Ổn định giá đầu vào cho sản xuất
Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã tác động tới ngành sản xuất nội địa do phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn với hàng nhập khẩu. Nhằm bảo vệ thị trường nội địa một cách công bằng, chống lại hiện tượng hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Từ 2016 đến nay, Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp PVTM với nhiều mặt hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài, đối tượng bị áp thuế tự vệ không khiếu nại các biện pháp này do cơ quan điều tra PVTM chứng minh rất rõ ràng mối liên hệ nhân - quả giữa việc tăng nhanh khối lượng, giá trị nhập khẩu với sự thiệt hại của các ngành sản xuất trong nước về thị phần, công suất, doanh thu, lợi nhuận, nhân công, tồn kho.
Các biện pháp PVTM đã khiến việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó, những năm 2011 đến 2015 đã lên tới 20 triệu đồng/tấn so với trên 10 triệu đồng từ 2018 đến nay.
Các biện pháp PVTM đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của trên 100.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước.
Cân bằng 3 chủ thể
Đến nay có thể đánh giá việc áp dụng công cụ PVTM đã bảo vệ được sự công bằng trên thị trường của các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng đối với các sản phẩm phân bón, mì chính, tôn màu, phôi thép và thép dài, dầu nành, đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.
Có được điều này là do cơ quan quản lý đã rất cân nhắc khi áp dụng biện pháp PVTM theo hướng đảm bảo sự công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Ví dụ điển hình là trường hợp áp thuế tự vệ với phân DAP. Cơ quan điều tra đã kết luận mức chênh lệch giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (bằng mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán trong điều kiện không có thiệt hại) là 1.855.790 đồng/tấn. Nhưng Việt Nam chỉ áp thuế tự vệ 1.128.531 đồng/tấn, bằng 60% mức thuế được quyền áp dụng theo quy định của WTO.
Điều đó cho thấy, công cụ PVTM được đưa ra không nhằm bảo hộ doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu để bảo vệ tính cân bằng của thị trường của 3 chủ thể tham gia, gồm doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhà xuất khẩu nước ngoài và người tiêu dùng (nông dân). Mức thuế tự vệ chỉ bằng 60% mức được quyền áp dụng không chỉ chặn đứng hành vi bán phá giá của nhà xuất khẩu nước ngoài, mà còn giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước đổi mới quản trị, quản lý để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và công tác tiếp thị.
Việc áp thuế tự vệ với phôi thép, thép dài, tôn mạ kẽm, tôn mạ màu cũng tương tự, giúp sản xuất trong nước phát triển mà không làm triệt tiêu động lực cạnh tranh. Với những ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, thép, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo... khi sản xuất trong nước đủ mạnh để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó.
Thực tế ở nước ta đã cho thấy, nếu sản xuất trong nước không tự lực thì hôm nay có được hàng hóa giá rẻ nhưng ngày mai sẽ phải chấp nhận nhập khẩu giá đắt. Nhưng nếu áp thuế tự vệ ở mức cao không cần thiết, có thể triệt tiêu động lực cạnh tranh và tạo ra tâm lý ỷ lại vào bảo hộ.
Vì thế, vấn đề cân bằng thị trường theo hướng bảo vệ lợi ích của 3 chủ thể gồm nhà xuất khẩu nước ngoài, nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng luôn được cơ quan quản lý quan tâm hàng đầu khi sử dụng công cụ PVTM.