Nhận định trên do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra tại Hội thảo Phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chương trình do Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển, Trung tâm Hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CHS) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh sáng ngày 27/11/2020.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong những năm gần đây, các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng.
Cụ thể, giai đoạn 2005 - 2010 mới có 21 vụ việc, thì đến giai đoạn 2011 - 2015 là 52 vụ, giai đoạn 2016 - đến tháng 11/2020 đã lên đến là 99 vụ (49 vụ chống bán phá giá, 15 vụ việc chống trợ giá, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh).
Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẫn tránh nhắm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một số nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM như thép, nhôm, tôm…
Lý do các nước tăng cường áp dụng biện pháp PVTM với Việt Nam là do hàng xuất khẩu Việt Nam tăng rất nhanh nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tham gia các FTA, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường trong nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM.
“Khi phải đối diện với các biện pháp PVTM, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã rất thất vọng. Chúng tôi hiểu, thông cảm với các doanh nghiệp và đang sát cánh cùng họ để đấu tranh chống lại các biện pháp này, thậm chí là kiện các biện pháp này ra WTO”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, các biện pháp PVTM là một thực tế phổ biến trên thế giới trong bối cảnh tự do hóa thương mại mà chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp, sớm hay muộn cũng sẽ phải đối diện.
Mặc dù PVTM là một nội dung tương đối mới tại Việt Nam, nhưng từng bước chúng ta đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngành sản xuất trong nước.
Tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 vụ việc PVTM, bao gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ, 1 vụ việc chống lẫn tránh biện pháp tự vệ.
Đối tượng là các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân DAP, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi và gần đây nhất là đường.
Trong đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẫn tránh biện pháp tự vệ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, các biện pháp này đã góp phần lập lại môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam từ năm 2001 đến nay (khi ta ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2001), mới đạt hơn 30 tỷ USD, thì 6 năm sau (khi gia nhập WTO), đã lên đến con số 100 tỷ USD.
Năm 2011, xuất nhập khẩu đạt 200 tỷ USD và năm 2019 vừa qua đã lên đến con số 517 tỷ USD.
Bên cạnh đó trong cùng giai đoạn, xuất nhập khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD (năm 2001), dự kiến năm 2020 là 270 tỷ USD, với kết quả trên, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.
[Quảng cáo]