà sửa thành “phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.” Quy định này thể hiện sự tiếp thu của các nhà làm luật để đảm bảo cho các quy định của Luật Nhà ở phù hợp với tinh thần của BLDS năm 2015

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Nhà ở và Bộ luật Dân sự

* Khắc phục mâu thuẫn trong quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

 Thứ nhất, đối với khoản 2 Điều 164 Luật Nhà ở năm 2023, nhóm tác giả kiến nghị lược bỏ cụm từ “ký kết” và thay bằng cụm từ “giao kết” để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ về mặt thuật ngữ đối với quy định của BLDS năm 2015. Sự thay đổi trên còn tạo sự thuận tiện cho việc áp dụng Điều 400 BLDS năm 2015 để xác định thời điểm có hiệu lực đối với các hợp đồng về nhà ở.

Thứ hai, đối với khoản 2 Điều 459 BLDS năm 2015, nhóm tác giả kiến nghị sửa đổi theo hướng bổ sung “trừ trường hợp Bộ luật này, luật liên quan có quy định khác”. Việc sửa đổi này sẽ tạo nên sự thống nhất về mặt thuật ngữ giữa BLDS năm 2015 và Luật Nhà ở năm 2023.

* Khắc phục mâu thuẫn trong quy định về nội dung của hợp đồng

Đối với điểm b khoản 1 Điều 52 Luật Nhà ở năm 2023, nhóm tác giả kiến nghị cần sửa đổi theo hướng mềm dẻo, linh hoạt hơn bằng cách tạo điều kiện cho người được bố trí tái định cư được quyền thỏa thuận với chủ đầu tư về nội dung của hợp đồng mua bán nhà ở. Cách sửa đổi như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc tự do thỏa thuận được quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người được bố trí tái định cư.

* Khắc phục mâu thuẫn trong quy định về giao kết hợp đồng và các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự

Đối với khoản 1 Điều 163 Luật Nhà ở năm 2023, nhóm tác giả kiến nghị cần loại bỏ điều khoản này nhằm bảo đảm thống nhất với tinh thần của Điều 398 BLDS năm 2015. Sự tự do thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng về nhà ở cần được tôn trọng, các bên được quyền quyết định về việc có hay không đưa thông tin cá nhân vào hợp đồng về nhà ở. Mặt khác, việc thay đổi này còn bảo đảm phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015.

* Khắc phục mâu thuẫn trong quy định về đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai

Đối với khoản 24 Điều 2 Luật Nhà ở năm 2023, nhóm tác giả kiến nghị cần sửa đổi theo hướng các loại tài sản hình thành trong tương lai cần bao hàm cả yếu tố về mặt pháp lý của tài sản mà không chỉ dựa trên giác độ vật chất. Theo đó, tài sản hình thành trong tương lai gồm 2 loại: (i) Nhà ở, công trình xây dựng và các bất động sản khác đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng; (ii)  Nhà ở, công trình xây dựng và các bất động sản khác đã hình thành nhưng chưa xác lập quyền sở hữu cho chủ thể vào thời điểm xác lập giao dịch. Việc sửa đổi này góp phần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở năm 2023, đồng thời không bỏ sót các loại hình nhà ở hình thành trong tương lai khác đang tồn tại trên thực tế, đảm bảo sự thống nhất với khái niệm tài sản hình thành trong tương lai của BLDS năm 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Quốc hội (2014), Luật Nhà ở năm 2014.

2. Quốc hội (2023), Luật Nhà ở năm 2023.

3. Đinh Văn Thanh, Nguyễn Minh Tuấn (Đồng chủ biên - 2019), Giáo trình luật Dân sự 2, Nxb Công an nhân dân.

4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập II, Nxb. Tư pháp, tr. 380.

5. Nguyễn Minh Oanh (Chủ biên - 2018), Bình luận Luật Nhà ở năm 2014, Nxb. Lao động, Hà Nội

6. Hồ Hương (2023), Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam, ngày 24/08/2023, từ [https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=79244]

7. Nguyễn Quang Tuyến, Tạ Văn Nhất (2020), Pháp luật hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản, Tạp chí Pháp luật Quản lý, truy cập tại

[https://phapluatquanly.vietnamhoinhap.vn/phap-luat-hop-dong-trong-linh-vuc-dan-su-dat-dai-nha-o-va-kinh-doanh-bat-dong-san-423.htm]

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[i] “ Trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm hoàn thành việc công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực”

[ii] PGS. Nguyễn Văn Cừ - PGS. Trần Thị Huệ (Đồng chủ biên) (2017), “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Nxb. Công an nhân dân, tr. 688

[iii] Hồ Hương (2023), “Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thời điểm hiệu lực hợp đồng”, Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam, truy cập từ

[https://quochoi.vn/vanphongquochoi/tochucdangtoanthe/Pages/van-phong-dang-doan-the.aspx?ItemID=79244]

[iv] Nguyễn Quang Tuyến, Tạ Văn Nhất (2020), “Pháp luật hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản”, Tạp chí Pháp luật Quản lý, từ

[https://phapluatquanly.vietnamhoinhap.vn/phap-luat-hop-dong-trong-linh-vuc-dan-su-dat-dai-nha-o-va-kinh-doanh-bat-dong-san-423.htm]

[v] Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập II”, Nxb. Tư pháp, tr. 380.

Conflicts about contract formation regulations between the Civil Code and the Law on Housing in Vietnam: Current situation and recommendations

 Nguyen Xuan Thinh1

Ninh Bao Ky1

Le Quy Nhan1

1Student, Hanoi Law University

Abstract:

This paper focused on clarifying current conflicts between the Civil Code and the Law on Housing in Vietnam. Based on the paper’s findings, some recommendations were made to improve contract formation regulations in the current period. These recommendations aimed to overcome conflicts between regulations on the effective date of the contract and the content of the contract based on the Civil Code’s basic principles and regulations on the subject of contracts for transferring assets to be formed in the future.

Keywords: contract, unification, Civil Code, the Law on Housing.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2024]

Tạp chí Công Thương